Ái Chân - vợ tôi - bị bệnh máu trắng. Năm ấy, tôi đưa vợ về nhà để ăn cái Tết cuối cùng. Ăn Tết xong, trước khi trở lại bệnh viện, cô ấy thu dọn nhà cửa, sắp xếp lại tủ quần áo, cho tôi biết chỗ để cổ phiếu và các loại giấy tờ. Cuối cùng, cô xách túi xách chia tay con gái. Bé Văn Văn hai tuổi giật mình ngẩng đầu nhìn mẹ, hỏi: "Mẹ, mẹ đi đâu đấy?".
- Con gái yêu của mẹ - Vợ tôi quỳ dưới sàn nhà, ôm chặt con gái vào lòng - Con hôn mẹ đi, mẹ phải đi ra nước ngoài học tập.
Hai mẹ con áp mặt vào nhau. Nước mắt vợ tôi tuôn như mưa.
Khi lên ôtô, vợ tôi nằm trên ghế vật vã khóc. Tôi vừa dặn dò lái xe vừa ôm chặt vợ. Đến lúc này tôi mới hiểu, trên đời hiếm người phụ nữ nào lại kiên cường như cô ấy.
Sau hơn 20 ngày vợ tôi từ biệt cuộc đời, bức thư thứ nhất của cô ấy từ "hải ngoại" được chuyển về. Trên bì thư có dán tem, có ghi ngày tháng nhưng không có dấu của bưu điện. Đây là những lá thư vợ tôi viết từ trước khi mất để lại. Tôi theo thời gian ghi trên phong
bì mở thư ra đọc cho con gái nghe: "Con cưng của mẹ, con có nhớ mẹ không? Mẹ rất nhớ con, lúc nào cũng nhớ. Mẹ từ nước ngoài gửi thư về cho con, còn rất lâu nữa mẹ mới có thể về nhà. Khi mẹ không có ở nhà, con phải nghe lời bố, nghe lời ông bà con nhé!". Cuối thư là mấy chữ: "Mẹ hôn con gái yêu!".
Những lá thư xếp gọn gàng, gói trong chiếc khăn tay thơm mùi nước hoa, tất cả có 17 lá. Cứ cách vài tuần bố con tôi lại nhận được một lá. Trong thư, Ái Chân dặn tôi đổi quần áo theo mùa, nói cho tôi biết thời điểm phải thay bình gas và căn cứ vào thời gian trưởng thành của trẻ, bổ sung dinh dưỡng cho con gái. Khi đọc những bức thư đó, tôi không cầm được nước mắt.
Khi con gái tôi nhớ mẹ da diết, những lời nói ngọt ngào và những chiếc hôn qua thư của Ái Chân thường làm cho nó ngồi ngơ ngẩn hàng giờ. Dần dần, tôi và con gái đều có một hy vọng, cảm thấy như vợ tôi đi công tác xa và có thói quen đợi thư của cô ấy.
Ở lá thư thứ 9, Ái Chân khuyên tôi tìm một người mẹ mới cho Văn Văn, một người có thể thay thế được cô ấy. "Anh phải đi bước nữa, em vẫn là vợ của anh" - Ái Chân viết như thế. Một năm sau, có người giới thiệu, tôi làm quen với Nhã Lệ, vợ của tôi bây giờ. Nhã Lệ cũng đã kết hôn một
lần. Tôi thích tính cô ấy rộng rãi vô tư, đặc biệt có khuôn mặt hao hao giống Ái Chân. Chỉ có điều tôi chưa yên tâm là Nhã Lệ chưa sinh đẻ nên không có kinh nghiệm nuôi con. Tôi và cô ấy bàn về tình hình con gái tôi, bởi vì Văn Văn vẫn có những ký ức về người mẹ của nó.
- Để em thử xem - Nhã Lệ dịu dàng nói - Anh đưa em đến gặp Văn Văn, xem nó có thích em không.
Cuối tháng 4, tôi đọc cho con gái bức thư cuối cùng của vợ tôi: "Con ngoan của mẹ, mẹ cho con biết một tin mừng: Mẹ đã học xong rồi và chuẩn bị về nước. Mẹ sắp được gặp bố con và con gái cưng của mẹ rồi, con có vui không? Thời gian dài như thế có khi con không nhận được ra mẹ nữa đâu?".
Một ngày chủ nhật đẹp trời, tôi đưa Nhã Lệ về nhà.
- Văn Văn - Giờ phút mà tôi cảm giác được giọng nói của mình hơi run run - Con mau ra xem mẹ con về rồi đây này?.
Văn Văn ngây người nhìn Nhã Lệ, hơi do dự. Tạ ơn trời đất, Nhã Lệ buông túi xách chạy nhanh đến bên giường ôm lấy Văn Văn: "Con ngoan của mẹ, con không nhận ra mẹ à?".
Nét mặt Văn Văn thay đổi nhanh chóng, có chút kinh ngạc rồi chuyển sang sợ hãi. Tôi căng thẳng nhìn cảnh này. Cuối cùng, Văn Văn vứt bỏ quyển sách, òa lên khóc rất to. Nó lấy hai tay vừa cấu vừa đấm vào vai Nhã Lệ, kêu lên: "Sao lâu thế mẹ mới về?".
Nhã Lệ ôm Văn Văn vào lòng. Cô nhìn tôi, nước mắt tuôn trào.
- Con ngoan - Nhã Lệ hôn chùn chụt lên má con gái - Mẹ không bao giờ xa con nữa.