Ảnh hưởng nhân sinh quan Phật giáo đến đạo đức

Một phần của tài liệu Ảnh hưởng nhân sinh quan phật giáo trong đời sống tinh thần của con người Việt Nam và sự biến đổi của nó trong quá trình đổi mới hiện nay (Trang 31 - 44)

Hơn 20 thế kỷ qua Phật giáo đã cùng chung sống với dân tộc ta. Triết lý nhân sinh của Phật giáo đã thẩm thấu vào tinh thần dân tộc và có ảnh hưởng sâu sắc đến nhân sinh quan con người Việt Nam, góp phần đắc lực vào việc tạo nên nhân cách của nhiều người dân Việt Nam. Phật giáo đề cập rất nhiều đến thuyết nhân duyên, đến quan hệ nhân quả, nhìn sự vật từ kết quả để tìm nguyên nhân và từ kết quả này lại là nguyên nhân của quả khác trong mối liên hệ khác. Luân hồi nghiệp báo là giáo lý Phật giáo dựa trên luật nhân quả. Luật nhân quả của Phật giáo đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành phát triển nhân sinh quan và đạo đức trong nhân dân ta.

Nho giáo có tư tưởng thiên mệnh. Theo Nho giáo, con người sinh ra phục tùng tuân theo quy luật tự nhiên như một định mệnh, chịu sự chi phối của lực lượng siêu nhiên là mệnh trời. Khổng Tử ví con người trong tự

nhiên giống con cá bơi lội trong dòng nước, dù có ngược xuôi như thế nào cũng phải tuân theo sự trôi chảy của dòng nước. Tư tưởng Nho giáo cũng ảnh hưởng mạnh đến nhân sinh quan con người Việt Nam. Nếu hệ tư tưởng Nho giáo làm cho con người tin tuyệt đối vào số mệnh, con người tuân thủ một cách nghiêm ngặt định mệnh của mình, như thế không thôi thúc con người hành động vươn lên mà trông chờ, ỷ lại vào số phận… thì luật nhân quả cho con người thấy được bản thân ta phải tu tập. Mệnh trời trong tư tưởng Nho giáo đã kết hợp hài hòa với triết lý nhân quả. Trong Truyện Kiều, Nguyễn Du viết:

"Cho hay muôn sự tại trời Phụ người chẳng bõ khi người phụ ta

Những người bạc ác tinh ma Mình làm mình chịu kêu mà ai thương".

Những câu thơ của Nguyễn Du cho thấy, triết lý ác giả ác báo của Phật giáo được đề cập vần xoay hại nhân nhân hại xưa nay lẽ thường ảnh hưởng thấm sâu vào nhân sinh quan con người Việt Nam. Tác phẩm của Nguyễn Du gián tiếp thể hiện triết lý nhân sinh, mang đậm màu sắc Phật giáo; cách thử nghiệm lý giải cuộc đời đau khổ cũng như phương pháp thoát khổ. Phật giáo nêu cao thiện tâm, bình đẳng cho mọi người như là những tiêu chuẩn đạo đức cơ bản của đời sống xã hội.

Những quan niệm ở hiền gặp lành, gieo gió phải gặt bão, nhân nào quả đấy, cha mẹ hiền lành để đức cho con, bản chất từ hy hỷ xả trong triết lý nhân sinh Phật giáo thấm sâu vào đời sống tinh thần dân tộc hướng mọi tầng lớp nhân dân vào con đường thiện nghiệp tu dưỡng đạo đức vì dân vì nước. Có tác giả đã nhận xét: Cái sống đời đời trong đạo đức Phật giáo là từ bi và cứu khổ cứu nạn. Nó vượt thời gian, không gian, bởi vì nó nhằm

bảo vệ, phát huy, duy trì nhân bản "làm điều lành", "hướng về điều lành" hoặc ít nhất "đừng làm ác", "đừng hướng về cái ác".

Luật nhân quả theo Phật giáo đề cập đến dòng biến động, sinh diệt nối tiếp nhau, đã chỉ cho các tín đồ điều kiện để đạt đến đỉnh cao của trí tuệ, thì người tu hành phải có đức độ, lòng từ bi mà không ỷ lại hay tự ty với chính mình. Tư tưởng này là nguồn động lực thôi thúc con người hành động, vững tin vào cuộc sống. Luật nhân quả còn khẳng định khi chúng ta gieo nhân tức là đã gây nghiệp, gây nghiệp lành được quả lành, gây nghiệp dữ bị quả dữ. Vì vậy đã hướng con người vào việc thiện, xa lánh điều ác. Nếu chúng ta gạt bỏ yếu tố thần bí về kiếp người trong luật nhân quả, sẽ thấy được tinh thần nhân bản trong việc giáo dục con người sống lành mạnh, làm việc tốt, từ đó góp phần vào việc xây dựng xã hội yên lành và có nhân tính hơn. Ngoài ý nghĩa tích cực trong việc giáo dục và xây dựng một gia đình tốt, một xã hội yên bình, Phật giáo nhấn mạnh sự nỗ lực là yếu tố quyết định của mỗi con người trong quá trình tu tập đi đến giác ngộ. Giáo lý nhân quả của Phật giáo không ra lệnh cũng không trừng phạt, mà đưa con người về vị trí thực sự của họ, không tách khỏi ý thức trách nhiệm vai trò vị trí của mình trong gia đình và xã hội, không ngừng tự giáo dục theo các chuẩn mực đạo đức, đạt đến sự hoàn thiện của bản thân

Triết lý về luật nhân quả của Phật giáo còn góp phần trong việc phòng ngừa ý định, hành vi phạm pháp luật của con người khi còn chưa bộc lộ. Con người, trước nguy cơ trở thành tội phạm, thì lương tâm thường hay cắn rứt, dày vò. Trong suy nghĩ ban đầu của họ luôn có sự đắn đo, đấu tranh tư tưởng... Do đó, nếu như họ sợ bị quả báo trừng phạt, quả báo có thể ứng ngay với bản thân mình thậm chí còn chịu hậu quả lâu dài về sau (đời cha ăn mặn đời con khát nước), thì họ sẽ ăn năn hối cải, từ đó có hành động tích cực để chuộc lỗi lầm cải tạo nghiệp.

Phật dạy chỉ có chính ta mới là chủ nhân thực sự cuộc sống của ta, nên ta phải gắng sức rèn luyện để trở thành người tốt, mà không trông chờ ở một thế lực siêu tự nhiên nào ngoài bản thân mình. Đức Phật dạy rằng: "Hãy tự mình là ngọn đèn soi sáng cho mình, hãy tự tạo cho mình một chỗ nương tựa và đừng nương tựa vào ai khác ngoài bản thân mình" [25, tr. 22]. Phật giáo với một hệ thống triết lý sâu sắc ít mang tính siêu hình, mà trái lại có tính thực tiễn cao. Đó là con đường giúp con người thoát khổ (giải thoát). Phật giáo có ảnh hưởng tác động sâu sắc đến nền tảng đạo đức, sự hình thành nhân cách con người Việt Nam - bản sắc độc đáo ở mỗi con người. Hiện nay có những quan niệm khác nhau về nhân cách và trong cuộc sống đời thường có người quan niệm sai lầm đồng nhất nhân cách với đạo đức. Triết học Mác - Lênin quan niệm, nhân cách là khái niệm chỉ bản sắc độc đáo riêng biệt của mỗi cá nhân, là nội dung và tính chất bên trong mỗi cá nhân. Nhân cách là khái niệm chỉ sự khác biệt giữa các các nhân. Với nhân cách riêng, mỗi cá nhân có khả năng tự ý thức về mình, làm chủ cuộc sống của mình, tự lựa chọn chức năng, niềm vui, trách nhiệm hoạt động cụ thể trong xã hội. Trong đó, đạo đức là thành phần quan trọng nhất, là gốc của nhân cách. Với tư cách là một hình thái ý thức xã hội, đạo đức là toàn bộ những quy tắc nhằm điều chỉnh và đánh giá cách ứng xử của con người trong quan hệ với nhau và với xã hội, chúng được thực hiện bởi niềm tin cá nhân, bởi truyền thống và sức mạnh của dư luận xã hội.

Truyền thống đạo đức của dân tộc ta chịu ảnh hưởng sâu sắc của đạo đức Phật giáo. Dân tộc Việt Nam từ khi được hình thành đến nay đã trải qua bao thăng trầm lịch sử, những thuận lợi cũng như khó khăn thử thách đã hun đúc làm nên tinh thần dân tộc bền vững. Trong đó tiêu biểu nhất là lòng yêu nước nồng nàn, là cốt lõi của nhân phẩm. Phật giáo vừa là một hệ thống triết học tôn giáo, vừa là một học thuyết có giá trị đạo đức rất cao, mà mục đích duy nhất của nó là cứu khổ độ sinh. Theo Đức Phật, một đời sống hạnh phúc

là một đời sống có đạo đức. Ngay từ khi được du nhập vào nước ta, Phật giáo đã tham gia vào nền đạo đức dân tộc một cách hòa bình, thẩm thấu vào truyền thống yêu nước trong suốt chiều dài lịch sử truyền thống dân tộc. Đạo đức Phật giáo thâm nhập vào đạo đức dân tộc theo truyền thống vì nghĩa, vì nước. Điều này có thể coi là sự hóa thân của Phật giáo vào truyền thống đạo đức của dân tộc Việt Nam. Trong lịch sử, đạo đức Phật giáo đã thích ứng với hoàn cảnh Việt Nam, biến thái từ một nền đạo đức tiêu cực, từ bi sang tinh thần dũng cảm, anh dũng đấu tranh vì dân vì nước. Trần Nhân Tông, vị Sư tổ khai sáng Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử - dòng thiền lớn nhất của Việt Nam thời Trần - ông là người đã có công trong việc đưa chính pháp vào đời sống đạo đức xã hội Việt Nam thời kỳ này. Nhân Tông là vị vua yêu nước, đã lãnh đạo toàn dân chiến thắng trong hai cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông 1285 - 1288, giữ vững độc lập chủ quyền dân tộc. Ông còn là vị vua có lòng nhân từ, thân dân nhất. Dưới thời Trần Nhân Tông, nước Đại Việt đã làm nên những kì tích trong lịch sử của mình. Suốt triều đại Lý - Trần, lý tưởng vô ngã, vị tha được xếp là chuẩn mực của nếp sống đạo đức Phật giáo, mà nhờ đó đã có ảnh hưởng sâu đậm tới đời sống đạo đức của nhân dân ta.

Không phải chỉ khi Phật giáo trở thành quốc giáo mà ngay cả khi nó đã nhường chỗ cho Nho giáo (đầu thế kỷ XV), thì sự ảnh hưởng của nó đến đời sống đạo đức của nhân dân ta vẫn đậm nét. Ví như tư tưởng nhân nghĩa của Nguyễn Trãi rất gần gũi và tương đồng với đạo đức Phật giáo. Nhân sinh quan Phật giáo đã hòa đồng với các tôn giáo khác, cũng như tập quán tín ngưỡng truyền thống của dân tộc Việt Nam. Đạo lý từ - bi - hỉ - xả, bình đẳng, của Phật giáo đã ảnh hưởng sâu rộng trong đời sống tinh thần người Việt, là một trong những yếu tố tham gia vào quá trình hình thành giá trị văn hóa dân tộc. Đạo đức xã hội coi trọng chữ tâm là gốc để tạo nên sức mạnh và là động lực cho sự phát triển xã hội. Tư tưởng, hành vi

đạo đức Phật giáo phù hợp với truyền thống nhân đạo, thương người như thể thương thân của đạo lý người Việt Nam.

Bầu ơi thương lấy bí cùng

Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn.

Trong gia đình, việc thờ cúng tổ tiên là truyền thống của con người Việt Nam. Truyền thống đó được cộng hưởng bởi đạo đức Phật giáo. Cho đến tận ngày nay, trong mỗi gia đình người Việt Nam, thậm chí ở cả nước ngoài, khi mở đầu bài khấn lễ gia tiên, hay trước khi tiến hành các thủ tục tế lế thì bao giờ cũng được mở đầu bằng câu "Nam mô a di đà phật".

ảnh hưởng của đạo đức Phật giáo đã trở thành một bộ phận hợp thành đạo đức của xã hội Việt Nam từ thuở xa xưa. Thời kỳ Lý - Trần, Phật giáo chiếm vị trí chủ đạo trong đời sống tinh thần của xã hội, thì có thể nói, đạo đức Phật giáo gần như đồng nhất với đạo đức xã hội. Ngay cả khi Phật giáo lui vào dân gian thì ảnh hưởng của nó vẫn không hề mất đi. Nhiều giá trị đạo đức của Phật giáo nói riêng và tôn giáo nói chung có tính phổ quát. Chính vì vậy, khi đánh giá vai trò của tôn giáo, Kant - nhà triết học người Đức (1724-1804) - cho rằng, chức năng cơ bản của tôn giáo là chức năng đạo đức.

Cũng như các tôn giáo khác, Phật giáo là niềm an ủi cho con người bằng một sự đền bù hư ảo, hay là đem lại sự thỏa mãn nhu cầu tâm linh một cách ảo tưởng, coi sự giải thoát khỏi thế giới trần tục làm cứu cánh cho cuộc đời đau khổ của mình. C. Mác đã từng nói: "Tôn giáo là tiếng thở dài của chúng sinh bị áp bức, là trái tim của thế giới không có trái tim, cũng giống như nó là tinh thần của những trật tự không có tinh thần. Tôn giáo là thuốc phiện của nhân dân" [17, tr. 8]. V.I. Lênin coi: "Tôn giáo là thuốc phiện của nhân dân. Tôn giáo là thứ rượu tinh thần" [17, tr. 226]. Như vậy, C. Mác và Ph. Ăngghen xem tôn giáo như một thứ thuốc an thần ở đó quần

chúng nhân dân tìm thấy sự an ủi, con đường giải thoát cho mình. Phật giáo đem đến cho con người sự thanh thản, niềm hy vọng vào một cuộc sống tốt đẹp ở cõi Niết bàn. Con người tin và theo đạo Phật và nhờ đó nhu cầu tâm linh của họ được an ủi, đền đáp. Nhưng Phật giáo là một tôn giáo bởi nó có nghi lễ, cúng lễ, cầu nguyện và khi gặp khó khăn được Phật tổ cứu giúp. Với người phật tử, Đức Phật hay Ông Bụt đều là hình tượng của sự sáng suốt, lòng nhân từ bao dung độ lượng luôn cứu vớt và ban phước lành cho con người.

Mặt tích cực của nhân sinh quan Phật giáo nói chung và đạo đức Phật giáo bao gồm nhiều khía cạnh. Trước hết, nó góp phần củng cố đạo đức xã hội, tôn vinh những giá trị văn hóa dân tộc, khơi dậy tinh thần đoàn kết tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách góp phần tạo nên nhân cách con người Việt Nam. Tuy nhiên, sẽ là không đầy đủ nếu như chỉ nhấn mạnh những ảnh hưởng tích cực của sinh quan Phật giáo, mà không thấy ảnh hưởng tiêu cực của nó đối với đời sống tinh thần nói chung và đạo đức xã hội.

Thuyết nhân quả của Phật giáo tạo cho mọi người tính nhẫn nhục, cam chịu bằng lòng với số phận của mình ở cuộc sống trần gian. Như vậy, vô hình chung đã tạo điều kiện thuận lợi để giai cấp thống trị lợi dụng ru ngủ nhân dân, loại bỏ ý thức vươn lên đấu tranh của họ, dẫn đến sự cai trị của chúng dễ dàng hơn.

Mặt khác, trong thực tế chùa chiền trở thành nơi ẩn náu của một số người tỏ ra bất mãn trước cuộc sống, gặp khó khăn hay thất bại trong cuộc sống và chưa làm chủ được cuộc sống của chính mình, do vậy họ vào chùa nương nhờ cửa Phật, lẩn trốn thực tại. Là một tôn giáo có những yếu tố thần bí, Phật giáo đã làm con người dễ tin tưởng một cách mù quáng, mà không thấy cuộc sống của mình do mình làm chủ, không dựa vào tri thức,

không dựa vào khoa học để chiến thắng khổ nạn, cố gắng tự vươn lên làm chủ mình trong mọi hoàn cảnh giành lấy hạnh phúc cho mình.

Quan niệm đời là bể khổ, cuộc sống ở trần gian là tạm bợ, là sự chuẩn bị bắt đầu cho cuộc sống ở cõi Niết bàn. Điều này đã làm con người xa lánh cuộc đời, an phận thủ thường, thu mình trước mọi bất công, nảy sinh tâm trạng bi quan, yếm thế trước cuộc sống. Đó là điều không phù hợp và thậm chí là sự cản trở đối với sự tiến bộ của nhân loại, đặc biệt là trong điều kiện hiện nay. Con người sống ở thế giới thực tại, nhất là trong xã hội hiện đại, càng phải có niềm tin, lý tưởng, biết vươn lên vượt mọi khó khăn, thử thách làm chủ cuộc sống của mình cần thiết phải có thái độ lạc quan yêu đời, tin vào bản thân mình.

Khi nghiên cứu ảnh hưởng nhân sinh quan Phật giáo đến đạo đức của con người Việt Nam hiện nay, chúng ta phải thấy được cả mặt tích cực cũng như tiêu cực. Mặt tích cực, góp phần hình thành nhân cách con người, làm cho họ có cuộc sống lành mạnh, trong sạch, giản dị, có tấm lòng nhân ái, khoan dung, yêu thương đồng loại, biết cảm thông, quan tâm đến nỗi khổ của người khác, cứu người trong lúc gặp khó khăn hoạn nạn v.v... mọi hành động ấy đều được bắt đầu từ tâm, từ tính tự giác. Những tư tưởng về đạo đức Phật giáo đã góp phần nâng cao và làm phong phú hơn những giá trị đạo đức truyền thống của dân tộc. Chúng hòa quyện vào nhau, tạo nên sức mạnh chiến thắng của dân tộc Việt Nam. Trên cơ sở phát huy mặt tích cực, hạn chế mặt tiêu cực của đạo đức truyền thống nói chung và của nhân sinh quan Phật giáo nói riêng, Đảng và Nhà nước ta đã phát động phong trào tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách, lá rách ít đùm lá rách nhiều

Một phần của tài liệu Ảnh hưởng nhân sinh quan phật giáo trong đời sống tinh thần của con người Việt Nam và sự biến đổi của nó trong quá trình đổi mới hiện nay (Trang 31 - 44)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(95 trang)
w