Những nhân tố tác động đến quan hệ kinh tế thương mại Việt Nam-Nam Ph

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) phát triển quan hệ kinh tế thương mại việt nam nam phi (Trang 26 - 41)

Nam Phi

Quan hệ kinh tế thương mại giữa Việt Nam và Nam Phi chịu ảnh hưởng của nhiều nhân tố khác nhau. Những nhân tố quan trọng và chủ yếu trực tiếp tác động đến quan hệ kinh tế thương mại giữa hai nước bao gồm những nhân tố sau đây:

1.2.1 Đặc điểm thị trường Nam Phi

Khái quát chung vềđất nước Nam Phi

Nam Phi có tên đầy đủ là Cộng hòa Nam Phi (The Republic of South Africa), nằm ở mỏm cực nam của Châu Phi có diện tích 1.219.602 km2 và được bao bọc

bởi Ấn Độ Dương và Đại Tây Dương. Nam Phi tiếp giáp với các nước Namibia, Bostwana, Zimbabwe, Mozambique và Swaziland. Quốc vương Lesotho nằm trọn trong lòng lãnh thổ Nam Phi ở phía đông nam. Lãnh thổ Nam Phi còn bao gồm hai đảo là đảo Marion và đảo Prince Edward cách thành phố Cape Town 1.920 km về phía đông nam, thuộc về Nam Phi từ năm 1947.

Lãnh thổ Nam Phi gồm hai vùng địa hình khác nhau: vùng cao nguyên nội địa và vùng đất liền ven biển. Ranh giới phân chia hai vùng này là dãy núi Great Escarpment. Vùng cao nguyên nội địa bao gồm những cánh đồng rộng lớn ở độ cao 1.200 m. Vùng đất liền ven biển có chiều rộng từ 80 km đến 240 km ở phía đông và phía nam và từ 60 km đến 80 km ở phía tây.

Nằm ở bán cầu Nam nên Nam Phi có các mùa trong năm ngược lại so với các nước ở bán cầu Bắc. Mùa xuân và mùa hè kéo dài từ tháng Chín cho đến tháng Ba năm sau, mùa thu và mùa đông kéo dài từ tháng Tư đến tháng Tám trong năm. Nam Phi nằm ở vị trí cận nhiệt đới nhưng lại được điều hòa bởi các đại dương từ ba phía, cùng với độ cao của vùng cao nguyên nội địa đã làm cho khí hậu của Nam Phi có các điều kiện khí hậu ôn đới ấm. Nhiệt độ ở Nam Phi thấp hơn so với các nước ở cùng vĩ độ do Nam Phi có độ cao cao hơn nhiều so với các nước này. Mùa hè nhiệt độ từ 15oC - 35oC, mùa đông từ 0oC - 20oC. Nam Phi cũng nằm trong vành đai cận nhiệt đới với áp suất cao, nên thời tiết ở đây khô và nhiều ánh nắng. Gió lớn thường xảy ra ở bờ biển đặc biệt là ở khu vực bờ biển phía tây và phía nam.

Nam Phi là một đất nước tương đối khô với lượng mưa trung bình khoảng 464mm/năm (lượng mưa trung bình của thế giới là 860 mm/năm). Khoảng 65% diện tích lãnh thổ Nam Phi nhận được lượng mưa dưới 500 mm (điều kiện tối thiểu để phát triển nông nghiệp). Khoảng 21% diện tích đất, chủ yếu là vùng khô cằn phía tây, chỉ nhận được lượng mưa dưới 200 mm/năm. Nam Phi cũng thường bị hoành hành bởi nạn hạn hán khốc liệt và kéo dài.

Nam Phi có khoảng 3.000 km, nhưng bờ biển có rất ít vịnh và những hố lõm tự nhiên để làm cảng biển. Sông ngòi ở Nam Phi tàu bè không thể đi lại và hầu hết các cửa sông là không thể làm cảng biển. Sông Orange là con sông lớn nhất ở

Nam Phi dài 2.092 km, bắt nguồn từ dãy núi Drakensberg chạy xuyên qua cao nguyên Lesotho và tiếp nối vào con sông Caledon nằm giữa hai tỉnh Eastern Cape và Free States, trước khi đổ ra Đại Tây Dương nó hình thành nên đường biên giới giữa Nam Phi và Namibia. Các con sông chính khác là các con sông Vaal, Breede, Komati, Olifants, Tugela, Umzimvubu, Limpopo và Molopo. Hồ tự nhiên ở Nam Phi không đáng kể, chỉ có một vài hồ nhân tạo được sử dụng để phục vụ cho tưới tiêu.

Nam Phi có thế giới sinh học tự nhiên đa dạng nhất trên thế giới với nhiều loại động thực vật hoang dã, quí hiếm và phong phú gồm hơn 300 loài động vật, khoảng 860 loài chim và hơn 8.000 loài cây, 1/6 sinh vật biển của thế giới. Ngoài ra, Nam Phi còn nổi tiếng về ngũ đại (big five) bao gồm sư tử, voi, tê giác, báo và trâu rừng (trên mặt đất); cá voi, cá mập, cá heo, cá mác-lin, và cá ngừ (dưới biển). Đây là những điều kiện tự nhiên thuận lợi cho Nam Phi phát triển ngành du lịch.

Nam Phi là một đất nước giàu tài nguyên khoáng sản. Các mỏ khoáng sản của Nam Phi có trữ lượng lớn và hiếm có trên thế giới như mangan, crom, vanadi, vàng, alumino–silicat, titan, quặng sắt, đồng, ngọc, kim cương, than,... Nam Phi đứng thứ nhất thế giới về sản lượng platinum, đứng thứ hai thế giới về sản lượng palladium, đứng thứ 3 thế giới về sản lượng vàng, đứng thứ sáu thế giới về sản lượng than 1. Đây là điều kiện tự nhiên thuận lợi cho Nam Phi trong phát triển kinh tế.

Nam Phi có hệ thống trị chính trị đa đảng và có nhiều đảng phái khác nhau như: Đảng Đại hội Dân tộc Phi (ANC - Africa National Congress), Đảng tự do Inkatha (IFP - Inkatha Freedom Party), Đảng Liên minh Dân chủ (DA - Democratic Alliance), Đảng Tự do kinh tế (EFF - Economic Freedom Fighters), Đảng Dân tộc mới (NNP - New National Party), Đảng Đại hội Pan Phi (PAC - Pan Africanists Congress), … trong đó Đảng ANC là đảng lãnh đạo nhân dân Nam Phi đấu tranh lật đổ chế độ Apacthai và luôn là đảng cầm quyền kể từ khi chế độ Apacthai chấm dứt từ năm 1991 đến nay.

1South Africa: Investor’s Handbook 2014/15, The Department of Trade and Industry (the dti), page 3,

Nam Phi là nhà nước theo chế độ dân chủ lập hiến dưới hình thức cộng hòa nghị viện với một cơ quan tư pháp độc lập và hệ thống chính quyền 3 cấp: chính quyền quốc gia, chính quyền cấp tỉnh và chính quyền cơ sở. Mỗi cấp chính quyền đều có cơ quan lập pháp và hành pháp của mình. Nghị viện (Parliament) là cơ quan lập pháp của Nam Phi có quyền ban hành pháp luật. Nghị viện gồm 2 cơ quan là Hạ viện (National Assembly) và Hội đồng tỉnh (National Council of Province). Hạ viện gồm 350 - 400 thành viên được bầu theo hệ thống đại diện với nhiệm kỳ là 5 năm, bầu ra Tổng thống và theo dõi hoạt động của Cơ quan hành pháp. Tổng thống là người đứng đầu nhà nước và lãnh đạo nội các. Hội đồng tỉnh gồm 90 thành viên do các tỉnh đề cử, mỗi tỉnh đề cử 10 thành viên và có nhiệm vụ đề đạt yêu cầu, lợi ích của các tỉnh. Chính quyền cơ sở được phép có đến 10 đại biểu làm việc bán thời gian, đại diện cho các thị trấn, quận, huyện tham gia vào các kỳ họp của Hội đồng tỉnh.

Đất nước Nam Phi được chia thành 9 tỉnh: Eastern Cape, Free State, Gauteng, KwaZulu-Natal, Limpopo, Mpumalanga, Northern Cape, North West và Western Cape. Mỗi tỉnh có cơ quan lập pháp gồm 30 - 80 thành viên. Các thành viên này bầu ra người đứng đầu Hội đồng hành pháp. Mỗi tỉnh được chia thành các đơn vị cơ sở.

Pháp luật của Nam Phi dựa trên Luật Rôma - Hà Lan do Công ty Đông Ấn Hà Lan đưa ra vào thế kỷ 19 và chịu ảnh hưởng nhiều của Luật Anh, đặc biệt là luật công ty và luật chứng cứ. Năm 1910, Nam Phi có Nghị viện riêng của mình và từng bước xây dựng nên một hệ thống pháp luật hiện nay tương đối đầy đủ và hoàn thiện trên cơ sở các luật pháp trước đó.

Theo Cơ quan thống kê Nam Phi, dân số Nam Phi đến giữa năm 2017 khoảng 55,52 triệu người, đứng thứ 30 thế giới 2. Khoảng 28,9 triệu người (51% dân số) là phụ nữ, 29,6% dân số ở độ tuổi dưới 15 tuổi, 8,1% (khoảng 4,6 triệu người) ở độ tuổi trên 60 tuổi, 53,3% dân số trong độ tuổi lao động từ 15 tuổi đến 60 tuổi. Dân số Nam Phi bao gồm nhiều chủng tộc, bộ lạc và nhiều nền văn hóa

2

South Africa: Investor’s Handbook 2014/15, The Department of Trade and Industry (the dti), page 6,

khác nhau: từ da đen, da trắng đến da màu, từ văn hóa Châu Âu, Châu Á đến Châu Phi. Người da đen chiếm số đông khoảng 79,2% trong cộng đồng cư dân Nam Phi. Các nhóm dân tộc chính bao gồm Zulu, Xhosa, Basotho, Bapedi, Venda, Tswanna, Tsonga, Swari và Ndebele, tất cả nói tiếng Bantu. Những nhóm dân tộc khác được phân bổ dọc biên giới với những nước láng giềng như: dân tộc Ndebele xuất hiện ở Matabeleland của Zimbabue, tộc người Tsonga ở phía nam Mozambique…. Người da trắng chiếm 8,9% dân số và xuất phát từ những nguồn gốc khác nhau. Người Boer thuộc Công ty Đông Ấn Hà Lan là những người da trắng đầu tiên đến định cư ở Nam Phi từ năm 1651 và được gọi là người Africaner và nói tiếng Afrikaans, một ngôn ngữ Hà Lan đã được giản lược và pha trộn với tiếng Pháp và tiếng Đức. Năm 1759, người Anh xâm chiếm vùng Cape và hình thành nên cộng đồng nói tiếng Anh ở đây. Năm 1820, hàng nghìn người Anh đã cập cảng Elizabeth rồi định cư ở các vùng xung quanh. Người gốc Anh hiện nay chiếm đa số trong những người da trắng ở Nam Phi. Dân số Nam Phi còn bao gồm người gốc Châu Âu đến từ Pháp, Đức, Hy Lạp, Ý, Bồ Đào Nha…, người gốc châu Á chiếm 2,5% dân số và đến từ Ấn Độ, Trung Quốc … và người da màu hay người lai là con cháu hỗn huyết của người da đen với người Châu Âu và Châu Á.

Hiến pháp Nam Phi công nhận 11 ngôn ngữ chính thức: Afrikaans, English, isiNdebele, isiXhosa, isiZulu, Sesotho, Sepedi, Setswana, Siswati, Tshivenda và Xitsonga. Theo cuộc khảo sát cộng đồng của Cơ quan thông kê Nam Phi năm 2016, isiZulu là ngôn ngữ mẹ đẻ của 24,6% dân số, tiếp đó là isiXhosa 17,0%, Afrikaans 12,1%, Sepedi 9,5%, Tiếng Anh 8,3%, Setswana 8,8%, ít nhất là isiNdebele 1,6%. Mặc dù Tiếng Anh là ngôn ngữ mẹ đẻ của chỉ 8,3% dân số, nhưng đó lại là ngôn ngữ được hiểu rộng rãi nhất và là ngôn ngữ thứ 2 của phần lớn người dân Nam Phi.

Nam Phi là một đất nước dân chủ và được tự do tôn giáo. Theo cuộc khảo sát cộng đồng năm 2016 của Cơ quan thống kê Nam Phi, 43.423.717 người dân Nam Phi theo đạo Thiên chúa, 892.685 người theo đạo Hồi, 2.454.887 người theo tôn giáo Châu Phi truyền thống, 561.268 người theo đạo Hindu, 24.808 người theo

đạo Phật, 6.881 người theo đạo Bà-hai, 52.598 người theo chủ nghĩa vô thần…, 1.482.210 người theo các tôn giáo khác, 704.358 người không rõ tôn giáo.

Lịch sử hình thành và phát triển

Từ thế kỷ 16 trở về trước, trên lãnh thổ Nam Phi ngày nay chỉ có các bộ lạc người Phi (Bantu, Khoi-Khoi và Hottentotes) sinh sống. Thế kỷ 17 - 18, người Anh và người Hà Lan đến khai phá và chiếm giữ miền đất này, đẩy người dân bản xứ vào sâu trong lục địa. Sau cuộc chiến tranh 3 năm (1899 - 1902), người Boer (gốc Hà Lan) buộc phải chấp nhận sự bảo hộ của thực dân Anh. Năm 1910, Anh sát nhập 4 tỉnh (Cape, Orange, Transval và Natal) thành Liên bang Nam Phi tự trị dưới sự bảo hộ trực tiếp của Anh.

Từ năm 1948, Đảng Quốc gia của người da trắng lên nắm chính quyền ở Nam Phi, thi hành chính sách Apacthai và các đạo luật phân biệt chủng tộc, đàn áp người bản xứ. Tầng lớp tư sản Nam Phi đã lợi dụng nguồn tài nguyên giàu có và giá nhân công bản xứ rẻ mạt tạo nên “thần kỳ kinh tế” trong thập kỷ 60, xây dựng một cơ sở hạ tầng kinh tế tương đối phát triển tại Nam Phi.

Ngày 31/5/1961, chính quyền Nam Phi rút ra khỏi Khối Liên hiệp Anh và tuyên bố thành lập nước Cộng hoà Nam Phi độc lập.

Đảng Đại hội dân tộc Phi (ANC), do Nelson Madela sáng lập năm 1923, tiền thân là Đảng Đại hội dân tộc bản xứ Nam Phi ra đời tháng 1 năm 1912, tập hợp nhiều sắc tộc, tôn giáo, trí thức, tư sản, nhân dân lao động đấu tranh cho tự do, công bằng và xây dựng một xã hội không phân biệt chủng tộc ở Nam Phi. Đảng ANC đã lãnh đạo nhân dân Nam Phi đấu tranh chống chủ nghĩa Apacthai.

Từ cuối những năm 80, trước sức ép của cộng đồng quốc tế và sức mạnh đấu tranh của nhân dân, Chính quyền Nam Phi đã buộc phải tiến hành cải cách, đối thoại với các đảng phái đối lập, trả tự do cho các nhà hoạt động chính trị trong đó có Nelsson Maldela là lãnh tụ đảng Đại hội Dân tộc Phi (ANC). Năm 1991, bộ máy nhà nước của chế độ Apacthai đã bị giải thể và chủ nghĩa Apacthai chính thức được bãi bỏ.

Tháng 10 năm 1994, Nam Phi đã tổ chức cuộc bầu cử một cách hòa bình - cuộc tổng tuyển cử đa sắc tộc đầu tiên ở Nam Phi. Đảng ANC giành thắng lợi lớn chiếm 62,7% số phiếu, dành quyền đứng ra thành lập Chính phủ mới trên phạm vi toàn quốc. Ông Nelson Mandela đã trúng cử Tổng thống nước Cộng hòa Nam Phi và thành lập Chính phủ đoàn kết dân tộc bao gồm các đảng phái đối lập để điều hành đất nước.

Kể từ đó đến nay, Đảng ANC liên tục giành thắng lợi trong các cuộc bầu cử và nắm giữ chức vụ Tổng thống lãnh đạo và điều hành đất nước, thực hiện cải cách kinh tế, xây đựng nên đất nước Nam Phi phát triển như ngày nay.

Kinh tế Nam Phi

Trong suốt thế kỷ 19, nền kinh tế Nam Phi chủ yếu dựa vào nông nghiệp. Năm 1867, người ta phát hiện được mỏ kim cương tại Kimberley và vào những năm 1880 người ta tìm ra mỏ vàng tại Witwatersrand. Việc phát hiện ra khoáng sản đã thúc đẩy Nam Phi bước vào kỷ nguyên công nghiệp từ đầu thế kỷ XX.

Về tăng trưởng kinh tế, theo số liệu của Cơ quan Thống kê Nam Phi, từ năm 2013 đến 2016, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Nam Phi liên tục giảm từ 2,49% năm 2013 xuống 0,28% năm 2016. GDP danh nghĩa của Nam Phi liên tục tăng và năm 2016 đạt 4.300.000 triệu rand. Theo xếp hạng của World Bank, Nam Phi có nền kinh tế đứng thứ 33 thế giới, thu nhập bình quân đầu người đứng thứ 7 thế giới, đứng thứ nhất trong số các quốc gia có mức thu nhập trung bình cao 3.

Nhờ có lợi thế về tài nguyên khoáng sản, Nam Phi có điều kiện phát triển mạnh mẽ nền công nghiệp. Công nghiệp có tỷ trọng trong GDP chiếm từ 25,47% đến 25,47% trong giai đoạn 2011 - 2016

Từ việc xuất khẩu khoáng sản, Nam Phi đã nhập khẩu các công nghệ kỹ thuật tiên tiến, hiện đại để phát triển nhóm ngành Sản xuất và chế tạo trở thành ngành công nghiệp chiếm tỷ trọng cao nhất trong công nghiệp Nam Phi với những ngành

3

South Africa: Investor’s Handbook 2014/15, The Department of Trade and Industry (the dti), page 3,

như công nghiệp ô tô, chế tạo máy, dệt may, hóa chất, phân bón, chế biến thực phẩm, đồ uống, sửa chữa tàu biển, năng lượng... rất phát triển.

Do có thế mạnh về nguồn tài nguyên khoáng sản, nên nhóm ngành khai khoáng của Nam Phi rất phát triển với kỹ thuật công nghệ đứng đầu thế giới. Nhóm ngành Khai khoáng giữ vị trí thứ hai trong công nghiệp của Nam Phi.

Nhóm ngành Xây dựng của Nam Phi tuy đóng góp tỷ lệ thấp vào GDP, nhưng trong những năm gần đây nhóm ngành này ngày càng phát triển với tỷ lệ đóng góp vào GDP ngày càng tăng, đạt 3,55% năm 2016.

Bảng 1.1: GDP của Nam Phi 2011 - 2016 (theo giá cố định 2010)

Đơn vị: triệu Rand

NĂM 2011 2012 2013 2014 2015 2016

GDP danh nghĩa 3.000.000 3.000.000 3.400.000 3.800.000 4.000.000 4.300.000 GDP thực tế 2.838.258 2.901.076 2.973.292 3.023.826 3.063.101 3.071.658

NÔNG NGHIỆP 66.913 68.093 71.143 76.041 71.418 65.843

Nông lâm ngư nghiệp 66.913 68.093 71.143 76.041 71.418 65.843

CÔNG NGHIỆP 763.066 766.382 783.052 783.550 792.372 782.235 Khai khoáng 228.646 221.990 230.772 227.522 236.457 225.300 Sản xuất và chế tạo 369.582 377.330 381.173 382.006 381.078 383.639 Điện, nước và khí đốt 68.978 68.733 68.289 67.515 66.484 64.164 Xây dựng 95.860 98.329 102.818 106.507 108.353 109.132 DỊCH VỤ 1.744.999 1.798.106 1.845.788 1.888.785 1.919.390 1.945.596 Thương mại, phục vụ và lưu trú 385.696 400.938 408.968 415.480 421.407 426.525 Vận tải, kho bãi và truyền thông 237.442 243.188 250.129 258.023 260.932 261.952 Tài chính, bất động sản và kinh

doanh 545.802 562.042 576.707 589.314 605.550 617.168

Dịch vụ công 423.833 436.466 450.454 463.315 467.062 473.592

Dịch vụ tư nhân 152.226 155.472 159.530 162.653 164.439 166.359

Thuế trừ đi trợ cấp 263.280 268.495 273.309 275.450 279.921 277.984

Nguồn: Cơ quan Thống kê Nam Phi tại http://www.statssa.gov.za/?page_id=1854&PPN

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) phát triển quan hệ kinh tế thương mại việt nam nam phi (Trang 26 - 41)