Phân loại tài nguyên nước

Một phần của tài liệu Luận văn thạc sỹ: QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ TÀI NGUYÊN NƯỚC TẠI SỞ TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG TỈNH YÊN BÁI (Trang 34 - 36)

Theo nguồn phát sinh và trữ nước thì tài nguyên nước bao gồm nguồn nước mặt, nước mưa, nước dưới đất, nước biển.

Nước mặt

Nước mặt tồn tại trong sông, hồ hoặc nước ngọt trong vùng đất ngập nước. Nước mặt được bổ sung một cách tự nhiên bởi mưa và chúng mất đi khi bốc hơi, chảy vào đại dương hoặc thấm xuống đất. Sự bốc hơi nước trong đất, ao, hồ, sông, suối, biển; sự thoát hơi nước ở động vật và thực vật..., hơi nước vào trong không khí sau đó bị ngưng tụ lại trở về thể lỏng rơi xuống mặt đất hình thành mưa, nước mưa chảy tràn trên mặt đất từ nơi cao đến nơi thấp hình thành các dòng chảy tạo nên thác, ghềnh, suối, sông và được tích tụ lại ở những nơi thấp trên lục địa hình thành hồ hoặc được đưa thẳng ra biển từ đó tạo ra lớp nước trên bề mặt của vỏ trái đất. Có hai loại nước mặt là nước ngọt hiện diện trong sông, ao, hồ trên các lục địa và nước mặn hiện diện trong biển, các đại dương mênh mông, trong các hồ nước mặn trên các lục địa.

Nước dưới đất (nước ngầm)

Nước ngầm là một dạng nước dưới đất, tích trữ trong các lớp đất đá trầm tích bở rời như cặn, sạn, cát bột kết, trong các khe nứt, hang caxtơ dưới bề mặt trái đất, có thể khai thác cho các hoạt động sống của con người. Nước ngầm là nước ngọt được tồn tại trong các lỗ rỗng của đất hoặc đá. Nó cũng có thể tồn tại trong các tầng ngậm nước bên dưới mực nước ngầm. Vì vậy, chúng ta còn phân biệt nước ngầm nông, nước chôn vùi và nước ngầm sâu.

Nước ngầm có những đặc điểm giống như nước mặt như: nguồn vào, nguồn ra và nơi chứa. Sự khác biệt chủ yếu giữa nước ngầm và nước mặt là tốc độ luân chuyển của nước ngầm thấm chậm hơn so với nước mặt, nếu so sánh về lượng nước đầu vào thì khả năng giữ nước ngầm lớn hơn nước mặt. Nguồn cung cấp chủ yếu cho nước ngầm là nguồn nước mặt thấm vào tầng chứa. Các nguồn thoát tự nhiên như suối và thấm vào các đại dương. Nếu phân loại theo độ sâu thì nước ngầm được chia thành hai loại nước ngầm tầng mặt và nước ngầm tầng sâu. Ðặc điểm chung của nước

ngầm là khả năng di chuyển nhanh trong các lớp đất xốp, tạo thành dòng chảy ngầm theo địa hình. Nước ngầm tầng mặt thường không có lớp ngăn cách với địa hình bề mặt nên mực nước và thành phần nước dễ biến đổi. Vì vậy, nước ngầm tầng mặt rất dễ bị ô nhiễm. Nước ngầm tầng sâu thường nằm trong lớp đất đá xốp được ngăn cách bên trên và phía dưới bởi các lớp không thấm nước. Theo không gian phân bố, một lớp nước ngầm tầng sâu thường có ba vùng chức năng: (1) Vùng thu nhận nước; (2) Vùng chuyển tải nước; (3) Vùng khai thác nước có áp. Vùng thu nhận và vùng khai thác nước thường có khoảng cách khá xa từ vài chục đến vài trăm km. Các lỗ khoan nước ở vùng khai thác thường có áp lực. Nước ngầm tầng sây là loại nước ngầm có lưu lượng ổn định và chất lượng tốt.

Nước mưa

Nước mưa được hình thành từ việc ngưng tụ hơi nước trên cao và rơi xuống nên có phần sạch hơn các loại nước khác từ sông, suối, ao, hồ… Nước mưa chứa ít sắt và một số loại muối khoáng hòa tan nên ít tanh, có tính axit nhẹ tuy nhiên sẽ giảm dần trong thời gian tích trữ.

Bản chất của nước mưa là sạch tuy nhiên cùng với sự phát triển nhanh chóng của công nghiệp, sự hình thành các khu công nghiệp khiến tình trạng ô nhiễm môi trường gia tăng đặc biệt là ô nhiễm không khí nên nước mưa khi đi qua các tầng khí sẽ mang theo nhiều chất độc có hại, hòa tan các khí thải (NO2, SO2,…), các kim loại nặng (Chì, Thủy Ngân…) Amiang độc hại, cuốn trôi theo các sinh vật nguy hại gây bệnh làm ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Hiện nay việc thu hứng, dùng các dụng cụ nơi chứa nước mưa không đảm bảo vệ sinh, không được che đậy cẩn thận cũng khiến nước mưa dễ chứa nhiều bụi bẩn, tạp chất không an toàn khi sử dụng trực tiếp.

Nước biển

Nước biển là nước từ các biển hay đại dương. Trên Trái Đất, nước biển trong các đại dương nguồn nước lớn nhất. Nước biển giàu các Ion hơn nước ngọt. Tỷ trọng của nước biển nằm trong khoảng 1.020 tới 1.030 kg/m³ tại bề mặt còn sâu trong lòng đại dương, dưới áp suất cao, nước biển có thể đạt tỷ trọng riêng tới 1.050

kg/m³hay cao hơn. Như thế nước biển nặng hơn nước ngọt (nước ngọt tinh khiết đạt tỷ trọng riêng tối đa là 1.000 g/ml ở nhiệt độ 4 °C) do trọng lượng bổ sung của các muối và hiện tượng điện giả.

Một phần của tài liệu Luận văn thạc sỹ: QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ TÀI NGUYÊN NƯỚC TẠI SỞ TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG TỈNH YÊN BÁI (Trang 34 - 36)