qua ĐCSVN
“Toàn bộ những nỗ lực của hai họ Phạm – Huỳnh và con cháu họ 4 thập kỷ nay muốn phục thiện cái đảng thống trị đất nước đã tha hóa ruỗng nát và mong cứu vãn đất nước.
Với thông điệp rút ra từ “Lũ” như trên, với thất bại trong kiến nghị về Đại hội XII, tôi trước sau vẫn kiên trì lựa chọn con đường hòa bình tiến hành cải cách chính trị đi qua ĐCSVN.
Bất chấp việc chính tôi cũng phải thừa nhận đảng này và chế độ này đáng phải sụp đổ ba, bốn lần rồi, hầu như chắc chắn nó không có khả năng tự cải tạo! Bất chấp việc tôi đã mấy lần viết ra như vậy trong một số thư gửi những người lãnh đạo đảng và nhà nước!
Kiên trì như thế, song chính tôi cũng phải tự hỏi mình nhiều lần: Hay là bản thân mình cũng ngu và điên đến mức hết thuốc chữa rồi!?
- Không phải như vậy!
Đấy là sự lựa chọn tôi đã đánh vật với nó mấy thập kỷ nay, nhất là từ khi bắt tay vào viết “Dòng đời”. Nếu nhìn vào những gì gia đình và họ tộc của tôi đã phải trải qua, tôi còn muốn nói lựa chọn này là kết quả của một quá trình tôi tự vượt lên chính mình: Thà tôi chịu thất bại hoàn toàn trong nỗ lực này, chứ không thể cam tâm nhìn đất nước chìm đắm trong một cuộc bể dâu mới! Còn nước còn tát!
Đương nhiên, đây chỉ là sự lựa chọn của cá nhân tôi – của 1 trong 96 triệu dân Việt Nam có quyền và muốn thực hiện sự lựa chọn riêng của mình như thế cho tổ quốc của mình!
Trong nhiều bài viết về đòi hỏi cải cách chính trị, tôi đã trình bầy đại thể 3 vấn đề chính36 cần được giải quyết, và chỉ có thể giải quyết được thông qua cải cách chính trị:
1. Cái gốc phải giải quyết của nước ta ngay bây giờ và từ nay mãi mãi về sau là vấn đề phát triển, chứ không phải là câu chuyện làm cách mạng bạo lực! Phải từ chỗ đứng hiện nay huy động mọi tiềm lực vật chất và tinh thần của quốc gia tập trung giải quyết vấn đề của phát triển. Đây là con đường duy nhất để bảo vệ độc lập chủ quyền, khắc phục lạc hậu và tụt hậu, mau chóng giành lấy vị thế quốc tế mới với tiềm lực mới để tồn tại và phát triển, chỉ có thể giành được thông qua hòa bình cải cách chính trị.
2. Đất nước vừa mới trải qua 4 cuộc chiến tranh khốc liệt, phải tránh cho đất nước mọi thảm họa mới. Một phần không thể nói mọi vết thương chiến tranh đã được khắc phục, một phần vì vết thương dân tộc vẫn còn rỉ máu, một phần vì 43 năm qua – nhất là từ khi chế độ toàn trị lên ngôi – trong lòng đất nước lại tích tụ thêm những mâu thuẫn mới, xung đột mới, và có nhiều vấn đề nóng, một phần còn vì hệ quả của vấn đề ngu dân và những tàn tích văn hóa… - trong những điều kiện như vậy bất kể một biến động bạo lực nào đều có thể gây ra một cuộc bể dâu mới khôn lường, và ngay lập tức mời gọi sự can thiệp từ bên ngoài – nhất là từ Trung Quốc. Thực tế này đòi hỏi phải sớm đưa đất nước ra khỏi tình trạng quẫn bách đã kéo dài suốt 43 năm độc lập thống nhất đầu tiên: Quốc gia độc lập nhưng vẫn èo uột, dân
36Tham khảo: Nguyễn Trung, “Cùng nhau mở con đường cải cách, đưa đất
nước vào thời kỳ phát triển mới - Một kiến nghị tâm huyết” http://www.viet-
không có tự do, đất nước càng phát triển trong chế độ toàn trị của đảng nắm quyền càng lệ thuộc và phụ thuộc, bị uy hiếp nhiều bề!
3. Tọa độ trên vị trí địa đầu khu vực Đông Nam Á, nước ta vừa nằm trong vùng tranh chấp quyền lực quyết liệt giữa Trung Quốc và Mỹ, nằm trên cửa ngõ quan trọng nhất của đế chế Trung Quốc đi xuống phía Nam, chịu nhiều áp lực nhất của sức mạnh Trung Quốc tại chỗ, vừa có thể là cầu nối giữa khu vực và thế giới bên ngoài có lợi cho xu thế hòa bình và phát triển, đồng thời là một nước có vị trí quan trọng trong ASEAN. Trong tình hình Trung Quốc trở thành vấn đề của cả thế giới, những đặc điểm địa kinh tế - địa chính trị của nước ta vừa kể trên càng mang tính quyết liệt trên cả 2 phương diện thách thức và cơ hội. Bối cảnh quốc tế và khu vực của nước ta như vậy tất yếu đặt ra đòi hỏi sống còn nước ta phải có đủ sức mạnh và bản lĩnh thoát khỏi thân phận từ sau chiến tranh thế giới II cho đến hôm nay đã rơi vào mà chưa ra nổi: đó là thân phận “miếng da lừa” cho mọi ông lớn giành giật – nếu không đi với một bên chống một bên thì lại phải “leo dây” giữa các nước lớn, vận mệnh đất nước ta do bên ngoài quyết định. Chỉ có thể thông qua cải cách chính trị, canh tân đất nước, để vươn lên một quốc gia có thế và lực tự quyết định lấy vận mênh của mình! Không có một cuộc cách mạng nào – kể cả con đường xây dựng CNXH hay CNML có thể giúp nước ta thực hiện được nhiệm vụ này.
Sức sống của nước ta làm nên Cách mạng Tháng Tám và trong 4 cuộc chiến tranh đã trải qua và trong 43 năm độc lập thống nhất vừa qua cho thấy không phải là đất nước ta, dân tộc Việt Nam ta không có khả năng giải quyết thành công 3 vấn đề trọng đại nêu trên. Nhưng nước ta thực sự có vấn đề là ĐCSVN – lực lượng chính trị lớn nhất nước đồng thời là đảng độc nhất nắm vận mệnh đất nước – không nhìn ra và không có khả năng, và ngày nay do tha hóa nên không có cả bản lĩnh phát huy sức mạnh dân tộc để giải quyết 3 vấn đề chiến lược nêu trên. Đảng như thế, đang trở thành trở lực ngày càng mang tính đối kháng đối với giải quyết 3 nhiệm vụ chiến lược này.
Thực tế cũng đang cho thấy: (a)trong chế độ toàn trị hiện nay không thể xuất hiện một hay những lực lượng chính trị nào trong nước có thể đối trọng với ĐCSVN và quyền lực tuyệt đối nó đang nắm trong tay; (b)có những thế lực kinh tế trong ngoài hỗn hợp đang có những ảnh hưởng lũng đoạn theo hướng muốn duy trì vai trò ĐCSVN như hiện nay để thực hiện những lợi ích của họ; (c)sự can thiệp của quyền lực mềm Trung Quốc vừa là phương tiện của TQ kiểm soát ĐCSVN, đồng thời vừa là chỗ dựa cho sự tồn tại của ĐCSVN.
Với tương quan so sánh lực lượng như nêu trên, hiện nay rất khó xảy ra sự thay đổi nào của ĐCSVN đến từ những áp lực của nội bộ xã hội Việt Nam. Sự vận động hiện nay của ĐCSVN vẫn là tiếp tục quá trình tha hóa tự thân trong chế độ toàn trị cho đến khi tự sụp đổ, hoặc bất cập và không kiểm soát được những thách thức trong nước hoặc từ bên ngoài sẽ dẫn tới lúc nào đó đảng bị lật đổ - như đã xẩy ra ở các nước LXĐA cách đây gần ba thập kỷ. Vô luận một sự sụp đổ như vậy vì bất kỳ nguyên nhân nào (tha hóa tự thân, hoặc bất cập trước thách thức không kiểm soát được) đều gây ra đổ vỡ khốc liệt cho quốc gia, và đồng thời sẽ xóa bỏ hoàn toàn sự nghiệp của ĐCSVN với hệ lụy nhiều mặt. Đây chính là con đường đau khổ mới đất nước đang đi, càng đi càng gian truân, càng đi càng tới gần hơn nữa hiểm họa hủy diệt chung cho cả nước – không loại trừ một ai.
Từ nhận định như vậy, tôi muốn đưa ra câu hỏi:
Có thể hay không? Và Nên hay không tự giác và chủ động tạo ra sự hợp tác giữa một bên là những đảng viên ĐCSVN còn nặng lòng yêu nước và giác ngộ lợi ích quốc gia, một bên là những tiếng nói và lực lượng chân chính trong nhân dân cả nước, để cùng nhau mang lại sự thay đổi thực trạng và bản chất thực hiện nay của ĐCSVN, lột xác nó trở thành đảng của dân tộc và dân chủ, giao cho nó với tính chất là một đảng mới như vậy đảm nhiệm vai trò cầm lái đất nước trong khuôn khổ thể chế chính trị mới của nhân dân do sự hợp tác này tạo dựng nên? Đảng viên phải đứng lên đòi thảo luận dân chủ nội bộ trong toàn đảng vấn đề sống còn này, vì nó quyết định vận mệnh của đảng và của quốc gia!
Những người giữ trọng trách trong đảng còn nặng lòng với đất nước có trách nhiệm ràng buộc phải chủ động giành lấy cho đảng và cho đất nước sự hợp tác như thế!
Trong tầm tư duy của tôi, tôi không tìm ra được con đường nào tối ưu hơn! Cực chẳng đã chỉ còn con đường đổ vỡ đẫm máu của bạo lực lật đổ hoặc bạo loạn sụp đổ.
Cũng trong tầm tư duy của tôi, xin đặt ra câu hỏi:
Tại sao những người nắm thực quyền trong ĐCSVN không tính đến cùng với nhân dân và dựa vào nhân dân để chủ động thiết kế một con đường hợp tác và đồng thuận như thế? Cải cách chính trị từ trên xuống và từ trong đảng ra, dựa vào trí tuệ của cả nước là con đường khả thi nhất và tiết kiệm nhất mọi tổn thất!
Hỏi được hay không hỏi được như vậy, trả lời được hoặc không trả lời được câu hỏi như vậy, sẽ làm rõ bản chất và tầm nhìn từng người có thực quyền trong đảng!
Tôi hy vọng, như thế tôi đã giải trình rõ lý do tôi lựa chọn con đường hòa bình cải cách chính trị đi qua ĐCSVN. Bởi vì bất kỳ sự phát triển nào của quốc gia nào trên trái đất này, đều cần có sự lãnh đạo của giới tinh hoa và lực lượng chính trị đủ tầm của nó dẫn dắt! Đây chính là con đường tạo lập ra cho quốc gia của chúng ta một giới tinh hoa và lực lượng chính trị đúng tầm phải có như thế của nó! Không thể có sự phát triển tự phát! Càng không thể có sự phát triển như thế bằng một cuộc cách mạng xóa bỏ tất cả để làm lại từ đầu như đã từng xẩy ra trong lịch sử các quốc gia trên thế giới cho đến hôm nay – kể cả cuộc Cách mạng Tháng Tám của chúng ta, CNML càng không! Đơn giản vì cách mạng không làm nhiệm vụ phát triển. Cách mạng nào cũng chỉ có thể làm được chức năng tạo điều kiện hay mở đường cho phát triển. Còn toàn bộ sự nghiệp phát triển phải là sự vận động tự thân liên tục và mãi mãi của toàn quốc gia trong một thể chế chính trị dân chủ và tiến bộ phải có.