Thứ nhất, chính sách phát triển du lịch cộng đồng của địa phương:
Các chính sách du lịch chủ yếu của mỗi nước, mỗi vùng, mỗi địa phương trong quản lý và phát triển du lịch tác động vào sản phẩm du lịch cộng đồng bao gồm: chính sách đào tạo và phát triển nguồn nhân lực du lịch; chính sách phát triển cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch; chính sách xã hội hóa, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia phát triển du lịch cộng đồng; chính sách về vốn; chính sách thị trường; chính sách nghiên cứu khoa học, công nghệ du lịch và môi trường; chính sách cải cách hành chính.
Thứ hai, điều kiện kinh tế - xã hội
- Tăng trưởng kinh tế: Nền kinh tế trong nước và thế giới ổn định và phát triển là một cơ hội cho các địa phương có tài nguyên du lịch thu hút khách du lịch, đặc biệt là khách du lịch quốc tế. Tăng trưởng kinh tế đồng nghĩa với việc địa phương có cơ sở về tài chính đảm bảo để phát triển cơ sở hạ tầng, bảo tổn tài nguyên du lịch cũng như có điều kiện để thị trường du lịch tăng trưởng phong phú, các dịch vụ kinh doanh du lịchcộng đồng được đầy đủ hơn.
- Cơ sở hạ tầng: Tổng thể hạ tầng phát triển bao gồm một hệ thống giao thông cầu cảng, đường sá, kho bãi và các phương tiện vận tải đủ sức bao phủ và đủ tầm hoạt động quốc tế; hệ thống bưu điện thông tin liên lạc viễn thông với các phương tiện nghe nhìn hiện đại. Hệ thống điện nước đầy đủ phân bố tiện lợi cho các hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như đời sống xã hội. Mạng lưới cung cấp các dịch vụ khác (y tế, giáo dục, giải trí, tài chính, thương mại, quảng cáo…) phát triển rộng khắp, đã dạng và có chất lượng cao.
- Thu nhập của dân cư: Thu nhập của dân cư là yếu tố quyết định đến sự phát triển của du lịch cộng đồng, khi thu nhập được đảm bảo thì người dân mới có đủ tài chính để thỏa mãn nhu cầu du lịch, đồng thời đối với địa phương làm du lịch, thu nhập của dân cư là cơ sở để họ tham gia cung ứng dịch vụ du lịch và phát triển cộng đồng du lịch tại địa phương.
- Trình độ dân trí: Trình độ dân trí tác động đến chất lượng nguồn nhân lực phục vụ du lịch cộng đồng cũng như ý thức, văn hóa du khách trong trong bảo tồn, giữ gìn tài nguyên du lịch.
Thứ ba, năng lực và sự tham gia của cộng đồng
Sự tự nguyện và ủng hộ của cộng đồng và chính quyền địa phương đối với phát triển DLCĐ: DLCĐ có sự tham gia và quyết định trực tiếp của chính quyền và cộng đồng dân cư địa phương. Chính vì vậy, chính sách phát triển DLCĐ sẽ khó có thể triển khai và thực thi có hiệu quả nếu thiếu sự tự nguyện và ủng hộ của cộng đồng cũng như chính quyền địa phương.
Sự phối hợp chặt chẽ giữa các đối tác tham gia hoạt động phát triển DLCĐ, đặc biệt sự phối hợp giữa các doanh nghiệp và cộng đồng: Như đã đề cập ở trên, tham gia hoạt động phát triển DLCĐ có nhiều đối tượng khác nhau: chính quyền, doanh nghiệp, KDL, cộng đồng dân cư địa phương… Mỗi đối tượng có vai trò nhất định trong chuỗi cung ứng dịch vụ DLCĐ. Vì vậy, tùy thuộc vào mức độ phối hợp giữa các đối tượng tham gia phát triển DLCĐ mà cần có các chính sách khác nhau để tăng cường hiệu quả cho phát triển DLCĐ.
Thứ tư, nhu cầu của khách du lịch:
Cùng với các đặc điểm về điều kiện sống, nhận thức về du lịch và trách nhiệm xã hội ngày càng gia tăng, nhu cầu của KDL cũng có những chuyển biến tích cực về DLCĐ, về những đóng góp tích cực, thiết thực của cá nhân đối với cộng đồng dân cư bản địa. Chính vì vậy, các địa phương cũng cần những chính sách tuyên truyền, quảng bá tích cực về TNDL, về văn hóa cộng đồng địa phương để giới thiệu các sản phẩm DLCĐ và thu hút du khách.
CHƯƠNG 2
PHÂN TÍCH ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN DU LỊCH
CỘNG ĐỒNG CỦA ỦY BAN NHÂN DÂN HUYỆN TÂN LẠC, TỈNH HÒA BÌNH
2.1. Tiềm năng du lịch cộng đồng của huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình
2.1.1 Tài nguyên du lịch thiên nhiên
Huyện Tân Lạc có nhiều phong cảnh đẹp, hệ thống hang động, thác nước, núi đá, rừng tự nhiên và những khe suối nhỏ trong lành, những bản làng dân tộc, ... lưu giữ vẻ hoang sơ, hùng vĩ cùng với khung cảnh làng quê thanh bình, yên ả.
- Động Thác Bờ (Di tích cấp quốc gia) thuộc xóm Bưng, xã Suối Hoa; động nằm ở sườn núi phía Bắc của dãy núi Chủa nhìn ra mặt hồ, phía trước bên kia hồ nước là Đền Chúa Thác Bờ. Động Thác Bờ được chia làm ba khu, ngoài lòng động với những khối nhũ đá còn có khu vực tiếp du khách, lên cao khoảng 50m là khu khá bằng phửng, co vòm động khá rộng, có không khí mát lành. Trong động có các dàn đàn đá, chiêng mường đá, cây bạc, núi vàng, nhũ đá tài lộc lấp lánh,…
- Động Hoa Tiên (Di tích cấp quốc gia) thuộc xóm Ngòi, xã Suối Hoa. Động nằm trong lòng dãy núi đá vôi núi Bà. Cách động Hoa Tiên khoảng 1 km về phía Đông, có hồ nước rộng, trong xanh được người dân gọi là hồ Tiên tắm. Động Hoa Tiên gồm 2 cửa: Cửa phía Đông nam và cửa phía Nam. Cửa động cao hơn nền động khoảng 8-10m, muốn vào động du khách phải đi qua cầu thang bằng sắt, bắc ở hai cửa vào. Trong động có vô vàn khối nhũ đá, măng đá, cột đá đủ các hình thù kỳ thú, hấp dẫn du khách.
- Động Nam Sơn (Di tích cấp quốc gia) thuộc xóm Tớn, xã Vân Sơn. Nằm trong Khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Sơn - Ngổ Luông, trên lưng chừng núi Thung Lớn. Động có chiều dài chừng 300 m, cửa động rộng 90 cm, cao 1 m chỉ vừa đủ lọt một người. Trong động có hồ nước rộng, sâu 2 - 7 m, quanh năm nước trong vắt, mát lạnh và các cột đá, nhũ đá, măng đá, rèm đá rất đặc sắc; ngoài ra nơi đây còn lưu giữ nhiều cổ vật liên quan đến lịch sử, văn hóa, tín ngưỡng và là nơi trú ngụ của nhiều loài dơi, động vật và sinh vật đặc hữu. Các nhà khoa học đã phải công nhận
Nam Sơn là một hang động đẹp và hấp dẫn nhất trong quần thể các hang động được phát hiện tại khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Sơn - Ngổ Luông, với những khối đá phát triển qua quá trình khoảng 250 triệu năm.
- Hang Muối (di tích khảo cổ học cấp quốc gia) nằm trong núi đá vôi Chiềng Khến, thị trấn Mãn Đức, huyện Tân Lạc. Cách thành phố Hoà Bình khoảng 29km theo Quốc lộ 6. Là một di chỉ cư trú của người nguyên thủy, hang Muối thuộc nền “Văn hóa Hòa Bình” có niên đại từ 10.000 - 7.000 năm cách ngày nay. Hang Muối là một mái đá cao, thoáng đãng và rộng rãi, cửa rộng 27m; sâu 11m; cao 13m; cửa hang quay theo hướng Đông Nam. Quá trình thám sát, khai quật, nghiên cứu, các nhà khảo cổ học đã thu được ở hang Muối nhiều di vật như: Công cụ ghè đập; Công cụ chặt thô; Rìu ngắn; Rìu dài; Rìu mài lưỡi; Công cụ hình đĩa; Công cụ hình hạnh nhân; Công cụ nạo nhỏ, chày, Bàn nghiền; Công cụ cắt khía; Hòn ghè; Hạch đá;…
- Hang núi Kiến (Di tích cấp tỉnh) thuộc xóm Hượp, xã Vân Sơn. Hằng năm trong lòng dãy núi Kiến, là dãy núi cao vút uốn lượn bao bọc lấy cánh đồng thung Hượp. Hang Núi Kiến là một trong những hang động tự nhiên, ăn sâu vào lòng núi, cửa hang nằm cách chân núi khoảng 35m, theo hướng Tây Nam, cửa hang rộng khoảng 4m, cao 1m. Trong lòng hang được chia thành các vòm động lớn, nhỏ chứa đựng nhiều giá trị thẩm mỹ - nghệ thuật. Những giải nhũ, măng đá, cột đá với nhiều dáng vẻ kỳ thú, nhiều màu sắc tạo cho hang núi Kiến như một bảo tàng về nghệ thuật của tạo hóa. Hang Núi Kiến có chiều dài khoảng 300m, chỗ rộng nhất khoảng 25 m, vòm trần chỗ cao nhất khoảng 25m, lòng hang được chia thành 08 gian với vô số kiểu hình dáng sinh động; vòm trần cao rộng, không khí trong lành, mát mẻ.
- Núi Cột Cờ (Khụ Dọi - Di tích cấp tỉnh) thuộc xã Nhân Mỹ được ghi dấu trong áng Mo Mường, Sử thi “Đẻ đất, Đẻ nước” của người Mường. Bên cạnh núi Cột Cờ là một hệ thống các hang động chằng chịt và được thông với nhau bởi những lối đi tắt ngoằn ngoèo tạo nên một hệ thống địa đạo rất độc đáo. Khu vực hang động Núi Cột Cờ từng là kho cất giữ vũ khí bí mật của quân đội ta trong giai đoạn kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.
- Thắng cảnh Thác Trăng (Di tích cấp tỉnh) thuộc xóm Trăng Tà, xã Nhân Mỹ, thác gồm 4 bậc thác, mỗi bậc mang 1 vẻ đẹp riêng, một sự thú vị riêng để khám phá; dưới chân thác là một cánh đồng lúa bậc thang và dòng suối trong xanh chảy uốn quanh. Thác còn khá nguyên vẹn, hoang sơ; đến đây du khách có thể vừa tham quan, trải nghiệm, thử thách bản thân,... có khả năng khai thác phát triển du lịch thuận lợi.
- Khu Bảo tồn thiên nhiên (KBTTN) Ngọc Sơn - Ngổ Luông (nằm trên 2 huyện Tân Lạc và Lạc Sơn). Diện tích 19.254 ha. Khu bảo tồn nằm giữa khu vực trung tâm của Vườn quốc gia Cúc Phương - Ninh Bình và Phù Luông - Thanh Hóa. Là một trong những khu rừng trên núi đá vôi còn sót lại ở phía Bắc Việt Nam, một hệ sinh Mường đá vôi quan trọng trên thế giới. Khu bảo tồn thiên nhiên có tính đa dạng sinh học cao, chứa đựng nhiều loài có trong danh sách các loài bị đe dọa của thế giới, nhiều loài được pháp luật Việt Nam bảo vệ. Nơi đây có nhiều xóm xóm đồng bào dân tộc Mường sinh sống.
- Ngoài ra, còn một số điểm tài nguyên khác: Động Mường Chiềng (Di tích quốc gia), Mái đá Chiềng Khến (thị trấn Mãn Đức); hồ Trọng (xã Phong Phú); Núi đá Phù Luông (xã Quyết Chiến, Ngổ Luông, Vân Sơn); Vịnh Suối Hoa, Hồ Hoa, Hang Bưng (Di tích khảo cổ cấp quốc gia - xã Suối Hoa).
- Vịnh Ngòi Hoa - xã Suối Hoa quy hoạch vùng lõi trong khu du lịch hồ Hòa Bình; nước trong vịnh trong xanh, phẳng lặng, trên bờ là những bản làng nguyên sơ rất phù hợp cho xây dựng các điểm du lịch cộng đồng. Hiện nay, Vịnh Ngòi Hoa được các nhà đầu tư nghiên cứu, xây dựng các dự án du lịch nghỉ dưỡng cao cấp.
2.1.2. Tài nguyên du lịch nhân văn
a) Bản sắc văn hóa:
Huyện Tân Lạc là vùng đất cổ Mường Bi - cái nôi của nền Văn hóa Hòa Bình, là 1 trong 4 vùng mường lớn của tỉnh Hòa Bình (Mường Bi, Mường Vang, Mường Thàng và Mường Động). Người Mường Tân Lạc còn giữ được nhiều nét đặc sắc của bản sắc văn hoá Mường như: Ở nhà sàn, trang phục dân tộc, hát ru, bọ meẹng, hát đúm... ; những tác phẩm nổi tiếng (Đẻ đất, Đẻ nước; Tráng đồng với những nội
dung tư tưởng sâu sắc; Mo Mường, chiêng Mường). Nhiều phong tục, tập quán vẫn được duy trì trong đám cưới, đám tang và trong đời sống sinh hoạt hàng ngày. Văn hóa Mường thể hiện rõ nét qua các lễ hội truyền thống: Lễ hội Khai Hạ - Mường Bi, Lễ hội đánh bắt cá suối truyền thống tháng 3, Lễ hội Chùa Kè…
b) Các di tích:
Người Mường ở Tân Lạc không theo đạo Phật, phong tục chỉ thờ cúng tổ tiên, Thành Hoàng, Thánh Tản Viên, thờ Vua Mỡi, Thần bảo hộ sự yên lành, tục thờ cây, thờ đá... nên ở đây không có nhiều di tích lịch sử - văn hóa, chỉ có một số di tích gắn với lịch sử phát triển của người Mường:
- Chùa Kè thuộc xã Phú Vinh, là tích về ngôi chùa cổ nhất của xứ Mường Hòa Bình, gắn liền với lịch sử phát triển của người Mường. Ban đầu, ngôi chùa được xây dựng 3 gian và làm hoàn toàn bằng gỗ. Kiến trúc bố cục của chùa được thiết kế theo dạng tiền Bụt, hậu thánh, có nghĩa là gian đầu tiên là thờ Bụt, hai gian sau thờ Bà chúa Mường Kè và Phật Bà Quan Âm. Chùa gắn với truyền thuyết về bà Đinh Thị Lập, vợ một quan lang nổi tiếng thương dân lại có tài phép hơn người.
- Miếu thờ xóm Lũy (Di tích cấp tỉnh) thuộc xã Phong Phú. Nơi đây, thờ các vị thần hoàng là: Quốc Mẫu Hoàng Bà, Tản Viên Sơn Thánh và Ải Lý, Ải Lo. Theo truyền thuyết, Quốc Mẫu Hoàng Bà - thân mẫu của Đức Thánh Tản là người đã chỉ dạy cho người dân Mường Bi cách làm ruộng hai vụ, …Tản viên Sơn Thánh là người có công giúp Vua chống giặc ngoại xâm, mang lại sự bình yên cho nhân dân. Còn Ải Lý, Ải Lo là hai vị thần đã dạy cho dân Mường Bi cách đào mương dẫn nước.
- Hang Bụt (Di tích cấp tỉnh): Nằm trên dãy núi mái đá Chiềng Khến thuộc địa phận thị trấn Mường Khến. Hang Bụt có vô vàn các nhũ đá muôn hình vạn trạng. Gần phía cửa hang có một lối thông thiên, ánh sáng mờ ảo khiến cho hang mang một vẻ đẹp huyền bí. Hang gồm có 3 khoang: Khoang phía ngoài thờ Thánh Mẫu, chúa Thượng Ngàn và Thủy Cung công chúa. Phía dưới bệ thờ có ban thờ vua Hổ. Động thứ hai nối với vòm động thứ nhất bằng một lối vào khá rộng. Khoang thứ hai có ban thờ Phật Thiên Thủ Thiên Nhẫn và Phật Quan Âm Bồ Tát. Khoang
thứ ba có khối nhũ đá hình đầu voi phủ phục, ở giữa nền có một cây nhũ đá mọc thẳng, cao 2,5m, phía trong có bàn thờ Cô, Cậu bằng đá. Hàng năm vào các dịp lễ tết, nhân dân trong vùng thường về hang Bụt lễ bái rất đông đúc và thành kính.
- Cây đa cổ thụ xóm Bào thuộc xã Thanh Hối; nằm cách trung tâm huyện khoảng 06 km. Cây có tuổi đời trên 200 tuổi (từ thế kỷ XVII, thời vua Lê Kính Tông (1600-1619), chu vi của cây phải tới 44 người ôm mới hết. Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cây đa là nơi trú ẩn an toàn cho bộ đội, dân quân.
c) Các lễ hội:
Tân Lạc là địa phương có nhiều lễ hội truyền thống gắn với đồng bào dân tộc Mường, đều là những hoạt động văn hóa - tín ngưỡng không thể thiếu của người Mường Bi, hiện nay các lễ hội được tổ chức theo đúng quy định, lành mạnh, không lợi dụng lễ hội để hành nghề mê tín dị đoan hoặc truyền đạo trái phép:
- Lễ hội Khai hạ - Mường Bi: Tổ chức vào ngày mùng 7 - 8 tháng giêng âm lịch hàng năm, lễ hội là dịp tỏ lòng tôn kính với quốc mẫu Hoàng Bà và Tam vị Tản viên Sơn Thánh phù hộ cho nhân dân một năm mới no đủ yên vui.
- Lễ hội chùa Kè: Lễ hội được tổ chức vào ngày 16 tháng 2 âm lịch, tại khu đất trước mặt chùa Kè, lễ hội nhằm suy tôn Bụt Mọc (đá), lễ hội diễn ra với nhiều trò chơi hấp dẫn: Ném còn, đánh quay, bắn cung, bắn súng hỏa mai,… đây cũng là dịp để trai gái trong mường khoe tài, khoe sắc và tìm hiểu nhau.
- Lễ hội đánh bắt cá suối tháng 3: Tổ chức tháng 3 âm lịch, thường được tổ chức khi bắt đầu vào mùa mưa. Lễ hội là dịp để người dân bảy tỏ sự tôn kính với các vị thần linh, đồng thời là cơ hội để người dân vui chơi, thắt chặt thêm tình đoàn kết cộng đồng. Lễ hội có phần lễ diễn ra tại miếu thờ xóm Tân Vượng, phần hội diễn ra tại 3 khoang suối lớn là khoang Tró, Lở, Ích của suối cái Lỗ Sơn với các nội dung thi đua bè, thi đánh bắt tập thể có cả nam giới và phụ nữ tham gia…
- Ngoài ra, còn lễ hội Mường Khời (xã Phú Cường), lễ hội Khai xuân (Quạng, Biệng - xã Ngọc Mỹ) cũng được tổ chức hàng năm, tạo nét đặc sắc cho hoạt động lễ hội tại Tân Lạc.
2.2. Thực trạng phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2017-2019
2.2.1. Thực trạng mở rộng, phát triển các điểm du lịch cộng đồng trên địa bàn huyện Tân Lạc
Du lịch cộng đồng tại Tân Lạc mới phát triển trong vài năm trở lại đây, với 2