Thị trường hàng không Việt Nam đã đạt được những bước tiến đáng kể trong 5 năm vừa qua với mức bình quân tăng trưởng là 12%. Dự kiến tốc độ tăng trưởng trong 10 năm tới sẽ đạt ở mức 12% đến 15%. Trước tình đó, Tổng công ty Cảng hàng không Miền Nam đã đưa ra chiến lược phát triển đến năm 2015 như sau:
a) Phát triển cơ sở hạ tầng
- Trên cơ sở nhà ga hành khách quốc tế mới Tân Sơn Nhất được đưa vào hoạt động từ quí 4 năm 2007 (nhà ga được xây dựng với năng lực thông qua 8 – 10 triệu khách/năm với tổng số vốn đầu tư trên 200 triệu USD, được trang bị những tiện nghi và trang thiết bị hiện đại tiên tiến nhất, với 8 cầu ống dẫn khách, có thể tiếp thu cùng lúc 20 chuyến bay giờ cao điểm. Đây được xác định là một công trình trọng điểm của nhà nước có ý nghĩa chính trị mang lại diện mạo mới trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế. - Bước tiếp theo trong tiến trình hội nhập được thể hiện thông qua dự án xây
dựng cảng hàng không quốc tế mới Long Thành. Theo phê duyệt ban đầu, với quy mô hiện đại và năng lực phục vụ 100 triệu khách/năm, cảng hàng không quốc tế Long Thành sẽ là cảng hàng không hội đủ điều kiện hội nhập hàng không quốc tế mà còn có khả năng cạnh tranh với các cảng hàng không lớn, có uy tín trong khu vực. Trong giai đoạn từ năm 2010 đến 2015 tập trung đầu tư; hoàn thành giai đoạn 1, đưa vào khai thác sử dụng cảng hàng không quốc tế Long Thành với 02 đường cất hạ cánh (4000m x 60m), các hệ thống đường lăn sân đỗ máy bay đáp ứng yêu cầu khai thác
A380, module 1 nhà ga hành khách (công xuất 30 triệu khách/năm), nhà ga hàng hóa (công suất 2 triệu tấn hàng hóa/năm), cơ sở sửa chữa, bảo dưỡng kỹ thuật cho máy bay thân lớn.
- Nâng cấp, mở rộng và đưa cảng hàng không Cần Thơ, cảng hàng không Liên Khương vào khai thác quốc tế từ năm 2010.
- Xây dựng cảng hàng không Phú Quốc mới có thể tiếp thu các loại tàu bay lớn, đáp ứng nhu cầu phát triển thương mại và dịch vụ du lịch của tỉnh Kiên Giang.
- Thành lập mới các công ty kinh doanh dịch vụ hàng không như công ty xăng dầu, công ty kho hàng hóa, công ty sản xuất suất ăn hàng không. - Thành lập mới các công ty kinh doanh phi hàng không như công ty thiết kế
tư vấn xây dựng.
b) Xây dựng đội ngũ cán bộ công nhân viên có trình độ, đủ năng lực để làm chủ khoa học kỹ thuật hiện đại và điều hành sản xuất kinh doanh.
Tiến trình hội nhập và công cuộc phát triển đòi hỏi phải huy động và sử dụng được tổng lực các nguồn lực, trong đó đặc biệt là yếu tố nội lực. Trong các yếu tố nội lực thì yếu tố con người được Tổng công ty xác định là nhân tố quyết định sự phát triển mạnh mẽ và bền vững, đảm bảo khả năng cạnh tranh trong tương lai. Do đó, trong thời gian qua Tổng công ty đã tập trung công tác qui hoạch, đào tạo và đào tạo lại đội ngũ cán bộ công nhân viên theo các chương trình đạt tiêu chuẩn quốc tế. Ngoài các chương trình học tập trong nước, Tổng công ty đã ký hợp đồng huấn luyện đào tạo, gửi cán bộ công nhân viên đi học tập ở nước ngoài, có điều kiện tiếp cận và học hỏi công nghệ, khoa học tiên tiến, phục vụ đơn vị.
c) Tranh thủ đầu tư và trợ giúp kỹ thuật nước ngoài
Việc tranh thủ đầu tư và trợ giúp kỹ thuật của nước ngoài được thể hiện qua các dự án đầu tư nâng cấp kết cấu hạ tầng sử dụng nguồn vốn vay ưu đãi
ODA (Dự án nhà ga hành khách quốc tế Tân Sơn Nhất), công tác mua sắm trang thiết bị của Tổng công ty.
Nhằm tiếp thu công nghệ tiên tiến thế giới, Tổng công ty đã tổ chức đấu thầu quốc tế để lựa chọn được trang thiết bị có công nghệ phù hợp, tạo năng suất hiệu quả chất lượng sản phẩm như trang thiết bị phục vụ công tác chỉ huy điều hành bay, trang thiết bị phục vụ hành khách, trang thiết bị mặt đất… Các trang thiết bị đều có công suất đồng bộ, đảm bảo yêu cầu chất lượng dịch vụ, phục vụ hoàn thành nhiệm vụ của đơn vị một cách hiệu quả. Đặc biệt trong quá trình mua sắm, Tổng công ty luôn chú trọng việc chuyển giao công nghệ thông qua các điều kiện ràng buộc hợp đồng. Người bán luôn có trách nhiệm tổ chức huấn luyện đào tạo đội ngũ nhân viên, cán bộ kỹ thuật, chuyển giao công nghệ, đảm bảo cho Tổng công ty vận hành, sửa chữa, bảo trì tốt hệ thống trang thiết bị của người bán.
d) Mở rộng, đa dạng hóa và nâng cao chất lượng các dịch vụ hàng không và
phi hàng không
Xu thế tất yếu là tự do hóa thương mại và hội nhập quốc tế ngành hàng không. Tự do hóa sẽ tạo ra những điều kiện thuận lợi cho việc xây dựng môi trường cạnh tranh và hợp tác giữa các hãng hàng không, thúc đẩy các sân bay phải đa dạng, nâng cao chất lượng các dịch vụ hàng không và phi hàng không, đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Các dịch vụ phục vụ hoạt động khai thác của các hãng hàng không cũng cần tạo điều kiện dễ dàng hơn để ngày càng nhiều hãng hàng không muốn thiết lập đường bay đến Việt Nam hoặc sử dụng các sân bay của Việt Nam như điểm trung chuyển của hãng.
Trong năm 2004, Tổng công ty đã thành lập công ty phục vụ mặt đất Sài Gòn (SAGS). Đây là công ty thứ hai cung cấp các dịch vụ mặt đất tại Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất. Sự thành lập và đi vào hoạt động của SAGS là một phát triển có ý nghĩa trong việc mở rộng và đa dạng hóa các
dịch vụ của Tổng công ty. Đồng thời đây cũng là dấu hiệu rõ rệt thể hiện tiến trình hội nhập của cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất khi dịch vụ phục vụ mặt đất không còn là độc quyền và các hãng hàng không quốc tế đang hoạt động tại đây đã có cơ hội lựa chọn cho mình đối tác cung ứng dịch vụ mặt đất với chất lượng tốt nhất và giá cả cạnh tranh.
Để đáp ứng nhu cầu phát triển trên, tổng công ty cảng hàng không Miền Nam cần phải có một nguồn lực tài chính dồi dào, bên cạnh đó là nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn cao, có tâm huyết và mong muốn làm việc lâu dài tại tổng công ty. Muốn vậy, tổng công ty cần xem xét lại công tác quản trị nguồn nhân lực của mình, đặc biệt là các chính sách đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, chính sách thăng tiến cũng như chính sách phân phối tiền lương, thu nhập cho người lao động.