QUẢNG NGÃI: ĐỔI MỚI PHƯƠNG THỨC ĐIỀU HÀNH, NÂNG CAO HIỆU LỰC, HIỆU QUẢ QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC

Một phần của tài liệu BantinCCHCso30 (Trang 37 - 40)

NÂNG CAO HIỆU LỰC, HIỆU QUẢ QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC

Để tạo sự bứt phá trong phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng tỉnh Quảng Ngãi là điểm đến tin cậy cho các nhà đầu tư, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh và khởi nghiệp lành mạnh, bình đẳng và thông thoáng, ngày 19/12/2016, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã ban hành văn bản số 7363/UBND-TH về đổi mới phương thức điều hành, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, trong đó yêu cầu các cơ quan hành chính nhà nước của tỉnh, từ chính quyền cấp tỉnh đến chính quyền cơ sở tập trung đổi mới phương thức điều hành, nâng cao tính chủ động, tích cực, linh hoạt, sáng tạo mà trước hết là vai trò người đứng đầu “dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm” cùng với tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; huy động các nguồn lực, sự chung sức, đồng lòng của cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân trong tỉnh thông qua những nhiệm vụ trọng tâm sau:

1. Hàng năm, ngay từ đầu năm, Thủ trưởng các ngành, các cấp chủ động, tích cực tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả kế hoạch, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của tỉnh và nhiệm vụ của ngành, đơn vị, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và thẩm quyền; trường hợp khó khăn, vướng mắc không thể giải quyết theo thẩm quyền, kịp thời báo cáo, tham mưu UBND tỉnh xem xét, chỉ đạo.

- Các nội dung trình, xin ý kiến, tham mưu UBND tỉnh phải thực hiện đúng theo Quy chế làm việc của UBND tỉnh; hạn chế việc xin ý kiến của UBND tỉnh khi chưa chủ động và tập trung giải quyết theo thẩm quyền hoặc chưa tham vấn, lấy ý kiến của cơ quan chuyên môn theo quy định;

- Nâng cao chất lượng, thực hiện đúng tiến độ các đề án, cơ chế, chính sách, các nội dung quan trọng theo chỉ đạo của Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Thường trực Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh. Trong quá trình tổ chức thực hiện, chủ động rà soát, tham mưu và trình UBND tỉnh hoặc cấp có thẩm quyền xem xét ban hành mới, sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách cho phù hợp với tiến trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; đồng thời, tạo chuyển biến rõ nét trong từng lĩnh vực quản lý nhà nước của mỗi cấp, mỗi ngành;

- Thực hiện nghiêm nguyên tắc mỗi công việc chỉ giao cho một cơ quan làm đầu mối chủ trì thực hiện và một cơ quan có thể được giao chủ trì nhiều công việc. Việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ của các cấp, các ngành cần quyết liệt nhưng linh hoạt, sát thực tiễn và đạt hiệu quả thiết thực; dứt điểm từng nhiệm vụ với yêu cầu cao nhất về chất lượng và đúng tiến độ, tránh việc chỉ đạo, đôn đốc nhiều lần, đùn đẩy, né tránh hoặc tham mưu “cho có”, cho xong trách nhiệm. Xác định rõ những nhiệm vụ, công việc trọng tâm, trọng điểm để tổ chức triển khai thực hiện đảm bảo yêu cầu, phù hợp với điều kiện tình hình của cơ quan, đơn vị, địa phương và phải được kiểm điểm, đánh giá thường xuyên;

- Tăng cường công tác phối hợp giữa các sở, ban ngành và giữa các sở, ban ngành với UBND các huyện, thành phố trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Các cơ quan khi giải quyết công việc thuộc thẩm quyền của mình có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của sở, ban ngành, cơ quan khác phải lấy ý kiến của sở, ban ngành, cơ quan đó. Sở, ban ngành, cơ quan được lấy ý kiến có trách nhiệm trả lời rõ chính kiến bằng văn bản trong thời hạn tối đa không quá 05 ngày làm việc và phải chịu trách nhiệm về nội dung trả lời.

2. Thủ trưởng các ngành, các cấp có giải pháp tạo môi trường làm việc tích cực, tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ, công chức, viên chức phát huy được tối đa năng lực, nâng cao tính chủ động, sáng tạo và thật sự chuyển biến tích cực về thái độ thực thi công vụ, ý thức phục vụ Nhân dân trong quá trình thực hiện nhiệm vụ được giao; tiết kiệm tối đa chi phí hành chính; lấy kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao để đánh giá đúng về năng lực của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nhằm tạo động lực làm việc hiệu quả cao nhất. Thực hiện bình đẳng và đúng quy định các chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức (đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch, đề bạt, bổ nhiệm, khen thưởng…).

3. Tăng cường vai trò quản lý, điều hành và xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu chính quyền, cơ quan, đơn vị trong việc thực hiện nhiệm vụ được giao. Các ngành, các cấp phải cụ thể hóa

và tổ chức thực hiện nghiêm túc Quy định trách nhiệm và xử lý trách nhiệm đối với người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu các đơn vị trực thuộc trong việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao theo quy định tại Quyết định số 306-QĐ/TU ngày 25/5/2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy; thực hiện nghiêm túc kỷ luật, kỷ cương hành chính theo quy định tại Quyết định số 20/2013/QĐ-UBND ngày 07/5/2013 của UBND tỉnh ban hành Quy định một số biện pháp chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương hành chính của tỉnh Quảng Ngãi.

4. Các ngành, các cấp chủ động thực hiện đầy đủ và có hiệu quả quy định về phân cấp, ủy quyền; đồng thời, kịp thời tham mưu UBND tỉnh quyết định hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền về phân cấp, ủy quyền trong việc thực hiện các nhiệm vụ quản lý nhà nước trên địa bàn, bảo đảm sát với tình hình thực tiễn và thúc đẩy tiến độ, chất lượng, hiệu quả giải quyết công việc; khắc phục cho được tình trạng việc lớn, việc nhỏ đều phải báo cáo thỉnh thị, xin ý kiến và dồn công việc về UBND tỉnh.

5. Xây dựng tỉnh Quảng Ngãi là điểm đến tin cậy cho các nhà đầu tư, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh và khởi nghiệm lành mạnh, bình đẳng:

- Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan, UBND các huyện, thành phố có lợi thế đầu tư nghiên cứu, xây dựng ngay Kế hoạch tuyên truyền, phổ biến, thu hút đầu tư gắn với các chương trình hỗ trợ khởi nghiệp, huy động vốn đầu tư toàn xã hội để phát triển sản xuất, kinh doanh, phát triển du lịch, dịch vụ có thể làm được; trên tinh thần năng động, sáng tạo của mỗi cấp, mỗi ngành và phù hợp với chính sách ưu đãi, hỗ trợ và thu hút đầu tư của tỉnh ban hành kèm theo Quyết định số 36/2016/QĐ-UBND ngày 29/7/2016 cả UBND tỉnh; bảo đảm tiêu chí phát triển kinh tế, phát triển du lịch gắn với bảo vệ môi trường. Trong đó, tham mưu UBND tỉnh giao nhiệm vụ cụ thể cho từng ngành, từng cấp;

- Các ngành, các cấp có trách nhiệm công khai, minh bạch, ngày càng đơn giản hóa các thủ tục hành chính trên địa bàn tỉnh; thủ tục phải dễ hiểu, dễ thực hiện để doanh nghiệp, tổ chức và người dân dễ tiếp cận, theo đó tập trung vào các vấn đề: (1) Xác định rõ thẩm quyền giải quyết; (2) Cơ quan là đầu mối tiếp nhận hồ sơ; (3) Thủ tục thực hiện gồm những hồ sơ gì; (4) Thời gian giải quyết và gửi lại kết quả. Quán triệt và yêu cầu đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức tại cơ quan, đơn vị hướng dẫn, đồng hành và tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đến tìm hiểu cơ hội đầu tư, thực hiện đầu tư trên địa bàn tỉnh; xem đây là nhiệm vụ chính trị của mỗi cá nhân, tổ chức trong việc xây dựng, nâng cao hình ảnh của tỉnh Quảng Ngãi. Công bố công khai số điện thoại đường dây nóng của lãnh đạo cơ quan tại nơi thực hiện các thủ tục hành chính. Trường hợp phát hiện cá nhân, tổ chức gây nhũng nhiễu, phiền hà trái với quy định của Nhà nước, người đứng đầu có trách nhiệm xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức thuộc phạm vi quản lý theo quy định; đồng thời, người đứng đầu cơ quan, đơn vị cũng phải chịu trách nhiệm theo quy định;

- Tăng cường đi công tác cơ sở để nắm bắt tình hình thực tế, kịp thời chỉ đạo xử lý, giải quyết dứt điểm các nội dung theo phản ánh, kiến nghị của người dân và doanh nghiệp, tạo sự đồng thuận và giữ vững môi trường chính trị ổn định, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

6. Cải tiến chế độ họp, hội nghị; hạn chế các cuộc họp chưa thật sự cần thiết hoặc chưa chuẩn bị nội dung có chất lượng; chỉ tổ chức kỷ niệm ngày thành lập vào các năm chẵn (10, 20,… năm) với quy mô phù hợp, tiết kiệm và thiết thực; các ngày kỷ niệm không phải là năm chẵn, tổng kết năm, các ngành, các cấp chủ động tổ chức trong nội bộ; đồng thời, cân nhắc khi mời lãnh đạo UBND tỉnh tham dự các ngày lễ kỷ niệm, tổng kết năm, sự kiện… của ngành, đơn vị, địa phương. Trường hợp thật sự cần thiết, phải phối hợp với Văn phòng UBND tỉnh xin ý kiến của lãnh đạo UBND tỉnh trước khi có Giấy mời để tránh bị động trong việc thực hiện chương trình công tác của UBND tỉnh (Lịch công tác được sắp xếp, bố trí trước 02 tuần để giải quyết các vấn đề quan trọng trong việc thực hiện các kế hoạch, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; ngoài ra, lãnh đạo UBND tỉnh còn tham dự các cuộc họp, hội nghị bất thường của Chính phủ, bộ, ngành Trung ương, Tỉnh ủy, HĐND tỉnh)./.

Minh Nguyên - Vụ Cải cách hành chính, Bộ Nội vụ (tổng hợp từ nguồn của UBND tỉnh Quảng Ngãi)

Một phần của tài liệu BantinCCHCso30 (Trang 37 - 40)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(114 trang)