Câu hỏi nghiên cứu và giả thuyết nghiên cứu

Một phần của tài liệu PHÁP LUẬT VỀ BẢO HỘ HÌNH ẢNH TỔNG THỂ THƯƠNG MẠI ((Luận án Tiến sĩ) (Trang 51 - 56)

Để giải quyết được các nội dung của Luận án tiến sĩ “Pháp luật về bảo hộ

hình ảnh tổng thể thương mại”, câu hỏi nghiên cứu tổng quan được đặt ra như sau:

“Khung pháp lý của Việt Nam về bảo hộ hình ảnh tổng thể thương mại cần được xây dựng như thế nào?”

54 David S. Welkowitz (1999), ‘Trade dress and Patent - The Dilemma of confusion’, Rutgers Law Journal, 30:289, 289-369.

Theo đó, các câu hỏi chi tiết được sử dụng để giúp làm rõ các vấn đề của câu hỏi nghiên cứu tổng quan, bao gồm:

Câu hỏi nghiên cứu 1: Hình ảnh tổng thể thương mại là gì?

- Giả thuyết nghiên cứu:

Hình ảnh tổng thể thương mại là tổng thể các hình dáng, biểu tượng bên ngoài của một sản phẩm, nhằm nhận dạng nhanh chóng các thương hiệu hoặc nguồn gốc hàng hoá, dịch vụ, có thể phân biệt được với sản phẩm cùng loại khác. Hình ảnh tổng thể thương mại thường được các doanh nghiệp sử dụng trong kinh doanh để tạo ấn tượng với khách hàng. Đây là một đối tượng bảo hộ mới xuất hiện trong quy định pháp luật SHTT của một số nước trên thế giới, thể hiện rõ nét nhất trong hệ thống pháp luật của Hoa Kỳ.

- Kết quả nghiên cứu dự kiến:

Dựa trên việc tổng hợp các quy định pháp luật của Hoa Kỳ và những nghiên cứu trước đây, Luận án có thể đưa ra một khái niệm chung về hình ảnh tổng thể thương mại. Đó là tập hợp những dấu hiệu bên ngoài cấu thành lên sản phẩm và được sử dụng nhằm mục đích thương mại hoá sản phẩm đó trên thị trường. Hình ảnh tổng thể thương mại có thể bao gồm: kí tự, con số, màu sắc, kiểu dáng, hình dạng của một sản phẩm, nhãn hàng hay bao bì, đóng gói của hàng hóa; hoặc cách trang trí, sắp xếp, bố cục của nơi cung cấp dịch vụ; cũng có thể là phương thức phục vụ, kỹ thuật bán hàng, thậm chí là mùi hương... Sự kết hợp này có khả năng chỉ dẫn nguồn gốc sản xuất sản phẩm thì có thể được bảo hộ theo pháp luật về nhãn hiệu.

Câu hỏi nghiên cứu 2: Để được pháp luật bảo hộ thì hình ảnh tổng thể thương mại phải đáp ứng những điều kiện gì? Nội dung này được quy định trong pháp luật Việt Nam như thế nào?

- Giả thuyết nghiên cứu:

+ Giả thuyết nghiên cứu 1: Để xác lập quyền hợp pháp đối với hình ảnh tổng thể thương mại cần đáp ứng các điều kiện: dấu hiệu phải có tính phân biệt, không có tính chức năng, không trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với các dấu hiệu được bảo hộ khác và không vi phạm pháp luật, đạo đức xã hội.

+ Giả thuyết nghiên cứu 2: Pháp luật Việt Nam không có quy định về hình ảnh tổng thể thương mại nhưng điều kiện bảo hộ về hình ảnh tổng thể thương mại vẫn được quy định tương đương trong một số nội dung của pháp luật.

- Kết quả nghiên cứu dự kiến

Theo pháp luật của Hoa Kỳ, hình ảnh tổng thể thương mại có thể được bảo hộ nếu thoả mãn các điều kiện:

+ Dấu hiệu nộp đơn cần phải chứng minh đã có được sự phân biệt: có thể là phân biệt tự thân hoặc phân biệt qua quá trình sử dụng.

+ Dấu hiệu phi chức năng: có nghĩa là không mang lại cho chủ sở hữu những lợi thế về chi phí sản xuất hay chất lượng so với những sản phẩm cùng loại khác.

+ Dấu hiệu không gây nhầm lẫn với các dấu hiệu được bảo hộ khác. Có các tiêu chí đánh giá khác nhau về nội dung này, có thể bao gồm: sự tương tự của dấu hiệu, sự tương tự của hàng hoá, dịch vụ, sự nhầm lẫn của người tiêu dùng, độ mạnh của dấu hiệu, ý định của bên vi phạm…

+ Dấu hiệu không thuộc trường hợp loại trừ của pháp luật.

Pháp luật Việt Nam không có quy định về hình ảnh tổng thể thương mại nhưng vẫn có các quy định tương đương với điều kiện bảo hộ hình ảnh thương mại trong pháp luật sở hữu trí tuệ và cạnh tranh không lành mạnh. Mặc dù vậy, thực tế vẫn phát sinh một số bất cập trong quá trình áp dụng, như: quy định pháp luật còn chưa đầy đủ, hay một số dấu hiệu không được bảo hộ tại Việt Nam...

Câu hỏi nghiên cứu 3: Pháp luật Việt Nam cần quy định như thế nào để bảo hộ hình ảnh tổng thể thương mại?

- Giả thuyết nghiên cứu:

+ Giả thuyết nghiên cứu 1: Việt Nam chưa cần thiết phải xây dựng mới các quy định về hình ảnh tổng thể thương mại mà có thể được bảo hộ tương đương trong các quy định hiện hành tại Việt Nam.

+ Giả thuyết nghiên cứu 2: Sửa đổi, bổ sung hợp lý một số quy định của pháp luật Việt Nam nhằm thuận lợi cho quá trình áp dụng pháp luật và đảm bảo môi trường cạnh tranh công bằng.

- Kết quả nghiên cứu dự kiến:

Trong pháp luật Hoa Kỳ, hình ảnh tổng thể thương mại là một đối tượng bảo hộ mới của pháp luật sở hữu trí tuệ, với điều kiện bảo hộ và các dấu hiệu được bảo hộ mở rộng hơn so với nhãn hiệu truyền thống.

Hiện tại, pháp luật Việt Nam chưa có quy định về hình ảnh tổng thể thương mại. Qua phân tích, so sánh giữa thực trạng pháp luật Hoa Kỳ và pháp luật Việt Nam, NCS thấy chưa cấp thiết phải xây dựng các quy định mới về bảo hộ các dấu hiệu là hình ảnh tổng thể thương mại mà có thể bảo hộ tương đương là nhãn hiệu, pháp luật về cạnh tranh không lành mạnh... Do hình ảnh tổng thể thương mại là quy định có nguồn gốc từ pháp luật bảo hộ cạnh tranh không lành mạnh và trên thực tế nó cũng có chức năng như một nhãn hiệu, chỉ nguồn gốc của hàng hoá. Tuy nhiên, theo quy định hiện hành của Việt Nam thì vẫn còn những bất cập khi áp dụng điều kiện bảo hộ tương đương này. Do đó, cần thiết phải sửa đổi một số nội dung có liên quan như: quy định về tính chức năng của dấu hiệu, bổ sung một số quy định đánh giá hành vi vi phạm các dấu hiệu được bảo hộ...

KẾT LUẬN CHƯƠNG 1

Nội dung đầu tiên của Chương 1, Nghiên cứu sinh đã giới thiệu tổng quan về các nghiên cứu trong và ngoài nước liên quan đến hình ảnh tổng thể thương mại. Trong đó, các nghiên cứu này được chia thành 04 nhóm vấn đề, bao gồm: Nhóm các nghiên cứu giới thiệu về hình ảnh tổng thể thương mại nói chung; Nhóm các nghiên cứu về điều kiện bảo hộ đối với hình ảnh tổng thể thương mại; Nhóm các nghiên cứu so sánh bảo hộ hình ảnh tổng thể thương mại với một số đối tượng của quyền sở hữu trí tuệ; Và nhóm các nghiên cứu khác. Dựa trên cơ sở này, Nghiên cứu sinh đánh giá những nội dung đã được đề cập đến trong các nghiên cứu trước đây và những vấn đề còn bỏ ngỏ để xác định khoảng trống nghiên cứu của đề tài. Theo đó, Luận án đã tổng hợp lý thuyết về hình ảnh tổng thể thương mại; đồng thời phân tích, đánh giá các quy định và thực tiễn vận dụng quy định về điều kiện bảo hộ hình ảnh tổng thể thương mại của Hoa Kỳ, một nước có hệ thống pháp luật tương đối đầy đủ về vấn đề này. Luận án cũng đã tiến hành so sánh những quy định tương đương trong hệ thống pháp luật Việt Nam nhằm kiến nghị một số sửa đổi, bổ sung một số quy định có liên quan của pháp luật, phù hợp với thực tiễn tại Việt Nam. Để có nền tảng xây dựng cơ sở lý luận cho quá trình nghiên cứu, Luận án đã dựa trên một số lý thuyết và học thuyết khoa học, như: lý thuyết cạnh tranh, lý thuyết về quyền sở hữu, lý thuyết chi phí tìm kiếm, học thuyết chức năng và học thuyết chiếm đoạt. Cuối cùng, nhằm thực hiện đúng mục tiêu nghiên cứu, Nghiên cứu sinh cũng đã đặt ra câu hỏi nghiên cứu:

“Khung pháp lý của Việt Nam về bảo hộ hình ảnh tổng thể thương mại cần được xây dựng như thế nào?”, để giải quyết câu hỏi nghiên cứu tổng quan này, Nghiên cứu sinh cũng xây dựng 03 câu hỏi chi tiết, cũng như các giả thuyết nghiên cứu để xác định rõ và thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu.

CHƯƠNG 2 LÝ LUẬN VỀ HÌNH ẢNH TỔNG THỂ THƯƠNG MẠI

Một phần của tài liệu PHÁP LUẬT VỀ BẢO HỘ HÌNH ẢNH TỔNG THỂ THƯƠNG MẠI ((Luận án Tiến sĩ) (Trang 51 - 56)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(188 trang)
w