bảo đảm quyền con ngƣời
2.3.1. Nội dung điều chỉnh pháp luật về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp trong việc bảo đảm quyền con người
Pháp luật về TNXH của DN trong việc bảo đảm QCN là tập hợp các quy phạm pháp luật điều chỉnh việc thành lập, tổ chức và hoạt động của các doanh nghiệp trên cơ sở xác định trách nhiệm của các doanh nghiệp và vai trò quản lý của nhà nước đối với doanh nghiệp trong việc chú trọng bảo đảm các QCN, lấy lợi ích xã hội, cộng đồng là mục tiêu chủ đạo.
Theo đó, khung pháp luật điều chỉnh về TNXH của DN trong việc bảo đảm QCN bao gồm các vấn đề gắn liền với nghĩa vụ của doanh nghiệp đối với việc bảo đảm QCN kể từ khi doanh nghiệp gia nhập, hoạt động cho đến khi rút khỏi thị trường. Về cơ bản, pháp luật cần thiết điều chỉnh những vấn đề sau:
2.3.1.1. Phạm vi và đối tượng điều chỉnh về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp trong bảo đảm quyền con người
Điều chỉnh pháp luật đối với TNXH của DN trong việc bảo đảm QCN có phạm vi rộng, hẹp khác nhau tuỳ thuộc vào thái độ của mỗi quốc gia trong việc tiếp cận đối với vị trí, vai trò của doanh nghiệp trong sự phát triển của đất nước, vào nhận thức của quốc gia đó về tầm quan trọng của QCN cũng như phụ thuộc vào các yếu tố khác liên quan đến bảo đảm thực thi TNXH của DN trong việc bảo đảm QCN. Tuy nhiên, về cơ bản, pháp luật cần điều chỉnh các quan hệ liên quan trực tiếp tới quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của doanh nghiệp đối với việc bảo đảm quyền và lợi ích của con người trong mối quan hệ giữa doanh nghiệp và cá nhân, giữa doanh nghiệp và hoạt động quản lý nhà nước thuộc ít nhất hai lĩnh vực quan trọng và đặc thù trong hoạt động sản xuất và kinh doanh của doanh nghiệp: lao động và môi trường.
Đối tượng áp dụng của pháp luật về TNXH của DN trong bảo đảm QCN là doanh nghiệp và các cá nhân có lợi ích liên quan trực tiếp đến quan hệ gắn với hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp có tác động đến QCN, trước hết và chủ yếu là trong lĩnh vực lao động và môi trường.
Các doanh nghiệp thuộc đối tượng điều chỉnh của pháp luật về TNXH của DN trong bảo vệ QCN là tất cả các doanh nghiệp thuộc mọi loại hình kinh doanh có trụ sở sản xuất, kinh doanh trên lãnh thổ nước sở tại.
Các cá nhân có lợi ích liên quan bao gồm tất cả các công dân, người nước ngoài, người không quốc tịch đang sinh sống trên lãnh thổ nước sở tại và chịu tác động từ hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Theo Friedman [59] doanh nghiệp chỉ phải chịu trách nhiệm với các cổ đông mà thôi, bởi vai trò của doanh nghiệp là tối đa hoá lợi nhuận vì lợi ích của các cổ đông. Tuy nhiên, Liên minh Châu Âu dựa trên khái niệm về “các thành phần có liên quan” thì doanh nghiệp cần phải quan tâm đến những cá nhân hoặc các nhóm có thể bị tác động bởi các hoạt động của mình, hoặc những nhóm hay cá nhân có thể có ảnh hưởng đối với các hoạt động của doanh nghiệp. Trong trường hợp này, doanh nghiệp có vai trò đáp ứng mọi thành phần có liên quan và trở thành nơi phân định các lợi ích khác nhau cho các thành phần có liên quan đó. Yêu cầu này tuỳ theo các thành phần như: có những thành phần mà doanh nghiệp có các mối quan hệ khế ước (những người lao động, nhà cung ứng, các khách hàng…) và những thành phần mà doanh nghiệp không có bất cứ mối quan hệ khế ước nào (các nhóm lợi ích khác nhau, chẳng hạn những người sống gần nơi hoạt động của doanh nghiệp hoặc những người bảo vệ thiên nhiên).
2.3.1.2. Các nguyên tắc thực thi trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp trong bảo đảm quyền con người
- Tôn trọng các QCN: tổ chức doanh nghiệp cần tôn trọng QCN và nhận thức về tầm quan trọng cũng như tính chất chung của nó. Tuân thủ nguyên tắc doanh nghiệp cần: tôn trọng và thúc đẩy (nếu có thể) những quyền được nêu trong Bộ Luật quốc tế về QCN, tôn trọng tính chất chung của các quyền này, đó là, chúng được áp dụng không thể tách rời ở tất cả các quốc gia, nền văn hoá và hoàn cảnh; trong những trường hợp QCN không được bảo vệ, thì cần thực hiện các biện pháp tôn trọng QCN và tránh lợi dụng những tình huống này; và trong trường hợp luật hoặc việc thi hành luật không đưa ra các biện pháp bảo vệ thích đáng quyền con người, cần gắn kết với nguyên tắc tôn trọng chuẩn mực ứng xử quốc tế.
-Tôn trọng pháp quyền: Đây là nguyên tắc bắt buộc với hàm ý là luật và quy định được xây dựng, công bố và buộc phải thực thi công bằng theo các thủ tục được thiết lập. Không có bất cứ một tổ chức, doanh nghiệp hay cá nhân nào đứng
ngoài, đứng trên pháp luật. Ở khía cạnh thực hiện TNXH của DN, tôn trọng nguyên tắc pháp quyền là tuân thủ tất cả các bước để nhận thức về các luật và quy định áp dụng, có nghĩa là tổ chức cần thực hiện các bước để nhận thức về các luật và quy định áp dụng, để thông tin cho mọi người trong tổ chức về nghĩa vụ của họ trong việc tuân thủ và thực hiện các biện pháp tuân thủ. Tuân thủ nguyên tắc này doanh nghiệp cần: tuân thủ các yêu cầu pháp định trong mọi hoạt động thuộc phạm vi quyền hạn của tổ chức, đảm bảo rằng các mối quan hệ và hoạt động của tổ chức đều nằm trong phạm vi khuôn khổ pháp lý và liên quan; đảm bảo thông hiểu mọi nghĩa vụ pháp lý; và định kỳ xem xét sự tuân thủ pháp luật và quy định của tổ chức. Trách nhiệm tuân thủ pháp luật chính là một phần của bản cam kết giữa doanh nghiệp và xã hội. Nhà nước có trách nhiệm tích hợp các quy tắc xã hội, đạo đức vào văn bản luật, để doanh nghiệp theo đuổi mục tiêu kinh tế trong khuôn khổ pháp luật một cách công bằng và đáp ứng được các chuẩn mực và giá trị cơ bản mà xã hội mong đợi ở họ. Các doanh nghiệp phải tự giác thực hiện pháp luật và thường xuyên rà soát các quy tắc và hành vi để đảm bảo tuân thủ pháp luật đã ban hành hoặc dự kiến ban hành.
-Tôn trọng chuẩn mực ứng xử quốc te: Nguyên tắc này cần gắn với nguyên tắc tôn trọng pháp quyền. Ở các quốc gia mà luật hoặc việc thi hành luật mâu thuẫn với chuẩn mực ứng xử quốc tế, doanh nghiệp phải phấn đấu tôn trọng các chuẩn mực này ở mức cao nhất có thể. Trong trường hợp này, doanh nghiệp cần xem xét tính chất các mối quan hệ và hoạt động của mình trong phạm vi quyền hạn đó. Doanh nghiệp cần xem xét những cơ hội và các kênh chính thống để tìm cách gây áp lực lên các tổ chức và cơ quan chức năng nhằm sửa chữa những mâu thuẫn này. Doanh nghiệp cần tránh trở thành đồng loã với các hoạt động của tổ chức khác không phù hợp với chuẩn mực ứng xử quốc tế.
- Ket hợp giũa trách nhiệm pháp lý và trách nhiệm đạo đức trong thực hiện TNXH của DN trong bảo đảm QCN: Như đã nêu ở trên, TNXH của DN bao gồm 4 khía cạnh: kinh tế, pháp lý, đạo đức và lòng bác ái. Tuy nhiên, từ góc độ bản chất, TNXH của DN trước hết là vấn đề đạo đức, thể hiện thái độ của doanh nghiệp đối với xã hội, đồng thời là một điều kiện quan trọng bảo đảm hiệu quả sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, thể hiện quyền lợi của doanh nghiệp. Pháp luật chỉ điều chỉnh những quan hệ xã hội chủ yếu gắn với nghĩa vụ mang tính chất bắt buộc của doanh nghiệp. Ngoài những nghĩa vụ bắt buộc, doanh nghiệp cần phát huy tối đa
trách nhiệm mang tính đạo đức, tự nguyện và thực hiện các trách nhiệm đó trong mối quan hệ phối hợp với nhau nhằm đem lại hiệu ứng tốt nhất trong việc bảo đảm QCN. Kinh nghiệm tại một số quốc gia cho thấy, xu hướng điều chỉnh pháp luật ngày càng mở rộng, quy chế hoá các nghĩa vụ của doanh nghiệp trong bảo đảm QCN đi đôi với khuyến khích, thúc đẩy các doanh nghiệp chủ động, tự nguyện thực hiện trách nhiệm của mình đối với xã hội.
2.3.1.3. Quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp trong việc thực hiện trách nhiệm bảo đảm quyền con người
Tiêu chuẩn quốc tế về QCN và kinh nghiệm điều chỉnh pháp luật ở một số quốc gia cho thấy, pháp luật về TNXH của DN trong việc bảo đảm QCN thường tập trung ghi nhận các nghĩa vụ của doanh nghiệp đối với việc bảo đảm QCN trong hai lĩnh vực chính, liên quan chủ yếu tới các QCN chịu tác động từ hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, bao gồm:
Thứ nhất, pháp luật điều chỉnh TNXH của DN về bảo đảm QCN trong lĩnh vực lao động
TNXH của DN trong lĩnh vực lao động được xây dựng, xác định trên cơ sở các tiêu chuẩn lao động quốc tế và phù hợp với pháp luật quốc gia. TNXH của DN trong bảo đảm QCN cần xoay quanh việc đảm bảo các QCN hiện diện trong thực tiễn lao động kể từ khi tuyển dụng, ký kết thực hiện hợp đồng lao động, trả lương, bảo hiểm, đào tạo nghề, đối thoại xã hội và thương lượng tập thể với NLĐ cho đến khi chấm dứt hợp đồng lao động. Theo hướng dẫn của bộ tiêu chuẩn ISO 26000 năm 2013, thực hiện TNXH của DN đối với người lao động được nêu trong chủ đề cốt lõi “Thực hành lao động” tại mục 6.4 bao gồm các thành phần: Việc làm và mối quan hệ việc làm; Điều kiện làm việc và bảo trợ xã hội; Đối thoại xã hội; Sức khoẻ và an toàn nơi làm việc. Bộ chỉ dẫn của OECD, UN Global Compact và các tiêu chuẩn lao động của ILO đều tập trung vào sáu nguyên tắc cơ bản về lao động mà các danh nghiệp phải lưu tâm, đó là:
+ Quyền tự do lập hội và công nhận giá trị của thỏa ước tập thể; + Loại trừ tất cả các hình thức lao động cưỡng bức;
+ Bãi bỏ lao động trẻ em;
+ Xóa bỏ phân biệt đối xử về việc làm; + Khuyến khích hình thành nguồn nhân lực;
Cụ thể hoá các nguyên tắc đó, pháp luật cần ghi nhận các nghĩa vụ của doanh nghiệp trong việc thực hiện các TNXH sau:
- Nghĩa vụ của doanh nghiệp trong đảm bảo các quyền lợi và nguyên tắc thiet yeu tại nơi làm việc, chống phân biệt đối xử trong lao động
Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) đã xác định được các quyền cơ bản trong công việc bao gồm: Tự do hiệp hội và được công nhận có hiệu quả quyền thương lượng tập thể; Loại bỏ tất cả các hình thức lao động cưỡng chế hoặc bắt buộc; Việc bãi bỏ lao động trẻ em một cách có hiệu quả; và Xoá bỏ sự phân biệt đối xử về việc làm và nghề nghiệp. Ví dụ như lao động trẻ em: Tuổi lao động tối thiểu được xác định thông qua các công cụ quốc tế. Các tổ chức không được tham gia hoặc hưởng lợi từ việc sử dụng lao động trẻ em. Nếu một tổ chức có lao động trẻ em trong các hoạt động của mình hoặc trong phạm vi ảnh hưởng, nó phải đảm bảo không những trẻ em bị đuổi khỏi nơi làm việc, mà còn đảm bảo rằng trẻ được cung cấp các lựa chọn thay thế thích hợp, đặc biệt là giáo dục. Công việc nhẹ nhàng mà không gây hại cho trẻ em hoặc cản trở việc đi học hoặc các hoạt động khác cần thiết cho sự phát triển đầy đủ của trẻ (như các hoạt động giải trí) không được coi là sử dụng lao động trẻ em.
Theo quy định của ISO 26000, phân biệt đối xử bao gồm bất kỳ sự phân biệt, loại trừ hay ưu tiên nào gây nên sự bất bình đẳng trong việc đối xử hay được trao cơ hội, khi việc xem xét dựa trên những định kiến thay vì một cơ sở pháp lý. Các lý do cho việc phân biệt đối xử bao gồm nhưng không giới hạn những mục sau: chủng tộc, màu da, giới tính, tuổi tác, ngôn ngữ, tài sản, quốc tịch hoặc nước xuất xứ, tôn giáo, nguồn gốc dân tộc hoặc xã hội, tầng lớp xã hội, khuyết tật, mang thai, là dân bản xứ, liên minh công đoàn, liên kết chính trị hoặc quan điểm chính trị hay khác. Những lý do bị cấm mới xuất hiện cũng bao gồm tình trạng hôn nhân hoặc gia đình, mối quan hệ cá nhân và tình trạng sức khoẻ như tình trạng HIV/AIDS. Doanh nghiệp cần đảm bảo rằng nó không phân biệt đối xử với nhân viên, đối tác, khách hàng, các bên liên quan, thành viên và bất cứ ai khác mà doanh nghiệp đó có liên hệ. Doanh nghiệp nên kiểm tra hoạt động của chính mình và của các bên khác trong phạm vi ảnh hưởng của nó để xác định có sự phân biệt đối xử trực tiếp hay gián tiếp hay không. Doanh nghiệp phải tôn trọng quyền tự do ngôn luận và ý chí. Một doanh nghiệp không nên nhằm mục đích đàn áp quan điểm hay ý kiến của bất kỳ ai, ngay cả khi người đó thể hiện sự chỉ trích doanh nghiệp trong nội bộ hay bên ngoài;
- Nghĩa vụ của doanh nghiệp trong đảm bảo việc làm
Mỗi cá thể, với tư cách là một thành viên của xã hội đều có những quyền lợi kinh tế, xã hội và văn hóa thiết yếu với nhân phẩm và sự phát triển cá nhân của người đó. Những quyền này bao gồm: học tập; làm việc trong những điều kiện công bằng và thuận lợi; tự do liên kết; có tiêu chuẩn sức khỏe hợp lý; có tiêu chuẩn sống phù hợp với tình trạng vật chất, tinh thần và sức khỏe của bản thân và gia đình người đó; có đủ thực phẩm, quần áo, nhà cửa, chăm sóc y tế và an sinh xã hội cần thiết; theo một tôn giáo hoặc văn hóa; và không bị phân biệt đối xử khi có cơ hội thực sự tham gia vào việc đưa ra quyết định ủng hộ các hoạt động tích cực và ngăn chặn các hoạt động tiêu cực liên quan đến những quyền này.
Doanh nghiệp không được sử dụng lao động bất hợp pháp. Nhân viên (nhân viên chính thức, nhân viên hợp đồng, hoặc nhân viên ký hợp đồng với bên thứ ba) phải được đào tạo đầy đủ, bao gồm cả việc tuân thủ các tiêu chuẩn về QCN; và khiếu nại về các thủ tục an ninh hoặc nhân sự cần được độc lập giải quyết và điều tra kịp thời vào thời điểm thích hợp. Hơn nữa, doanh nghiệp phải thực hiện rà soát đặc biệt để đảm bảo rằng không có sự tham gia, hỗ trợ hay tư lợi từ các hành vi vi phạm QCN của các lực lượng an ninh công cộng.
- Nghĩa vụ của doanh nghiệp trong đảm bảo điều kiện làm việc và bảo trợ xã hội
Điều kiện lao động bao gồm tiền lương và các hình thức bồi thường khác, thời gian làm việc, thời gian nghỉ ngơi, nghỉ lễ, kỷ luật và sa thải, bảo vệ thai sản và phúc lợi và chế độ bảo hiểm xã hội.
Bảo hiểm xã hội đề cập đến tất cả các đảm bảo pháp lý và các chính sách và thực tiễn của tổ chức nhằm giảm nhẹ sự cắt giảm thu nhập trong trường hợp bị thương tật nghề nghiệp, bệnh tật, thai sản, cha mẹ, tuổi già, thất nghiệp, tàn tật hoặc khó khăn về tài chính và chăm sóc y tế và lợi ích gia đình. Bảo trợ xã hội đóng một vai trò quan trọng trong việc bảo vệ nhân phẩm của con người và thiết lập một sự công bằng và bình đẳng xã hội. Tuy nhiên, trách nhiệm chính về bảo trợ xã hội thuộc về nhà nước hơn là về doanh nghiệp.
- Nghĩa vụ của doanh nghiệp trong đảm bảo đối thoại xã hội tại nơi làm việc
Đối thoại xã hội bao gồm tất cả các hình thức đàm phán, tham vấn hoặc trao đổi