1. Phương hướng
- Tiếp tục lựa chọn các lĩnh vực, TTHC cần ưu tiên đẩy mạnh cải cách, phục vụ hội nhập kinh tế quốc tế theo yêu cầu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để đánh giá và đề xuất sáng kiến đơn giản hóa, cắt giảm chi phí tuân thủ, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của các thành phần kinh tế trong môi trường kinh doanh thông thoáng, bình đẳng, góp phần giải phóng nguồn lực xã hội, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
- Tham gia, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương thực hiện xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan nhà nước, triển khai giải quyết TTHC theo hình thức trực tuyến cấp độ 3, 4…
2. Nhiệm vụ
Để năm 2017 tiếp tục có những thành tựu về cải cách TTHC, góp phần tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh theo đúng tinh thần của Nghị quyết 19/NQ-CP và mục tiêu “TTHC được cải cách cơ bản, mức độ hài lòng của Nhân dân và doanh nghiệp về TTHC đạt mức trên 80% vào năm 2020” tại Nghị quyết số 30c/NQ-CP ngày 08/11/2011 của Chính phủ và Quyết định số 225/QĐ-TTg ngày 04/02/2016 của Thủ tướng Chính phủ, Hội đồng cần tập trung triển khai các nhiệm vụ cụ thể:
a) Nghiên cứu, đề xuất sáng kiến cải cách quy định, TTHC có tính đột phá, mang lại lợi ích và hiệu quả thiết thực cho người dân, cộng đồng doanh nghiệp và sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, tập trung vào các nhóm quy định, TTHC trong các lĩnh vực liên quan đến cung cấp dịch vụ công; phối hợp với các bộ, ngành, địa phương thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 13/CT-TTg về tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước các cấp trong công tác cải cách TTHC.
b) Kịp thời nắm bắt, tổng hợp các khó khăn, vướng mắc, phản ánh, kiến nghị xuất phát từ thực tiễn hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống của người dân. Phối hợp với các cơ quan liên quan giải quyết hoặc trình Chủ tịch Hội đồng báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
c) Tham gia ý kiến có chất lượng đối với các dự án luật, pháp lệnh, đặc biệt là các dự án luật, pháp lệnh quan trọng; kịp thời phản ánh những bất cập về quy định, TTHC trong các văn bản quy phạm pháp luật đã ban hành góp phần nâng cao chất lượng văn bản.
d) Tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện công cụ đo lường chi phí tuân thủ TTHC và sử dụng công cụ này để triển khai hoạt động đánh giá chi phí tuân thủ của các nhóm TTHC có ảnh hướng lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; công bố định kỳ hàng năm để định lượng gánh nặng hành chính của nhóm doanh nghiệp kinh doanh trên một số ngành nghề, tại một số địa phương nhằm tạo “sức ép” cải cách TTHC đối với các bộ, ngành, địa phương.
đ) Theo dõi, đánh giá việc xử lý của bộ, ngành, địa phương đối với các đề xuất, kiến nghị đơn giản hóa quy định, TTHC của Hội đồng.
3. Giải pháp chủ yếu
Để nâng cao hiệu quả hoạt động tư vấn cho Thủ tướng Chính phủ các sáng kiến cải cách quy định, TTHC, đánh giá việc thực hiện cải cách TTHC tại các bộ, ngành, địa phương, năm 2017 Hội đồng cần thực hiện các giải pháp cụ thể:
a) Đối với cơ quan thường trực Hội đồng:
- Tham mưu, trình Chủ tịch Hội đồng báo cáo Thủ tướng Chính phủ kiện toàn thành viên Hội đồng theo hướng phù hợp và đáp ứng được yêu cầu cải cách sâu rộng, mạnh mẽ, quyết liệt trong giai đoạn mới của Chính phủ, nhất là chủ trương xây dựng và phát triển Chỉnh phủ điện tử, kiến tạo.
- Trình Chủ tịch Hội đồng ban hành Quy chế hoạt động của Hội đồng sau khi kiện toàn để nâng cao hiệu quả hoạt động và vai trò của Hội đồng trong tư vấn, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ về các sáng kiến cải cách quy định hành chính cũng như đánh giá việc thực hiện cải cách TTHC tại các bộ, ngành, địa phương.
- Nâng cao chất lượng công tác tham mưu, giúp việc cho Bộ trưởng, Chủ tịch Hội đồng và các thành viên Hội đồng, bảo đảm gắn kết hoạt động của Hội đồng. Chủ động nắm bắt các thông tin về hoạt động của các cơ quan thành viên để huy động sự tham gia, qua đó nâng cao vị thế, vai trò của Hội đồng.
- Huy động sự tham gia của hệ thống đơn vị kiểm soát TTHC tại các bộ, ngành, địa phương. Tích cực tham vấn ý kiến chuyên gia trong điều phối, tổ chức hoạt động của Hội đồng.
- Các thành viên Hội đồng tiếp tục tích cực đóng góp ý kiến có chất lượng vào các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật hoặc các nhiệm vụ liên quan đến cải cách quy định, TTHC để cùng “chung tay” thúc đẩy toàn diện và đồng bộ công cuộc đổi mới, nâng cao vị thế Việt Nam trên bản đồ thế giới.
- Tích cực tham gia các hoạt động chung của Hội đồng. Bên cạnh việc chỉ ra các khó khăn, vướng mắc về quy định, TTHC, cần chủ động đưa ra các kiến nghị, giải pháp để tổ chức nghiên cứu, tổng hợp gửi các bộ, ngành, địa phương kịp thời tháo gỡ cho người dân, doanh nghiệp.
- Đề xuất sáng kiến cải cách quy định, TTHC trong các lĩnh vực; chủ động thực hiện Chỉ thị số 13/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ trong hoạt động đánh giá việc thực hiện cải cách quy định, TTHC.
- Tăng cường phối hợp giữa cơ quan thường trực với các cơ quan thành viên Hội đồng trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ.
- Kịp thời phản ánh với Lãnh đạo Hội đồng các khó khăn, vướng mắc, đề xuất, kiến nghị để kịp thời tháo gỡ nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.