Lý thuyết trọng cầu

Một phần của tài liệu Đánh giá vai trò của xuất khẩu thuỷ sản đối với tăng trưởng kinh tế Việt Nam thông qua mô hình hiệu chỉnh sai số (Trang 38 - 39)

Lý thuyết kinh tế của Keynes được coi là lý thuyết trọng cầu vì ông đánh giá cao vai trò của tiêu dùng và trao đổi, coi tiêu dùng và trao đổi là nhiệm vụ số một mà nhà kinh tế học phải giải quyết. Theo ông, nguyên nhân của khủng hoảng kinh tế, thất nghiệp và trì trệ trong nền kinh tế là do cầu tiêu dùng giảm, do đó cầu có hiệu quả giảm (tiêu dùng tăng chậm hơn mức tăng thu nhập do khuynh hướng tiết kiệm, ưa chuộng tiền mặt,… vì thế cầu tiêu dùng giảm và do đó cầu có hiệu quả giảm). Do đó, cần nâng cầu tiêu dùng, kích thích cầu có hiệu quả. Theo đó, gia tăng xuất khẩu là một trong những nhân tố có thể thúc đẩy tăng tổng cầu và vì vậy sẽ chắc chắn dẫn đến tăng sản lượng. Trong mô hình này, tổng cầu dịch chuyển theo những thay đổi của xuất khẩu sẽ có ảnh hưởng khuếch đại đến sản lượng qua hiệu ứng số nhân, tương tự như tác động của đầu tư tới tăng trưởng sản lượng (Nguyễn Thị Thu Thủy, 2014). Quan điểm này tiếp tục được phát triển thành những mô hình lý thuyết mới nhằm phân tích mối quan hệ giữa xuất khẩu và tăng trưởng kinh tế.

Thirlwall (1979) xây dựng mô hình tăng trưởng ràng buộc bởi cán cân thanh toán (Balance of Payments Constrained Growth Model) dựa trên lập luận rằng: ràng buộc chủ yếu của tổng cầu ở các nền kinh tế mở là cán cân thanh toán. Nếu cán cân thanh toán của một quốc gia ở trong tình trạng xấu thì tổng cầu sẽ bị cắt giảm, khi đó, nguồn cung không được sử dụng một cách đầy đủ, không thu hút được đầu tư, công nghệ chậm phát triển, hàng hóa sản xuất trong nước sẽ trở nên kém hấp dẫn hơn so với hàng hóa nước ngoài, do đó, tiếp tục làm cán cân thanh toán trở nên xấu hơn. Cứ như vậy, quá trình này lại tái diễn thành một vòng luẩn quẩn. Ngược lại, khi cán cân thanh toán được cải thiện sẽ giúp mở rộng tổng cầu, theo đó sẽ kích thích đầu tư, tăng vốn và thúc đẩy tiến bộ công nghệ, tạo thêm nhiều việc làm, các yếu tố sản xuất sẽ dịch chuyển từ khu vực kém hiệu quả sang khu vực hiệu quả hơn…, qua đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế (Thirlwall,1979). Từ lập luận đó, Thirlwall chỉ ra rằng không có quốc gia nào tăng trưởng nhanh hơn tốc độ tăng khi ở trạng thái cân bằng của cán cân thanh toán. Điều này ngụ ý rằng tăng trưởng kinh

30

tế bị ràng buộc bởi trạng thái cân bằng của cán cân thanh toán. Khi xuất khẩu tăng trưởng hoặc hệ số co giãn của nhập khẩu theo thu nhập giảm thì nền kinh tế sẽ tăng trưởng nhanh hơn trong dài hạn. Tốc độ tăng trưởng kinh tế ở trạng thái cân bằng của cán cân thanh toán theo Thirlwall được thể hiện bởi phương trình sau:

g = x/π Trong đó:

g: Tốc độ tăng trưởng kinh tế ở trạng thái cân bằng của cán cân thanh toán

x: Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu

π: Hệ số co giãn của nhập khẩu theo thu nhập

Tăng cường xuất khẩu cũng có thể thúc đẩy tăng trưởng kinh tế từ phía cầu theo một số kênh dẫn khác. Chẳng hạn, Awokuse (2003) khẳng định, mở rộng xuất khẩu có thể là một nhân tố kích thích tăng trưởng sản lượng một cách trực tiếp với vai trò là một bộ phận cấu thành của tổng cầu, cũng như gián tiếp thông qua phân bổ nguồn lực hiệu quả, khai thác hiệu quả kinh tế theo quy mô và kích thích cải tiến kỹ thuật do sự cạnh tranh trên thị trường nước ngoài. Tăng cường xuất khẩu có thể cung cấp ngoại hối tài trợ cho nhập khẩu hàng hóa trung gian và hàng hóa vốn, mà đến lượt nó, làm tăng sự hình thành vốn, góp phần tích cực đáp ứng nhu cầu mở rộng sản xuất nội địa và thúc đẩy tăng trưởng. McKinnon (1964), Balassa (1978), Esfahani (1991), Buffie (1992) cũng có cách nhìn tương tự về vấn đề này.

Một phần của tài liệu Đánh giá vai trò của xuất khẩu thuỷ sản đối với tăng trưởng kinh tế Việt Nam thông qua mô hình hiệu chỉnh sai số (Trang 38 - 39)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(187 trang)