Sự phát triển

Một phần của tài liệu Tam-Ly-Hoc-Phat-Giao-TT-Thich-Tam-Thien (Trang 32 - 33)

Theo đánh giá của Kimura Taiken43, có thể chia sự định hình của Luận thư Abhidhamma qua bốn giai đoạn :

* Giai đoạn kết tập : là giai đoạn luận thư hóa kinh (giáo huấn của Phật) qua phương pháp biên tập thời đó của Giáo hội, chẳng hạn như bộ Tăng Nhất A Hàm, Tạp A Hàm, v.v... Nói chung, ở giai đoạn kết tập, thì Luận thư vẫn giữ hình thức của khế kinh.

* Giai đoạn giải minh giáo huấn của Phật :

Giai đoạn này Luận thư không còn ở hình thức khế kinh nữa, mà đã chuyển sang định nghĩa, phân loại, phân biệt và chú giải giáo huấn của Phật. Lúc này, khế kinh chỉ đóng vai trò bối cảnh, tuy nhiên, Luận thư vẫn chưa độc lập bởi những kiến giải (deconstructions) mới, mà chỉ tập chú vào nội dung như đã được nói trong khế kinh.

* Giai đoạn độc lập hóa :

Giai đoạn này, Luận thư đã rời bỏ khế kinh, không còn thảo luận về những lời giáo huấn của Phật một cách riêng lẻ nữa, mà đã đi sâu vào thể tài độc lập, lấy các đề mục của kinh làm chủ đề và phân tích, biện giải, giải minh theo qui tắc của Luận thư (nghiên cứu và phân tích văn bản). Đây là lý do phát sinh nhiều quan điểm, nhiều luận giải độc đặc, đa thù theo tính cách và chủ trương của mỗi bộ phái.

* Giai đoạn học thuyết hóa :

Đó là giai đoạn toát yếu hóa và cương yếu hóa về những luận giải của Luận thư, làm cho chủ trương của mỗi bộ phái rõ ràng, minh bạch, và mỗi bộ phái thì có những học thuyết riêng - như "Thắng pháp tập yếu luận" của Anuttara, "Câu xá luận" của Vasubandhu v.v... Giai đoạn này diễn ra khoảng thế kỷ thứ II, thứ III sau Tây lịch, cũng là thời kỳ các bộ phái Hinayàna được thành lập.

Một phần của tài liệu Tam-Ly-Hoc-Phat-Giao-TT-Thich-Tam-Thien (Trang 32 - 33)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(135 trang)