6. Bố cục của luận án
1.3.1. Nhận xét tình hình nghiên cứu
Nghiên cứu thơ Nguyễn Duy có từ rất sớm, ngay khi thơ Nguyễn Duy mới xuất hiện. Cho đến nay việc nghiên cứu thơ của tác giả đã diễn ra rất sôi nổi với nhiều cấp độ: bài viết, tác giả, tập thơ, bài thơ.... Qua các công trình nghiên cứu về thơ Nguyễn Duy nói trên, chúng tôi nhận thấy, các nhà nghiên cứu đã khai thác được từng phương diện, từng chặng đường mà thơ Nguyễn Duy đạt được.
Các ý kiến đều khẳng định Nguyễn Duy là nhà thơ tâm huyết với nghề, cần mẫn, tìm tòi, có ý thức đổi mới tư duy sáng tạo. Nguyễn Duy là một trong số ít những cây bút góp phần làm mới thể lục bát bằng những tìm tòi theo hướng hiện đại, tạo nên nét độc đáo, hấp dẫn trong cấu trúc, hình ảnh và ngôn ngữ của thể thơ truyền thống này. Khẳng định tài năng thơ, những sáng tạo độc đáo của thơ Nguyễn Duy cả trên phương diện nội dung và hình thức nghệ thuật.
Các ý kiến về cơ bản cũng thống nhất cho rằng phong cách độc đáo của thơ Nguyễn Duy ở sự kết hợp hài hòa giữa cái duyên dáng, trữ tình với chất thế sự đậm đặc; nhiều bài thơ là tiếng nói khảng khái, bộc trực, đầy ngang tàng mà trầm tĩnh, giàu chiêm nghiệm và mang tinh thần công dân sâu sắc. Hầu hết các nghiên cứu cũng đã chỉ ra những đóng góp nổi bật của thơ Nguyễn Duy trong từng chặng đường sáng tác, từ “đường làng”, “đường nước” đến “đường xa”,
22
“đường về”; từ đó khẳng định những bước tiến, cách tân nghệ thuật đúng hướng và giàu ý nghĩa của Nguyễn Duy.
Nhìn chung, các công trình nghiên cứu về thơ Nguyễn Duy là những tìm tòi, khám phá rất đáng trân trọng. Từ những góc độ nghiên cứu đó, độc giả có điều kiện hiểu rõ hơn tầm vóc, tài năng nghệ thuật, sự sáng tạo không ngừng của Nguyễn Duy, đóng góp to lớn vào nền thơ hiện đại Việt Nam. Trong những công trình đã công bố, việc đề cập đến thi pháp thơ Nguyễn Duy đã có nhưng mới chỉ là những ý kiến riêng lẻ, chưa được nhìn một cách hệ thống, chỉnh thể trong toàn bộ thành tựu sáng tác thơ Nguyễn Duy. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn xem những ý kiến đó là những tham khảo bố ích. Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho chúng tôi trong việc tiếp cận, triển khai nghiên cứu thi pháp thơ Nguyễn Duy trên nhiều phương diện như: quan niệm nhân sinh, quan niệm nghệ thuật của Nguyễn Duy, cách thức tổ chức hình tượng nghệ thuật: cái tôi trữ tình, nhân vật, không gian, thời gian hay cách tổ chức ngôn ngữ và giọng điệu. Đó là những phương diện mà người nghiên cứu không thể bỏ qua trong quá trình nghiên cứu thơ Nguyễn Duy. Bên cạnh đó, khi tìm hiểu ở các phương diện này, chúng tôi nhận thấy vẫn còn những điểm trống khoa học để tiếp tục bổ sung, khám phá. Bởi vậy, ở những phương diện cụ thể, luận án có những kiến giải mới để bổ sung và làm rõ hơn những đặc sắc trong nghệ thuật thơ Nguyễn Duy.