Da giầy cung cấp tại Liên minh Châu Âu phải được ghi nhãn theo Chỉ thị EU 94/11/EC. Đây là quy chuẩn kỹ thuật bắt buộc mà các doanh nghiệp xuất khẩu da giầy sang thị trường EU phải tuân thủ. Chỉ thị EU 94/11/EC được Nghị viện châu Âu và Hội đồng Liên minh châu Âu đưa ra vào năm 1994. Chỉ thị này đưa ra một hệ thống ghi nhãn chung cho các bộ phận chính (các nguyên vật liệu cấu thành các bộ phần chính) của sản phẩm da giầy được bán tại EU.
Các bộ phận của giầy và nguyên phụ liệu cần xuất hiện trên nhãn thông qua ý nghĩa của một số thuật ngữ hoặc hình ảnh minh họa. Nhãn phải được gắn trên ít nhất một chiếc giầy (chiếc bày trên giá) với hình ảnh minh họa như sau:
Hình 1. 1. Nhãn mác của sản phẩm da giầy
Nguồn: Tác giả tự tổng hợp theo trang thông tin điện tử của Liên minh Châu Âu (www.europa.eu)
Trong trường hợp sử dụng các hình minh họa, cần giải thích chi tiết ý nghĩa của các hình đó tại thời điểm bán hàng.
Các bộ phận của giầy được phân loại theo vật liệu cấu thành như sau:
• Mặt ngoài & lớp lót – 80% diện tích bề mặt nhìn thấy
• Đế - 80% diện tích bề mặt sử dụng.
Khi không có nguyên liệu này chiếm tới 80% thì 2 loại nguyên liệu chính cần được đưa ra.
Các nhà sản xuất có trách nhiệm cung cấp nhãn và tính chính xác của nhãn mác đó hoặc, ở nơi giày dép được nhập khẩu, người đầu tiên cung cấp sản phẩm da giầy vào thị trường Châu Âu trong chuỗi cung ứng phải đảm nhận trách nhiệm này.
Các nhà bán lẻ vẫn chịu trách nhiệm đảm bảo rằng sản phẩm da giầy mà họ bán mang nhãn hiệu thích hợp.
Ngoài các nhãn mác bắt buộc, nhà sản xuất có thể gắn nhãn sinh thái một cách tự nguyện. Nhãn mác này giúp người tiêu dùng biết được sản phẩm họ sử dụng có tác động thấp tới môi trường thông qua thông tin về vòng đời của giày dép (từ sản xuất, sử dụng và thải bỏ) được cung cấp trên nhãn sinh thái.
Việc ghi nhãn giày dép và các bộ phận chính của giày dép cung cấp cho người tiêu dùng thông tin để họ có thể đưa ra các quyết định mua sắm thông minh. Chỉ thị cũng giúp bảo vệ ngành công nghiệp da giày của EU khỏi cạnh tranh không lành mạnh từ các nước khác và tăng cường hoạt động của thị trường nội bộ ở Liên minh châu Âu (EU).