Tham khảo: Nguyễn Trung, Đại hội XII, một thất bại chung của Việt Nam!

Một phần của tài liệu Hoiky_NguyenTrung (Trang 113 - 137)

II. Kẻ thất bại toàn diện

20 Tham khảo: Nguyễn Trung, Đại hội XII, một thất bại chung của Việt Nam!

Vô cùng đau lòng cho đất nước!.. …

Tại sao cứ phải kinh tế hạ nguồn?

Trước hết, xin nói từ những năm là vụ trưởng kinh tế ở Bộ Ngoại giao, tôi đã quan tâm đến vấn đề này, tìm hiểu tình hình các quốc gia châu Phi và một số nước đang phát triển ở nơi khác, rút ra kết luận: Chủ nghĩa thực dân mới Trung Quốc đã vượt xa chủ nghĩa thực dân mới của Âu châu trong việc bóc lột tài nguyên ở những nước này, và để lại đấy nguyên trạng phát triển như trước khi nó đến, ngoại trừ những khác biệt mới do môi trường tự nhiên bị hủy hoại và thêm một số tàn tích neo-colonialist khác made by China...

Vậy xin tạm hiểu: Kinh tế hạ nguồn là kinh tế khai thác tài nguyên khoáng sản, sản xuất các nguyên liệu khoáng sản, dầu thô, sắt, thép…, với những đặc điểm tỷ lệ lợi nhuận thấp, chiếm nhiều rừng núi, khu mỏ, đất đai, tiêu hao nhiều năng lượng, nước, gây ô nhiễm môi trường nặng nề, v… v… Ngay từ giữa thế kỷ 20 các nước phát triển đã tìm cách di chuyển kinh tế hạ nguồn sang các nước đang phát triển. Nói đơn giản: Đấy là những ngành kinh tế lạc hậu.

Học được những kinh nghiệm như vậy, trong những hội thảo cấp nhà nước của ta về chiến lược phát triển tôi được tham dự hai - ba thập kỷ trước đây, tôi luôn luôn theo đuổi quan điểm hạn chế xuống mức thấp nhất kinh tế hạ nguồn ở nước ta. Lý do: Nước ta đất ít, người đông, mật độ dân số cao nhất châu Á, không gian sinh tồn kinh tế của nhân dân ta rất hẹp, lợi bất cập hại, phải ưu tiên dành không gian sinh tồn kinh tế cho những ngành nghề phát uy được tiềm năng con người – lợi thế lớn nhất của đất nước, sinh lợi nhiều hơn và thân thiện với môi trường hơn… Thậm chí đã có lần tôi phát biểu ở Ủy ban kế hoạch nhà nước: Ngay cả những mỏ than ở Quảng Ninh, nếu bắt thực hiện nghiêm túc khâu hoàn nguyên vùng đất/mỏ đã khai thác, hầu như chắc chắn sẽ không một mỏ than nào ở đấy có thể hoạt động có lãi! Chưa nói đến một khối lượng khổng lồ “than thổ phỉ” hàng năm bán lậu đi TQ. Tôi đã đề nghị cần sớm tính đến giảm sản lượng và giảm xuất khẩu than ở đây để giữ tài nguyên cho đất nước. Đề nghị của tôi bị bác bỏ, với lý do phải bảo vệ quyền lợi của giai cấp công nhân và công ăn việc làm của họ! (Lập luận bậy bạ vô cùng!..) Vân vân… Bây giờ thì nước ta đang hàng năm phải nhập khẩu than!

- Vậy tại sao hầu hết cho đến hôm nay các tỉnh rất sính phát triển kinh tế hạ nguồn?

- Vì dễ kiếm chác nhất bỏ túi, dễ ăn cắp rừng, ăn cắp đất đai.., còn mọi hệ quả và hệ lụy trước mắt hay lâu dài đã có dân hay đất nước chịu!

Thậm chí một thời gian dài tồn tại sự đánh tráo khái niệm có thể nói là vô liêm sỉ - ví dụ như đưa các sản phẩm khai thác quặng, cát, đá vôi… vào nhóm “sản phẩm công nghiệp” để báo cáo với nhà nước thành tích nâng cao tỷ trọng sản phẩm công nghiệp trong tính toán GDP tỉnh, với mọi dụng ý vụ lợi rất tiêu cực. Trong khi đó thứ “tỷ trọng” này càng cao, về dài hạn đất nước càng nghèo khó và lụn bại. Thực trạng này của đất nước hiện nay hình như chưa thay đổi bao nhiêu!

Câu chuyện bauxite Tây Nguyên

Trong lần tháp tùng thủ tướng Võ Văn Kiệt đi thăm Iceland năm 1995, tôi ngạc nhiên thấy quốc gia đảo ở giữa Bắc Đại Tây Dương mênh mông này có công nghiệp sản xuất nhôm rất phát triển. Để có được sản phẩm này có nghĩa quặng bauxite phải đi hàng ngàn cây số đến đây, và sản phẩm nhôm cũng phải đi hàng ngàn cây số như thế đến những nơi tiêu thụ. Tôi hỏi bà thủ tướng Iceland và được giải thích: Khoảng cách xa đối với vận tải biển không thành vấn đề lắm, quốc đảo Iceland có quá nhiều địa nhiệt điện (do núi lửa) và không biết để làm gì, nên sản xuất nhôm là ưu việt nhất, quặng từ tầu biển đổ thẳng vào nhà máy, xử lý bùn đỏ và chất thải đổ ngay xuống biển, nên mọi chi phí về vận tải và môi trường rất thấp, giá thành sản phẩm thấp, tỷ lệ lợi nhuận cao…

Tôi tưởng rằng bà thủ tướng giải thích cho mình thế là đầy đủ, toan cảm ơn, nhưng bà thủ tướng nói thêm: Iceland đang tính toán, hoặc là gia tăng khâu tự động hóa để giữ nguyên sản lượng nhôm, hoặc bớt hẳn sản xuất nhôm, vì ngày càng nhiều người dân quốc đảo này bỏ công nghiệp nhôm để chuyển sang ngành công nghiệp tin học… - bởi vì toàn quốc đảo trên 100 nghìn Km2 này chỉ có khoảng 35 vạn dân!

Câu chuyện bauxite/nhôm như vậy đến với tôi hoàn toàn ngẫu nhiên, và ngủ lại trong tôi như hàng trăm hàng nghìn câu chuyên ngẫu nhiên khác tôi gặp trên đời này. Bẵng đi khoảng một chục năm sau, khoảng năm 2006 – 2007 ở nước ta rộ lên câu chuyện bauxite Tây Nguyên. Như một phản sạ tự nhiên, tôi hiểu ngay đây là câu chuyển chẳng lành rồi, vì ngoài các lý do kinh tế - kỹ thuật – môi trường tự nhiên – văn hóa – dân sinh… của khai thác sản phẩm này không có lợi cho nước ta, còn có lý do Trung Quốc thọc vào vùng đất cực kỳ quan trọng và cực kỳ nhạy cảm này của nước ta trên phương diện an ninh.

Tôi tham gia vào 2 tổ chức phi chính phủ (NGO) là SPERI và CODE để cùng với các tổ chức NGO khác trong cả nước bàn luận và vận động dừng 2 dự án khai thác bauxite ở Tây Nguyên là Tân Rai (Lâm Đồng) và Nhân Cơ (Đắk Nông), dừng khai thác bauxite Tây Nguyên nói chung.

Việc đầu tiên phải làm là tôi lên mạng tìm hiểu sự vận động của toàn bộ công nghiệp nhôm trên thế giới từ khâu sản xuất đến khâu thương mại để xây dựng những quan điểm của tôi về ngành công nghiệp này ở nước ta. Tôi đi tới được kết luận: Vì những lý do kinh tế, môi trường, địa lý và địa chất tự nhiên, dân sinh (bao gồm cả vấn đề các dân tộc ít người), văn hóa, an ninh và quốc phòng nhất thiết nên gác lại toàn bộ vấn đề khai thác bauxite Tây Nguyên một thời gian dài cho đến khi xuất hiện những điều kiện hoàn toàn mới khác sẽ xem lại sau.

Tôi hiểu việc gác lại như vậy vấn đề khai thác bauxite Tây Nguyên có tầm quan trọng như một mệnh lệnh của quốc gia!

Một số nhà khoa học, học giả - trong đó có anh Nguyên Ngọc, người mà tôi vinh danh là “người con của Tây Nguyên” và đã giúp chúng tôi có những lập luận xác đáng phải bảo vệ môi trường và văn hóa Tây Nguyên – và các thành viên của CODE, SPERI, và một số tổ chức khác… Tham gia cùng với họ đi đi về về mấy năm liền trên Tây Nguyên để tìm hiểu tại chỗ, tôi đã viết khá nhiều bài trình bày quan điểm của mình, kể cả trực tiếp gửi cho lãnh đạo đảng và nhà nước…

Rất may, Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam (VUSTA – thời anh Hồ Uy Liêm) hậu thuẫn rất tích cực mọi nỗ lực của chúng tôi, huy động các chi hội ở các tỉnh cùng tham gia. Khi công việc đến thời kỳ quyết định, anh Hồ Uy Liêm, chủ tịch VUSTA, thay mặt toàn thể các tổ chức NGOs và chúng tôi, và cũng nhân danh VUSTA, chính thức trình bày với trung ương Đảng và Chính phủ đề nghị dừng lại dự án khai thác bauxite Tây Nguyên. Lần đầu tiên ở nước ta có một sự đối thoại như thế - nói nôm na: đối thoại giữa một bên là tiếng nói của xã hội dân sự, và một bên là đại diện của hệ thống chính trị/nhà nước về vấn đề trọng đại của quốc gia. [Thế mà hệ thống chính trị hiện nay vẫn dị ứng với xã hội dân sự như đỉa dị ứng với vôi!]

Có thể nói, chúng tôi đã làm mọi việc có thể với tất cả tâm huyết và hiểu biết của mình, để bảo vệ bằng được Tây Nguyên!

Tiếc thay, chúng tôi không thành công, hoặc không thành công được bao nhiêu. Trong chúng tôi cũng có anh chị em đánh giá là đã thành công được một nửa: Thông báo của Bộ Chính trị số 245 TB/TW ngày 24-04-2009 nói khai thác bauxite Tây Nguyên là chủ trương nhất quán của Đảng từ Đại hội IX, cho phép tiến hành triển khai 2 dự án nói trên… được hiểu là làm thí điểm (người phổ biến thông báo nói miệng như vậy, song thực ra nội dung trên văn bản thông báo câu chữ không nói rõ hẳn ra ý này)21.

Trong thực tế, vấn đề khai thác bauxite Tây Nguyên được coi là một dự án quan trọng, đã được ghi trong tuyên bố chung Giang Trạch Dân – Nông Đức Mạnh 03-12-2001 tại Bắc Kinh, trong thông cáo chung Nông Đức Mạnh – Hồ Cẩm Đào 17-11-2006 tại Hà Nội và trong tuyên bố chung Hồ Cẩm Đào – Nông Đức Mạnh 02-06-2008 tại Bắc Kinh, nên không thể thay đổi được nữa (!).

2 công trình alumina Tân Rai và Nhân Cơ nói trên hoàn toàn có thể thi đua với tất cả những công trình công nghiệp lớn khác do Trung Quốc xây dựng trên toàn Việt Nam về giá công trình bị đội lên cao ngất ngưởng, công nghệ thấp, tiêu hao và lãng phí nguyên liệu / năng lượng, ô nhiễm môi trường… và mọi chuyên đau đầu khác về tham nhũng, tiêu cực...

2 xí nghiệp này hiện nay càng sản xuất càng lỗ - cách giải thích là “lỗ theo kế hoạch” không đứng vững được nữa, đồng thời luôn luôn thường trực những tai nạn môi trường nguy hiểm. Tất cả đang diễn ra đúng như các ý kiến phản biện trong cả nước đã cảnh báo. Chưa nói đến một vấn đề nan giải hàng ngày: Riêng vấn đề vận tải hàng trăm cây số đường Tây Nguyên với khối lượng cả đi và về của cả 2 nhà máy khoảng trên 2 triệu tấn / năm (nhiên liệu than và sản phẩm alumina) bằng những xe siêu trường siêu trọng làm nát bét hệ thống đường xá hiện có, phải giải quyết thế nào? Lấy tiền ở đâu? Chi phí này là ngân sách nhà nước chịu...

Hai xí nghiệp này đang trong tình trạng bỏ thì thương, vương thì tội – nghĩa là duy trì hay xóa bỏ chúng đều là những gánh nặng lớn cho đất nước và ngay cho cả 2 địa phương trên nhiều phương diện – không biết đến bao giờ!.. Thực ra ngay từ đầu lúc mới động thổ khởi công, riêng tôi đã chính thức đề nghị - kể cả bằng thư trực tiếp gởi lãnh đạo - giải thể 2 xí nghiệp này càng sớm càng

21Tham khảo: Bộ Chính trị kết luận về khai thác bauxite đến 2015

https://www.tienphong.vn/xa-hoi/bo-chinh-tri-ket-luan-ve-khai-thac-bauxite-den- 2015-159234.tpo

tốt, bao gồm cả hình thức bán sắt vụn; vì như thế vẫn còn nhẹ gánh hơn cho đất nước – cho dù phải trả nợ cho 2 công trình này! Bây giờ có lẽ quá muộn để tính đến một giải pháp cực đoan như thế!

Biết làm sao bây giờ?

Hiện đang có dự kiến đưa sản phẩm alumina của 2 nhà máy này vào sản xuất nhôm ngay trên Tây Nguyên – giữa lúc Tây Nguyên đang thiếu cả điện và nước! Một con bạc cháy túi đang khát nước!?

Trong quá trình đi khảo sát Tây Nguyên, càng đi tôi càng xót xa: chỉ cần dùng 1/3 hay 1/2 khoản đầu tư cho 2 xí nghiệp này vào phát triển một Tây Nguyên xanh, chắc chắn chúng ta đã sớm có ngay một Tây Nguyên hoàn toàn khác, và sẽ cải thiện được đáng kể đời sống của nhân dân toàn vùng, ngân sách có thêm nguồn thu mới chứ không phải mang nợ như hiện nay! Trong khi đi vận động bãi bỏ khai thác bauxite Tây Nguyên, tôi đã trình bày kỹ quan điểm này.

Formosa – Hà Tĩnh

Một bài toán khó khác.

Lần đầu tiên tôi được biết đến Formosa – Hà Tĩnh là trong cuộc hội thảo do tỉnh ủy Hà Tĩnh tổ chức, chính thức công bố với cả nước dự án này trước khi đi vào khởi công. Hội thảo rất hoành tráng, có đại biểu từ khắp cả nước và các Bộ, Ban, ngành.., trong đó có nhiều đại biểu các trường đại học, viện nghiên cứu… Một nghi lễ ra mắt dự án đúng hơn là một hội thảo – không hiểu tại sao người ta sính dùng ngôn từ một cách lung tung có dụng ý thế này!?. Thành phần các đại biểu lên nói trên diễn đàn này rất rôm rả, ngợi ca nhiệt tình, cái bất chính đã lộ ra ngay từ giờ phút đầu tiên!.. (Phải nói đây là hành động đánh tráo khái niệm!)

Anh Nguyễn Mại, anh Phạm Gia Toàn và tôi được mời dự với tư cách là Tổ kinh tế đối ngoại trong Ban Nghiên cứu của thủ tướng Chính phủ. Càng nghe, tôi càng lo, vì dự án vô cùng đồ sộ, nhưng tất cả đều nói xuôi chiều. Tôi quyết định đăng ký xin phát biểu cuối cùng trước khi sang phần nghi thức bế mạc. Sự thật được mời đi dự hội thảo như thế thì đi thôi, tôi không biết mô tê gì về dự án này, song các con số giới thiệu tại hội thảo về quy mô các mặt của dự án làm tôi lo lắng: Một công trình vô cùng đồ sộ của kinh tế hạ nguồn ngay trên đất Hà Tĩnh không thể nói là giầu có về các nguồn lực, nhất là các nguồn lực của tự nhiên như đất đai, nước, khí hậu…

Tôi lên phát biểu rất ngắn – vì lúc này có nói dài cũng không ai nghe nữa. Đại ý: Tôi xin lỗi là tôi khác ý kiến với tất cả các đại biểu nói trước. Dự án càng đồ sộ, tôi càng lo. Giữa lúc này trong những điều kiện hiện tại của nước ta và của ngay địa phương Hà Tĩnh, mở rộng kinh tế hạ nguồn sẽ có rất nhiều thách thức, các nguồn đầu vào khan hiếm, vấn đề môi trường sẽ có thể là thách thức rất lớn, lại là nước đi sau nữa, khó đuổi kịp về công nghệ và càng khó cạnh tranh, trong khi đó thị trường sắt thép trong khu vực rất phong phú nếu không muốn nói là bão hòa. Mừng cho địa phương có dự án lớn, nhưng rất mong xem xét, tính toán lại kỹ các mặt để không bị bất ngờ.

Còn phải giữ lễ xã giao, nên tôi hoàn toàn không nói đến nỗi lo của tôi về chính trị - vì ngồi nhìn lên bản đồ tại hội thảo, tôi thấy công trình Formosa – Hà Tĩnh

dễ cắt đôi đất nước ta khi cần!.. Vả lại đây không phải là diễn đàn để nói chuyện này.

Ngay sau hội thảo này, tôi bắt đầu quan tâm ráo riết đến Formosa – Hà Tĩnh. Tôi có chỗ dựa tin cạy là anh Nguyễn Ký, nguyên chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh. Anh Nguyễn Ký đồng tình với những lo lắng của tôi và giúp tôi dần biết thêm nhiều chi tiết khác đã xảy ra.

Nhưng khi xảy ra thảm họa ô nhiễm biển miền Trung, báo chí chỉ nói là sự cố, nhiều điều đáng sợ mới được phơi bầy ra ánh sáng: từ cách thức dự án ra đời, quá trình phê duyệt siêu tốc, đánh giá ĐMC và ĐTM sơ sài, diện tích cho thuê quá lớn và thời gian cho thuê qúa dài, giá thuê gần như cho không, kiểm soát của địa phương và của Bộ vô cùng lỏng lẻo… Ngoài ra còn những hiện tượng can thiệp của quyền lực mềm Trung Quốc liên quan đến những xô xát với công nhân Trung Quốc trong khu công nghiệp, hiện tượng biểu tình phản đối Formosa bị bàn tay nào đó biến tướng thành đập phá trong vòng chưa đầy 2 ngày một loạt xí nghiệp (có con số nói là khoảng gần một trăm xí nghiệp, tôi không có thông tin cụ thể) suốt từ ngoài Bắc vào đến Bình Dương…

Một phần của tài liệu Hoiky_NguyenTrung (Trang 113 - 137)