Trong xã hội ta hiện nay, nhu cầu hưởng thụ văn hóa (tức nhu cầu đời sống tinh thần) là rất phong phú. Con người Việt Nam từ ngàn xưa vốn có truyền thống trong bầu không khí của các tín ngưỡng dân gian. Để nhanh chóng thích ghi với truyền thống đó, từ khi du nhập vào Việt Nam Phật giáo đã kết hợp với tín ngưỡng bản địa để tìm chỗ đứng cho mình trở thành nét độc đáo đặc sắc của văn hóa dân tộc. Văn hóa Phật giáo đã thẩm thấu vào văn hoá dân tộc. Với xu thế toàn cầu hóa hiện nay trên thế giới, bên cạnh việc phát triển kinh tế hàng hóa nhiều thành phần vận hành theo cơ chế thị trường thì trên lĩnh vực văn hóa cũng đặt ra nhiều nhiệm vụ quan trọng phải giải quyết. Đảng và Nhà nước ta chủ trương tăng cường mở rộng giao lưu văn hóa với các nước trong khu vực và trên thế giới. Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IX đã khẳng định: "Xây dựng nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc vừa là mục tiêu, vừa là động lực, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội… Tiếp thu tinh hoa và góp phần làm phong phú nền văn hóa nhân loại" [6, tr. 114-115].
Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội. Nền văn hóa mà chúng ta xây dựng là nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, gắn bó mật thiết với văn hóa tiến bộ của nhân loại, làm cho văn hóa thấm sâu vào toàn bộ đời sống xã hội, là nền văn hóa thống nhất mà đa dạng trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Xây dựng và phát triển văn hóa là sự nghiệp cách mạng lâu dài của toàn Đảng toàn dân. Nhiệm vụ bao quát của sự nghiệp văn hóa là phát huy chủ nghĩa yêu nước, ý thức độc lập, tự chủ, tự cường, tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc, xây dựng xã hội chủ nghĩa.
Trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế, sự giao lưu văn hóa với các nước trên thế giới đã làm cho quần chúng nhân dân có điều kiện tiếp nhận cái mới, cái hiện đại của nhân loại. Trên thực tế ảnh hưởng nhân
sinh quan Phật giáo bị hạn chế, có sự biến đổi. Nếu trước đây quan niệm nhân sinh quan Phật giáo là sự tu hành khổ hạnh, sống giản dị, thanh nhàn thì ngày nay quan niệm đó đã có sự thay đổi bởi chịu ảnh hưởng của lối sống thực dụng, hưởng lạc trong văn hóa phương Tây.
ở nước ta, chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh không những là nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động của Đảng và Nhà nước, mà còn là học thuyết lãnh đạo đời sống tinh thần của xã hội. Sự giao lưu văn hóa giữa các quốc gia và dân tộc trên thế giới đã tạo điều kiện cho một số học thuyết, trào lưu tư tưởng tiên tiến cũng như phản động lạc hậu của thế giới được du nhập vào nước ta những năm gần đây, cũng chính sự giao lưu văn hóa ấy cũng tạo điều kiện cho các tổ chức phản động quốc tế thâm nhập để chống phá lại sự nghiệp cách mạng của dân tộc, làm tăng những ảnh hưởng tiêu cực của nhân sinh quan Phật giáo. Phật giáo không thể không chịu ảnh hưởng của quá trình giao lưu và hội nhập ấy. Tuy vậy, Phật giáo, nổi bật là quan niệm nhân sinh của nó, vẫn có sức quyến rũ rất lớn và chiếm được vị trí đáng kể trong đời sống tinh thần của một bộ phận dân cư. Phật giáo vốn là tôn giáo thiên về đạo đức hướng thiện rất gần gũi với đông đảo quần chúng hơn là một tôn giáo của sự siêu phàm, nó quyến rũ hấp dẫn con người. Hiện nay, Phật giáo cũng đang được đổi mới thích ứng với thời đại và vẫn có chỗ đứng trong việc góp phần làm phong phú thêm đời sống văn hóa tinh thần của người Việt Nam.