CHƯƠNG 3 CÁC NƯỚC XUẤT KHẨU CHÍNH TRÊN THẾ GIỚI (CUNG VỀ LAO ĐỘNG)
2.1. Xuất khẩu lao động của Philippines
Philippines là một trong những nước xuất khẩu lao động (XKLĐ) lớn nhất trong khu vực Đông Nam Á. Người Philippin đi lao động ở khắp nơi trên thế giới, số lao động có mặt ở nước ngoài bình quân khoảng 5 triệu người và thu nhập trung bình đạt khoảng 18-20 tỷ USD/năm. Từ lâu Philippines đã coi XKLĐ là một trong những ngành kinh tế đối ngoại quan trọng của đất nước và có rất nhiều kinh nghiệm để tăng cường XKLĐ và quản lý tài chính XKLĐ. Phong trào xuất khẩu lao động ở Philippines bắt đầu bùng nổ từ những năm 70 của thế kỷ trước.
2.1.1. Số lượng lao động ra nước ngoài làm việc:
Năm 2019, số lao động Philippines ở nước ngoài (OFWs) ước tính là 2.2 triệu người. Trong đó, công nhân hợp đồng ở nước ngoài (OCWs) chiếm 96,8% tổng số OFW năm 2019, còn lại (3.2%) là những công nhân làm việc ở nước ngoài không hợp đồng.
Số lượng lao động Philippines ở nước ngoài giai đoạn 2010 – 2019 được thể hiện qua biểu đồ sau:
Biểu đồ 3. 1: Số lượng lao động Philippines làm việc ở nước ngoài giai đoạn 2010 – 2019
Nhìn chung, số lượng lao động Philippines ra nước ngoài làm việc giai đoạn 2010 – 2019 tăng ổn định và luôn ở mức trên 2 triệu người. Giai đoạn năm 2010 – 2015 chứng kiến sự tăng ổn định về số lượng xuất khẩu Philippines với khoảng 80 nghìn người mỗi năm. Năm 2016, xuất khẩu lao động Philippines giảm hơn 200 nghìn người do ảnh hưởng của tình hình tăng trưởng kinh tế toàn cầu thấp ở tất cả các nền kinh tế riêng lẻ lẫn khu vực. Số lượng lao động Philippines ra nước ngoài làm việc tăng trở lại vào năm 2017 và giảm nhẹ trong 2 năm tiếp theo.
2.1.2. Doanh thu từ xuất khẩu lao động Philippines nhận được.
Nhìn chung, lượng kiều hối của Philippines tăng đều các năm trong giai đoạn 2010-2019. Năm 2015, lượng kiều hối của Philippines đạt 29.8 tỷ USD, đưa Philippines lên vị trí thứ 3 thế giới về kiều hối, sau Ấn Độ (72.2 tỷ USD) và Trung Quốc (63.9 tỷ USD). Con số này tiếp tục tăng dần qua các năm, năm 2017 Philippines đạt vị trí cao nhất của mình là xếp thứ 2 thế giới sau Ấn Độ với lượng kiều hối là 32.8 tỷ USD. Thời điểm hiện tại, Ngân hàng Thế giới ước tính ngoại tệ mà người đi xuất khẩu lao động đem về nước chiếm 10% GDP của Philippin. Tổng số người Philippin ra nước ngoài làm việc cứ tăng lên theo từng năm.
Biểu đồ 3. 2: Doanh thu từ xuất khẩu lao động của Philippines và tỷ trọng đóng góp vào GDP giai đoạn 2010 – 2019
Với Philippines, kiều hối đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy tiêu dùng trong nước, chiếm khoảng trên dưới 10% tổng sản phẩm quốc nội hàng năm (GDP). Chỉ tính riêng năm 2016, khoản kiều hối trị giá gần 30 tỷ USD đã góp phần rất lớn trong việc ổn định đồng peso, tạo thuận lợi cho việc cân đối cán cân thanh toán của Manila và hỗ trợ tiêu dùng giúp nền kinh tế Philippines hồi sinh.
2.1.3. Thị trường xuất khẩu lao động:
Lao động Philippines chủ yếu tập trung ở khu vực Trung Đông đặc biệt là Các tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất (UAE). Theo đánh giá của các chuyên gia, công dân Philippines thực sự là xương sống nhân lực của ngành kinh tế dịch vụ ở UAE. Các nhà hàng, cơ sở bán lẻ hàng hóa, từ cửa hàng McDonald’s, Nando’s tới H&M hay Marks & Spencer… đều có nhân viên người Philippines nói tiếng Anh. Đó cũng là lý do người nước ngoài ở Abu Dhabi không thấy cần thiết phải học tiếng Ả rập. Mặc dù dân bản địa được chính phủ đảm bảo về công ăn việc làm, nhưng kể cả khi họ cố gắng tìm việc, người nước ngoài cũng không thấy dân UAE trong ngành dịch vụ.
Biểu đồ 3. 4:Cơ cấu thị trường xuất khẩu lao động của Philippines
Trong giai đoạn 2010-2019, thị trường xuất khẩu lao động lớn nhất của Philippines là Châu Á (81.1%). Trong đó, quốc gia tập trung nhiều lao động Philippines nhất là Ả Rập Xê Út với 22.4% (2019), theo sau là các tiểu Vương quốc Ả rập Thống nhất với 13.2% (2019), Hồng Kông với 7.5% (2019), Đài Loan (6.7%)..