8. Cấu trúc đề tài
3.1. Giải huyền thoại về nhân vật Hồ Chí Minh bằng cảm quan lịch sử
Trong nghiên cứu phê bình văn học, “huyền thoại” là một khái niệm được sử dụng phổ biến, nhất là trong các bài viết, công trình, nghiên cứu theo khuynh hướng phê bình lịch sử. Ở đó, thuật ngữ này sẽ phục vụ hiệu quả cho việc tiếp cận, giải mã những “huyền thoại” mà các nhà văn khai thác, xây dựng qua cổ mẫu, hình ảnh nhân vật, mô hình tự sự.
Nếu như nhà nghiên cứu phê bình Northrop Frye có quan điểm cho rằng “huyền thoại” được coi như là nền móng cấu trúc của văn học, thì nhà lí thuyết Tzvetan Todorov xem đây là một cách để phân tích phân tích phương thức tu từ, phân tích ngữ pháp của biểu đạt. Đáng chú ý, nhà văn nhà nghiên cứu Claude-Levi Strauss sử dụng “huyền thoại” theo hướng coi đó là một yếu tố của phương pháp cấu trúc luận.
Trước hết, hiểu theo nghĩa thông thường nhất, một huyền thoại là một câu chuyện về một thần linh hay một thực thể siêu nhiên nào khác; đôi khi nó liên quan đến một con người được phong thánh hoặc một kẻ trị vì có dòng dõi thiêng liêng. Tập hợp những huyền thoại truyền thống trong một nền văn hóa cụ thể tạo nên một hệ huyền thoại minh họa hoặc giải thích nguồn cội của thế giới.
Theo đó, qua những câu chuyện về tổ tiên hay huyền thoại, con người thuộc một nền văn hóa hay một xã hội cụ thể, chức năng của mỗi huyền thoại có thể khác nhau, nhằm mô tả hay giải thích bằng cách quy chiếu về
những ý nghĩ, ham muốn và hành động của thần linh hay những thực thể siêu nhiên khác.
Trong quá trình sáng tác, mỗi nhà văn sẽ sử dụng, khai thác, xây dựng huyền thoại từ cộng đồng, xã hội, nền văn hóa cụ thể nào đó, cho nên các nhà nghiên cứu phê bình cũng sẽ căn cứ vào các ngữ liệu và hiểu biết văn hóa, xã hội đó để nhận diện, lí giải ý nghĩa tư tưởng nghệ thuật, giá trị thẩm mĩ của các huyền thoại trong tác phẩm văn chương.
Trong thế giới của huyền thoại, nhà văn tìm được một nhà kho trừu tượng hay mang tính văn chương thuần túy của những mô hình hư cấu và đề tài không chịu ảnh hưởng bởi những điển phạm về sự mô phỏng đáng tin những kinh nghiệm thông thường của con người.
Huyền thoại cấp cho nhà văn một thế giới của ẩn dụ tổng thể trong đó mọi thứ đều có thể đồng thời là tất cả những thứ khác. Khi nhà văn rời khỏi việc sử dụng trực tiếp huyền thoại, những tác phẩm đậm hiện thực hơn sẽ xuất hiện.
Điều quan trọng và cần đặc biệt chú ý, huyền thoại đáp ứng được một số yêu cầu căn bản nhất như: Nó phải mang tính thông điệp; Nó được biểu đạt bởi phương thức huyền thoại; Nó được thể hiện như một hệ thống kí hiệu; được xã hội sử dụng.
Dù chứa đựng các yếu tố, điều kiện như vậy, nhưng huyền thoại luôn biến đổi và đổi mới theo từng quan niệm, từng thời đại, chịu sự quy định của lịch sử. Huyền thoại với vẻ đẹp của nhân vật lẫn ý nghĩa của nó thường có xu hướng trở thành một cấu trúc vững bền trong tâm trí cộng đồng. Tuy vậy, cuộc sống con người luôn vận động và phát triển theo tiến trình của lịch sử, cho nên đến một lúc nào đó, huyền thoại cũng cần được xem xét, đánh giá lại cho phù
hợp. Nghĩa là, cần nhìn nhận “huyền thoại” như là tiếng nói của một thời trong sự biến thiên, chứ không phải là tiếng nói của muôn đời, bất biến, vĩnh cửu.
Trong văn chương đương đại, “huyền thoại” có xu hướng đưa các nhân vật trở về với con người cá nhân, thế sự, con người đời tư, đời thường, tức là những huyền thoại mang “tinh thần thời đại” với những hành động, tính cách đan xen phức tạp, có tốt có xấu, có cao cả lẫn bình dị.
Cùng với đó, các tác giả cũng đồng thời có xu hướng giải các quan niệm, niềm tin về thế giới tự nhiên, xã hội của người xưa để đưa nó về với cuộc sống đời thường, qua đó xây dựng và kiến tạo huyền thoại về những điều bình dị, gắn liền với cuộc sống thường nhật, qua đó thể hiện quan điểm ý thức của con người cá nhân, con người hôm nay khi nhìn về quá khứ với một tình cảm sẻ chia, thấu hiểu.
Đấy chính là những căn nguyên quan trọng để các nhà văn triển khai “giải huyền thoại” trong tác phẩm của mình. Các nhà nghiên cứu phê bình, cộng đồng bạn đọc nếu xuất phát và bám sát căn nguyên này sẽ nhận thấy những chủ ý, mục đích tốt đẹp, những ý nghĩa tích cực của việc “giải huyền thoại” của văn chương.
Nếu chỉ dừng lại và chuyên chú vào vấn đề phẩm tính, nhân cách, bản lĩnh, tư tưởng, hẳn tiểu thuyết của Hoàng Quảng Uyên sẽ dễ rơi vào tính luận đề khô nhàm đơn điệu. Là một người viết có nghề trong mảng văn chương về lịch sử, Hoàng Quảng Uyên dường như rất hiểu điều này. Cho nên, tác giả đã khéo léo đem vào câu chuyện của mình những yếu tố lãng mạn, những chi tiết đời thực, để câu chuyện lịch sử kia không trở thành một “mẫu vật” trong bảo tàng mà thực sự là con người, là đời sống với không khí của thời đại và hoàn cảnh của nó.
Trong cuốn tiểu thuyết “Mặt trời Pác Bó”, Hoàng Quảng Uyên không có ý xây dựng Hồ Chí Minh trở thành một huyền thoại mà ông chỉ xây dựng một con người gắn với những mốc lịch sử, sự kiện,... và tự nhiên do chính con người ấy, tính cách ấy, hoạt động, với những việc làm tấm lòng suy nghĩ của Hồ Chí Minh dần dần biến con người ấy trở thành những huyền thoại vô cùng sâu sắc và ấn tượng.
Cụ thể những ngày đầu ông về Pác Bó, Hồ Chí Minh ở nhà ông Lý Quốc Súng chứ không ở trong nán tiếp sau đó một thời gian thay vì ở nhà ông Lý Quốc Súng thì Hồ Chí Minh chọn ra ở rừng, sống trong hang, tìm hiểu mọi vật xung quanh, con suối Lênin ngọn núi Các Mác...
Khi được người dân chăm sóc, quan tâm, Hồ Chí Minh khiêm nhường từ tốn tự thấy mình không nên nhận những sự ưu ái như vậy, mà chỉ muốn được như tất cả mọi người bình thường: “Chờ ông Ké rửa mặt xong, Máy Nì lại bưng ra một chậu nước nóng khác để ông Ké rửa và ngâm chân trước lúc đi ngủ. Chiếc chậu rửa chân to và nông hơn chậu rửa mặt. Nước bốc khói toả hương lá bưởi, lẫn mùi gừng hăng hăng. Ông Máy Nì cầm từ gian bếp ra một chiếc bát nhỏ ám khói, bên trong đựng một ít muối ăn cũng ám khói, ngả màu vàng xin. Ông nhúm một nhúm muối định thả vào chậu nước rửa chân. Ông Ké ngăn lại: - Hạt muối ở rừng quí lắm. Đừng phí phạm. Ông Máy Nì năn nỉ: - Thưa ông Ké, ông Ké đi bộ cả ngày, rửa chân nước muối, ngủ mới êm. - Cảm ơn lòng tốt của gia chủ. Hạt muối quí lắm xin để dành. Ông Máy Nì cầm chiếc bát ám khói, nhìn những hạt muối màu vàng xỉn, không biết nên thế nào cho phải. - Thôi, cất đi, rối sẽ còn cấn đến nhiều muối đấy. ông Ké vừa nói vừa nhúng chân vào chậu nước nóng như để làm vui lòng gia chủ” [39; Trg 19].
Hay trong cuốn “Lịch sử nước ta” viết bằng thơ, Hồ Chí Minh viết một cách vô cùng trong sáng giản dị dễ hiểu:
“Dân ta phải biết sử ta,
Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam. Kể năm hơn bốn ngàn năm,
Tổ tiên rực rỡ, anh em thuận hoà. Hồng Bàng là tổ nước ta.
Nước ta lúc ấy gọi là Văn Lang. Thiếu niên ta rất vẻ vang,
Trẻ con Phù Đổng tiếng vang muôn đời. Tuổi tuy chưa đến chín mười,
Ra tay cứu nước dẹp loài vô lương. An Dương Vương thế Hùng Vương, Quốc danh Âu Lạc cầm quyền trị dân. Triệu Đà là vị hiền quân,
Quốc danh Nam Việt trị dân năm đời….”
Hồ Chí Minh kể hết các đời từ Đinh, Lí,Trần... cho tới thời Nguyễn, với hơn 1000 câu thơ giản dị mộc mạc vô cùng dễ hiểu, để ghi lại các mốc lịch sử cho nhiều người dân có thể đọc:
“…1543 - Đời vua Hậu Lê (360 năm) 1545 - Vua Lê Chúa Trịnh
1771 - Đời vua Tây Sơn (24 năm) 1789 - Vua Nguyễn Huệ đánh Tàu 1794 - Gia Long thông với Tây 1847 - Tây bắt đầu đánh nước ta
1862 - Vua nhà Nguyễn bắt đầu hàng Tây 1889 - Ông Đề Thám khởi nghĩa
1893 - Ông Phan Đình Phùng khởi nghĩa 1916 - Trung Kỳ khởi nghĩa
1917 - Thái Nguyên, Sầm Nưa khởi nghĩa 1930 - Yên Bái, Nghệ An khởi nghĩa 1940 - Bắc Sơn và Đô Lương khởi nghĩa 1941 - Nam Kỳ khởi nghĩa
1945 - Việt Nam độc lập”.
Có thể thấy cuối cuốn lịch sử năm 1942 đó, Hồ Chí Minh ghi năm 1945 Việt Nam độc lập. Hồ Chí Minh như người tiên tri đi trước thời gian trước thời đại đoán được kết cục, và đúng như lời tiên tri, ngày 2-9-1945, Bác đọc bản tuyên ngôn tại Quảng trường ba đình khai sinh nước Việt Nam độc lập dân tộc. Có thể một lần nữa khẳng định với con người hành động và tiên đoán của Hồ Chí Minh, con người đặc biệt này thực sự trở thành huyền thoại ngay tại thời điểm đương thời ấy.
Sự kì vĩ lớn lao của nhà cách mạng Hồ Chí Minh được cảm nhận một cách thật gần gũi, ấm áp trong lòng người dân: “Máy Nì đã từng nghe nói như thế từ Sộc Mống, người em kết nghĩa và những người trong tổ chức bí mật qua lại ngủ ở nhà ông nhưng đêm nay, giữa cái đêm khó ngủ vì khí lạnh của núi đá xuyên qua tấm chăn mỏng thấm sâu vào xương cốt thì những lời nói của ông Ké có thêm nhiều ý nghĩa. Không hiểu ông Ké đi những đâu, đi tìm gì mà giữa những ngày tết lại không về với vợ con, gia đình mà lại qua đây? Đôi bàn chân thô ráp, xương xẩu của ông Ké mỗi khi cựa mình chạm vào chân ông lại làm ông nghĩ gần nghĩ xa. Ông không thể biết rằng, ông Ké nằm cạnh ông đây đã ba mươi năm xa Tổ quốc, bàn chân đã đạp qua bao gai góc, đặt lên muôn nẻo đường khắp các phương tròi Á - Âu, tìm đường cứu nước, cứu dân, đưa dân tộc Việt Nam thoát khỏi đêm đen nô lệ, nghèo khó. Giờ ông đến đây, giữa góc rừng thâm u của Pác Bó hùng vĩ” [39; Trg 21].
Khắc họa tầm vóc và sự cao đẹp của hình tượng nhân vật trung tâm của mình, nhà văn Hoàng Quảng Uyên còn chú trọng đến cả những chi tiết, câu
chuyện tưởng như rất nhỏ nhặt, bình dị, đơn giản: “Chiếc khăn mặt vắt qua cổ, hai chân đứng thế tân vững như cây cột nghiến, lúc tiến, lúc thoái dứt khoát, mạnh mẽ và đẹp. Bước chân ông Ké lướt hên các tảng đá, đôi bàn tay khi thì đâm thẳng ra phía trước như mũi lao, khi vặn người qua trái, qua phải như thanh kiếm sắc chém gió, đẹp tựa rồng bay, hổ vồ. Lê Quảng Ba ngẩn người nhìn. Một lúc lâu mới lặng lẽ tiến đến đằng sau ông Ké. - Chú Ba, chú muộn hơn người già rồi đây - ông Ké không quay lại, vẫn tiếp tục tập. Quảng Ba giật mình. Ông Ké tập say sưa thế mà vẫn nhìn rõ xung quanh! Anh tiến thêm lại gần ông Ké chút nữa, nhẹ nhàng đặt đôi vò gánh nước xuống. - Dạ, Bác múa quyền đẹp quá. - Chú lại khen Bác rồi - Ông Ké dừng tập. Múa quyền không chỉ để đẹp mà còn để rèn luyện thân thể giúp đầu óc tinh anh, khoẻ mạnh, nhanh nhẹn để tự bảo vệ mình, bảo vệ người.” [39; Trg 24].
Trao đổi, hướng dẫn về một vấn đề trọng đại và phức tạp là chuẩn bị cho cách mạng giải phóng dân tộc, vậy mà bằng tài năng của mình, Bác Hồ nói về những điều lớn lao ấy một cách thật dễ hiểu, gần gũi và tràn đầy cảm hứng: “Nay ta phải giúp cho người dân học chữ, học văn hoá, học phương pháp tổ chức cách mạng, đưa họ vào các tổ chức chính trị, vũ trang, đồng lòng, đổng chí hướng trên đường tranh đấu. Tạo ra một phong trào mạnh mẽ, rộng khắp, một cao trào cách mạng như triều dâng, thác đổ. Giờ chúng ta đã đến đây rồi, biết mệnh của chúng ta rồi, ta phải nhóm lên ở vùng núi này một ngọn lửa cách mạng. Ngọn lửa hôm nay còn nhỏ thôi nhưng sẽ thành ngọn lửa to. Ngọn lửa cách mạng sẽ lan ra toàn vùng, bùng cháy khắp nơi nơi khi gặp được làn gió mạnh. Mọi người lắng nghe như nuốt từng lời của ông Ké cách mạng và mơ về một tương lai tươi sáng trên con đường gian khó mà họ đang đi dưới tay chèo lái của già Thu - Ké Thu - ông Tiên núi. Họ nhớ mãi đêm nay, một đêm đặc biệt trong hang sâu giữa rừng Cốc Bó” [39; Trg 42-43].
Cái cách lựa chọn chỗ làm việc, phong thái làm việc của Bác Hồ cũng thật đặc biệt khi nó toát lên sự điềm tĩnh ung dung của một con người đã hội tụ đủ đầy tài hoa và khí phách: “Bàn đá kê xong ông Ké ngồi vào ghế đá dưới gốc si, đặt 2 tay lên bàn đá, quay bên phải, bên trái tỏ ra ưng ý. Một nơi làm việc lý tưởng dưới vòm cây xanh, gió mát, tai nghe tiếng chim rừng hót, mắt nhìn làn nước trong xanh - khác gì cảnh tiên nơi trần thế. Ngày hôm sau, ông Ké cho chuyển nơi nấu nướng từ hang xuông bãi đất bằng ở phía đầu nguồn. Nơi làm việc tại bàn đá dưới gốc si, đêm mới lên hang ngủ. Giữa trung tâm đại bản doanh, nơi bàn đá chông chênh mà vững chắc, vị lãnh tụ mang cốt cách Tiên ông, thanh thoát nhẹ nhàng, điềm tĩnh, làm việc đêm ngày: Nghiên cứu tài liệu, đánh máy văn bản trên chiếc máy chữ nhỏ luôn mang bên mình, dẫn dắt cách mệnh từng bước đi lên. Những trang sử lớn ra đời nơi đây, từ trên chiếc bàn đá này sẽ góp thêm những trang hào hùng trong pho sử của dân tộc Việt Nam” [39; Trg 50].