Như trên đã phân tích, tỷ trọng của kim ngạch xuất khẩu và kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam sang Nam Phi đều chiếm tỷ trọng thấp trong tổng kim ngạch xuất khẩu và tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam, đồng thời kim ngạch theo từng nhóm hàng xuất khẩu và từng nhóm hàng nhập khẩu của Việt Nam với Nam Phi cũng chiếm tỷ trọng thấp trong tổng kim ngạch xuất khẩu và tổng kim ngạch nhập khẩu theo nhóm hàng của Việt Nam, nên Việt Nam và Nam Phi hoàn toàn có khả năng nâng cao kim ngạch trao đổi thương mại giữa hai nước cũng như kim ngạch trao đổi thương mại theo từng nhóm hàng, từ đó thúc đẩy quan hệ thương mại giữa hai nước.
Hàng hóa của Nam Phi và Việt Nam có những khả năng bổ sung cho nhau. Những mặt hàng Nam Phi có nhu cầu, nhưng không thể sản xuất được hoặc sản xuất không đủ đáp ứng nhu cầu, mà cần phải nhập khẩu chính là những mặt hàng mà Việt Nam có thế mạnh như gạo, hạt tiêu, hạt điều, cà phê, giày dép, hàng dệt may, hàng điện tử ... trong khi Việt Nam cần nhập khẩu một số sản phẩm như khoáng sản, sắt, thép, máy móc, hóa chất, gỗ... thì Nam Phi đều có khả năng đáp ứng (Đỗ Đức Định, 2010).
Việt Nam và Nam Phi đều là những nước có dân số đông, với đa số người dân có mức thu nhập thấp, nên thị trường Việt Nam và Nam Phi đều là những thị trường có nhu cầu tiêu thụ lớn, không có đòi hỏi cao về sản phẩm hàng hóa, hàng rào bảo hộ không chặt chẽ như các nước phát triển (Trần Thị Lan Hương, 2006), đồng thời Chính phủ hai nước đều mong muốn phát triển kinh tế thương mại giữa hai nước và tạo điều kiện thuận lợi cho hàng hóa của nhau khi thâm nhập thị trường. Do vậy, hàng hóa của hai nước có thể dễ dàng để thâm nhập thị trường của nhau.
Nam Phi có thế mạnh về sản phẩm khoáng sản, Việt Nam có thế mạnh như hàng thủy sản, cao su ... nên hai bên có thể phát huy hơn nữa thế mạnh của mình để nâng cao kim ngạch trao đổi thương mại giữa hai bên.
3.1.2 Hai bên có nhiều khả năng hợp tác trên nhiều lĩnh vực
Việt Nam và Nam Phi đều đang trong quá trình cải cách theo hướng kinh tế thị trường và mở rộng hội nhập quốc tế, mỗi nước có những lợi thế riêng, nên có nhiều cơ hội và khả năng hợp tác nhiều mặt giữa hai bên (Đỗ Đức Định, 2010).
Nam Phi có thế mạnh về kỹ thuật và công nghệ khai thác tài nguyên khoáng sản, nên có thể hợp tác, hỗ trợ Việt Nam trong việc khai thác và sử dụng tài nguyên khoáng sản một cách có hiệu quả.
Nam Phi đánh giá cao thành công của Việt Nam trong việc phát triển hợp tác xã nông nghiệp, khoán đất nông nghiệp và mong muốn được Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm để xem xét áp dụng vào Nam Phi.
Việt Nam có kinh nghiệm trong phát triển nông nghiệp, cải tạo đất đai, công tác thủy lợi, nên có thể hợp tác và hỗ trợ Nam Phi trong việc khắc phục tình trạng thiếu nước, cải tạo đất đai để phát triển nông nghiệp.
Việt Nam có nhu cầu lớn trong việc giáo dục và đào tạo, trong khi Nam Phi có nền giáo dục phát triển. Đây là cơ hội để hai nước mở rông quan hệ trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo.
Trong lĩnh vực y tế, Nam Phi có ngành y tế phát triển, có trình độ cao và công nghệ hiện đại, điều kiện tự nhiên thuận lợi cho việc điều trị nhiều căn bệnh hiểm nghèo, nhất là căn bệnh ung thư. Việt Nam hiện nay có tỷ lệ người mắc bệnh hiểm nghèo ngày càng cao. Vì vậy, hai nước có cơ hội hợp tác trong lĩnh vực này để người dân Việt Nam có cơ hội được điều trị tại các cơ sở chữa bệnh tại Nam Phi. Bên cạnh đó, Việt Nam và Nam Phi có thể chia sẻ với nhau những kinh nghiệm trong việc ngăn chặn dịch bệnh, đặc biệt là căn bệnh HIV/AIDS.
Việt Nam và Nam Phi là hai quốc gia được đánh giá là các quốc gia sẽ phải chịu ảnh hưởng nặng nề của vấn đề biến đổi khí hậu, nên hai nước cần hợp tác và chia sẻ với nhau trong lĩnh vực này.