Phật giáo Abhidhamma (luận thư) là thời kỳ Phật giáo được phân chia theo nhiều hệ thống, bộ phái khác nhau. Theo nhiều nguồn sử liệu, thời kỳ này Phật giáo được phân thành 20 bộ phái, và đại biểu chính thức là Thượng tọa bộ (Sthaviravada) và Đại chúng bộ (Màhasànghika). Sự phân hóa này diễn ra song song với các thời kỳ kết tập kinh tạng Phật giáo. Có 4 thời kỳ chính như sau :
a) Lần thứ I : Sau Phật diệt độ khoảng một tuần, đại hội kết tập này do ngài Đại Ca Diếp (Maha-Kacyapa) làm chủ tọa, đại biểu gồm có 500 vị A La Hán, tập hội tại thành Vương Xá (Ràjagaha), kinh đô nước M Kiệt Đà (Magadha)
b) Lần thứ II : Sau Phật diệt độ 100 năm, đại hội kết tập này do các ngài Revata, Sàmbhùta, Yasa Sumana, Khùjjasobhita, Sàlha, Vàsabhagàmi, và Sabhakàmi làm chủ tọa đoàn, đại biểu gồm có 700 vị A La Hán, tập hội tại thành phố Tỳ-xá-lỵ (Vesali). Tại đại hội này, giáo đoàn Phật giáo chính thức được chia thành hai bộ : Thượng tọa bộ và Đại Chúng Bộ (sau đó, từ hai bộ này tiếp tục phát sinh ra 20 tiểu bộ).
c) Lần thứ III : Sau Phật diệt độ 218 năm (khoảng năm 325 trước Tây lịch), đại hội kết tập này do vua Asoka tổ chức và tài trợ. Vua mời ngài Mục Kiền Liên Tử Đế Tu (Moggaliputa-tissa) tại núi Ahogànga làm chủ tịch hội nghị. Đại biểu gồm có 1000 vị Tăng sĩ được tuyển chọn, và tập hội tại thành Hoa Thị (Pataliputra).
d) Lần thứ IV : Sau Phật diệt độ 400 năm (khoảng đầu thế kỷ thứ II Tây lịch), đại hội kết tập này do vua Kaniska tổ chức và tài trợ, cùng với sự cộng tác của ngài Hiếp Tôn Giả (Parsva). Đại hội này do ngài Thế Hữu (Vasumitra) làm chủ tịch, chủ tọa đoàn gồm các vị Đại đức Dharmatràta, Ghosa, Baddhadeva, và Parsva. Đại biểu gồm 500 vị đại học giả uyên bác,
thông đạt cả tam tạng. Đại hội được tổ chức tại tinh xá Hoàn Lâm (Kundalavana-Samgharàma) thuộc nước Kasmitra.
Nguyên nhân của sự kết tập kinh điển và phân hóa giáo đoàn thành các bộ phái là do quan điểm bất đồng, sai biệt về giáo lý của Phật trong sự nhận thức của các vị đệ tử. 41
Về khái niệm Phật giáo Abhidhamma (A-tỳ-đạt-ma) hay Phật giáo Luận thư, là do các bộ phái Phật giáo có những quan điểm khác nhau về giáo lý của Phật. Và những quan điểm đó được trình bày thành hệ thống triết luận tư tưởng riêng biệt của từng bộ phái. Do đó, đây là thời kỳ phát sinh các Luận thư - sự giải minh về giáo lý của Phật theo quan điểm của các vị minh triết Phật giáo cách thời Đức Phật một khoảng thời gian lâu dài, nên gọi là Phật giáo Abhidhamma.
Về sự hình thành và phát triển của Phật giáo Luận thư được học giả Kimura Taiken42 ghi nhận như sau : "A-tỳ-đạt-ma, tức là mục đích "đối pháp", có nhiệm vụ tập hợp các pháp nghĩa (của Phật) lại, rồi đem phân loại, định nghĩa, giải thích và phân biệt. Như vậy, các phương pháp nghiên cứu đó dù cho không có sự hưng khởi của bộ phái, nó cũng có khả năng phát sinh. Không những thế, chính trong khi áp dụng phương pháp nghiên cứu đó, tự nhiên đã đưa đến sự bất đồng ý kiến làm nguyên nhân cho sự phân phái". Và Kimura Taiken trình bày về hướng phát triển của Phật giáo Luận thư, có thể tóm tắt như sau :