Nhà máy Giấy Bãi Bằng (thuộc Công ty Giấy Bãi Bằng - Tổng Công ty Giấy Việt Nam) được xây dựng bằng nguồn vốn viện trợ không hoàn lại trị giá 2,7 tỷ cuaron của Chính phủ Vương quốc Thụy Điển vào những năm 70 của thế kỷ XX. Ngày 27/10/1973, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 228/TTg phê duyệt nhiệm vụ thiết kế công trình Nhà máy giấy Vĩnh Phú, công suất 55.000 tấn giấy/năm.
Việc xây dựng Nhà máy diễn ra rầm rộ vào nửa cuối những năm 70 trong hoàn cảnh hết sức khó khăn. Khi đó, đất nước ta vừa bước ra khỏi cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước, nhân dân ta đang cố gắng khôi phục lại đất nước đồng thời phải đối phó liên tiếp với hai cuộc xung đột vũ trang ở biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc. Nguồn cán bộ, kiến thức còn thiếu, công nghệ lạc hậu. Song, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước ta, sự ủng hộ hết lòng của Chính phủ, nhân dân Thụy Điển, cộng với tài năng, trí tuệ, mồ hôi công sức của những người lao động Việt Nam và Thụy Điển trên công trường xây dựng Nhà máy, sau 8 năm xây dựng (1974 - 1982) công trình đã hoàn thành. Hơn 80 ha đồi hoang, đất trọc Bãi Bằng trở thành một khu liên hợp công nghiệp giấy hiện đại nhất Việt Nam với những máy móc, trang thiết bị tiên tiến của phương Tây lúc đó. Ngày 26/11/1982, Nhà máy giấy Vĩnh Phú thuộc Xí nghiệp liên hiệp Giấy Vĩnh Phú đã khánh thành và chính thức đi vào hoạt động, mở ra một trang mới trong lịch sử phát triển ngành công nghiệp giấy Việt Nam và minh chứng thành quả sự hợp tác tốt đẹp và tình hữu nghị Việt Nam - Thụy Điển.
Trong những năm đầu Nhà máy đi vào hoạt động, những chuyên gia Thụy Điển luôn sát cánh bên đội ngũ CBCNV Việt Nam cùng quản lý, vận hành Nhà máy. Song song với công trình Nhà máy giấy Bãi Bằng,
những người bạn Thụy Điển còn chuyển giao kiến thức và đào tạo lĩnh vực lâm nghiệp. Giai đoạn 1986 - 1995, một vùng nguyên liệu rộng lớn trải dài trên 7 tỉnh phía Bắc Việt Nam đã được thiết lập với tổng diện tích quy hoạch là 346.000 ha, đảm bảo cung cấp đủ nguyên liệu cho Nhà máy sản xuất, giải quyết việc làm cho hàng vạn nông dân các tỉnh trung du và miền núi phía Bắc, góp phần tích cực vào việc xoá đói, giảm nghèo và sự phát triển không ngừng của ngành công nghiệp giấy và rừng ở phía Bắc Việt Nam.
Không chỉ sản xuất sản phẩm giấy phục vụ đời sống, công trình Giấy Bãi Bằng còn làm thay đổi bộ mặt của cả thị trấn Phong Châu, Phú Thọ. Từ một vùng trung du hoang vắng, thưa thớt trở nên sầm uất cùng với sự phát triển của hàng loạt các xưởng gia công chế biến sản phẩm giấy, hoá chất, gỗ và các dịch vụ. Cuộc sống nơi đây đã bừng dậy sức sống mới sôi động, đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa và công nghiệp hóa.
Trong giai đoạn đổi mới, để hội nhập kinh tế khu vực và thế giới, Giấy Bãi Bằng đã tiến hành đầu tư mở rộng giai đoạn I (1999 - 2004). Dự án với tổng mức đầu tư hơn 1.100 tỷ đồng, nhằm đưa năng lực sản xuất bột giấy từ 48.000 tấn/ năm lên 61.000 tấn/năm và năng lực sản xuất giấy từ 55.000 tấn/ năm lên 100.000 tấn/ năm với chất lượng sản phẩm thoả mãn yêu cầu của thị trường. Một lần nữa Nhà máy Giấy Bãi Bằng lại nhận được sự giúp đỡ của Chính phủ Thụy Điển, Ngân hàng Đầu tư Nordic và Quỹ Phát triển Nordic dưới hình thức cho vay ưu đãi. Nguồn vốn vay ODA từ Thụy Điển tập trung vào việc cải thiện môi trường thông qua việc áp dụng kỹ thuật hiện đại trong các quy trình tẩy bột giấy; hạn chế sử dụng hóa chất, nước trong quá trình sản xuất giấy.
Hiện nay, Tổng công ty Giấy Việt Nam vẫn tiếp tục duy trì mối quan hệ đối tác với các Công ty Thụy Điển trên lĩnh vực phát triển công nghệ sản xuất giấy.