Các yếu tố cấu thành môi trường kinh doanh

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) tác động của công tác quản lý nhà nước đến môi trường kinh doanh của các cơ sở bán lẻ nước ngoài trên địa bàn thành phố hà nội (Trang 25 - 28)

Các yếu tố cấu thành môi trường kinh doanh cũng bao gồm các yếu tố tác động đến hoạt động đầu tư và sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp. Như vậy, các yếu tố cấu thành môi trường kinh doanh bao gồm:

(1) Yếu tố kinh tế: Chính sách kinh tế quốc gia, chu kỳ kinh doanh hay tỷ lệ lạm phát, thất nghiệp, tỷ lệ hối đoái, sự phát triển hệ thống tài chính, cơ cấu kinh tế, mô hình tăng trưởng và phát triển...

Tốc độ tăng trưởng kinh tế sẽ phản ánh sức mua và nhu cầu của dân cư. Do vậy, nếu tốc độ tăng trưởng kinh tế cao sẽ là cơ hội tốt cho các doanh nghiệp và doanh nghiệp nào nắm bắt và có khả năng đáp ứng được nhu cầu của khách hàng thì sẽ thành công.

Chu kỳ phát triển kinh tế lại có ảnh hưởng mạnh đến các quyết định của doanh nghiệp và sức cạnh tranh của doanh nghiệp trên thị trường tại mỗi giai đoạn khác nhau. Chu kỳ phát triển kinh tế thường trải qua bốn giai đoạn đó là: thời kỳ phát triển, thời kỳ cực đại, thời kỳ suy thoái và thời điểm cực tiểu.

Tỷ giá hối đoái và giá trị của đồng tiền trong nước có tác động nhanh chóng và sâu sắc đối với từng quốc gia nói chung và từng doanh nghiệp nói riêng đặc biệt là trong điều kiện nền kinh tế mở. Nếu đồng nội tệ lên giá sẽ khuyến khích nhập khẩu do vậy sức cạnh tranh của các doanh nghiệp trong nước sẽ bị giảm ngay trên thị trường trong nước. Ngược lại, khi đồng nội tệ giảm giá, sức cạnh tranh của các doanh nghiệp tăng cả trên thị trường trong nước và thị trường ngoài nước.

Lãi suất cho vay của các ngân hàng cũng ảnh hưởng lớn đến sức cạnh tranh của các doanh nghiệp. Khi lãi suất cho vay cao sẽ làm cho chi phí của các doanh nghiệp tăng và do đó sức cạnh tranh của doanh nghiệp sẽ kém đi.

(2) Yếu tố chính trị và pháp luật: Các yếu tố đó bao gồm hệ thống pháp luật chung của nền kinh tế mà các doanh nghiệp trong nước đều phải tuân thủ. Đồng thời, hệ thống các công cụ chính sách và những quy định của Nhà nước có liên quan đến hoạt động kinh doanh cũng tác động đến các doanh nghiệp. Ở đây, chủ trương, chính sách, cơ chế điều hành, bộ máy hành chính và chế độ hành chính, việc thực thi công vụ của công chức thuộc bộ máy công quyền cũng như việc bảo đảm an ninh, an toàn có tác động đáng kể đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Bởi sự ổn định về chính trị, thể chế chính trị, sự nhất quán trong chủ trương, đường lối cơ bản của quốc gia luôn là yếu tố tạo môi trường kinh doanh hấp dẫn các nhà đầu tư, các doanh nghiệp. Cùng với sự tác động của chính phủ cũng có sự tác động để làm ổn định chính trị có ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh.

(3) Yếu tố văn hóa - xã hội: Các yếu tố văn hóa xã hội có mối liên hệ và tác động qua lại với hoạt động kinh doanh, bao gồm: dân số và thu nhập, yếu tố văn hóa bao gồm các giá trị văn hóa cốt lõi và các giá trị văn hóa thứ phát, vai trò của các tổ chức chính trị, kinh tế và xã hội. Các số liệu về nhân khẩu học của dân cư trong một khu vực thị trường như: số nhân khẩu thường trú, độ tuổi, giới tính, mật độ và phân bố dân cư... là những số liệu cần thiết để các doanh nghiệp xây dựng các chiến lược kinh doanh. Mặt khác các doanh nghiệp cũng cần phải tìm hiểu các số liệu về mức sống, trình độ dân trí, thói quen tiêu dùng, thị hiếu và thu nhập của người dân trong khu vực thị trường để hoạch định kế hoạch kinh doanh và đưa ra các quyết định đầu tư. Có thể xem xét yếu tố dân cư tác động đến tình hình kinh doanh của doanh nghiệp theo 2 hướng:

(4) Yếu tố công nghệ: Yếu tố công nghệ là một trong những yếu tố động nhất làm cho môi trường kinh doanh thay đổi. Xét trong môi trường kinh doanh có thể xem xét thông qua một số yếu tố trong đó đó như: hệ thống chính sách về khoa học công nghệ. Nó thể hiện sự quan tâm và vai trò của quản lý Nhà nước trong việc phát triển kinh tế, phát triển khoa học và công nghệ và là yếu tố quan trọng quyết định đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

(5) Yếu tố tự nhiên, cơ sở hạ tầng kỹ thuật: Xét trong môi trường kinh doanh có thể xem xét các yếu tố: tài nguyên thiên nhiên, cơ sở hạ tầng kinh tế và các nhân

tố tác động chậm và ít nhận thấy đối với các doanh nghiệp đó là các yếu tố tự nhiên. Đây là một trong những điều kiện quan trọng đối với sự phát triển của một nền kinh tế, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả. Tác động của các yếu tố tự nhiên đối với các quyết sách trong kinh doanh từ lâu đã được các doanh nghiệp thừa nhận. Trong nhiều trường hợp chính các điều kiện tự nhiên trở thành một yếu tố rất quan trọng để hình thành lợi thế cạnh tranh của các sản phẩm và dịch vụ. Ngày nay, các yếu tố tự nhiên càng được quan tâm hơn bởi các chính sách hoạt động của nhà nước. Chất lượng môi trường tự nhiên với các vấn đề: ô nhiễm môi trường, sản phẩm kém chất lượng, lãng phí tài nguyên thiên nhiên cùng với nhu cầu ngày càng lớn đối với các nguồn lực có hạn làm cho công chúng cũng như các doanh nghiệp phải thay đổi các quyết định và hoạt động liên quan.

(6) Yếu tố quốc tế và hội nhập: Yếu tố quốc tế và hội nhập trong nền kinh tế cần phải xem xét một số vấn đề gắn liền với việc quản lý Nhà nước có sự tác động tới hoạt động của các doanh nghiệp như: chính sách khuyến khích và thu hút đầu tư, hỗ trợ thương mại, khả năng liên kết trong và ngoài nước và việc xây dựng thể chế kinh tế thị trường đáp ứng hội nhập… Hội nhập thực hiện các cam kết theo các hiệp định song phương và đa phương có những ảnh hưởng đáng kể đến môi trường kinh doanh theo nhiều chiều. Hệ thống luật pháp quốc tế, những hiệp định và thỏa thuận được một loạt các quốc gia tuân thủ ảnh hưởng gián tiếp đến môi trường kinh doanh thông qua việc tạo ra môi trường kinh doanh ổn định và thuận lợi. Việc tăng cường hội nhập, tự do hóa thương mại có tác động làm cho môi trường kinh doanh sẽ năng động hơn, việc lưu thông hàng hóa phát triển hơn vì những trở ngại như thuế quan, thủ tục xuất nhập khẩu, các hạn chế mậu dịch… được cố gắng giảm thiểu, thành tựu khoa học kỹ thuật được sử dụng tối ưu và có hiệu quả hơn. Tuy nhiên, việc thực hiện các cam kết theo tiến trình hội nhập lại cũng đặt ra những thách thức đối với doanh nghiệp. Các doanh nghiệp phải chấp nhận chạy đua trong điều kiện cạnh tranh gay gắt hơn và vẫn phải đối mặt với các hạn chế thương mại khác nhau… Việc quản lý Nhà nước để tạo ra môi trường kinh doanh thuận lợi theo xu thế hội nhập đòi hỏi cơ quan quản lý Nhà nước phải thực sự chủ động và có các chiến lược, chính sách phù hợp theo lộ trình thực hiện các cam kết của quốc gia.

(Mai Thị Phượng, 2015)

Trong phạm vi nghiên cứu của Luận văn này, tập trung nghiên cứu vào yếu tố pháp luật trong môi trường kinh doanh của các cơ sở bán lẻ nước ngoài, bao gồm hệ thống các công cụ chính sách và những quy định của Nhà nước có liên quan đến việc thành lập và hoạt động kinh doanh của các cơ sở bán lẻ nước ngoài. Như vậy hoạt động kinh doanh của các cơ sở bán lẻ nước ngoài chịu ảnh hưởng mạnh mẽ bởi môi trường kinh doanh của các cơ sở bán lẻ nước ngoài, đặc biệt là yếu tố pháp luật. Trước 01/01/2009, các doanh nghiệp có 100% vốn đầu tư nước ngoài không được phép đầu tư vào lĩnh vực bán lẻ tại thị trường Việt Nam do Việt Nam chưa có chính sách mở cửa với loại hình này. Nhờ kết quả của việc gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO) và chủ trương hội nhập kinh tế quốc tế của Nhà nước cho phép các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được phép tham gia vào thị trường bán lẻ Việt Nam thông qua việc thành lập các cơ sở bán lẻ nước ngoài tại Việt Nam. Theo đó từ năm 2009 đến nay, tại thành phố Hà Nội số lượng các cơ sở bán lẻ nước ngoài cũng không ngừng tăng lên với quy mô, chủng loại mặt hàng phong phú. Hiện nay tại thành phố Hà Nội đã có tới 196 cơ sở bán lẻ nước ngoài được cấp giấy phép thành lập tại thành phố Hà Nội (Sở Công Thương, 2019). Đó là bằng chứng rõ nét nhất cho thấy sự ảnh hưởng rất lớn của yếu tố pháp luật trong môi trường kinh doanh đối với việc thành lập các cơ sở bán lẻ nước ngoài. Yếu tố pháp luật trong môi trường kinh doanh không chỉ ảnh hưởng tới việc thành lập cơ sở bán lẻ nước ngoài mà còn ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh của các cơ sở bán lẻ nước ngoài. Ví dụ: Khoản 4 Điều 9 Nghị định 09/2018/NĐ-CP ngày 15/01/2018 của Chính phủ quy định hàng hóa kinh doanh “chưa được cam kết mở cửa thị trường trong các Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên: Dầu, mỡ bôi trơn; gạo; đường; vật phẩm đã ghi hình; sách, báo và tạp chí”, do đó các cơ sở bán lẻ nước ngoài không được phép đưa các mặt hàng này vào kinh doanh tại Việt Nam. Dẫn đến việc hạn chế các mặt hàng được kinh doanh tại các cơ sở bán lẻ nước ngoài.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) tác động của công tác quản lý nhà nước đến môi trường kinh doanh của các cơ sở bán lẻ nước ngoài trên địa bàn thành phố hà nội (Trang 25 - 28)