II. MỤC TIÊU, PHẠM VI ĐỀ ÁN
2. Phạm vi nghiên cứu
2.5. Kết quả Hội thảo khoa học “Nghiên cứu, sắp xếp tổ chức bộ máy BHXH
máy BHXH Việt Nam theo khu vực liên huyện”
Ngày 13/10/2018, tại Vĩnh Phúc, BHXH Việt Nam phối hợp với Bộ Nội vụ và Bộ Tư pháp tổ chức Hội thảo khoa học “Nghiên cứu, sắp xếp tổ chức bộ máy BHXH Việt Nam theo khu vực liên tỉnh hoặc liên huyện” Các ý kiến thảo luận tập trung vào các nội dung sau:
1. Hội thảo đã đánh giá cao việc chủ động, nghiêm túc cũng như kết quả triển khai của Ban Cán sự Đảng BHXH Việt Nam và Ban Chủ nhiệm đề án trong việc tổ chức triển khai nghiên cứu, xây dựng Đề án;
2. Vị trí, vai trò, chức năng của Ngành BHXH rất quan trọng, tổ chức thực hiện hai chính sách trụ cột an sinh xã hội của đất nước. Các chỉ tiêu, nhiệm vụ của Ngành BHXH được Đảng, Chính phủ giao gia tăng nhanh chóng. Đối tượng ngành BHXH đang quản lý, phục vụ rất lớn, do đó, rất cần phải nghiên
cứu thận trọng về đổi mới tổ chức bộ máy của Ngành, đặt mục tiêu cao nhất là tạo thuận lợi cho người dân, phục vụ người dân tốt nhất.
3. Việc sắp xếp bộ máy ngành BHXH cần xem xét một cách khách quan và thận trọng. Nhiệm vụ chính của ngành BHXH là phục vụ nhân dân, càng sát dân, càng nhanh thì phục vụ càng tốt. Dù ngành BHXH đã ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động nghiệp vụ, nhưng còn rất lâu nữa mới bỏ được giao dịch trực tiếp hoặc hồ sơ giấy, nên cần có đủ mạng lưới phục vụ người dân kịp thời. Bên cạnh đó, ngành BHXH có đặc thù rất khác các ngành khác, đó là quản lý cả cuộc đời của con người (từ lúc sinh ra đến khi chết và sau khi chết thì phục vụ chế độ tuất cho thân nhân). Đồng thời, hoạt động BHXH nếu tách rời sự quản lý, giám sát, phối hợp của cấp ủy, chính quyền địa phương, sẽ rất khó hoàn thành nhiệm vụ chính trị được giao.
4. Về vấn đề nghiên cứu sắp xếp tổ chức bộ máy của BHXH Việt Nam theo khu vực liên tỉnh: Tất cả các ý kiến tại Hội thảo đều thống nhất giữ nguyên hệ thống BHXH cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương như hiện nay. Do kết quả tổ chức thực hiện chính sách BHXH, BHYT, BHTN gắn liền với người dân và gắn liền với cấp ủy, chính quyền theo địa giới hành chính, vai trò chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ thu, chi, phát triển đối tượng, tham gia quản lý quỹ trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hết sức quan trọng. Vì vậy, việc sắp xếp cơ cấu tổ chức BHXH theo khu vực liên tỉnh tại thời điểm này là chưa phù hợp và kiến nghị chưa tổ chức BHXH theo khu vực liên tỉnh.
5. Về nghiên cứu sắp xếp tổ chức bộ máy của BHXH Việt Nam theo khu vực liên huyện: Cơ bản các ý kiến đề nghị giữ nguyên mô hình tổ chức bộ máy BHXH cấp huyện như hiện nay, vì đã phù hợp và đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị trên địa bàn cấp huyện. Một số ý kiến đề nghị cần phải có phương án đề xuất vì đó là nhiệm vụ của Chính phủ giao, tuy nhiên cần nghiên cứu hết sức thận trọng, có lộ trình về mô hình liên huyện, có thể thí điểm trong phạm vi nhỏ, sau đó đánh giá, tổng kết trước khi nhân rộng. Chú trọng đánh giá tính đặc thù đô thị, nông thôn, vùng miền, hải đảo, dân tộc, truyền thống văn hóa, ….
Cần tính toán cả các yếu tố ổn định và đảm bảo an ninh, chính trị - xã hội, nguyện vọng của nhân dân trên địa bàn. Việc nghiên cứu mô hình BHXH liên huyện cần phải có lộ trình và phải gắn với Đề án Tổng thể sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
6. Khi nghiên cứu sắp xếp tổ chức bộ máy Ngành BHXH phải lưu ý đến tính đồng bộ chung và làm rõ tính chất đặc thù của Ngành BHXH, tránh những so sánh khập khiễng và tham chiếu một cách máy móc.
7. Thời gian vừa qua BHXH Việt Nam đã thực hiện cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin mạnh mẽ. Vì vậy, cần nghiên cứu cơ cấu lại tổ chức bộ máy bên trong nội bộ Ngành BHXH (các đơn vị trực thuộc BHXH Việt Nam ở Trung ương và cơ cấu các phòng nghiệp vụ thuộc BHXH cấp tỉnh) để phù hợp với quy trình và phần mềm nghiệp vụ.
8. Về nhiệm vụ thanh tra, theo quan điểm chỉ cơ quan nhà nước mới có chức năng thanh tra, xử phạt đã dẫn tới nhiều chính sách không đảm bảo khả thi trong thực tiễn. Trong thời gian vừa qua, khi giao cho Ngành BHXH chức năng thanh tra thu, đã chứng minh hiệu quả, Ngành đã thực hiện rất tốt, vì vậy cần tư duy lại vấn đề này. Để sửa đổi pháp luật về thanh tra ngành BHXH: Phải có tổng kết, đánh giá lại việc thực hiện chức năng thanh tra của Ngành BHXH, khi đủ điều kiện thì giao toàn bộ nhiệm vụ thanh tra cho BHXH.