Giải pháp về quản lý nghiệp vụ

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) thực trạng và giải pháp đối với hoạt động tái bảo hiểm phi hàng hải tại tổng công ty cổ phần bảo hiểm quân đội (MIC) (Trang 70 - 74)

Thứ nhất, MIC cần ban hành quy định cụ thể về chính sách tái bảo hiểm áp dụng trên toàn hệ thống, được thiết lập nhằm đưa ra khuôn khổ quản lý tái bảo hiểm, đặt ra các tiêu chuẩn về hình thức, văn bản hóa, thực hiện, rà soát, kiểm soát và báo cáo chương trình tái bảo hiểm và phân định trách nhiệm quản trị, báo cáo trong hoạt động tái bảo hiểm của MIC. Khối quản trị rủi ro cần chủ trì hoạt động ban hành chính sách tái bảo hiểm cho tổng công ty cho năm tiếp theo ngay sau khi kết thúc năm tài chính hiện hành. Trong đó, MIC đặc biệt phải tính đến rủi ro tín dụng của đối tác khi lựa chọn nhà tái bảo hiểm, chỉ tái cố định cho các đối tác có đánh giá tài chính B++ trở lên theo AM Best hoặc tương đương, với mỗi mức xếp hạng tài chính nên quy định cụ thể tỉ lệ nhượng tối đa đối với mỗi công ty. Các công ty bảo hiểm/tái bảo hiểm nước ngoài không có xếp hạng tài chính thì không nên chấp nhận tham gia hợp đồng cố định để đảm bảo an toàn tài chính cho tổng công ty. Đối với tái bảo hiểm tạm thời, nếu tái bảo hiểm cho các công ty nước ngoài cũng nên căn cứ trên xếp hạng tài chính tối thiểu B+ theo AM Best hoặc tương đương, nếu tái bảo hiểm cho các công ty trong nước thì có thể căn cứ vào lượng vốn chủ sở hữu và tỉ lệ biên khả năng thanh toán trình bày trên báo cáo tài chính kiểm toán của các công ty, từ đó phân nhóm (biên khả năng thanh toán trên 200%, từ 100% đến 200%, dưới 100% và nhóm lỗ) và đưa ra giới hạn nhượng tối đa trên mỗi rủi ro. Ví dụ, với tỉ lệ biên khả năng thanh toán trên 200% thì giới hạn tối đa nhượng trên một rủi ro có thể đạt 200 tỷ VNĐ, với công ty lỗ 2 năm nghiệp vụ liên tiếp như Vass thì không nên nhượng tái bảo hiểm… Bên cạnh đó, chính sách tái cần quy định rõ về việc sử dụng môi giới để xây dựng chương trình tái bảo hiểm cố định, trong đó lựa chọn ít nhất 2 môi giới cho chương trình nhằm tư vấn độc lập về cấu trúc và chi phí của hợp đồng tái bảo hiểm cố định để MIC có cơ sở so sánh. Việc lựa chọn môi giới cho chương trình tái bảo hiểm cố định cần dựa trên kiến thức và kinh nghiệm về thị trường trong nước và quốc tế của môi giới, đội ngũ nhân lực, chất lượng dịch vụ và phí môi giới. Về phía MIC, việc minh bạch trong cung cấp tất cả các thông tin liên quan cho môi giới là rất cần thiết để có được phương án tái bảo hiểm phù hợp nhất. Ban tái bảo hiểm đóng vai trò điều phối chung trong công tác xây dựng các chương trình tái bảo hiểm, bao gồm: thu thập dữ liệu, phối hợp với ban kế hoạch để nắm

thông tin về ngân sách, đề xuất chương trình tái bảo hiểm, theo dõi, giám sát kết quả, thanh toán…Đặc biệt, Ban lãnh đạo Tổng công ty cần am hiểu sâu về tái bảo hiểm và có sách lược dài hạn trong cả hoạt động nhận và nhượng tái bảo hiểm, đặc biệt là các nội dung liên quan đến xây dựng, kiểm soát và đánh giá kết quả hợp đồng cố định nhằm đạt được kế hoạch kinh doanh đã đề ra. Sách lược này không chỉ quan tâm đến tình hình kinh doanh của bản thân doanh nghiệp mà còn cần chú ý đến xu hướng thị trường và hoạt động trao đổi nhận – nhượng tái bảo hiểm giữa các bên trên thị trường.

Thứ hai, cơ cấu doanh thu bảo hiểm phi hàng hải của MIC đang thiếu cân đối. Như đã trình bày ở mục 2.3.2 (trang 38 – 39), năm 2016, doanh thu xe cơ giới chiếm 58% tổng doanh thu phi hàng hải, trong khi bảo hiểm kỹ thuật chiếm 17% và bảo hiểm tài sản chiếm 13%. Trong khi đó, nghiệp vụ xe cơ giới chỉ chiếm 39,36% doanh thu phi hàng hải toàn thị trường. Việc giảm tỉ trọng doanh thu xe cơ giới có thể thực hiện thông qua: định hướng tập trung khai thác vào nhóm xe không kinh doanh vận tải, phân tích và đánh giá đối tượng bảo hiểm để điều chỉnh tỉ lệ phí phù hợp hoặc tăng phí đối với những khách hàng có rủi ro xấu và tần suất tổn thất nhiều. Riêng đối với xe Uber và Grab, MIC cần bổ sung vào hợp đồng bảo hiểm nội dung “Nếu chủ xe khai báo là xe không kinh doanh, khi tổn thất, MIC phát hiện chạy Uber, Grab sẽ từ chối bồi thường”. MIC nên đẩy mạnh khai thác các phương tiện xe cơ giới thuộc sở hữu và quản lý của các cơ quan, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc Phòng do kinh nghiệm quản lý tốt và lịch sử tổn thất thấp bằng cách áp dụng quy tắc bảo hiểm riêng cho khách hàng trong ngành, mức miễn thường không khấu trừ… Bên cạnh việc giảm tỉ trọng bảo hiểm xe cơ giới, nhằm tiến tới phát triển ổn định theo xu hướng của thị trường bảo hiểm trong nước và thế giới, MIC cần đẩy mạnh khai thác bảo hiểm tài sản, kỹ thuật. Trong đó, hạn chế tối đa việc cấp đơn cho các rủi ro bị loại trừ khỏi hợp đồng cố định, đối với từng loại hình bảo hiểm cần có quy định điều khoản bắt buộc áp dụng trong hợp đồng để giảm thiểu rủi ro cũng như phù hợp với thông lệ thị trường tái bảo hiểm. Chẳng hạn, đơn rủi ro ướt cần áp dụng sửa đổi bổ sung như điều kiện đặc biệt liên quan đến thi công đập và hồ chứa nước, điều kiện đặc biệt thi công theo đoạn, điều kiện đặc biệt liên quan đến an toàn mưa và lũ lụt, điều khoản tổn thất hàng loạt, điều kiện đặc biệt liên quan đến thi công cọc móng và tường chắn… Một số điều khoản loại trừ bắt buộc áp dụng theo quy định của hợp đồng cố định cho mọi rủi ro: loại trừ rủi ro khủng bố, rủi ro do ứng dụng công nghệ thông tin, loại trừ ô nhiễm/nhiễm bẩn, loại trừ chất amiăng, loại trừ rủi ro do cấm vận quốc tế.

Thứ ba, việc phân nhóm rủi ro tài sản cần được xem xét thành 5 nhóm cơ bản theo thông lệ thị trường để thuận tiện cho việc khai thác, quản lý và trao đổi dịch vụ với các nhà tái bảo hiểm trong nước và quốc tế. Trong đó, nhóm 1 là rủi ro thấp, nhóm 2 là rủi ro trung bình, nhóm 3 là rủi ro cao, nhóm 4 là rủi ro rất cao, nhóm 5 là rủi ro đặc biệt cao và với MIC, nhóm 6 là các rủi ro trong ngành (kho xăng dầu trong ngành). Điều này sẽ giúp MIC thuận tiện hơn trong khai thác gốc cũng như nhận tái bảo hiểm khi các nhóm đối tượng rủi ro được quy định rõ ràng và đầy đủ hơn thì việc trình cấp đơn và trình nhận tái bảo hiểm tạm thời sẽ nhanh chóng hơn. Chẳng hạn, Bảo A chào MIC đơn bảo hiểm tài sản cho đối tượng bảo hiểm là rạp chiếu phim hiện không có trong bảng 2.7 – phân loại đối tượng bảo hiểm của MIC, vì thế để đánh giá được rủi ro này, bộ phận nhận tái bảo hiểm của MIC sẽ phải trình qua nhiều bộ phận khác như ban tài sản – kỹ thuật, khối quản trị rủi ro… Trên thực tế, rủi ro này được xếp vào nhóm 1 của thị trường – nhóm rủi ro tốt, như vậy, nếu MIC phân loại đối tượng bảo hiểm thành 5 nhóm cơ bản với đầy đủ các đối tượng theo thông lệ thị trường thì việc phân cấp cho cấp đơn và nhận tái bảo hiểm sẽ đơn giản và thuận tiện hơn, từ đó đàm phán hợp đồng cố định với các năng lực hợp đồng khác nhau cho từng nhóm. Đối tượng bảo hiểm cụ thể của 5 nhóm rủi ro cơ bản như phụ lục 8.

Thứ tư, quản lý nghiệp vụ cần tập trung, thống nhất trên toàn hệ thống. Đơn vị kinh doanh gốc đôi lúc còn cấp đơn với số tiền bảo hiểm vượt năng lực của hợp đồng cố định sau đó thông báo cho nghiệp vụ để chuyển tái dẫn đến tính bị động cho tái bảo hiểm và rủi ro cao cho tổng công ty nếu không thu xếp tái hoàn tất hoặc có tổn thất trước khi thu xếp tái xong. Do đó, để đảm bảo an toàn tài chính cho tổng công ty, MIC cần yêu cầu các đơn vị kinh doanh thực hiện thông báo thu xếp tái bảo hiểm và khi kết quả hoàn tất thì mới cấp đơn trong trường hợp số tiền bảo hiểm vượt phân cấp. Trong trường hợp đơn vị tự ý cấp đơn vượt phân cấp, nếu có bất cứ tổn thất hoặc thiệt hại nào, đơn vị hoàn toàn tự chịu trách nhiệm.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) thực trạng và giải pháp đối với hoạt động tái bảo hiểm phi hàng hải tại tổng công ty cổ phần bảo hiểm quân đội (MIC) (Trang 70 - 74)