Kết quả nghiên cứu mối quan hệ giữa giống với điều kiện

Một phần của tài liệu Nghiên cứu tuyển chọn một số giống đậu tương triển vọng cho tỉnh Hà Giang (Trang 31 - 32)

3. Ý nghĩa khoa học và thực tiễn của đề tài

1.3.4.3.Kết quả nghiên cứu mối quan hệ giữa giống với điều kiện

Điều kiện môi trường ảnh hưởng rất lớn đến quá trình sinh trưởng và năng suất của cây trồng, sự tương tác giữa giống và môi trường có vai trò quan trọng trong quá trình cải lương giống. Kiểu hình là biểu hiện của kiểu gen trong môi trường sống. Môi trường bao gồm đất đai, điều kiện khí hậu như nhiệt độ, ánh sáng và lượng mưa…(Trần Đình Long, 1997) [16]. Những hiểu biết về mối quan hệ giữa giống với điều kiện sinh thái, giúp các nhà tạo giống thành công trong chọn tạo giống có khả năng chống chịu tốt.

Môi trường sống của cây trồng thường xuyên biến đổi, những biến đổi của môi trường gồm biến đổi dự đoán được và không dự đoán được. Biến đổi dự đoán được như điều kiện tưới tiêu, phân bón, sâu bệnh, còn những biến đổi không dự đoán được là biến đổi do thời tiết. Để đối phó với những biến đổi không dự đoán được phải tạo ra giống có tính ổn định cao bằng cách khảo nghiệm giống ở các vùng sinh thái và xem xét mối quan hệ giữa giống với các điều kiện môi trường.

Các kết quả nghiên cứu của Byth và Weber (1968)[44] cho thấy ở cây đậu tương, chỉ tiêu năng suất hạt có sự tương tác rất cao giữa giống và môi trường, chỉ tiêu chiều cao tương tác thấp còn kích thước hạt, hàm lượng đạm, dầu có tương tác trung bình. Jonh và cs cho rằng sự tương tác giữa kiểu gen và môi trường về đặc tính năng suất lớn gấp 2,1 lần so với biến đổi do kiểu gen.

Nghiên cứu các yếu tố hạn chế đến năng suất đậu tương, Leng (1968) cho biết yếu tố hạn chế đến năng suất của đậu tương chủ yếu là do quang chu kỳ và cảm ôn.

Các giống đậu tương chín sớm hoặc không phản ứng với chu kỳ chiếu sáng thường được chọn làm vật liệu chọn tạo giống theo hướng tăng tính thích ứng của giống trong điều kiện môi trường khô hạn hoặc những nơi có thời gian gieo trồng ngắn.

Theo Mayer và cs (1991) tổng chất khô tích lũy ở cây đậu tương tương quan thuận chặt với lượng ánh sáng mà bộ lá hấp thu (r = 0,98).

Kết quả nghiên cứu của Đào Quang Vinh (1984) [34] cho rằng chỉ số diện tích lá, hiệu suất quang hợp và khả năng tích lũy chất khô ở cây đậu tương biến động mạnh theo điều kiện trồng trọt.

Các kết quả nghiên cứu ở trên đã khẳng định đậu tương là cây trồng rất nhạy cảm với chế độ quang chu kỳ và chế độ nhiệt, vì thế quá trình sinh trưởng, phát triển và tiềm năng năng suất của một giống đậu tương bị ảnh hưởng rất lớn bởi thời vụ gieo trồng và điều kiện sinh thái của vùng.

Nhìn chung tương tác giữa kiểu gen với môi trường rất quan trọng đối với quá trình chọn tạo giống. Để phát huy tiềm năng năng suất của giống đòi hỏi phải có môi trường thích hợp như cung cấp đủ nhiệt độ, ánh sáng, nước, dinh dưỡng …Chính vì vậy cần chọn giống phù hợp với mỗi vùng sinh thái và kết hợp chặt chẽ với kỹ thuật trồng trọt (Luyện Hữu Chỉ và cs, 1997) [4] .

Một phần của tài liệu Nghiên cứu tuyển chọn một số giống đậu tương triển vọng cho tỉnh Hà Giang (Trang 31 - 32)