Văn hóa cộng đồng trong truyện ngắn Tống Ngọc Hân

Một phần của tài liệu (Luận văn thạc sĩ) Truyện ngắn Tống Ngọc Hân từ góc nhìn văn hóa (Trang 49 - 55)

7. Đóng góp mới của luận văn

2.2. Văn hóa cộng đồng trong truyện ngắn Tống Ngọc Hân

Bên cạnh phản ánh những không gian, phong tục tập quán, những nếp sống gia đình, Tống Ngọc Hân còn tái hiện lại đời sống sinh hoạt cộng đồng của người dân tộc vùng núi phía bắc. Đó là những lễ hội, những sinh hoạt cộng đồng trong các làng bản gắn với thiên nhiên. Đó là nơi vun đắp tình nghĩa, hình thành và gìn giữ bản sắc văn hóa vùng cao. Tác giả cũng mô tả lại những xung đột, va chạm và đổ vỡ của nó trong quá trình đô thị hóa, hiện đại hóa.

Truyện ngắn Máu và tuyết là một trong những truyện ngắn đặc sắc nói về đời sống bãi vàng nơi vùng cao. Những bãi vàng mọc lên như nấm nơi núi non hùng vĩ ấy cũng với đám người tứ xứ đã tạo nên những biến động lớn trong đời sống của người dân tộc: “Lão Lìn nói, ngày xưa suối Po rất đẹp. Xưa là từ bao giờ Pú không biết, chứ lúc đặt chân đến, đã thấy con suối trốc trác, nham nhở và ngàu đục thế này. Hội đào vàng thuê ở đây, mỗi thằng một

45

phương, mỗi thằng một họ, mỗi thằng một tính” [5; 43]. Trước làn sóng đào vàng, không gian văn hóa vùng cao bị tổn thương một cách nghiêm trọng. Với người vùng cao những con suối, những cánh rừng không chỉ là không gian thiên nhiên. Nó còn là không gian văn hóa bởi đời sống của người vùng cao vẫn gắn bó chặt chẽ với những suối, những rừng đó. Thậm chí thiên nhiên còn mang dấu vết tâm linh của những tín ngưỡng sơ khai như thờ thần rừng, sông, suối. Cho nên, làn sóng đào vàng chính là sự phá vỡ nghiêm trọng không gian sống cũng như không gian văn hóa của con người nơi đây, để lại bao hệ lụy khổ đau cho cuộc sống của đồng bào vùng cao.

Câu chuyện Máu và tuyết kể về Lý Ôn Pú. Pú là người dân tộc bản địa và là phu đào vàng cho Kha. Vì hay ghen nên Pú đưa vợ vào bãi vàng. Cũng vì nghi ngờ vợ qua lại với Kha nên Pú thường xuyên đánh đập vợ. Bi kịch khi vợ Pú có con trong bãi vàng. Pú tiếp tục hành hạ vợ bằng nắm đấm. Đến mức trong cơn say, Pú không nhớ được vợ mình vì sợ cơn ghen đã đem cho đi đứa con hay chính mình đã ném đứa trẻ xuống suối? Có thể nói, với truyện ngắn này, tác giả Tống Ngọc Hân đã tái hiện bi kịch của việc biến đổi không gian. Sự bình yên ổn định của suối, của rừng bị biến đổi bởi những không gian cộng đồng tạm bợ của bãi vàng. Đồng tiền và văn hóa lai tạp tứ xứ làm suy đồi sự bình yên của mảnh đất này. Đặc biệt qua nhân vật Pú, nhà văn khắc họa sự tha hóa của con người bởi đồng tiền: “Ở bãi vàng, Pú là thằng ăn chơi nhất đám cửu vạn. Pú hay ứng lương đi thị trấn chơi, ăn uống cho thỏa, sắm này sắm nọ. Kể cả việc vung tiền nếm thử mùi da thịt đàn bà tứ xứ, xem nó có khác gì da thịt con gái Dao không?” [5; 46].

Khác với truyện ngắn Máu và tuyết, với Người săn côn trùng, Tống Ngọc Hân tái hiện lại không gian của rừng. Không gian rừng cũng có thể được xem là một không gian gắn bó với đời sống của cộng đồng người vùng núi. Đó là không gian của thiên nhiên nhưng cũng là không gian của tín ngưỡng, của mưu sinh. Với người vùng cao, rừng chính là không gian sống và phản

46

ánh văn hóa của họ. Từ ngôi nhà đến cái bàn, cái ghế, cái chày cái cối đều làm bằng gỗ. Cho nên mất rừng là mất đi cái gốc sự sống của họ. Truyện ngắn

Người săn côn trùng nói về nghề bắt những con bướm quý, những con cánh cam hiếm để bán cho dân dưới xuôi với giá hàng trăm triệu. Vì tiền người ta có thể phá cả cánh rừng: “Chuyện nếu bảo là cũ thì nó cũ, nếu bảo là mới thì nó mới. Mới hôm nào từng đoàn người lũ lượt lên rừng đông như trẩy hội. Để bắt được bướm quý, người ta sẵn sàng hạ gục những gốc đại thụ. Cây to đè lên cây bé. Tan hoang cả vì bướm” [5; 51]. Sự tan vỡ của không gian rừng tác động lớn đến những mảnh đời của con người vùng cao. Ông lão làm nghề bắt côn trùng ngày ngày sống trong cơn say và sống tạm bợ trong một căn nhà nhỏ. Đời sống tạm bợ của người bắt côn trùng đối lập với đời sống ổn định, cố kết của làng của bản. Nó nói lên sự tan vỡ của không gian sống truyền thống. Trong sự vụn vỡ của những mảnh đời ấy, ông lão nhặt về bà mẹ già, người vợ và thằng con trai. Tất cả đều là những sự chắp vá từ đổ vỡ. Những con người tứ xứ kiếm ăn nơi vùng cao gặp nhau theo một định mệnh và nương náu nhờ nhau mà sống. Cho đến cuối tác phẩm, những mảnh đời chắp vá vẫn là chắp vá, vẫn là nay đây mai đó. Rồi tất cả đều tan nát trong nỗi ám ảnh của những con bướm bay chập chờn, của rừng: “Ông tung chăn, tụt xuống đất, bỏ chạy khỏi nhà như con bướm ma vùng vẫy thoát khỏi cám dỗ từ quầng sáng đèn pin của người thợ săn côn trùng. Ngoài đường, sương mù như tấm lưới giăng sẵn.” [5; 56].

Với truyện ngắn Ổ cửa sổ vẫn mở, Tống Ngọc Hân lại đem đến cho người đọc một cảm giác đắng chát hơn về sự rạn vỡ của không gian văn hóa trước làn sóng kim tiền của cơn bão du lịch. Câu chuyện kể về người đàn bà cùng hai đứa con nhỏ sống tại một ngôi nhà trên núi cao. Mùa đông băng tuyết phủ kín. Chính vì vẻ đẹp của mùa đông đã thu hút rất nhiều khách du lịch đến nơi đây. Ngôi nhà của chị trở thành có giá trị và nhiều người gạ mua. Không mua được họ bắt con mèo nhà chị rồi khoét mắt, tra tấn nó để hàng đêm quanh

47

ngôi nhà vang lên những âm thanh ghê rợn hòng dọa gia đình chị. Nơi chị ở thành tên rừng ma. Câu chuyện giản đơn qua trần thuật của nhân vật người mẹ yêu thương hai đứa con và con mèo Mun nhưng qua đó toát lên sự biến động của cả một cộng đồng người khi văn hóa bản địa đang bị những làn sóng du lịch nuốt chửng. Nó khiến chúng ta nhớ lại rằng, trong những năm gần đây, biết bao những dự án du lịch với mặt trái của nó đang tác động xấu tới môi trường và đời sống của con người vùng cao.

Cùng với các truyện ngắn kể trên, với Núi vỡ, tác giả Tống Ngọc Hân thể hiện cái nhìn phê phán với sự lấn át của văn minh đô thị tới đời sống của người dân tộc thiểu số. Đặc biệt, ngay cả những dự án thủy điện tưởng chừng góp phần cho phát triển kinh tế văn hóa, nhưng đối với những người dân bản địa nó không khác gì những quả bom nước có thể nuốt chửng họ bất cứ lúc nào: “Núi nứt ra. Nước phun từng cột lớn, ào ạt, cuồn cuộn. Bản của Cay, rồi bản người Tày, bản người Dao, người Giáy, tất cả những bản nằm trong thung lũng đều chìm nghỉm. Cả một vùng mênh mang trắng xóa. Nước lên tận trời rồi. Người và vật trôi bập bềnh, hỗn loạn.” [5; 38]. Truyện ngắn đem lại cái nhìn mới về thủy điện. Cái nhìn mà hiện này nhiều quốc gia trên thế giới cũng đang cảnh báo. So sánh để thấy cái nhìn của Tống Ngọc Hân là cái nhìn dự báo, cảnh tỉnh cho cả thời đại khi nhiều quốc gia đã không còn phát triển thủy điện. Hãy nhìn sang Ấn Độ để thấy những con đập khổng lồ ngăn dòng làm điện đang hủy diệt những cánh rừng, khiến cho người dân bản địa mất đất và tạo nên một đời sống nguy hiểm bấp bênh cho con người cư trú xung quanh. Việc di dời người dân không phải một câu chuyện dễ dàng bởi đất không chỉ là đất. Nó là hương hỏa, là đất tổ tiên, là kế mưu sinh… và rất nhiều yếu tố để khiến người dân định cư ở một vùng đất khác. Truyện Núi vỡ của Tống Ngọc Hân cho thấy đầy đủ những vấn đề đó: “Nhưng ở chỗ mới thì lấy gì mà ăn khi chia nhau mỗi người được một khoảng đất bằng cái vạt váy. Người đã đành. Con dê ở đâu? Con trâu ở đâu? Con lợn ở đâu? Chưa kể, cái chỗ ấy lại chênh

48

vênh trên sườn núi ông Sét. Đất không có, chỉ có đá. Nước không có, chỉ có gió. Mỗi năm, vào mùa sấm sét, đến núi còn phải vỡ toang ra kia” [5; 38]. Thủy điện không chỉ làm biến đổi môi trường, với Tống Ngọc Hân, nó còn là yếu tố đang biến đổi thậm chí là hủy diệt văn hóa. Nó làm tan vỡ tình nghĩa vợ chồng, làm con người thay đổi trang phục, tập quán hay lười biếng đi:

“Chẳng có việc gì làm, con Sênh sinh cái thói ra ngắm vào vuốt, đi chải về chuốt làm duyên. Nó bỏ áo chàm, mặc áo phông. Bảo thế mới mát. Nó bỏ quần lanh, mặc quần bò. Bảo thế mới ấm. Nó bán áo chàm, bán cả thắt lưng, lấy tiền nhuộm tóc vàng hoe…Cái thủy điện vẫn chưa cho điện mà đã lấy đi của San Hồ quá nhiều thứ. Lấy đi cái nết na chăm chỉ, chịu thương chịu khó của con gái San Hồ. Lấy đi cái ấm áp trong tình chồng nghĩa vợ. Những thứ ấy, không ai nhìn thấy. Họ chỉ thở dài chỉ tay lên rừng. Nơi ấy, cây lớn ngã đè lên cây bé. Rừng lớn đổ, rừng bé đổ. Nhựa cây hắc cả một vùng” [5; 39]. Hơn thế, Tống Ngọc Hân còn nói thẳng về sự bất bình đẳng văn hóa đang diễn ra mà người dân tộc thiểu số phải gánh chịu qua lời nhân vật Cay: “Có phải thủy điện chỉ mọc lên ở vùng sâu xa, nơi mà dân dốt nát không?” [5; 40]. Sự bất bình đẳng ấy tạo nên hai thế giới phản ánh sự xung đột văn hóa: giữa một bên là thành phố với ánh điện lấp lánh và một bên là làng bản chênh vênh nghèo nàn. Trong sự bất bình đẳng đó, thanh niên lũ lượt rời bản, rời làng đi tìm những hoa lệ thị thành và bỏ lại đằng sau núi rừng đắng chát.

Trong truyện ngắn Son môi, Tống Ngọc Hân cũng phác thảo vài nét về vấn đề thủy điện: “Thủy điện tệ thật. Ánh sáng chưa thấy đâu thì rừng đã bị cạo trọc, suối khô cạn và đường sá tanh bành thế này” [5; 43]. Đồng thời, tác giả cũng tái hiện các không gian cộng đồng khác là trường học. Không gian trường học có lẽ là điểm sáng trong va chạm văn hóa giữa hiện đại và truyền thống. Nhà văn đã khéo léo qua đó tái hiện lại sự heo hút, cô đơn của các thầy cô giáo cắm bản, đem con chữ cho đồng bào người dân tộc thiểu số. Bên cạnh

49

đó, tác giả cũng làm nổi bật tình người đằm thắm ở nơi đây. Đối với các cô giáo vùng cao, cây son môi là một thứ đồ xa xỉ vì chẳng mấy khi dùng đến. Có dùng cũng chỉ để tự mình ngắm. Nhưng hơn thế cây son còn là khao khát tình yêu, là ngọn lửa giữ cho con người vượt qua những tháng ngày heo hút. Chỉ là cây son Vũ dúi vào tay Vy cuối truyện ngắn, tác giả đã làm nổi bật lên khao khát rất nhân văn và sự hy sinh thầm lặng của những thầy cô giáo vùng cao.

Cũng nói về vấn nạn đào vàng, truyện ngắn Cổ tích miền sa khoáng

khai thác sự va chạm của công nghiệp khai khoáng đến đời sống của người bản địa. Những núi đồi nham nhở, những con suối cạn dòng và sự can thiệp thô bạo của con người đã gây ra nhiều thảm kịch cho con người. Mở đầu truyện ngắn, tác giả dẫn dắn người đọc bằng câu chuyện cổ về sự tích núi vàng. Không gian huyền thoại ấy chính là nguyên nhân dẫn đến con người đổ xô tới nới đây với máy móc, cuốc xẻng đào bới làm đảo lộn nhịp sống nơi đây. Sự xung đột được mô tả rõ qua lời thoại của nhân vật thằng Vương: “Ké cho con nói một câu. Giám đốc Quân không phải là nhà nước, không phải là người tốt. Kể từ khi nó cho máy móc về đào đãi vàng, suối Po không còn một con cá mà ăn. Nước cho ruộng đồng cũng khan hiếm. Khi lũ lụt về thì trôi nhà trôi cửa. Mấy đồng tiền nó trả cho bà con ta có đủ cho bà con đong lúa ăn không? Chúng ta phải đuổi con quỷ ấy đi. Không làm thuê cho nó nữa” [12; 189, 190]. Nhân vật Quân trong câu chuyện là một bưởng vàng thổ phỉ, hắn lợi dụng sự mê tín của người dân nơi đây về con suối vàng để giúp hắn khai thác vàng. Đó là ngọn nguồn mâu thuẫn và xung đột giữa một nhóm người chủ trương gìn giữ môi trường và một nhóm người kiên quyết khai thác vàng, kèm theo là sự tàn phá môi trường vốn trong lành đẹp đẽ. Xung đột lên đến đỉnh điểm khi các nhóm người định giải quyết vấn đề bằng bạo lực. Kết thúc là sự bất lực của nhân vật Vương trước vòng xoáy kim tiền đang làm rạn vỡ tình làng nghĩa xóm. Trong nhà ké Sọi vẫn say mê kể cho những đứa trẻ nghe về cổ tích suối vàng và con quỷ núi Pu Gia.

50

Có thể nói, văn hóa thực sự chính là “phông nền” để văn học có thể bộc lộ nó. Các giá trị văn hóa vừa được văn học phản ánh, vừa được văn học đánh giá lại. Những gì trong trẻo, đẹp đẽ được văn học lưu lại và những gì lạc hậu lỗi thời sẽ được văn học cảnh báo để loại bỏ. Những vấn đề nhức nhối trong xây dựng, bảo tồn và phát triển văn hóa cũng luôn được các nhà văn nhấn mạnh bởi lẽ họ, với thời cuộc, chính là những con người có nhãn quan nhạy cảm hơn cả. Thiết nghĩ, vai trò của văn nghệ sĩ chủ yếu cũng là ở đó. Họ chính là những người mang sứ mệnh phục dựng và tôn vinh nét đẹp văn hóa của mỗi dân tộc, mỗi thời đại.

So sánh với các tác phẩm cùng viết về đề tài miền núi như Đàn trời của Cao Duy Sơn, không gian văn hóa cộng đồng ít được đề cập hơn trong sáng tác của Tống Ngọc Hân. Có lẽ với một cây bút nữ, không gian gia đình vẫn là không gian được yêu thích hơn nhưng không phải vì vậy mà không gian văn hóa cộng đồng trong sáng tác của chị ít dữ dội hơn. Tống Ngọc Hân cũng đi sâu vào những xung đột xã hội văn hóa một cách hết sức thẳng thắn. Cách chị nói về thủy điện, khai khoáng đang dần hủy diệt môi trường sinh thái cũng như văn hóa của miền núi phía Bắc là một cái nhìn đáng trân trọng. Đó là cái nhìn thể hiện tri thức, cũng như chiều sâu của người hiểu và đau đáu về đời sống văn hóa. Bởi vậy, chúng ta có thể nói, bên cạnh vẻ đẹp nữ tính, nhân hậu, sáng tác của Tống Ngọc Hân làm người đọc suy nghĩ bởi chiều sâu và lấp lánh những triết lí nhân sinh sâu sắc, dũng cảm phản ánh sâu sắc những xung đột văn hóa đã, đang và sẽ còn diễn ra ở miền núi.

Một phần của tài liệu (Luận văn thạc sĩ) Truyện ngắn Tống Ngọc Hân từ góc nhìn văn hóa (Trang 49 - 55)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(113 trang)