Phương pháp đào tạo, bồi dưỡng công chức là một trong những yếu tố quan trọng nhằm tạo nên chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức hiện nay.
Đối với đối tượng là công chức nhà nước do có khả năng tiếp thu tốt, có kinh nghiệm trong cuộc sống nên việc áp dụng một số phương pháp đào tạo cũng dễ dàng hơn với các loại đối tượng khác.
Đối với đào tạo công chức chủ yếu áp dụng các phương pháp diễn giảng, đàm thoại, suy diễn, kiểm tra, tình huống nêu vấn đề, hội thảo. So với các loại đối tượng khác thì việc áp dụng các phương pháp đào tạo công chức đơn giản và dễ dàng hơn vì nó có tính đặc thù riêng là đối tượng đào tạo có trình độ, kinh nghiệm, nội dung đào tạo gắn với thực tế, với chuyên môn nghề nghiệp của công chức. Cần tăng cường khâu nghiên cứu thực tế, ngoại khoá, thảo luận, tranh luận, diễn tập cho công chức.
Đào tạo, bồi dưỡng bằng phương pháp tích cực, phát huy tính tự giác, chủ động và tư duy sáng tạo của người học, tăng cường trao đổi thông tin, kiến thức và kinh nghiệm giữa giảng viên với học viên và giữa các học viên .
Phương pháp đào tạo, bồi dưỡng tích cực là lấy người học làm trung tâm. Điều này đừng đồng nhất với các phương tiện máy móc hiện đại. Thật ra, phương pháp tiên tiến lấy người học làm trung tâm đã có trên thế giới hàng trăm năm nay rồi, trước khi có các phương tiện hiện đại nghe nhìn như hiện nay. Công chức phải trở thành người chủ động tiếp thu tri thức, chứ không phải bị động thầy giảng, trò ghi.