Về Ban Nghiên cứu và Viện Nghiên cứu phát triển (IDS)

Một phần của tài liệu Hoiky_NguyenTrung (Trang 93 - 113)

II. Kẻ thất bại toàn diện

Về Ban Nghiên cứu và Viện Nghiên cứu phát triển (IDS)

Suốt thời gian từ khi về hưu đến nay, tôi tham gia tổ nghiên cứu của thủ tướng Võ Văn Kiệt, Ban Nghiên cứu của Thủ tướng Phan Văn khải, Viện Nghiên cứu phát triển (IDS). Ngoài ra tôi còn tham gia một số diễn đàn của các tổ chức dân sự (NGO).

Dưới đây xin nêu ra đôi điều đáng ghi nhớ.

∎ Ban Nghiên Cứu

Trước hết nói về tổ và Ban nghiên cứu (1993-2006, bao gồm thời kỳ Tổ nghiên cứu của thủ tướng Võ Văn Kiệt, Ban Nghiên cứu của Thủ tướng Chính phủ thời thủ tướng Phan Văn Khải và thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng) Xin gọi chung là Ban, vì thực chất là một công việc xuyên suốt, thống nhất.

Từ khi hình thành là một “tổ”, rồi trưởng thành là “Ban”, cho đến khi bị giải thể là 13 năm (1993-2006). Khi thành Ban, người trưởng Ban đầu tiên là anh Trần Đức Nguyên, người tiếp theo là anh Trần Xuân Giá, và đồng thời cũng là người sau này được tận tay trực tiếp nhận văn bản quyết định giải thể Ban, mặc dù ngày hôm trước còn được yêu cầu bàn về công việc của Ban.

Trong kết cấu của tổ chức này, còn tổ kinh tế đối ngoại, là một đơn vị riêng, song có sự hợp tác mật thiết với Ban. Tổ do anh Đậu Ngoc Xuân làm tổ trưởng, có các thành viên là anh Nguyễn Mại, anh Phạm Gia Toàn và tôi. Tổ này thời kỳ đầu còn nhiều thành viên khác.

Ban gồm các chị các anh đã nghỉ hưu, từ nhiều cơ quan khác nhau, có bề dày nhất định về kiến thức và kinh nghiệm – có những cây cổ thụ là Đào Xuân Sâm, Vũ Quốc Tuấn, Việt Phương, Trần Đức Nguyên... Số đương chức chiếm tỷ lệ rất nhỏ và chỉ giữ vai trò cái khung hành chính của Ban. Ngay từ đầu, chúng tôi thỏa thuận với nhau nguyên tắc “5 không, một có”. Đó là: không lương, không chức vụ, không dưới ai, không trên ai, không vụ lợi, có trách nhiệm với ý kiến của mình.

Trong làm việc và mọi mối quan hệ với nhau, chúng tôi không ai bảo ai, ngay từ đầu hoàn toàn tự giác mang vào tổ chức này tác phong: dân chủ, cởi mở, tranh luận đến cùng, tôn trọng lẫn nhau.. – cứ như là những đặc tính tự nhiên và tất nhiên của Ban vậy.

Sản phẩm của toàn Ban có chất lượng tăng dần theo ngày tháng và cũng đúng với sự phát triển từng bước của Ban, phù hợp với đòi hỏi của công việc, càng về sau Ban càng chủ động chú ý tham gia nhiều hơn vào những vấn đề chính trị hệ trọng của đất nước.

Cả đời công tác của mình, có lẽ Ban là cái tập thể duy nhất tôi có được – nói cho hoành tráng – để cùng nhau vẫy vùng cho những gì tốt đẹp mình mong muốn cho đất nước. Tại đây, tôi học được rất nhiều – nhất là phương pháp tiếp cận vấn đề rất riêng của mỗi người, cách nghĩ, cách giải quyết… Sự độc đáo riêng như vậy của mỗi người là những gợi ý, những bổ sung vô giá cho hiểu biết và phương pháp làm việc của tôi. Rõ ràng, học không bao giờ là muộn và ở tuổi nào cũng học được! Theo tôi, yếu tố quan trọng nhất dẫn đến chất lượng làm việc này của Ban có lẽ là sự cởi mở chân thật! Không ngại giấu dốt, nhưng cũng không phải giữ ý, dè dặt vì chuyện này chuyện kia!..

Một nguyên nhân thành công nữa là Ban luôn luôn bám sát cuộc sống, cố tránh nói chay, nói lý… Trong thời gian này, phải nói các thành viên của Ban lặn lội rất nhiều nơi trong nước, ngoài nước, học hỏi các nước nhưng đồng thời không rời thực tiễn rất gai góc của đất nước.

Những đóng góp của Ban vào xây dựng Luật Doanh nghiệp đã được ban hành dưới thời thủ tướng Phan Văn Khải là một ví dụ tiêu biểu cho sự nỗ lực và phương pháp làm việc này của Ban.

Tôi muốn nói thêm thế này: Chính chúng tôi cũng trưởng thành lên rất nhiều trong quá trình cùng với các cơ quan khác và những nhà kinh tế khác của đất nước đã cùng nhau xây dựng nên Luật này.

Thực tế cũng chứng minh: Các thành viên của Ban không nằm trong biên chế cán bộ Văn phòng Chính phủ là những đầu mối liên hệ lý tưởng cho hình thành sự hợp tác rộng nhiều địa phương trong cả nước từ Bắc chí Nam và hợp tác liên ngành rất đáng mong đợi. Thực tế này mang lại cho Ban nhiều thông tin và nhận thức quan trọng.

Cá nhân tôi xin cảm ơn các thành viên này như chị Phạm Chi Lan, chị Nguyễn Thị Hiền, các anh Đào Xuân Sâm, Lê Đăng Doanh, Đào Công Tiến, Nguyễn Văn Ký, Võ Đại lược, Trần Hậu, Dương Phú Hiệp, Nguyễn Lê, Tạ Đình Thính, Nguyễn Sỹ Dũng, Đinh Văn Ân, Lưu Bích Hồ, Nguyễn Văn Miện, vân vân … về ân huệ tôi được hưởng này.

Riêng về kinh tế, tôi thực sự có ấn tượng sâu sắc về những phản biện trong lĩnh vực kinh tế của chị Phạm Chi Lan và chị Nguyễn Thị Hiền, vì luôn luôn bám sát những diễn biến rất đa chiều trong đời sống kinh tế đất nước và có những lỹ lẽ, dẫn chứng thuyết phục, trình bày rành mạch.

Trong tấm gương về phong cách làm việc tận tụy, tôi nhớ đến anh Tương Lai, người đã cùng với học trò của mình lặn lội ngày đêm ở Quỳnh Phụ - Thái Bình, (1997) mang về cho chúng tôi những nhận xét, đánh giá xác thực tại chỗ. Cùng với những thông tin từ những chuyến khảo sát khác nhau của các thành viên khác trong sự kiện Hà Tây và tại một số địa phương khác, Ban chúng tôi qua đó

đã tổng hợp được cho mình những quan điểm và hình thành được cái nhìn toàn diện về cụm vần đề nông dân - nông nghiệp - nông thôn rất hệ trọng của nước ta. Trong những lĩnh vực sản xuất công nghiệp, FDI, xuất nhập khẩu… công việc nghiên cứu của Ban có chất lượng một phần quan trọng là nhờ mạng lưới rộng và liên ngành như vậy.

Nhìn chung những kiến nghị của Ban (đặc biệt là vào dịp Hội nghị Trung ương 4 khóa đại hội VIII 1996-2001) tập trung vào đòi hỏi của đất nước về thay đổi

chính sách và thể chế hành chính. Hôm nay nhìn lại có thể nói: Nội dung những đề nghị này từ các khía cạnh khác nhau thực chất đã đặt ra vấn đề cần xúc tiến cải cách chính trị.

Tổng hợp lại có thể kết luận: Những đóng góp của Ban trong 13 năm này trên lĩnh vực kinh tế vỹ mô và hệ thống chính trị nếu như được chấp nhận và thực hiện, trên đất nước đã có thể manh nha và hình thành được ở mức độ nhất định nào đấy như là những bước đi mở đầu vỡ vạc cho một cuộc cải cách chính trị, mà lãnh đạo đảng đã tránh né ngay từ khi tiến hành đổi mới 1986, và Hội nghị toàn quốc giữa nhiệm kỳ khóa VII (01-2004) đã đưa ra 4 nguy cơ đã loại bỏ hẳn đòi hỏi này.

∎ Viện Nghiên cứu phát triển18 (IDS, 27-09-2007 đến 14-09-2009)

Một hôm, ít lâu sau khi IDS được thành lập, anh Quang A và anh Chu Hảo đến thăm tôi trong bệnh viện, mời tôi tham gia IDS. Phần thì chúng tôi vốn chơi với nhau từ lâu và rất biết nhau, phần thì IDS đáp ứng đúng nguyện vọng lâu nay của tôi, ngay lập tức tôi cảm ơn và nhận lời mời. Trong lòng vui lắm và mừng cho đất nước, cảm ơn những người sáng lập.

Tôi không dám nói IDS là một think tank, nhưng sự thật nó là một tổ chức đang lớn lên với dáng vóc như thế, có thể xem đây là lần đâu tiên trong xã hội dân sự của đất nước XHCN của chúng ta có một viện nghiên cứu tư nhân những vấn đề vỹ mô của đất nước. Số thành viên cũng như nguồn lực tài chính của IDS rất khiêm tốn. Tuy nhiên có thể nói IDS rất giầu nhiệt tình gắn bó với vận mệnh của đất nước và cũng giầu có như thế trong khả năng huy động thông tin và kiến thức từ mọi nơi trên thế giới. Chúng tôi hy vọng rất nhiều: Với vốn liếng về sự gắn bó với thực tiễn cuộc sống đất nước và với mọi thông tin & kiến thức thu thập được, chúng tôi hoàn toàn hy vọng có thể giúp ích đất nước. Nhất là chúng tôi mong đợi sự có mặt của IDS trong cuộc sống sẽ khơi dậy những hoạt động như thế trong mọi nguồn trí tuệ của đất nước. Hai năm tồn tại và hoạt động của IDS cũng như sự hưởng ứng của xã nội đã nói lên điều này.

Xin hãy thử hình dung, điều gì sẽ đến nếu trí tuệ trở thành một trong những động lực quan trọng thúc đẩy sự vận động của đất nước chúng ta!?. Song chính triển vọng này lại là lý do chế độ chính trị phải cấm IDS! Tôi thực không sao hiểu nổi, bên “nhà đỏ” – bên đảng, tôi goi như vậy – đã không ít kiến không thuận về tổ nghiên cứu rồi đến Ban nghiên cứu của Thủ tướng, bây giờ lại đến

18 Tham khảo:

https://vi.wikipedia.org/wiki/Vi%E1%BB%87n_nghi%C3%AAn_c%E1%BB%A9u _Ph%C3%A1t_tri%E1%BB%83n

lượt IDS bị chiếu tướng – lần này là trực tiếp bên “nhà trắng” (chính phủ) ra tay. Căn bệnh của chế độ sợ trí tuệ quả là trầm kha!

Nhìn lại những gì đã xảy ra, có thể nói IDS là nguyên nhân đầu tiên của việc hình thành và ra đời quyết định kèm theo văn bản pháp quy của sự cấm đoán này cho mọi hoạt động tương tự trong cả nước!

Toàn viện chúng tôi đã bàn luận với nhau rất nhiều mọi chiều cạnh, đi đến kết luận phải chủ động tuyên bố tự giải thể, để IDS với chính danh là một tổ chức think tank có thể làm được việc cuối cùng nó phải làm: Đánh thức dư luận cả nước trước việc làm sai trái này của chính quyền. Cũng với mục đích này, tôi xin chép lại tại đây toàn văn tuyên bố ngày 14-09-2009 của IDS để bạn đọc tham khảo và tìm hiểu:

TUYÊN BỐ CỦA VIỆN NGHIÊN CỨU PHÁT TRIỂN IDS 14/09/2009

Ngày 24-7-2009 Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng ký Quyết định số 97/2009/QĐ-TTg ban hành danh mục các lĩnh vực cá nhân được thành lập tổ chức khoa học và công nghệ (sau đây gọi là Quyết định 97), có hiệu lực từ ngày 15-09-2009.

Viện Nghiên cứu phát triển IDS nhận thấy Quyết định 97 có những sai phạm nghiêm trọng sau đây:

Một là: Điều 2 của Quyết định 97 không phù hợp với thực tế khách quan của cuộc sống.

Khoản 2, điều 2 trong quyết định này ghi: cá nhân thành lập tổ chức khoa học công nghệ “chỉ hoạt động trong lĩnh vực thuộc Danh mục ban hành kèm theo Quyết định này. Nếu có ý kiến phản biện về đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, cần gửi ý kiến đó cho cơ quan Đảng, Nhà nước có thẩm quyền, không được công bố công khai với danh nghĩa hoặc gắn với danh nghĩa của tổ chức khoa học và công nghệ.”

Như vậy khoản 2 của điều 2 bao gồm 2 điểm chính là:

(1) các lĩnh vực được phép nghiên cứu quy định trong danh mục kèm theo Quyết định, và

(2) không được công bố công khai ý kiến phản biện với danh nghĩa của một tổ chức khoa học và công nghệ.

Về vấn đề danh mục các lĩnh vực được phép tổ chức nghiên cứu:

Cuộc sống vô cùng phong phú, có nhiều vấn đề chưa biết đến, luôn luôn vận động, biến đổi và phát triển, luôn luôn đặt ra những đòi hỏi mới, cần có các quyết sách mới và các giải pháp thích hợp. Vì vậy không thể bó khuôn mọi vấn đề được phép nghiên cứu trong cuộc sống vào một danh mục dù danh mục ấy có rộng đến đâu. Quy định như vậy sẽ bó tay các nhà khoa học, những người nghiên cứu độc lập, hạn chế sự đóng góp của họ vào việc xây dựng chính sách đổi mới và phát triển đất nước.

Nghiên cứu khoa học là hoạt động sáng tạo nhằm khám phá các quy luật vận động trong tự nhiên và xã hội; từ đó tạo ra công nghệ mới, hoạch định chính sách phát triển và nâng cao dân trí để thúc đẩy xã hội tiến lên. Trong cuộc

sống còn có những lĩnh vực, những vấn đề đã trở nên lỗi thời hoặc đã bị vượt qua. Thực tế này cũng là một đối tượng quan trọng của công việc nghiên cứu, nhất là trong tình hình một quốc gia phải ra sức phấn đấu khắc phục tình trạng nghèo nàn và lạc hậu. Trong một xã hội tiến bộ, công việc nghiên cứu với tính cách như vậy không thể đóng khung trong một danh mục gồm các lĩnh vực được quy định như đã nêu trong Quyết định 97.

Trong khi đó, công văn ngày 8-9-2009 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp (thừa ủy quyền của Thủ tướng trả lời thư ngày 6-8-2009 của Viện IDS gửi Thủ tướng) cho rằng cách quy định một danh mục các lĩnh vực cho phép cá nhân được thành lập tổ chức nghiên cứu là thông lệ ở nhiều nước trên thế giới, có nước quy định một danh mục cho phép, có nước quy định một danh mục cấm, hoặc cả hai. Chúng tôi đã tìm hiểu kỹ thì chưa thấy nước nào có quy định danh mục các lĩnh vực được phép nghiên cứu khoa học. Vì vậy cách trả lời trong công văn của Bộ Tư pháp là không trung thực, thiếu trách nhiệm. Cho đến nay, trên thế giới, việc phân loại các lĩnh vực khoa học là để thống kê, so sánh, không thể lấy đó làm căn cứ để quy định các lĩnh vực được phép nghiên cứu. Cách làm như Quyết định 97 sẽ bị dư luận chê cười, làm hại uy tín của lãnh đạo và của đất nước.

Ý kiến trong công văn của Bộ Tư pháp cho rằng Quyết định vẫn để mở, sẽ tiếp tục nghiên cứu bổ sung dần các lĩnh vực cho phép, là một cách biện bạch gượng gạo, bởi vì “cho phép” thì không bao giờ đủ. Không ai có thể “cho phép” đời sống sẽ được phát triển đến đâu. Thực chất với Quyết định này, “cho phép” tức là cấm, và vùng cấm rộng gấp ngàn lần vùng được phép. Về vấn đề phản biện:

Quá trình đi lên của đất nước chưa có con đường vạch sẵn, cuộc sống có vô vàn vấn đề thuộc đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước cần được phản biện để có thể xử lý đúng đắn. Tuy nhiên, thực tế cho thấy có rất nhiều ý kiến phản biện về đường lối chính sách bị cất hầu như không có thời hạn trong các “ngăn kéo” của các cơ quan chức năng hoặc của những người có thẩm quyền có liên quan. Có quá nhiều phản biện dưới mọi dạng như kiến nghị, đề nghị, thư, tài liệu nghiên cứu… không bao giờ được hồi âm.

Ví dụ nổi bật nhất là cải cách giáo dục – một vấn đề sống còn của sự phát triển đất nước, một yêu cầu bức xúc của xã hội đang được dư luận và giới nghiên cứu trong và ngoài nước rất quan tâm, phản biện công khai sôi nổi từ nhiều năm nay nhằm thực hiện những nghị quyết của Đại hội Đảng và các Hội nghị Trung ương Đảng về cải cách giáo dục. Tuy vậy, sự phản biện này chưa được đánh giá và tiếp thu nghiêm túc.

Một ví dụ khác gần đây là vấn đề bô-xít, được coi là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước. Sự phản biện công khai, quyết liệt vừa qua của rất nhiều nhà khoa học và các hiệp hội thuộc các lĩnh vực khác nhau đã góp phần thúc đẩy việc ban hành quyết định ngày 24-04-2009 của Bộ Chính trị lưu ý những vấn đề phải quan tâm trong khai thác bô-xít ở Tây Nguyên. Tuy vậy, còn biết bao nhiêu phản biện quan trọng khác trong vấn đề khai thác bô-xít ở Tây Nguyên vẫn còn bị bỏ ngỏ.

Trong tình hình nêu trên, cấm các tổ chức khoa học công nghệ do các cá nhân thành lập phản biện công khai như nêu trong Quyết định 97 thực chất là cấm phản biện xã hội, hệ quả sẽ khôn lường.

Khoản 2 trong điều 2 của Quyết định 97 không viết thành văn nhưng hàm ý

Một phần của tài liệu Hoiky_NguyenTrung (Trang 93 - 113)