Các nhân tố tác động đến quản lý thuế rất đa dạng, phong phú. Nó có thể là nhân tố thuộc cơ quan thuế và nhân tố ngoài cơ quan thuế. Tổng hợp lại, ta có thể kể đến các nhân tố sau:
1.2.4.1. Nhân tố ngoài cơ quan thuế
Thứ nhất, các luật, quy định và chính sách liên quan. Hệ thống chính sách, pháp luật thuế được áp dụng thống nhất từ trên xuống dưới, hạn chế tối đa sự mâu thuẫn, xung đột giữa các quy định, từ đó tạo sự thuận lợi cho cơ quan thu thuế, đặc biệt là các CCT ở nước ta. Các văn bản quy phạm pháp luật là cơ sở pháp lý để hướng dẫn các tổ chức, cá nhân thực hiện nghĩa vụ thuế và là căn cứ để kiểm tra, xử phạt những trường hợp vi phạm. Nếu hệ thống các luật thuế và luật quản lý thuế rõ ràng, minh bạch, không chồng chéo đơn giản dễ hiểu, có tính ổn định tương đối sẽ tạo điều kiện cho NNT dễ dàng và tự giác
tuân thủ pháp luật thuế. Ngược lại, nếu hệ thống thuế mang tính chắp vá, chồng chéo, thiếu căn cứ kinh tế sẽ dẫn đến hiện tượng lạm thu và thất thu nguồn ngân sách Nhà nước. Như vậy, hệ thống chính sách thuế khoa học, đơn giản, dễ hiểu và ổn định trong thời gian dài sẽ góp phần nâng cao hiểu biết và nhận thức về nghĩa vụ công dân đối với thuế, tranh thủ được sự đồng tình ủng hộ rộng rãi của các tầng lớp nhân dân và sự tự giác chấp hành các quy định về pháp luật thuế.
Thứ hai, nhân tố thuộc chế độ của Nhà nước. Chế độ của Nhà nước tác động đến quản lý thuế của nước đó, chẳng hạn, ở các nước có mô hình nhà nước liên bang thì bộ máy tổ chức của cơ quan thuế sẽ có sự khác biệt với mô hình nhà nước thống nhất. Các quốc gia có tình hình chính trị ổn định, bộ máy hành chính ít tham nhũng quan liêu thì quản lý thuế dễ dàng đạt được các mục tiêu đề ra. Chủ trương phát triển kinh tế của Chính phủ cũng có tác động trực tiếp và gián tiếp đến quản lý thuế, là một công cụ của quản lý thuế bên cạnh công cụ luật pháp. Cụ thể, việc tăng cường quản lý kinh tế xã hội như tăng cường quản lý, giám sát các hoạt động đầu tư, hoạt động của thị trường chứng khoán, các quy định về công khai minh bạch tài sản, tăng cường thanh toán không dùng tiền mặt trong nền kinh tế. Tất cả sẽ có tác động trong việc quản lý, giám sát thu nhập của NNT từ đó tạo thuận lợi cho quản lý thuế tại các CCT. Có thể nói, Nhà nước và các chế độ của mình tác động đến quản lý thuế ở tầm vĩ mô, thiết lập nền tảng cho quản lý thuế. Vì vậy đây là nhân tố vô cùng quan trọng.
1.2.4.2. Nhân tố trong cơ quan thuế
Thứ nhất, quy trình quản lý thu thuế. Đây là cơ chế vận hành quan trọng trong quá trình tổ chức thực hiện quản lý thu thuế. Các cơ quan thuế cần thiết phải xây dựng một quy trình chặt chẽ từ thu nộp thuế, quản lý thuế đến quyết toán thuế, đồng thời các khâu quản lý đối tượng nộp thuế, lập bộ tính
thuế, thông báo thuế và tổ chức thu nộp qua hệ thống kho bạc, xử lý nợ đọng, xem xét miễn giảm cũng cần được chú trọng và được hệ thống một cách chặt chẽ để đảm bảo tính thống nhất trong quá trình áp dụng. Điều này cũng đồng nghĩa với việc mỗi loại thuế khác nhau cũng cần có những quy trình cụ thể để việc thực hiện được diễn ra dễ dàng cho cả cơ quan thuế và chủ thể nộp thuế.
Thứ hai, nhân tố về ứng dụng công nghệ thông tin. Ngày nay, việc quản lý thuế càng trở nên phức tạp vì số lượng các loại thuế nhiều, đối tượng áp dụng rộng, phạm vi đánh thuế bao quát các mặt của cuộc sống, thuế suất cho từng đối tượng bị đánh thuế là khác nhau và trong mỗi loại hàng hoá, dịch vụ bị đánh thuế lại có nhiều mức thuế suất khác nhau. Bên cạnh đó là việc miễn thuế cho các sản phẩm hàng hoá dịch vụ cũng có những quy định riêng. Tóm lại, khối lượng công việc trong quản lý thuế của các cơ quan thuế là rất lớn. Do vậy, việc ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý thu thuế là một biện pháp tối ưu trong giảm tải công việc mà vẫn đảm bảo tính đúng đắn của hoạt động quản lý thu thuế. Tuy nhiên, nếu việc áp dụng công nghệ thông tin trong giải quyết công việc không được thực hiện một cách trôi chảy hoặc các cán bộ làm công tác quản lý và thu thuế không có trình độ sử dụng tin học thì cũng sẽ không đem lại hiệu quả cao cho hoạt động quản lý thu thuế.