Hoạt động nhóm ôn tập thông qua bài tập trắc nghiệm

Một phần của tài liệu sang kien kinh nghiem THPT21 25 (Trang 41 - 42)

II. MÔ TẢ GIẢI PHÁP

2. Mô tả giải pháp sau khi có sáng kiến

2.3.4. Hoạt động nhóm ôn tập thông qua bài tập trắc nghiệm

Học sinh đã nắm vững kiến thức cơ bản trong sách giáo khoa, tự tin để triển khai vào làm các câu hỏi trắc nghiệm. Thi trắc nghiệm có nhiều dạng câu hỏi khác nhau nhưng theo đề thi minh họa của Bộ giáo dục và đào tạo đối với môn sử là dạng câu hỏi có nhiều lựa chọn. Vì vậy, nhất thiết học sinh chỉ được phép lựa chọn một đáp án đúng cho một câu hỏi đặt ra.

Thời gian làm bài thi trắc nghiệm môn lịch sử chỉ có 50 phút với 40 câu hỏi nên cần tính toán thời gian cho mỗi câu một cách hợp lí. Cần lưu ý, đọc kỹ, tính toán kỹ câu hỏi và phương án trả lời không có nghĩa là chần chừ, do dự không quyết đoán. Học sinh cần phân biệt một số dạng câu hỏi thường gặp để trên cơ sở đó có các phương án trả lời cho từng dạng câu hỏi trắc nghiệm khách quan.

Nếu như trước đây học sinh cần nắm thật chắc kiến thức và học cách trình bày theo các bước cho đúng trình tự thì bây giờ yêu cầu thêm nữa đó là phải học kiến thức rộng hơn và phải linh hoạt hơn trong quá trình làm bài. Tùy mỗi môn sẽ có những đặc thù khác nhau, nhưng trên cơ sở phải nắm kiến thức và biết vận dụng. Ở bài thi trắc nghiệm thường sẽ là những bài yêu cầu giải nhanh và không quá rườm rà, yêu cầu kiến thức rộng và bao quát hơn.

Học sinh nên áp dụng cách thức tự đưa ra câu trả lời trước khi đọc đáp án ở đề thi. Sau khi đọc xong câu hỏi, học sinh nên tự trả lời rồi đọc tiếp phần đáp án xem có phương án nào giống với câu trả lời mình đưa ra hay không. Chớ vội đọc ngay đáp án vì như thế rất dễ bị phân tâm nếu như kiến thức của mình không thực sự chắc chắn.

Cần lưu ý, nếu không nhớ chính xác các phương án trả lời một số câu hỏi thì học sinh không nên đoán mò hoặc làm theo kiểu “phủ xanh đất trống đồi trọc” một cách may rủi mà các em cần dùng phương pháp loại trừ. Khi các em chưa có cho mình một đáp án trả lời thật sự chính xác thì phương pháp loại trừ cũng là một kỹ

năng hữu hiệu giúp mình tìm ra câu trả lời đúng. Hơn nữa, thay vì đi tìm đáp án đúng, các em hãy thử tìm phương án sai cũng là một cách hay và loại trừ càng nhiều phương án càng tốt. Cuối cùng, khi các em không còn cơ sở để loại trừ nữa thì nên dùng cách phỏng đoán để nhận thấy phương án nào khả thi hơn, đủ độ tin cậy hơn thì khoanh vào phiếu trả lời và đó là kỹ năng cuối cùng của các em.

Giáo viên cho phép học sinh chủ động chia nhau thành các nhóm học tập dưới sự điều hành chung của lớp trưởng. Nhóm này sẽ là các nhóm cố định và có sự thay đổi luôn phiên nhóm trưởng để phát huy tính tự giác của mỗi thành viên. Các nhóm được giao nhiệm vụ về nhà chuẩn bị và trình bày trước lớp hệ thông các câu hỏi trắc nghiệm của một chuyên đề lịch sử đã được học. Khi thảo luận trên lớp, các nhóm khác có nhiệm vụ nhận xét, bổ sung và hoàn thiện các bài tập trắc nghiệm của chuyên đề được đề cập. Biện pháp này sẽ khai thác được tối đa tiện ích của việc sử dụng công nghệ thông tin, kích thích niềm đam mê và tính tích cực của học sinh, sự tương tác giữa các học sinh trong nhóm chặt chẽ và hiệu quả hơn.

Ví dụ: Khi tổng kết lịch sử Việt Nam (1919-2000), giáo viên cho phép học sinh tự lập thành 5 nhóm, giáo viên giao nhiệm vụ cho từng nhóm

Nhóm 1: Chuẩn bị 30 câu hỏi trắc nghiệm với chuyên đề “ Lịch sử Việt Nam (1919-1930)”

Nhóm 2: Chuẩn bị 30 câu hỏi trắc nghiệm với chuyên đề “ Lịch sử Việt Nam (1930-1945)”

Nhóm 3: Chuẩn bị 30 câu hỏi trắc nghiệm với chuyên đề “ Lịch sử Việt Nam (1945-1954)”

Nhóm 4: Chuẩn bị 30 câu hỏi trắc nghiệm với chuyên đề “ Lịch sử Việt Nam (1954-1975)”

Nhóm 5: Chuẩn bị 30 câu hỏi trắc nghiệm với chuyên đề “ Lịch sử Việt Nam (1975-2000)”

Các nhóm tiếp nhận nhiệm vụ và thực hiện tại nhà; thông qua các tài liệu sưu tầm, mạng Internet giải quyết nhiệm vụ. Giáo viên thu sản phẩm của các nhóm nhận xét, đánh giá, đính chính và chuyển sản phẩm cho các nhóm tham khảo lẫn nhau.

Một phần của tài liệu sang kien kinh nghiem THPT21 25 (Trang 41 - 42)