Nhận xét chung về tâm lý học phương Tây

Một phần của tài liệu Tam-Ly-Hoc-Phat-Giao-TT-Thich-Tam-Thien (Trang 26 - 31)

5- Lý thuyết của Abraham Harold Maslow (1908?)

I.2.4 Nhận xét chung về tâm lý học phương Tây

Như vừa trình bày tóm tắt một số lý thuyết gia và lý thuyết tâm lý tiêu biểu ở trên, chúng ta có thể rút ra một số nhận xét chung về tâm lý học phương Tây như sau :

1- Các lý thuyết tâm lý của phương Tây từ thế kỷ XVIII, khởi đầu bằng tác phẩm "Tâm lý học kinh nghiệm" (Psychological Empiria) và "Tâm lý học lý trí" (Psychological Rationalis) của C. Wolff, một nhà triết học ánh sáng cho đến nay đều tập trung vào nghiên cứu và phân tích các hiện tượng tâm lý hơn là bản chất của tâm lý.

2- Đứng trên quan điểm hoặc là cá nhân, hoặc là xã hội, các nhà tâm lý học xây dựng và củng cố lý thuyết của mình; do đó, trong các lý thuyết tâm lý có những điểm mâu thuẫn, bất đồng. Một số thì đi vào chủ nghĩa khoái lạc, một số khác thì đi vào duy tâm phi lý tính. Những lý thuyết đi vào thực nghiệm lại bị giới hạn bởi hiện tượng "phòng thí nghiệm"...

3- Tất cả các lý thuyết tâm lý phương Tây đều xoay quanh chủ đề "khát vọng sống", dù nó được diễn đạt dưới nhiều tên gọi khác nhau như : nhu cầu, điều kiện, thuộc tính vốn có v.v..., tất cả đều nói lên tiếng nói dục vọng của nhân tính, cái mà các lý thuyết gia cho rằng đó là cội nguồn của khổ đau và hạnh phúc, và cũng là cái mà con người phải tuân thủ, phục tùng.

4- Do thừa nhận có một nhân tính tồn tại như một ngã thể (ego) hay một thực thể (essence hay entity) độc lập và vĩnh cửu, nên các lý thuyết tâm lý đều được tập trung theo chiều hướng vừa điều tiết lại vừa thích ứng hóa với mọi yêu cầu, khát vọng của nhân tính. Sự điều tiết hay thích ứng đó được gọi là thỏa mãn. Và theo các tâm lý gia phương Tây, sự thỏa mãn các nhu

cầu của đời sống tâm lý và vật lý là hạnh phúc. Do đó, hạnh phúc của con người luôn luôn mang tính cách tạm thời và không ngừng thay đổi. Vì lẽ, dục vọng, nhu cầu của con người sẽ không bao giờ kết thúc ngay khi con người ấy "nằm xuống" muôn đời. Một quan điểm về hạnh phúc như thế ắt hẳn là động cơ gây khổ đau, ưu phiền và luôn luôn bức bách trong sự vận hành của tâm lý. Đó chỉ là một thứ hạnh phúc giả tạo, xây dựng trên cấu trúc vô thường, bất định của thế giới tâm lý và vật lý. Chưa nhận chân được tính cách vô thường của dòng tâm lý cũng như thế giới thực tại khách quan, thì mọi cơ đồ hạnh phúc hóa ra hư ảo, và con người vẫn đắm chìm trong khổ đau và tội lỗi.

5- Cái giá trị cơ bản của các lý thuyết tâm lý phương Tây là ở chỗ nó nhận ra khát vọng, dục vọng, ham muốn ... như là sự thật về bản chất của nhân tính hay ý thức tự ngã. Cũng như sự nhận ra cái mâu thuẫn nội tại của nhân tính, một mặt vừa mong muốn được lặng yên trong hạnh phúc vĩnh cửu, mặt khác lại luôn luôn bị sôi sục, rực cháy và thiêu đốt bởi dục vọng thấp hèn, đây chính là sự quá đà và của ý thức tự ngã.

6- Cái giới hạn cơ bản của các lý thuyết tâm lý phương Tây là các giải pháp của nó luôn luôn mang tính cách đối trị, nhất thời. Và do đó, để có được sự thỏa mãn và hạnh phúc theo ý muốn, con người phải liên tục đấu tranh với chính nó cũng như với xã hội theo hai khuynh hướng vừa giải quyết mâu thuẫn nội tại (cá nhân), vừa giải quyết mâu thuẫn ngoại tại (mối liên hệ giữa cá nhân và xã hội).

7- Về sự thật của con người và thế giới thực tại khách quan, theo lời Đức Phật dạy, là vô thường, vô ngã (anatta). Như thế, mọi lý thuyết nếu thật sự mong muốn đem lại hạnh phúc cho con người tất yếu phải được soi sáng từ bản chất của thực tại, tức vô thường, vô ngã. Bao lâu con người còn đứng trên quan điểm hữu ngã (ego) để soi sáng, chiếu rọi thực tại vô ngã, thì sẽ không bao giờ đạt đến sự cứu cánh hạnh phúc. Đây là nhược điểm then chốt của các triết gia tâm lý phương Tây. Nghĩa là, mọi cơ cấu luận thuyết của họ luôn luôn được xây dựng trên căn bản của cái "Tôi" (I), "Cái của tôi" (Mine) và cái "Tự ngã của tôi" (Myself).

Trên đây, chúng ta vừa khái lược một số lý thuyết tâm lý của phương Tây, cũng như các ưu điểm và khuyết điểm của nó. Sự khái lược này sẽ là cơ sở và tiền đề để đi vào tìm hiểu tâm lý học Phật giáo (Buddhist Psychology).

---o0o---

Phần II: Tâm Lý Học Phật Giáo

II.1 Chương 1 : Vài nét về lịch sử tâm lý học Phật giáo

II.1.1 : Sự hình thành và phát triển tâm lý học Phật giáo

Sự hình thành và phát triển tâm lý học Phật giáo là một quá trình vừa diễn dịch vừa xây dựng kéo dài suốt hàng thế kỷ trong lịch sử truyền thừa Phật giáo kể từ thời Đức Phật. Ở đây, diễn dịch là sự diễn đạt bản ý của Phật và xây dựng là sự kiến lập thành hệ thống đặc thù của các vị Tổ sư, và luận sư Phật giáo trên cơ sở phù hợp với những giáo huấn của Phật. Do đó, có thể phân chia các giai đoạn về sự hình thành và phát triển của tâm lý học Phật giáo như sau :

1-Thời kỳ Đức Phật (563-463 B.C) và Phật giáo Nguyên thủy

- Phật giáo Nguyên thủy (Theravada) là thời kỳ Đức Phật còn tại thế đến sau khi Ngài diệt độ khoảng 100 năm, như vậy thời kỳ này chỉ kéo dài từ 150 đến 200 năm.

Trong thời kỳ này, những giáo lý của Phật được xác định cụ thể trong giáo thuyết về 12 Nhân duyên hay Duyên khởi (Paticcasamupàda), 5 uẩn (Skandhas) và 4 Thánh đế (Cattàriàriyasaccàni) (bao gồm 37 phần hộ đạo hay Đạo đế).

Do đó, đứng về góc độ triết học và tư tưởng, thì nội dung Phật giáo hàm chứa trọn vẹn trong 12 nhân duyên, 5 uẩn và 4 Thánh đế, bao gồm cả hai mặt nhận thức và hành động (tu tập), thế gian và xuất thế gian. Nói khác đi, 12 nhân duyên, 5 uẩn và 4 Thánh đế được biểu thị cả hai mặt phương tiện và cứu cánh, hay tương đối và tuyệt đối trên cùng một thực tại-hiện hữu. Đây là nền tảng của cả tư tưởng triết học và đời sống thực tiễn - Phật giáo.

Về nội dung của những giáo lý trên, Đức Phật trình bày về con người và thế giới thực tại khách quan theo nguyên lý Trung đạo (Majjhimà - patipadà) bất khả phân ly giữa Danh (tâm lý) và Sắc (vật lý), hay giữa Chân lý công ước (Conventional truth) và Chân lý tuyệt đối (Absolute truth). Nguyên lý này được Nagarjuna, qua "Trung quán luận" (Màdhyamikasàstra) gọi là nguyên lý Nhị đế hay Bất nhị (Advaya). Đây cũng là nguyên tắc thuyết giáo mà Đức Phật đã vận dụng trong suốt cuộc đời hành đạo của Ngài.

Đặc biệt trong giáo lý 12 nhân duyên, Đức Phật trình bày về con người như một tiến trình hiện hữu (process of becoming) của vòng tròn sinh hóa của cả tâm lý và vật lý qua hình thức của :

1/ Vô minh (Ignorance) : Sự mê muội, bất giác và cuồng si của tâm thức. 2/ Hành (Karma-formations) : Cơ cấu của các hoạt động tâm lý.

3/ Thức (Consciousness) : Tri giác - hiện hữu (thức không thể hiện hữu ở quá khứ và vị lai).

4/ Danh - sắc (Corporeality and mentality) : Danh là những gì thuộc về tâm lý, sắc thuộc về vật lý (vật chất).

5/ Lục nhập (Six bases) : sự tương tác và hội nhập giữa 6 quan năng (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý thức) với 6 đặc trưng của thế giới thực tại khác quan (6 trần) bao gồm : sắc (vật chất), thanh (âm thanh), hương (hương thơm), vị (mùi vị), xúc (xúc giác, xúc chạm) và pháp (tất cả sự có mặt của thế giới thực tại khách quan của sự vật, hiện tượng).

6/ Xúc (impression) : sự giao thoa giữa ba thế giới : (a) : các quan năng hay "căn" (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý thức - thuộc chủ thể nhận thức). (b) : Các đối tượng của quan năng hay "trần" (sắc, thanh, hương, vị, xúc và pháp - thuộc đối tượng được nhận thức) và (c) : sự sinh khởi của tri giác hay nhận thức thông qua sự giao tiếp giữa chủ thể nhận thức (các quan năng) và đối tượng được nhận thức (các trần cảnh - tức thế giới thực tại, khách quan) hay còn gọi là "thức" (bao gồm : tai-nghe, mắt-thấy, mũi-ngửi, lưỡi-nếm, thân- cảm giác, và ý thức- nhận biết hay lĩnh hội).

7/ Thọ (feeling) : sự cảm nhận, cảm thọ về vui (lạc), buồn (khổ) và trung tính (không khổ, không lạc).

8/ Ái (Craving) : sự yêu thích và đam mê...

9/ Thủ (Clinging) : sự lưu luyến, bám víu, cố chấp ...

10/ Hữu (Process of becoming) : sự hiện hữu của tiến trình "sinh tồn" trong tương quan giữa chủ thể và đối tượng, giữa vật lý và tâm lý... theo một trong ba thể cách và trạng thái của tâm lý, bao gồm : (a) Dục hữu (hiện hữu từ / về dục vọng, khát vọng, ái dục, dục tính...), (b) Sắc hữu (hiện hữu từ / về thế

giới sắc tướng, vật chất, vật lý, (duy lý)...) và , (c) Vô sắc hữu (hiện hữu từ / về thế giới phi vật thể, phi vật chất, (duy linh, phi tưởng)...)

11/ Sinh (Birth) : sự sinh thành, giáng sinh, xuất sinh...

12/ Lão - tử (Old age - and - death) : sự già nua, tử biệt hay biến dị và tan hoại....

Trên đây là nội dung của 12 chi phần nhân duyên, và, khi một chi phần (như vô minh) hiện khởi thì toàn bộ 12 nhân duyên cùng khởi - đây là con đường duyên khởi (hay lưu chuyển). Ngược lại, khi một chi phần (như vô minh) đoạn diệt thì toàn bộ 12 nhân duyên đoạn diệt. Đây là con đường hoàn diệt hay còn gọi là Diệt đế (Nirodha - àriyasacca) - Niết bàn. Tuy nhiên, Niết bàn không có nghĩa là tiêu tan tất cả, mà trên cơ sở cơ bản nhất, đó là sự đoạn diệt tham, sân, si hay là vô minh. Đức Phật chứng đắc Niết bàn tối thượng ngay khi Ngài còn sống !

Như thế, qua nội dung của 12 nhân duyên, ta có thể xác định thế nào là tâm lý học Phật giáo thời Nguyên thủy.

Nó quan trọng đến nỗi Đức Phật, trong Tương Ưng I, tuyên bố rằng : "Nếu không liễu tri (biết rõ) về năm uẩn hay 12 nhân duyên, thì không thể thoát ly sinh tử luân hồi". Ở đây, năm uẩn bao gồm : sắc, thọ tưởng, hành, và thức. Nó tương tự như 12 nhân duyên:

12 nhân duyên = Năm uẩn Vô minh và hành = Hành uẩn Thức = Thức uẩn

Danh sắc = Năm uẩn Thọ = Thọ uẩn

Ái, thủ, hữu = Hành uẩn Sinh, lão-tử = Năm uẩn

Như thế hệ thống tâm lý giáo dục Phật giáo thời nguyên thủy được Đức Phật trình bày rất cụ thể và rõ ràng qua giáo lý 12 nhân duyên và 5 uẩn theo

nguyên tắc của 4 Thánh đế (Khổ đế [kết quả], Tập đế [nguyên nhân], Diệt đế [kết quả] và Đạo đế [nguyên nhân]). Đây là phần trọng tâm của giáo lý đạo Phật, cũng là phần giáo lý nhất quán và xuyên suốt cả lịch trình tư tưởng Phật giáo, từ Nam truyền đến Bắc truyền, từ nguyên thủy cho đến ngày nay với khoảng thời gian hơn 25 thế kỷ qua.

---o0o---

Một phần của tài liệu Tam-Ly-Hoc-Phat-Giao-TT-Thich-Tam-Thien (Trang 26 - 31)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(135 trang)