Từ việc tổng quan các tài liệu về đo lường hiệu quả phân bổ và các nhân tố ảnh hưởng đến hiệu quả phân bổ, luận án đã rút ra khoảng trống nghiên cứu để từ đó lựa
chọn hai phương pháp đo lường hiệu quả phân bổ với hai ý nghĩa khác nhau và ước lượng các mô hình phù hợp nhằm phân tích tác động của các nhân tố đến hiệu quả phân bổ tương ứng. Từ đó dẫn đến các kết luận và khuyến nghị đối với doanh nghiệp, đối với địa phương và nhà nước nhằm nâng cao hiệu quả phân bổ của doanh nghiệp và hiệu quả phân bổ ngành chế biến chế tạo ở các tỉnh của Việt Nam.
Chương 2
CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
Trong chương này, luận án trình bày cơ sở lý luận về hiệu quả phân bổ và phương pháp nghiên cứu của luận án. Hiệu quả phân bổ được sử dụng trong luận án này là hiệu quả phân bổ của doanh nghiệp và hiệu quả phân bổ của ngành - vùng. Do tính đặc thù của từng loại hiệu quả phân bổ nên luận án sẽ trình bày cơ sở lý thuyết của mỗi loại hiệu quả phân bổ một cách riêng rẽ.
Phần phương pháp nghiên cứu của luận án gồm hai phần chính là phương pháp đo lường hiệu quả phân bổ và một số mô hình phân tích tác động của các nhân tố đến hiệu quả phân bổ. Hiệu quả phân bổ cấp doanh nghiệp sẽ được đo lường theo phương pháp phân tích bao dữ liệu DEA; còn hiệu quả phân bổ ngành - vùng sẽ được đo lường theo cách tiếp cận của Olley and Pakes (1996). Vì hai loại hiệu quả phân bổ này có đặc trưng khác nhau nên việc xác định các nhân tố ảnh hưởng và các mô hình phân tích tác
động của các nhân tố đến hiệu quả phân bổ cũng không đồng nhất. Do vậy luận án sẽ sử dụng mô hình Tobit/mô hình số liệu mảng để đo lường các nhân tố tác động đến hiệu quả phân bổ. Trong cách tiếp cận DEA để tính hiệu quả phân bổ thì khó khăn lớn nhất là tính giá đầu vào mà dữ liệu điều tra không có. Nghiên cứu này cũng trình bày phương pháp tính giá đầu vào coi như một phần của phương pháp nghiên cứu.