Với những yêu cầu kỹ thuật khắt khe như trên, các doanh nghiệp cũng như các phòng thí nghiệm cần có sự kiểm soát chặt chẽ về kết quả và chất lượng thử nghiệm. Để các kết quả thử nghiệm có ý nghĩa và có thể tin tưởng, việc thử nghiệm phải được tiến hành dưới sự kiểm soát chặt chẽ như liệt kê dưới đây. Quy trình này có thể áp dụng đối với phòng thí nghiệm nội bộ hoặc phòng thí nghiệm độc lập.
Tổ chức
Phòng thí nghiệm phải được tổ chức sao cho các thử nghiệm viên nhận thức được trách nhiệm của họ;
Tổ chức phòng thí nghiệm nên bao gồm quản lý phòng thí nghiệm với trách nhiệm toàn diện về việc vận hành kỹ thuật của phòng thí nghiệm;
Phòng thí nghiệm cần vận hành hệ thống chất lượng phù hợp với các phép thử mà họ thực hiện.
Hệ thống chất lượng phải được hiện thực hóa trong Sổ tay chất lượng và cần duy trình tính cập nhật;
Việc vận hành hệ thống chất lượng phòng thí nghiệm phải được xem xét ít nhất là hàng năm và lưu hồ sơ các phát hiện và hành động;
Tất cả các khía cạnh của hoạt động của phòng thí nghiệm phải được văn bản hóa để đảm bảo nhận viên tiếp thu và duy trì chuyên môn cần thiết để thực hiện các phép thử yêu cầu, hiệu chuẩn và duy trì.
Đào tạo nhân viên
Phòng thí nghiệm phải duy trì và cập nhật về hồ sơ đào tạo và kinh nghiệm của tất cả nhân viên tham gia thử nghiệm, bảo dưỡng và hiệu chuẩn;
Nhân viên không được phép tiến hành thử nghiệm mà không có sự giám sát trừ khi việc quản lý phòng thí nghiệm được đánh giá và văn bản hóa cho phép họ thực hiện thử nghiệm.
Phương pháp thử
Phòng thí nghiệm phải lưu các bản copy kết quả thử nghiệm sử dụng trong phòng thí nghiệm. Đó phải là các bản gốc;
Phòng thí nghiệm phải sử dụng các bản cập nhật mới nhất về phương pháp thử. Phòng thí nghiệm phải có thủ tục để kiểm tra ít nhất hàng năm rằng phương pháp thử là cập nhật;
Phương pháp thử phải được sắp xếp ở trung tâm và sẵn sàng cho các thử nghiệm viên tham khảo.
Thiết bị thử nghiệm
Mỗi thiết bị thử nghiệm sử dụng trong phòng thí nghiệm phải được xác định bằng số tham chiếu duy nhất;
Hồ sơ phải được duy trì cho mỗi thiết bị sử dụng để thử nghiệm hoặc hiệu chuẩn theo bộ;
Hướng dẫn sử dụng đối với thiết bị phải được sắp xếp và sẵn sàng cho các thử nghiệm viên tham khảo;
Thiết bị phải được bảo trì, bảo dưỡng thường xuyên để đảm bảo thực hiện đúng các chức năng thử nghiệm;
Phòng thí nghiệm phải thiết lập thủ tục bảo trì đối với tất cả các thiết bị cùng với lịch bảo trì để đảm bảo rằng việc bảo trì được thực hiện đúng thời điểm;
Phòng thí nghiệm phải lưu hồ sơ thực hiện hoạt động bảo trì bảo dưỡng thiết bị.
Hiệu chuẩn thiết bị
Tất cả các thiết bị thử nghiệm phải được hiệu chuẩn với thiết bị hiệu chuẩn truy nguyên được đến chuẩn quốc gia;
Phòng thí nghiệm phải duy trì lịch sử hiệu chuẩn đầy đủ và cập nhật cho tất cả các thiết bị, bao gồm các báo cáo và chứng nhận và tóm tắt các phát hiện;
Các thiết bị phải được ghi nhãn để thể hiện tình trạng hiệu chuẩn và ngày hiệu chuẩn tiếp theo;
Phòng thí nghiệm phải lên lịch để thể hiện khi nào các thiết bị được yêu cầu thực hiện hiệu chuẩn.
Tài liệu tham khảo
Tài liệu tham khảo chuẩn sử dụng trong thử nghiệm phải được kiểm tra để đảm bảo rằng các tài liệu đáp ứng các thông số kỹ thuật trong phương pháp thử;
Hồ sơ phải được tổ chức trong bàn giao và kiểm tra thực hiện cùng với số lô, ngày đầu tiên được áp dụng và chứng nhận sự phù hợp;
Điều kiện môi trường
Tổ chức phòng thí nghiệm phải phù hợp với việc thực hiện các phép thử yêu cầu;
Điều kiện phòng thí nghiệm phải được duy trì ở 23±2°C & 50±2% độ ẩm tương đối theo khuyến nghị ghi trong ISO 18454: 2001. Các điều kiện phòng sẽ được ghi chép và theo dõi liên tục;
Kiểm tra định kỳ phải được thực hiện trong các điều kiện đồng nhất bằng các tiến hành đo đạc một số điểm phù hợp nhất định trong phạm vi phòng thí nghiệm và duy trì hồ sơ kiểm tra;
Việc đo đạc được thực hiện để đảm bảo duy trì điều kiện thử nghiệm tốt trong toàn bộ phòng thí nghiệm.
CHƯƠNG 2: THỰC TRẠNG NGÀNH DA GIẦY VIỆT NAM ĐÁP ỨNG CÁC RÀO CẢN KỸ THUẬT ĐỐI VỚI THƯƠNG MẠI CỦA THỊ TRƯỜNG EU
2.1. Khái quát về tình hình xuất khẩu da giầy của Việt Nam và tình hình xuất khẩu da giầy của Việt Nam vào thị trường EU
2.1.1. Khái quát về tình hình xuất khẩu da giầy của Việt Nam
2.1.1.1. Kim ngạch xuất khẩu da giầy của Việt Nam
Ngành công nghiệp da giầy Việt Nam có lịch sử phát triển từ lâu đời và là một trong những ngành công nghiệp có lợi thế xuất khẩu, đóng góp đáng kể cho kinh tế đất nước. Từ chỗ chỉ sản xuất phục vụ tiêu thụ nội địa, năm 1992, ngành da giầy bắt đầu xuất khẩu được 5 triệu USD, đến năm 2015 đã góp tới 7% vào GDP cả nước3. Cho đến nay, ngành xuất khẩu da giầy của Việt Nam là một trong những ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Kim ngạch xuất khẩu giày dép chiếm tới 10,2%
tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam năm 2016 (chỉ đứng sau kim ngạch xuất khẩu điện thoại các loại, hàng dệt may và máy vi tính, sản phẩm điện tử-linh kiện)
Biểu đồ 2. 1. Mười mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam năm 2016
Nguồn: Số liệu tổng hợp của tác giả, tổng hợp từ trang thông tin điện tử của Tổng cục hải quan Việt Nam (www.customs.gov.vn).
Từ năm 2009 đến năm 2015, tổng kim ngạch xuất khẩu da giầy của Việt Nam tăng đều (từ hơn 4 tỷ USD năm 2009 đến năm 2015 đạt 12 tỷ USD, gấp 3 lần so với năm 2008) dù trong những năm 2009 trở lại đây, kinh tế trong nước và thế giới liên tục gặp khó khăn.
Bảng 2. 1. Kim ngạch xuất khẩu và tốc độ tăng trưởng của xuất khẩu da giầy Việt Nam giai đoạn 2009-2015
Đơn vị: Triệu đô la Mỹ
Năm 2009 2010 2011 2012 2013 2014 2015 Kim ngạch xuất khẩu 4071,3 5123,3 6549,4 7263,9 8400,6 10317,8 12006,9 Tốc độ tăng trưởng -14,6% 25,8% 27,8% 10,9% 15,6% 22,8% 16,4%
Nguồn: Số liệu tác giả tổng hợp từ trang thông tin điện tử của Tổng cục thống kê (www.gso.gov.vn)
Ngành da giầy không chỉ có kim ngạch xuất khẩu lớn, mà ngành da giầy Việt Nam luôn có tốc độ tăng trưởng khá tốt. Theo số liệu tổng hợp từ số liệu của Tổng cục thống kê ở bảng 2.1 trên, tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu của ngành da giầy luôn duy trì ở mức hai con số trong giai đoạn 2009-2015 (ngoại trừ năm 2009, do tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu). Năm 2010, 2011 và 2014, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu da giầy của Việt Nam đã đạt trên 22%, đặc biệt năm 2011 có tốc độ tăng trưởng lên tới gần 28%.
Biểu đồ 2. 2. Kim ngạch xuất khẩu da giầy Việt Nam giai đoạn 2009-2015
Đơn vị: Triệu đô la Mỹ
Nguồn: Số liệu tác giả tổng hợp từ trang thông tin điện tử của Tổng cục thống kê (www.gso.gov.vn)
Điều đó cho thấy, xuất khẩu da giầy đóng vai trò vô cùng quan trọng trong hoạt động xuất khẩu của Việt Nam nói riêng và trong nền kinh tế Việt Nam nói chung.
2.1.1.2. Tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu da giầy Việt Nam trong tổng kim ngạch xuất khẩu da giầy thế giới
Không chỉ có vai trò rất lớn đối với kinh tế trong nước, ngành da giầy Việt Nam cũng có vị thế cao trên thị trường quốc tế. Việt Nam là một trong những nước xuất khẩu da giầy lớn nhất trên thế giới.
Theo ước tính của Trung tâm thương mại quốc tế của UNCTAD/WTO và số liệu của Hiệp hội Da – Giầy – túi xách, giai đoạn 2008-2015, Việt Nam nằm trong top 4 nước sản xuất da giầy lớn nhất thế giới về số lượng (sau Trung Quốc, Ấn Độ và Brazil) và là nước xuất khẩu lớn thứ 3 trên thế giới về giá trị (sau Trung Quốc và Italia). Năm 2015, tổng kim ngạch xuất khẩu da giầy toàn cầu đạt xấp xỉ 133,8 tỷ USD, trong đó, Việt Nam (lần đầu tiên đã trở thành nước xuất khẩu giày dép lớn
thứ hai thế giới) có kim ngạch đạt hơn 12 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 9,3% trong tổng kim ngạch xuất khẩu thế giới. So với năm 2008, tỷ trọng đóng góp của kim ngạch xuất khẩu da giầy Việt Nam trong tông kim ngạch xuất khẩu da giầy trên thế giới đã tăng gần gấp đôi. Năm 2015 cũng là năm sản phẩm da giầy của Việt Nam đã xuất khẩu tới trên 50 nước và vùng lãnh thổ, trong đó EU là một trong những thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam.
Biểu đồ 2. 3. Tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu da giầy của Việt Nam giai đoạn 2008-2015
Nguồn: Số liệu tổng hợp của tác giả theo số liệu từ trang thông tin điện tử của Trung tâm thương mại quốc tế UNCTAD/WTO (www.trademap.org) [48]
Với sự vươn lên mạnh mẽ trong giai đoạn 2008 – 2015 và việc ký kết rất nhiều hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam với các thị trường xuất khẩu chủ lực, tiềm năng phát triển của ngành da giầy xuất khẩu Việt Nam vẫn là rất lớn.
2.1.1.3. Các thị trường xuất khẩu chính của da giầy Việt Nam
Trong giai đoạn 2009 – 2016, sản phẩm da giầy Việt Nam được xuất khẩu sang bốn thị trường chính gồm EU, Bắc Mỹ, Châu Á và Mỹ la tinh. Trong đó, thị trường EU cùng với thị trường Bắc Mỹ luôn là hai thị trường lớn nhất của hàng da giầy xuất khẩu Việt Nam. Năm 2016, tổng kim ngạch xuất khẩu sang hai thị trường
này đạt gần 9 tỷ USD, chiếm 68% trong tổng kim ngạch xuất khẩu da giầy của Việt Nam.
Bảng 2. 2. Kim ngạch xuất khẩu da giầy Việt Nam sang các thị trường lớn năm 2016 Đơn vị: Nghìn Đô la Mỹ Thị trường EU Bắc Mỹ Châu Á Mỹ La tinh Khác Kim ngạch xuất khẩu 4.161.304 4.730.632 2.571.669 740.866 771.169
Nguồn: Số liệu từ trang thông tin điện tử của Hiệp hội Da-Giầy-Túi xách Việt Nam (www.lefaso.org.vn) [42]
Biểu đồ 2. 4. Tình hình xuất khẩu da giầy của Việt Nam sang các thị trường lớn năm 2016
Nguồn: Số liệu từ trang thông tin điện tử của Hiệp hội Da-Giầy-Túi xách Việt Nam (www.lefaso.org.vn) [42]
Biểu đồ trên đã cho thấy EU là một trong những thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Tính riêng 2016, xuất khẩu da giầy sang EU đạt hơn 4 tỷ USD, chiếm 32% tổng kim ngạch xuất khẩu da giầy của Việt Nam Sau thời điểm ký kết Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) năm 2015 triển vọng xuất khẩu giày dép sang thị trường này ngày càng được mở rộng.
Tuy nhiên, sản phẩm da giầy của Việt Nam phần lớn vẫn là gia công cho nước ngoài, trong khi các doanh nghiệp sản xuất trong nước vẫn còn yếu kém do khả năng thiết kế, tự chủ nguyên liệu hạn chế. Điều này khiến cho giá trị gia tăng thực sự đối với ngành xuất khẩu da giầy của Việt Nam là chưa cao. Dù góp hàng chục tỷ USD vào kim ngạch xuất khẩu cả nước mỗi năm, các hiệp định thương mại tự do, đặc biệt EVFTA, được ký kết mở ra rất nhiều cơ hội cho ngành da giầy có thể tiếp tục phát triển và bứt phá, nhưng Hiệp hội Da-Giày-Túi xách Việt Nam cho rằng xuất khẩu da giầy của Việt Nam vẫn chưa được chú trọng, đầu tư xứng đáng với tiềm năng.
2.1.2. Khái quát về thương mại Việt Nam – EU và tình hình xuất khẩu da giầy của Việt Nam vào thị trường EU
2.1.2.1. Khái quát về thương mại Việt Nam – EU
a. Mối quan hệ kinh tế chính trị
Quan hệ ngoại giao Liên minh châu Âu (EU) – Việt Nam được thiết lập lần đầu tiên vào tháng 10 năm 1990 và kể từ đây, Việt Nam đã trở thành một trong những đối tác chính của Liên minh châu Âu tại khu vực Đông Nam Á. Phạm vi hợp tác song phương trải rộng khắp các lĩnh vực, từ các vấn đề chính trị, các thách thức mang tính toàn cầu tới thương mại và phát triển. Cơ quan đại điện ngoại giao của EU - Phái đoàn Đại diện thường trực tại Việt Nam- được thành lập tại Hà Nội vào năm 1996.
Trong mối quan hệ với Việt Nam, Liên minh châu Âu hướng tới:
Hỗ trợ phát triển kinh tế bền vững của Việt Nam và cải thiện điều kiện sống của người nghèo;
Khuyến khích Việt Nam hội nhập kinh tế và hệ thống thương mại thế giới, hỗ trợ quá trình cải cách kinh tế xã hội;
Hỗ trợ quá trình chuyển đổi của Việt Nam hướng tới một xã hội mở dựa trên quản lý công lành mạnh, pháp quyền và tôn trọng nhân quyền;
Một trong những dấu mốc quan trọng đầu tiên của mối quan hệ song phương là việc ký kết Hiệp định Hợp tác Khung vào năm 1995 và bắt đầu có hiệu lực kể từ ngày 1 tháng 6 năm 1996. Hiệp định Hợp tác Khung thiết lập và mở rộng các điều khoản hợp tác vượt ra khỏi định hướng nhân đạo được xác đinh trong thời kỳ đầu trước đó. Hiệp định cụ thể hóa 4 mục tiêu: i) đảm bảo các điều kiện và thúc đẩy sự phát triển của thương mại – đầu tư song phương, ii) hỗ trợ sự phát triển bền vững nền kinh tế Việt Nam, iii) tăng cường hợp tác kinh tế, trong đó có bao gồm việc hỗ trợ những nỗ lực của Việt Nam nhằm hướng tới nền kinh tế thị trường, và iv) hỗ trợ Việt Nam trong công tác bảo vệ môi trường và quản trị bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên.
Năm 2012, Hiệp định Đối tác và hợp tác toàn diện EU – Việt Nam được ký kết, thể hiện cam kết của Liên minh châu Âu trong việc tiến tới mối quan hệ hiện đại, trên diện rộng và cùng có lợi với Việt Nam. Nghị viện châu Âu phê chuẩn Hiệp định Đối tác và hợp tác toàn diện EU – Việt Nam vào tháng 12 năm 2015. Hiệp định Đối tác và hợp tác toàn diện EU – Việt Nam mở rộng hơn nữa phạm vi hợp tác EU – Việt Nam trên các lĩnh vực như thương mại, môi trường, năng lượng, khoa học và kỹ thuật, quản trị công hiệu quả, cũng như du lịch, văn hóa, di cư và cuộc chiến chống tham nhũng và tội phạm có tổ chức.
Theo Hiệp Định đối tác và hợp tác toàn diện Việt Nam – EU, một Ủy ban hỗn hợp, bao gồm đại diện của hai bên, sẽ được thành lập cho các cuộc thảo luận cấp cao về phát triển kinh tế chính trị tổ chức tại EU và Việt Nam, trong đó có sự tiến triển liên tục của Việt Nam trong cải cách kinh tế, hành chính, luật pháp và tư pháp cùng sự thực hiện các chương trình hợp tác của EU.
Với mục tiêu phát triển mối quan hệ đối tác gắn bó và năng động, EU và Việt Nam đã nhất trí theo dõi nhanh việc thực hiện các nội dung chính của Hiệp định Đối tác và hợp tác toàn diện EU – Việt Nam, hàng năm tổ chức Đối thoại Nhân quyền EU – Việt Nam và Tham vấn Chính trị EU – Việt Nam ở cấp Thứ trưởng.
Liên minh châu Âu kỳ vọng việc hiện thực hóa các tiềm năng của những nguyên tắc về thương mại – đầu tư thành lập dưới Hiệp định Đối tác và hợp tác toàn
diện EU – Việt Nam được thực hiện thông qua Hiệp định Thương mại Tự do EU – Việt Nam, sẽ đưa thương mại – đầu tư song phương tới những tầm cao mới. Quá trình đàm phán FTA bắt đầu từ năm 2012 và kết thúc năm 2015. FTA dự kiến