1.2.4.1 Các nhân tố khách quan
Trước tiên phải kể đến yếu tố chính sách kinh tế của Nhà nước. Đây là nhân tố có ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả sản xuất kinh doanh nói chung và hiệu quả sử dụng vốn lưu động nói riêng. Vì tuỳ theo từng thời kỳ, tuỳ theo từng mục tiêu phát triển mà Nhà nước có những chính sách ưu đãi về vốn về thuế và lãi suất tiền vay đối với từng ngành nghề cụ thể, có chính sách khuyến khích đối với ngành nghề này nhưng lại hạn chế ngành nghề khác. Bởi vậy khi tiến hành sản xuất kinh doanh bất cứ một doanh nghiệp nào cũng quan tâm và tuân thủ chính sách kinh tế của Đảng và Nhà nước.
Thứ hai là ảnh hưởng của môi trường kinh tế vĩ mô như lạm phát có thể dẫn tới sự mất giá của đồng tiền làm cho vốn của các doanh nghiệp bị mất dần theo tốc độ trượt giá của tiền tệ hay các nhân tố tác động đến cung cầu đối với hàng hóa của doanh nghiệp, nếu nhu cầu hàng hóa giảm xuống sẽ làm cho hàng hóa của doanh nghiệp khó tiêu thụ, tồn đọng gây ứ đọng vốn và sử dụng vốn lưu động cũng bị giảm xuống.
Thứ ba là ảnh hưởng từ con người. Là yếu tố quyết định nhất trong việc đảm bảo sử dụng vốn có hiệu quả trong doanh nghiệp. Một doanh nghiệp có trong tay một đội ngũ cán bộ có năng lực, trình độ cao và giàu kinh nghiệm làm việc, khả năng tiếp thu nhanh những công nghệ hiện đại, có tính sáng tạo, … sẽ đem lại hiệu quả kinh doanh cho doanh nghiệp và ngược lại. Bên cạnh đó, với một đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý có năng lực và có khả năng sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả sử dụng vốn của doanh nghiệp. Vì với đội ngũ này, doanh nghiệp sẽ xây dựng
có, xây dựng mối quan hệ tốt với đối tác và khách hàng, … tạo được một ê kíp làm việc từ trên xuống dưới đoàn kết, ăn ý và có hiệu quả. Ngoài ra, trình độ về mặt tài chính hết sức quan trọng, quy trình hạch toán của doanh nghiệp có phù hợp, số liệu kế toán có chính xác thì quyết định tài chính của người lãnh đạo doanh nghiệp mới có cơ sở khoa học. Việc thu chi phải rõ ràng, đúng tiến độ, kịp thời, tiết kiệm mới nâng cao hiệu quả sử dụng vốn của doanh nghiệp. Việc quản lý hàng tồn kho, quản lý khâu sản xuất, tiêu thụ cũng hết sức quan trọng góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng vốn của doanh nghiệp.
1.2.4.2 Các nhân tố chủ quan
a. Quy mô của doanh nghiệp
Khi quy mô của doanh nghiệp tăng lên, nhu cầu vốn lưu động của doanh nghiệp sẽ lớn hơn để phục vụ cho việc mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh. Thêm vào đó, các dự án mới cũng sẽ làm phát sinh nhu cầu vốn lưu động tăng thêm dưới dạng hàng tồn kho và các khoản phải thu. Các nghiên cứu thực nghiệm của Chiuou & cộng sự (2006), Gill (2011) cũng đưa ra các bằng chứng ủng hộ lập luận trên.
b. Hiệu quả quản lý vốn lưu động
Trong cùng một ngành, doanh nghiệp nào có hiệu quả quản lý vốn lưu động tốt hơn sẽ có nhu cầu vốn lưu động thấp hơn. Hiệu quả quản lý vốn lưu động cao sẽ giúp tăng tốc độ luân chuyển của vốn lưu động, qua đó giải phóng vốn bị giam trong tài sản lưu động, giúp giảm nhu cầu về vốn lưu động.
c. Tăng trưởng doanh thu của doanh nghiệp
Một nhân tố quan trọng tác động trực tiếp đến hiệu quả sử dụng vốn lưu động của doanh nghiệp là kết quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp hay nói cách khác là doanh thu và lợi nhuận. Doanh thu và lợi nhuận cao hay thấp phản ánh vốn lưu động sử dụng hiệu quả hay không hiệu quả. Do đó vấn đề mấu chốt đối với doanh nghiệp là phải tìm mọi cách để nâng cao doanh thu và lợi nhuận. Khi doanh nghiệp xác định một nhu cầu vốn lưu động không chính xác và một cơ cấu vốn không hợp lý cũng gây ảnh hưởng không nhỏ tới hiệu quả sử dụng vốn.
Việc lựa chọn dự án và thời điểm đầu tư cũng có một vai trò quan trọng đối với sử dụng vốn. Nếu doanh nghiệp biết lựa chọn một dự án khả thi và thời điểm đầu tư đúng lúc thì sẽ tối thiểu hóa chi phí và tối đa hóa lợi nhuận qua đó góp phần quản trị vốn nói chung và vốn lưu động nói riêng.
Chất lượng công tác quản lý vốn lưu động cũng có ảnh hưởng rất lớn đến sử dụng vốn lưu động của doanh nghiệp. Bởi vì, công tác quản lý vốn lưu động sẽ giúp cho doanh nghiệp dự trữ được một lượng tiền mặt tốt vừa đảm bảo được khả năng thanh toán vừa tránh được tình trạng thiếu tiền mặt tạm thời hoặc lãng phí do giữ quá nhiều tiền mặt, đồng thời cũng xác định được một lượng dự trữ hợp lý giúp cho quá trình sản xuất kinh doanh được liên tục mà không bị dư thừa gây ứ đọng vốn. Ngoài ra công tác quản lý vốn lưu động còn làm tăng được số lượng sản phẩm tiêu thụ chiếm lĩnh thị trường thông qua chính sách thương mại.
d. Cơ cấu vốn
Cơ cấu vốn là thuật ngữ dùng để chỉ một doanh nghiệp đang sử dụng các nguồn vốn khác nhau với một tỷ lệ nào đó của mỗi nguồn để tài trợ cho tổng tài sản đó. Các doanh nghiệp khác nhau sẽ có cơ cấu vốn khác nhau, do đó chi phí vốn sẽ khác nhau. Cơ cấu vốn có liên quan đến việc tính chi phí vốn. Để sử dụng hiệu quả nguồn vốn huy động thì nhà quản lý phải tìm ra một cơ cấu vốn phù hợp với tình hình cụ thể của từng doanh nghiệp..
e. Thị trường của doanh nghiệp
Bất kỳ một doanh nghiệp nào hoạt động trong điều kiện hiện nay cũng đều chịu tác động của thị trường. Nếu hoạt động của doanh nghiệp không được thị trường chấp nhận thì doanh nghiệp đó coi như không tồn tại. Vậy nhân tố nào đảm bảo cho doanh nghiệp được xã hội công nhận. Có rất nhiều yếu tố nhưng yếu tố không thể thiếu được phải kể đến là vốn của doanh nghiệp. Doanh nghiệp mạnh hay yếu, có khả năng cạnh tranh được với các loại hình doanh nghiệp khác hay không thì phần lớn là bắt đầu từ nguồn vốn mà ra. Vốn giúp cho doanh nghiệp bước vào hoạt động còn quyết định sự tồn tại của doanh nghiệp là thị trường. Thị trường tác động đến cả “đầu vào” và “đầu ra” của doanh nghiệp. Nếu thị trường ổn định sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và có nhiều cơ hội hội nhập vào xu thế toàn cầu hóa. Ngược lại, nếu thị trường biến động thường xuyên liên tục sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp như: Sự biến động về giá cả, sự tiêu thụ hàng hóa, sự thay đổi nhu cầu người tiêu dùng, sở thích của các tác nhân thị trường,… cuối cùng là tác động đến chi phí của doanh nghiệp, mà hiệu quả sử dụng vốn là yếu tố được xem xét và quan tâm hàng đầu đối với nhà quản lý. Mặt khác, thị trường còn đóng vai trò là nơi tái tạo nguồn vốn để doanh nghiệp thực hiện tái sản xuất kinh doanh mở rộng trên cơ sở đẩy mạnh hiệu quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Rủi ro kinh doanh là rủi ro cố hữu trong tài sản của doanh nghiệp trong trường hợp doanh nghiệp không sử dụng nợ vay. Rủi ro kinh doanh càng lớn thì tỷ lệ nợ tối ưu càng thấp. Khi các rủi ro xảy ra dẫn đến tình trạng bị mất uy tín, mất đối tác, mất khách hàng… và cuối cùng là thất bại trong kinh doanh, hiệu quả sử dụng vốn kém. Do vậy, muốn thành công trong kinh doanh, các doanh nghiệp phải biết chấp nhận rủi ro, phải biết đầu tư đúng hướng, xem rủi ro nào có thể chấp nhận được và rủi ro nào không thể chấp nhận được.
Một nhân tố khác ảnh hưởng tới quản trị vốn lưu động của doanh nghiệp là khả năng thanh toán. Nếu đảm bảo tốt khả năng thanh toán doanh nghiệp sẽ không bị mất tín nhiệm trong quan hệ mua bán và không có nợ quá hạn.
CHƯƠNG 2: THỰC TRẠNG QUẢN TRỊ VỐN LƯU ĐỘNG TẠI CÔNG TY XÂY DỰNG CÔNG NGHIỆP MỎ
2.1 Khái quát về Công ty Xây dựng Công nghiệp Mỏ 2.1.1 Lịch sử hình thành và phát triển