6. Kết cấu luận văn
2.3.2. Thu thập tài liệu và thông tin cần thiết
Trong phân tích tài chính nhà phân tích phải thu thập, sử dụng mọi nguồn thông tin: từ những thông tin nội bộ đến những thông tin bên ngoài doanh nghiệp, từ những thông tin số lượng đến thông tin giá trị. Những thông tin này đều giúp nhà phân tích có thể đưa ra những nhận xét kết luận chi tiết và thích đáng.
Các nhà đầu tư và nhà phân tích thường sử dụng nhiều thông tin phi tài chính trong phân tích và đánh giá doanh nghiệp. Chẳng hạn, thông tin về quản trị được coi là đặc biệt quan trọng. Bên cạnh đó, cũng cần chú ý tới những thông tin phi tài chính khác như thông tin chung của ngành, lĩnh vực hoạt động của doanh nghiệp như: cơ hội kinh doanh, chính sách thuế, lãi suất, vị trí của ngành trong nền kinh tế, cơ cấu ngành và các sản phẩm của ngành, tình trạng công nghệ, thị phần của doanh nghiệp, các thông tin về pháp lí, kinh tế đối với doanh nghiệp như tình hình quản lí, kế toán, kiểm toán, kế hoạch sử dụng kết quả kinh doanh... Ngoài ra nguồn cung cấp thông tin cũng là một yếu tố quyết định tới độ chính xác và đáng tin cậy của thông tin sử dụng phân tích tài chính. Đối với ngân hàng nguồn thông tin có thể từ nhiều nguồn cung cấp như: chính khách hàng cung cấp, từ cơ quan thuế, cơ quan
quản lí cấp trên của doanh nghiệp, thông tin từ ngân hàng nhà nước, từ các ngân hàng khác, từ báo chí... hoặc thông tin từ chính trung tâm thông tin của ngân hàng.
Tuy nhiên để đánh giá một cách cơ bản tình hình tài chính của doanh nghiệp có thể sử dụng thông tin tài chính như là một nguồn thông tin quan trọng nhất. Với tính hệ thống, đồng nhất, phong phú tài chính kế toán hoạt động như một nhà cung cấp thông tin quan trọng và tin cậy cho phân tích tài chính. Mặt khác doanh nghiệp cũng cần phải cung cấp những thông tin tài chính cho các bên đối tác trong và ngoài doanh nghiệp. Thông tin tài chính được phản ánh khá đầy đủ trong các báo cáo tài chính. Phân tích tài chính được thực hiện trên cơ sở các báo cáo tài chính - được hình thành thông qua việc xử lí các thông tin của kế toán cung cấp, đó là bảng cân đối kế toán, báo cáo kết quả kinh doanh, báo cáo lưu chuyển tiền tệ.
Bảng cân đối kế toán là một báo cáo tài chính mô tả tình hình tài chính của doanh nghiệp tại một thời điểm nhất định nào đó. Đây là một báo cáo tài chính có ý nghĩa rất quan trọng đối với mọi đối tượng có quan hệ sở hữu, quan hệ kinh doanh, và quan hệ quản lí với doanh nghiệp. Thông thường bảng cân đối kế toán được trình bày dưới dạng bảng cân đối số dư các tài khoản kế toán: một bên phản ánh tài sản và một bên phản ảnh nguồn vốn của doanh nghiệp.
Thông tin trong bảng cân đối kế toán giúp nhà phân tích nhận biết được loại hình doanh nghiệp, qui mô, mức độ tự chủ về tài chính. Bảng cân đối kế toán là báo cáo tài chính quan trọng bậc nhất, thông qua đó nhà phân tích có thể tính toán đánh giá được các chỉ tiêu như khả năng cân bằng tài chính, khả năng thanh toán, khả năng cân đối vốn.
Báo cáo kết qủa kinh doanh cũng là một tài liệu cần thiết cho hoạt động phân tích tài chính. Báo cáo kết quả kinh doanh cho biết sự dịch chuyển của tiền tệ trong quá trình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và cho phép dự tính khả năng hoạt động của doanh nghiệp trong tương lai. Báo cáo này giúp nhà phân tích so sánh doanh thu với số tiền thực tế nhập quĩ khi bán hàng, cung cấp dịch vụ, so sánh tổng chi phí phát sinh với số tiền thực xuất ra để vận hành doanh nghiệp. Trên cơ sở doanh thu chi phí, có thể xác định kết quả sản xuất kinh doanh của đơn vị lãi hay lỗ trong một giai đoạn thường tính theo tháng, quí, năm. Khác với bảng cân đối kế
toán cho biết số liệu thời điểm, báo cáo kết quả kinh doanh phản ánh kết quả kinh doanh trong cả một giai đoạn, thời kì nhất định. Nó cung cấp những thông tin tổng hợp về tình hình và kết quả sử dụng các yếu tố đầu vào như: nhân công, nguyên vật liệu, kĩ thuật, trình độ quản lí sản xuất kinh doanh của bản thân doanh nghiệp.
Để đánh giá một doanh nghiệp có khả năng chi trả hay không, nhà phân tích tài chính cần tìm hiểu tình hình ngân quĩ của doanh nghiệp. Ngân quĩ thường được xác định cho khoảng thời gian ngắn thường là hàng tháng. Bao gồm dòng tiền thực nhập quĩ từ hoạt động sản xuất kinh doanh hàng hóa dịch vụ, dòng tiền nhập quĩ từ các hoạt động tài chính, đầu tư, hoạt động bất thường khác, dòng tiền thực xuất quĩ để thực hiện hoạt động sản xuất kinh doanh, thực hiện hoạt động đầu tư, tài chính, hoạt động bất thường.
Trên cơ sở dòng tiền xuất và nhập có thể dự báo cho nhu cầu trong thời gian tới của doanh nghiệp, cũng từ đó có thể thực hiện cân đối ngân quĩ với số dư ngân quĩ đầu kì để xác định số dư ngân quĩ cuối kì. Từ đó lập mức dự phòng tối thiểu cho doanh nghiệp nhằm mục tiêu đảm bảo khả năng chi trả cho doanh nghiệp.
Như vậy để thực hiện phân tích tài chính doanh nghiệp các nhà phân tích cần phải đọc và hiểu được các báo cáo tài chính, thông qua đó họ nhận biết được và tập trung vào các chỉ tiêu tài chính có liên quan trực tiếp tới mục đích mà họ hướng tới. Đối với hoạt động phân tích tài chính khách hàng doanh nghiệp trong ngân hàng thương mại mục đích chính của ngân hàng là tìm hiểu về tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, khả năng chi trả, diễn biến của dòng tiền xuất quĩ nhập quĩ, khả năng tạo ra lợi nhuận của doanh nghiệp. Vì thế phân tích tài chính cần sử dụng thông tin đa dạng, từ nhiều nguồn, không chỉ là những báo cáo tài chính, mà còn có cả những thông tin khác có liên quan như tình hình quan hệ tín dụng của doanh nghiệp đối với tất cả các tổ chức tín dụng, với bạn hàng, khách hàng của doanh nghiệp, ngoài ra còn có những thông tin chung về hiện trạng và xu hướng phát triển của ngành nghề, lĩnh vực, sản phẩm mà doanh nghiệp đang tham gia hoạt động.
Vì yêu cầu của việc phân tích, nhân viên tín dụng không thể sử dụng những thông tin đơn thuần từ các báo cáo tài chính. Để hiểu thật kĩ hoạt động của khách
hàng, có khi cần phải sử dụng số liệu chi tiết. Như tìm hiểu những khoản phải thu, phải trả của chi tiết từng đối tác của khách hàng, nhờ đó mà nhân viên tín dụng mới có thể tìm hiểu tập quán bán hàng cũng như mua hàng của doanh nghiệp. Chính sách bán hàng trả chậm của doanh nghiệp có thể có số ngày ít hơn hoặc lâu hơn so với hóa
đơn, hợp đồng kinh tế, những điều này nhân viên tín dụng chỉ có thể tìm hiểu thông qua việc đi thực tế, xem chi tiết các tiểu khoản.