Đất đai và tài sản gắn liền với đất thuộc hai chế độ sở hữu khác nhau. Một cái là thuộc sở hữu Nhà nước còn cái kia thì lại thuộc sở hữu tư nhân. Trong quá trình sử dụng đất, người sử dụng đất bỏ công sức, tiền bạc của chính mình ra để tạo lập nên các tài sản gắn liền với đất, ví dụ như các công trình xây dựng trên đất, cây lâu năm…tạo nên một khối tài sản thống nhất. Nếu như đất đai - một tài nguyên thiên nhiên thuộc sở hữu của Nhà nước thì tài sản gắn liền với đất – tư bản của người sử dụng đất phải thuộc sở hữu của họ. Do đó mà người sử dụng đất có cả ba quyền chiếm hữu, sử dụng và định đoạt tài sản gắn liền với đất. Tuy nhiên, là tài sản gắn liền với đất không thể tách rời nên khi người sử dụng đất thực hiện quyền sở hữu của mình đối với tài sản gắn liền với đất cũng sẽ chịu sự chi phối của quyền sử dụng đất. Khi người sử dụng đất cho thuê tài sản gắn liền với đất thì đồng thời cũng phải chuyển giao cả quyền sử dụng đất, tức là giống như cho thuê quyền sử dụng đất đồng thời cho thuê luôn tài sản gắn liền với đất. Vậy nên việc cho thuê này cũng phải chịu sự chi phối từ ý chí của chủ sở hữu đất đai là Nhà nước. Đối với những trường hợp được phép cho thuê quyền sử dụng đất thì đương nhiên, người sử dụng đất cũng được phép cho thuê luôn tài sản gắn liền với đất. Còn đối với quyền sử dụng đất thuê trả tiền thuê hàng năm thì theo quy định tại Điều 175, khoản 2 Điều 179, khoản 2 Điều 183 Luật Đất đai 2013 thì các chủ thể được cho thuê tài sản thuộc sở hữu của mình gắn liền với đất thuê trả tiền thuê hàng năm gồm hai trường hợp: một là hộ gia đình, cá nhân; hai là tổ chức kinh tế, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở để cho thuê. Ngoài hai trường hợp này thì người sử dụng đất không được cho thuê tài sản gắn liền với đất thuê trả tiền thuê hàng năm.
28
Khoản 2 Điều 159, khoản 3 Điều 160 Luật Nhà ở 2014.
25