7. Đóng góp mới của luận văn
2.3. Văn hóa nghệ thuật truyền thống trong truyện ngắn của Tống Ngọc Hân
Văn hóa nghệ thuật có cả trong văn hóa sinh hoạt gia đình và văn hóa sinh hoạt cộng đồng nhưng ở đây chúng tôi muốn chia thành mục riêng bởi tính chất đặc thù của nó thiên về giải trí, thưởng thức. Đề tài tiến hành khảo sát các khúc hát, lời hát được mô phỏng hoặc truyện cổ tích… được tái hiện trong các truyện ngắn của Tống Ngọc Hân để nhấn mạnh chức năng lưu giữ văn hóa của
51
văn học. Đồng thời thông qua những giai điệu, lời hát ấy chúng ta phần nào thấy được cách nghĩ và tâm hồn của con người miền núi, cũng như cái nhìn nghệ thuật của nhà văn với các giá trị truyền thống.
Qua sự mô tả của Tống Ngọc Hân, các nhạc cụ dân gian như sống lại với điệu hồn của người vùng cao “Hắn bảo, nhạc cụ người Mông, cái khèn quý nhất vì nó được dùng để gọi bạn tâm tình, gọi hồn gọi vía, dẫn dắt con người đi gặp tổ tiên, gặp gỡ thần linh” [5; 11]. Trong truyện Hồn xưa lưu lạc, điệu khèn của người Mông được tái hiện một cách da diết nhưng khao khát, nuối tiếc những truyền thống văn hóa đang bị phá vỡ bởi văn minh đô thị. Giàng A Sùng khi bán hết đồ đạc trong nhà và làm thuê cho bảo tàng, hắn dùng cây khèn đề thổi những điệu buồn để níu giữ kí ức của hắn về gia đình, dòng tộc, về những hồi ức đẹp nguyên sơ. Cây khèn và tiếng khèn trở nên có linh hồn. Một linh hồn thiêng liêng đang dần lưu lạc: “Tiếng khèn dịu dàng, điêu luyện, bay bổng, ngân xa. Cho hắn gặp lại vợ mình thủa còn thiếu nữ. Cho hắn chạm tay vào cái khung cửi mục nát bên cạnh bó lanh đang rên rỉ vì bị mối đùn lên, bọc kín như một cái mả trong góc bếp. Cho hắn gặp ông nội, bà nội và những người đã khuất trong họ Giàng trên giàn “ninh đăng” còn cố nghiêng người, nhìn hắn trách móc. Cho hắn gặp đàn trâu run lẩy bẩy, hướng những đôi mắt xanh lét và những cặp sừng cong, nhọn về phía hắn van nài. Nước mắt hắn lăn trên thân khèn…” [5; 11]. Khèn trong cuộc sống của người Mông là một nhạc cụ không thể thiếu và là một phần quan trọng tạo nên nét văn hóa đặc sắc của đồng bào. Khèn có mặt hầu hết trong mọi mặt đời sống sinh hoạt, văn hóa và tâm linh của người Mông. Là một loại nhạc cụ độc đáo, không chỉ bởi tính đại chúng của nó mà còn bởi đó vừa là nhạc cụ, vừa là đạo cụ. Khèn là nhạc khí thiêng kết nối giữa cõi trần và thế giới tâm linh, được sử diễn tấu trong tang ma nhưng cũng là phương tiện kết nối cộng đồng, chia sẻ tâm tư tình cảm, giúp chủ thể văn hóa thăng hoa với tinh thần lạc quan yêu đời. Tác giả Tống Ngọc Hân đã khéo léo mượn các lớp ý nghĩa của cây khèn để thể hiện dụng ý nghệ thuật của mình. Sự
52
đau đớn trong tiếng khèn của nhân vật Giàng A Sùng không chỉ phản ánh tâm tư cá nhân mà còn là câu chuyện của thời đại, của nỗi đau mà vùng đất văn hóa ấy đang gánh chịu. Nếu với truyện ngắn Đỗ Bích Thúy, tiếng đàn môi da diết lời tâm tình đôi lứa thì trong truyện ngắn Tống Ngọc Hân tiếng khèn là điệu buồn của những đổ vỡ gia đình. Văn hóa dân gian mà các tác giả tái hiện trong tác phẩm của mình mang giá trị nhân văn sâu sắc khi nó hòa điệu được cùng với nỗi lòng con người.
Mượn các chất liệu dân gian để sáng tạo không phải là một vấn đề mới nhưng Tống Ngọc Hân có những hướng đi riêng để làm nó đặc sắc hơn. Trong truyện ngắn Nu Na Nu nống, tác giả đã khéo léo mượn ngay đặc tính của trò chơi và bài đồng dao Nu na nu nống để tạo thành cốt truyện cảm động. Từ một trò chơi của những đứa trẻ con trong xóm cho đến khi người đàn ông đi chiến trận trở về mất một chân và cả đến khi ông mất đi, bài đồng dao ấy vẫn là điểm tựa để người vợ dựa vào sống qua những tháng ngày gian khó.
Rồng rắn lên mây, có cây khúc khắc, hỏi thăm thầy thuốc có nhà hay không? Thầy thuốc có nhà, bọn ngươi đến có việc gì? Dạ chúng con đau, đến xin thầy bát thuốc. Đau ở đâu? Đau ở đầu. Toàn xương với sỏ. Đau khúc giữa ạ. Cục máu cục mê. Đau khúc đuôi. Lôi thôi, không có tiền tao đuổi, nhà mày ở đâu? Nhà con bến Cát. Mày hát tao nghe. Ò í e... ò í e... ò í e… [5; 93].
Trong truyện ngắn Những đêm mưa, Tống Ngọc Hân lại khai thác văn hóa dân gian ở phương diện khác. Qua những bài thơ, tác giả đã tạo ra một thế giới đầy hình ảnh mang màu sắc văn hóa miền núi phía Bắc. Chúng ta có thể nói đó là thế giới nghệ thuật phái sinh từ văn hóa nghệ thuật dân gian:
“Mưa SaPa buồn
như tiếng khèn gã trai trẻ bị người yêu đi lấy chồng
Tiếng khèn rơi vào vết đá nứt nghìn năm bung nở một loài hoa rất lạ
53
mưa không làm ướt nhụy chỉ làm hương bay xa
Đám cướp vợ như cơn lốc tràn qua
Ngực đá không thể nhuộm tình chung màu chàm tê dại Mưa như nước mắt đứa con gái
lên men giữa đài hoa
Tiếng khèn gã trai chiều phố lảo đảo loang xa…” [12; 167].
Qua bài thơ, những phong tục tập quán được tái hiện lại một cách mềm mại với tiếng khèn, đám cướp vợ cùng nỗi buồn đau khi tình yêu bị chia lìa. Nỗi buồn đau ấy được hình tuượng hóa thành tiếng khèn “Lảo đảo loang xa”, một giá trị nhân văn sâu sắc… Hình ảnh những lễ hội hiện ra sinh động chứa đựng tình yêu đôi lứa. Những chất liệu dân gian không chỉ làm mềm hóa và sinh động lên cho câu chuyện mà còn là nơi lưu giữ những kí ức đẹp đẽ của văn hóa truyền thống.
Qua nhiều tác phẩm, ta thấy văn hóa nghệ thuật của miền núi Tây Bắc là vô cùng phong phú với những tiếng khèn, lời thơ tâm tình lay động lòng người. Tuy nhiên, qua thời gian và quá trình sinh hoạt hàng ngày, những giá trị nghệ thuật ấy đang dần mai một. Thế hệ trẻ chịu sự ảnh hưởng mạnh mẽ của quá trình giao thoa văn hóa, vật chất cũng như sự phát triển nhanh chóng của đời sống, khiến cho việc giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống
gặp nhiều khó khăn. Trong truyện ngắn Sình ca, ông Dừn – là thương binh xuất
ngũ. Tưởng chừng một người đàn ông đã ngoài sáu mươi sẽ chỉ an hưởng và nghỉ ngơi. Nhưng ngoài công việc trông, giữ nghĩa trang và bốc mộ cho người dân làng Cối, ông còn làm một công việc âm thầm và cao cả hơn: Bảo tồn và
phát triển Sình ca, một di sản đặc sắc của dân tộc Cao Lan. “Đó là tâm nguyện
cả đời của ông ấy. Ông ấy là người đặt lời mới cho sình ca. Còn tôi đã sưu tầm và chép lại mấy trăm câu hát sình ca cổ của dân tộc tôi. Tôi sang đây để chữa
54
bệnh cho ông ấy và cùng dạy con cháu ông ấy hát sình ca, bảo tồn nét văn hóa đẹp của dân tộc tôi…” [8; 81, 82]. Và cùng với đó là những điệu hát Xoan cổ của làng Cối, được lưu giữ và biểu diễn bởi “Một cụ ông trong làng Cối tuổi ngoài chín mươi và một cụ bà ngoài tám mươi được mời đến nhà văn hóa của làng Cối.” [8; 83]. Từ đó, có thể thấy rằng mỗi dân tộc đều mang trong mình những nét văn hóa riêng và đặc sắc. Đối với đồng bào dân tộc thiểu số miền núi phía Bắc nói chung và Tây Bắc nói riêng, âm nhạc có vai trò vô cùng vai trò quan trọng trong đời sống hàng ngày. Trước kia, ở các phiên chợ, các chàng trai, cô gái người Mông thường thổi kèn lá để tìm bạn tình. Sau khi yêu nhau, họ dùng tiếng sáo, tiếng khèn, tiếng đàn môi để bày tỏ tình cảm với người yêu. Nhưng ở cuộc sống hiện đại ngày nay, khi các phương tiện thông tin tiên tiến ra đời, người ta đã không còn dùng tiếng khèn, tiếng sáo nữa. mà là đài cát-sét, radio thay cho những nhạc cụ dân tộc, và giờ thì họ dùng cả điện thoại di động, để liên lạc... Việc thổi kèn, thổi sáo hay hát tỏ tình đang bị mai một, biến mất. Đặc biệt là thế hệ thanh, thiếu niên không còn mặn mà với nghệ thuật cổ truyền của dân tộc mình nữa. Đó là điều đáng báo động hiện nay mà Tống Ngọc Hân đặt ra trong những tác phẩm của mình.
Tóm lại, văn hóa nghệ thuật chính là một phần không thế thiếu trong sinh hoạt của người miền núi. Ẩn chứa trong đó là nhiều giá trị và quan niệm nhân văn cao đẹp. Nhà văn Tống Ngọc Hân đã tái hiện lại trong những trang viết của mình một mảng màu sắc văn hóa nên thơ của đồng bào dân tộc thông qua những phương diện kể trên.