Năm 1956, Ngành Thống kê Lạng Sơn được thành lập, tiền thân là Ban Thống kê tỉnh có 7 người; tổ chức thống kê cấp huyện được gọi là Thanh tra Thống kê, mỗi huyện có từ 1-3 người.
Thời kỳ 1958-1959, thành lập Chi cục Thống kê (chưa thành lập các phòng chuyên môn); Từ cuối năm 1960 – 1963, Chi cục Thống kê tỉnh có 3 phòng chuyên môn và đến năm 1975 nâng lên 6 phòng chuyên môn; Giai đoạn 1961-1975 nhiệm vụ công tác thống kê rất khó khăn, vất vả với cơ chế tập trung bao cấp và nhất thiết phải thực hiện theo các chỉ tiêu kế hoạch Nhà nước; Giai đoạn 1976-1986, thời kỳ này nhu cầu thông tin thống kê phục vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh rất lớn; Giai đoạn 1987-1994, ngành Thống kê có thời gian quản lý theo ngành dọc, có thời gian lại trực thuộc địa phương, song công tác chuyên môn vẫn thực hiện theo sự chỉ đạo thống nhất của Tổng cục Thống kê, giai đoạn này ngành thống kê hoạt động khá vất vả do số cán bộ ngành thống kê thay đổi nhiều.
Đến nay, ngành Thống kê tỉnh Lạng Sơn đã có những điểm nhấn đáng ghi nhận, đó là đã xuất bản các ấn phẩm thống kê như: xuất bản Niên giám Thống kê hàng năm; Một số chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu 2006-2010; Tổng quan kinh tế - xã hội 2006-2010; Lạng Sơn, 30 năm xây dựng và phát triển…, phục vụ các kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh. Triển khai xây dựng và áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001:2008 vào hoạt động của Cục Thống kê tỉnh và sử dụng phần mềm Văn phòng điện tử eOffice. Công tác tổ chức cán bộ được sắp xếp, bố trí biên chế các Phòng và Chi cục Thống kê các huyện, thành phố đảm bảo cân đối, phù hợp với từng bộ phận chuyên môn nghiệp vụ.
2.1.2. Cơ cấu tổ chức bộ máy của ngành Thống kê tỉnh Lạng Sơn
Cục Thống kê Lạng Sơn được tổ chức theo ngành dọc từ tỉnh đến huyện, thành phố. Cơ cấu tổ chức gồm có các đơn vị giúp Cục trưởng thực hiện chức năng quản lý nhà nước bao gồm:
- Phòng Thống kê Tổng hợp: Bao gồm các nghiệp vụ thống kê tổng hợp, tài khoản quốc gia, phương pháp chế độ và công nghệ thông tin.
- Phòng Thống kê Thanh tra: công tác thi đua, khen thưởng và thanh tra. - Phòng Thống kê Nông nghiệp: Bao gồm các nghiệp vụ thống kê nông nghiệp, lâm nghiệp và thuỷ sản.
- Phòng Thống kê Công – Thương: Bao gồm các nghiệp vụ thống kê công nghiệp, xây dựng và vốn đầu tư, thương mại, vận tải và giá.
- Phòng Thống kê Dân số - Văn xã: Bao gồm các nghiệp vụ thống kê dân số, lao động, mức sống, xã hội và môi trường.
- Phòng Tổ chức - Hành chính: Bao gồm các nghiệp vụ về tổ chức cán bộ, đào tạo, hành chính và tài vụ cơ quan.
* Mỗi huyện, thành phố thuộc tỉnh có 01 Chi cục Thống kê.
Chi cục Thống kê huyện, thành phố thuộc tỉnh là Chi cục nghiệp vụ của Cục Thống kê đặt tại huyện, thành phố; là đơn vị dự toán phụ thuộc, có con dấu để giao dịch theo hướng dẫn của Tổng cục Thống kê.
Chi cục Thống kê huyện, thành phố thuộc tỉnh thường có từ 4 đến 5 công chức và người lao động, có nhiệm vụ thực hiện thu thập tổng hợp các thông tin xã hội trên địa bàn, riêng các thông tin về sản xuất kinh doanh, dịch vụ chỉ thu thập tổng hợp và báo cáo về Cục Thống kê; ngoài ra thực hiện tất cả các cuộc điều tra do cơ quan thống kê cấp trên tổ chức trên địa bàn và các cuộc điều tra phục vụ riêng cho địa phương.