những năm gần đây ở Việt Nam. Qua tìm hiểu cho thấy, đến thời điểm này, khái niệm Chính phủ điện tử chưa được giải thích trong bất kỳ một văn bản quy phạm pháp luật nào do Nhà nước ban hành. Trong các diễn đàn, hội thảo quốc gia hoặc hội nghị chuyên đề về Chính phủ điện tử do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức hay trong một số bài viết đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng, một số tác giả đã đưa ra quan niệm riêng của mình về Chính phủ điện tử.
Dưới góc nhìn của nhà quản lý – Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Minh Hồng tại buổi đối thoại trực tiếp về “Xây dựng Chính phủ điện tử tại Việt Nam” được tường thuật trực tiếp trên kênh VTC2 – Đài truyền hình Kỹ thuật số VTC hồi 10 giờ ngày 22/11/2009 khi được hỏi Chính phủ điện tử là gì đã trả lời: “Chính phủ điện tử, hiểu theo cách đơn giản, là Chính phủ ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông để nâng cao năng lực quản lý, điều hành của Chính phủ, cung cấp thông tin và các dịch vụ hành chính công trực tuyến nhằm phục vụ người dân và doanh nghiệp cũng như các tổ chức xã hội tốt hơn và đồng thời tạo điều kiện để người dân phát huy quyền làm chủ của mình”[1].
Với cách tiếp cận của người làm chuyên môn, Giám đốc Trung tâm Tin học thuộc Văn phòng Chính phủ Phùng Văn Ồn khi phản hồi về chuyên đề “Văn bản điện tử và chữ ký số trong lộ trình xây dựng Chính phủ điện tử với công tác văn thư, lưu trữ” đăng trên Tạp chí Văn thư Lưu trữ Việt Nam tháng 7/2011 thì cho rằng: “Chính phủ điện tử là một phương thức hoạt động của Chính phủ dựa trên việc ứng dụng các thành tựu của công nghệ thông tin, truyền thông, trong đó thông tin – thành phần chủ chốt của các hệ thống tin học phải được tổ chức và sử dụng hiệu quả nhất để người dân có thể tiếp cận và tham gia nhiều hon vào các hoạt động của Chính phủ, nhằm hướng tới một nền hành chính phục vụ”[2].
Giảng viên Khoa Lưu trữ và Quản trị văn phòng thuộc Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội – Thạc sỹ Phạm Thị Diệu Linh trong bài viết “Chính phủ điện tử – Cơ hội và thách thức đối với tổ chức khai thác, sử dụng tài liệu lưu trữ” lại cho rằng: “Chính phủ điện tử là mô hình tổ chức chính quyền nhà nước dựa trên thành tựu ứng dụng công nghệ mới”[3].
Trên Trang Bách khoa toàn thư mở Wikipedia các tác giả cũng đưa ra ba cách giải thích khác nhau về Chính phủ điện tử:
Thứ nhất, Chính phủ điện tử là tên gọi của một Chính phủ mà mọi hoạt động của Nhà nước được thay đổi theo một khái niệm hoàn toàn mới, Chính phủ đó gần và thuận lợi với công dân hơn bằng các kỹ thuật và công nghệ tiên tiến, hiện đại. Mọi quan hệ giữa Chính phủ và công dân
bảo đảm tính minh bạch, công khai, thuận tiện, bảo đảm sự kiểm soát và giám sát lẫn nhau giữa công dân với Chính phủ; một Chính phủ của dân, vì dân và vì sự phồn thịnh của đất nước trong một môi trường toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế.
Thứ hai, Chính phủ điện tử là tên gọi của một Chính phủ mà mọi hoạt động của Nhà nước được “điện tử hóa”, “mạng hóa”. Tuy nhiên, Chính phủ điện tử không đơn thuần là máy tính, mạng Internet mà là sự đổi mới toàn diện các quan hệ (đặc biệt là quan hệ giữa chính quyền và công dân), các nguồn lực, các quy trình, phương thức hoạt động và bản thân nội dung các hoạt động của chính quyền Trung ương và địa phương và ngay cả các quan niệm về các hoạt động đó. Thứ ba, Chính phủ điện tử là ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông để các cơ quan chính quyền từ Trung ương và địa phương đổi mới, làm việc có hiệu lực, hiệu quả và minh bạch hơn; cung cấp thông tin, dịch vụ tốt hơn cho người dân, doanh nghiệp và các tổ chức và tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người dân thực hiện quyền dân chủ và tham gia quản lý Nhà nước.
Như vậy, có thể thấy trên thực tế đang tồn tại nhiều cách giải thích khác nhau về Chính phủ điện tử. Mặc dù chưa đạt được sự thống nhất cao nhưng cũng cho chúng ta thâý “Chính phủ điện tử” hoàn toàn không phải là một Chính phủ mới được lập ra mà chỉ đơn giản là hoạt động của Chính phủ này được điện tử hoá nhờ ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông với mục tiêu để Chính phủ hoạt động hiệu quả hon, phục vụ doanh nghiệp và người dân tốt hơn.