Nhu cầu vay của các DNVVN
Trong từng thời kỳ thì nhu cầu của khách hàng cũng khác nhau, là một nhân tố ảnh hưởng đến hiệu quả cho vay của ngân hàng, Khi kinh tế càng phát triển thì nhu cầu vay vốn càng tăng theo cả về số lượng cũng như chất lượng. Tuy nhiên, nền kinh tế càng phát triển thì yêu cầu của khách hàng cũng càng đa dạng hơn, đòi hỏi ngân hàng phải đáp ứng ngay cả trong phong cách phục vụ, quy mô vốn vay, biện pháp bảo vệ TSĐB kèm theo… Do đó, ngân hàng cần phải nghiên cứu và dự báo được nhu cầu của khách hàng để kịp thời đáp ứng cũng như cạnh tranh với các ngân hàng khác trong việc cung ứng dịch vụ.
Khả năng đáp ứng điều kiện vay của DNVVN
Nhưng để đáp ứng các yêu cầu hạn chế rủi ro, ngân hàng buộc phải đưa ra các điều kiện đối với từng loại cho vay và đối tượng vay khác nhau. Vì các điều kiện này không phải khách hàng nào đến với ngân hàng cũng có thể đáp ứng được nên điều này sẽ có ảnh hưởng lớn đến chất lượng cũng như quy mô cho vay của ngân hàng. Nếu có khả năng của khách hàng là tốt thì chất lượng khoản vay tốt, quy mô cho vay lớn. Càng nhiều khách hàng nhu vậy thì hiệu quả cho vay sẽ cao. Ngược lại, nếu khả năng của khách hàng kém, nếu ngân hàng vẫn cho vay thì rủi ro mất vốn là sẽ rất cao.
Năng lực quản lý của DNVVN
Hồ sơ xin vay ban đầu của khách hàng là có hiệu quả và có tính khả thi cao nhưng trong quá trình thực hiện, do trình độ quản lý còn thấp nên năng suất, chất lượng, hiệu quả không đạt được như kế hoạch. Khi thị trường biến động lại không có biện pháp xử lý kịp thời nên không ứng phó được, sản phẩm sản xuất ra tiêu thụ khó khăn dẫn đến không trả được nợ đúng hạn cho ngân hàng.
Môi trường pháp lý
Các nhân tố pháp lý bao gồm tính đồng bộ của hệ thống pháp luật, tính đầy đủ và thống nhất của các văn bản pháp luật, đồng thời gắn liền với quá trình chấp hành pháp luật và trình độ dân trí.
Môi trường kinh tế
Nhu cầu vay vốn phụ thuộc rất nhiều vào sự tăng trưởng kinh tế. Một nền kinh tế đang trong giai đoạn phát triển ổn định, môi trường kinh doanh thuận lợi, nhu cầu tiêu dùng và sản xuất của dân cư tăng. Do đó, nhu cầu vay vốn trong giai đoạn này là rất cao. Ngân hàng cũng dễ dàng cho vay vì khả năng gặp rủi ro mất vốn là khá thấp. Trái lại, trong giai đoạn kinh tế trì trệ, lạm phát, thất nghiệp cao, đầu tư không mang lại hiệu quả, thay vì đầu tư vào sản xuất hoặc tiêu dùng thì các cá nhân có xu hướng tiết kiệm để hưởng lãi
nhiều hơn. Ngân hàng không cho vay được trong khi đó vẫn phải tiến hành nhận tiền gửi của khách hàng, hoạt động của ngân hàng bị ngưng trệ, vốn của ngân hàng nằm trong tình trạng bị dư thừa và đóng băng. Không chỉ tình hình kinh tế trong nước mà tình hình kinh tế thế giới cũng có ảnh hưởng tới hiệu quả công tác cho vay của ngân hàng. Khi thị trường thế giới biến động mạnh sẽ ảnh hưởng đến tâm lý của người dân, từ đó cũng ảnh hưởng đến nhu cầu vay tiêu dùng của cá nhân cũng như vay sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp.
Môi trường xã hội
Các yếu tố xã hội ảnh hưởng trực tiếp tới hiệu quả hoạt động cho vay, là các nhân tố trực tiếp tham gia quan hệ tín dụng. Đó là người gửi tiền, người vay tiền và NHTM. Tín dụng có nghĩa là sự vay mượn dựa trên cơ sở lòng tin và sự tín nhiệm. Điều đó có nghĩa quan hệ tín dụng là sự kết hợp giữa 3 yếu tố: nhu cầu của khách hàng, khả năng của ngân hàng và sự tin tưởng lẫn nhau giữa ngân hàng và khách hàng. Trong đó sự tín nhiệm là chiếc cầu nối giữa khách hàng với ngân hàng, uy tín của ngân hàng càng cao thì thu hút khách hàng càng lớn và cũng như vậy với một khách hàng có sự tín nhiệm của ngân hàng sẽ dễ dàng được vay thường xuyên, có thể còn được hưởng một mức lãi suất ưu đãi hơn các đối tượng khác.