Sau Phật diệt độ khoảng 800 năm, tức vào khoảng thế kỷ thứ III Tây lịch, có các bậc Đại luận sư như ngài Nagarjuna (Long Thọ), Nàgasena (Na Tiên), Vasumitra (Thế Hữu) và Asvaghosa (Mã Minh) v.v... ra đời; và đây là những gương mặt vĩ đại phát huy giáo nghĩa Mahayana (Đại thừa) trong lịch sử tư tưởng, triết học Phật giáo. Đến khoảng cuối thế kỷ thứ IV Tây lịch, có ngài Asanga (Vô Trước) và Vasubandhu (Thế Thân). Đây là hai vị Đại luận sư (anh em ruột) tiêu biểu cho dòng triết học Duy thức - tức tâm lý học Phật giáo - Mahayàna.
Đặc điểm của thời kỳ này là sự ra đời của hàng loạt các bộ kinh lớn như Hoa Nghiêm, Bát Nhã, Pháp Hoa, Niết Bàn v.v... cũng như các bộ Luận thư trứ danh như : "Du già sư địa luận" (Yogàcarya-bhùmi-sàstra), "Nhiếp Đại thừa luận" (Mahàyànasampari-graha-sàstra), "Duy thức tam thập tụng luận" (Vidyàmàtrasiddhi-tridasa-sàstra-kàrika) v.v...
Tuy nhiên, điểm khác biệt cơ bản của Phật giáo Mahayana và thời kỳ Hinayana (bao gồm thời kỳ Abhidhamma) là các luận thư và kinh tạng của Phật giáo Mahayana hoàn toàn không mâu thuẫn, khác biệt nhau về nội dung giáo lý. Sự giống nhau về ý nghĩa (hay bản ý của Phật) trong kinh tạng và luận thư của Mahayana là điểm độc đáo và rất sáng tạo của các nhà Đại thừa (Mahayanists).
Ở đây, cần ghi nhận rằng, tính chất cơ bản trong nội dung giáo lý như được trình bày trong các hệ thống kinh tạng và luận thư của Phật giáo Mahayana cũng là những gì được hàm chứa trong nội dung giáo lý của Phật giáo thời Nguyên thủy (Theravada), hay nói cụ thể là trong kinh tạng Nikaya và A Hàm; đây là điểm nhất quán và xuyên suốt trong hệ thống tư tưởng Phật giáo. Và điểm khác biệt duy nhất của tạng - thư Mahayana so với tạng - thư của Theravada là cách trình bày và sự mở rộng ý nghĩa về Phật - Pháp và
Tăng theo quan điểm phóng khoáng và đa thù giữa chân đế và tục đế ; cả hai xuất hiện như một tổng thể bất khả phân ly. Do đó, ở tạng - thư của Mahayana không có sự chống trái về mặt nội dung tư tưởng.
Một điểm đặc sắc khác được phô diễn trong tạng-thư của Mahayana là giữa kinh tạng và luận thư bổ sung cho nhau và cùng tập chú về một thế giới tâm lý của cả sự thanh tịnh và cấu uế. Điều này được cụ thể qua các học thuyết trung tâm của kinh tạng và luận thư. Tỉ dụ, kinh Bát Nhã lấy "Vọng tâm Duyên khởi" làm tiền đề đi vào hiện quán, kinh Hoa Nghiêm thì lấy "Thanh tịnh tâm duyên khởi" làm tiền đề, Duy thức học thì đi trực tiếp và bao quát các vấn đề về tâm lý v.v... Sự bổ sung và cùng chuyên chú vào thế giới của TÂM trong kinh tạng và luận thư Mahayana này cho thấy tính chất phong phú và đa dạng về hệ thống phân tích tâm lý học Phật giáo trong tư tưởng Mahayana.
---o0o---