Chất lượng tổ chức cơ sở đảng cấp xã của đảng bộ huyện – quan niệm và tiêu chí đánh giá

Một phần của tài liệu Ths XDDCQNN chất lượng tổ chức cơ sở đảng cấp xã của đảng bộ huyện dương minh châu, tỉnh tây ninh hiện nay (Trang 28 - 33)

niệm và tiêu chí đánh giá

1.2.1. Quan niệm

1.2.1.1. Quan niệm về chất lượng

Chất lượng là đặc tính khách quan của sự vật. Chất lượng biểu thị ra bên ngoài các thuộc tính, các tính chất vốn có của sự vật. Quan niệm chung

nhất về “chất lượng” là cái tạo nên phẩm chất, giá trị của một người, một sự vật, sự việc. Nói đến chất lượng là nói tới hai vấn đề cơ bản:

Thứ nhất, đó là tổng hợp những phẩm chất, giá trị, những đặc tính tạo nên cái bản chất của một con người, một sự vật, sự việc;

Thứ hai, những phẩm chất, những đặc tính, những giá trị đó đáp ứng đến đâu những yêu cầu đã được xác định về con người, sự vật, sự việc đó ở một thời gian và không gian xác định. Tuy nhiên, những điều này có tính ổn định tương đối, thay đổi do tác động của những điều kiện chủ quan và khách quan.

Vì thế, nói đến chất lượng của một con người là nói đến mức độ đạt được của một người ở một thời gian và không gian được xác định cụ thể, đó là các mức độ tốt hay xấu, cao hay thấp, ngang tầm hay dưới tầm, vượt tầm, đạt hay không đạt yêu cầu đặt ra. Tổng hợp những phẩm chất, những giá trị, những thuộc tính đặc trưng, bản chất của một con người và các mặt hoạt động của con người đó, chính là chất lượng con người đó.

Khi phân tích, đánh giá chất lượng của bất kỳ sự vật, hiện tượng, quá trình nào đang diễn ra trong tự nhiên, xã hội hay trong tư duy phải phân tích, đánh giá chất lượng của từng yếu tố, từng bộ phận cấu thành sự vật hiện tượng và quá trình ấy trong thống nhất, biện chứng, trong sự ràng buộc và tác động lẫn nhau giữa chúng; không được tuyệt đối hoá một yếu tố, bộ phận nào hoặc tách rời giữa các yếu tố, các bộ phận. Quá trình đó đòi hỏi phải có phương pháp xem xét, đánh giá cụ thể, không thể áp dụng phương pháp duy nhất, đặc biệt là đối với con người và hoạt động của con người trong xã hội.

1.2.1.2. Quan niệm về chất lượng TCCSĐ

Chất lượng là một khái niệm khá quen thuộc với loài người ngay từ những thời cổ đại, tuy nhiên chất lượng còn là một khái niệm chưa được thống nhất. Tùy theo đối tượng sử dụng, từ "chất lượng" có ý nghĩa khác

nhau. Nói như vậy không phải chất lượng là một khái niệm quá trừu tượng đến mức người ta không thể đi đến một cách diễn giải tương đối thống nhất, mặc dù còn luôn luôn thay đổi. Tổ chức Quốc tế về Tiêu chuẩn hóa ISO, trong dự thảo DIS 9000: 2000, đã đưa ra định nghĩa sau: "Chất lượng là khả năng của tập hợp các đặ c tính của một sản phẩm, hệ thống hay quy trình để đáp ứng các yêu cầu của khách hàng và các bên có liên quan".

Có nhiều cách hiểu khác nhau về chất lượng:

Thuật ngữ chất lượng biểu thị trực tiếp thuộc tính số chất lượng, tồn tại trong nhiều lĩnh vực và sự vật khác nhau, như chất lượng quản lý, chất lượng công tác, chất lượng phục vụ, chất lượng sản phẩm.

Trong định nghĩa, chỉ tính chất đặc biệt của sự vật, như đặc tính vật chất, đặc tính cảm quan như ngũ quan cảm nhận được, đặc tính hành vi như lễ độ, chân thành, chân chính, đặc tính thời gian như sự chính xác, đáng tin cậy, đặc tính công năng như tốc độ của máy bay.

Chất lượng dùng chỉ thỏa mãn yêu cầu, nhu cầu, thị hiếu của người khác: ví dụ chất lượng mẫu mã hàng hóa, chất lượng phục vụ đáp ứng nhu cầu người được phục vụ, mức độ hoàn thành và nhanh chóng của công việc; chất lượng công tác; mức độ phục vụ công việc, nhiệt tình, hăng hái.

Chất lượng dùng tính từ để biểu đạt có nghĩa là: kém, tốt hoặc ưu tú.. Như vậy, khái niệm chất lượng mà chúng ta đang nói ở đây chính là trình độ, năng lực, mức độ, thái độ, phạm vi công tác của một tổ chức chính trị, cụ thể là TCCSĐ.

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nhấn mạnh: “Đảng mạnh là do chi bộ tốt. Chi bộ tốt là do các đảng viên đều tốt”. Theo đó, đảng viên là nhân tố cơ bản nhất, năng động nhất của tổ chức đảng và TCCSĐ với các chi bộ là nền tảng của Đảng, là hạt nhân chính trị ở cơ sở, là “sợi dây chuyền để liên hệ Đảng với quần chúng”. Vì thế, xây dựng TCCSĐ trong sạch, vững mạnh, có năng

lực lãnh đạo toàn diện, sức chiến đấu cao và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên là nhiệm vụ quan trọng, cấp thiết, góp phần xây dựng Đảng vững mạnh toàn diện, hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ cách mạng; các nhiệm vụ chính trị và các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Chính vì vậy, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Đảng đã đưa ra phương hướng: “Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của TCCSĐ và chất lượng đội ngũ đảng viên; phát huy tính tiên phong, gương mẫu, trọng dân, gần dân, tin dân, hiểu dân, học dân của cán bộ, đảng viên. Tăng cường hơn nữa mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân, củng cố và không ngừng nâng cao niềm tin của nhân dân đối với Đảng”.

Thời gian qua, cùng với việc kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, việc sắp xếp các TCCSĐ cũng đã được triển khai quyết liệt và đạt được những kết quả, chuyển biến tích cực. “Số lượng tổ chức cơ sở đảng giảm do được kiện toàn phù hợp với việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, góp phần giảm chi ngân sách nhà nước”. Tính đến ngày 30-9-2020, toàn Đảng có 52.125 TCCSĐ (24.788 đảng bộ cơ sở, 27.337 chi bộ cơ sở), giảm 4.951 TCCSĐ so với đầu nhiệm kỳ; trực thuộc đảng ủy cơ sở có 2.487 đảng bộ bộ phận và 227.328 chi bộ với 5.192.533 đảng viên, tăng 568.638 đảng viên so với đầu nhiệm kỳ. Tuy nhiên, một số nơi còn lúng túng, thiếu kiên quyết trong việc kiện toàn, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động TCCSĐ, dẫn đến hoạt động còn chưa đồng bộ, thông suốt và chưa đạt mục tiêu đề ra. Thêm vào đó, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của nhiều TCCSĐ chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Bởi vậy, cần phải rà soát, kiện toàn, sửa đổi, bổ sung chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm, mối quan hệ công tác của các loại hình TCCSĐ, bảo đảm phù hợp với tiến trình đổi mới, sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy của Đảng và hệ thống chính trị. Cần tiếp tục

nghiên cứu và quy định thống nhất cách tổ chức của TCCSĐ phù hợp với những loại hình đơn vị đặc thù, như trong các tập đoàn, tổng công ty nhà nước…; khắc phục tình trạng “cơ sở trong cơ sở”. Đây là một nội dung hết sức quan trọng, nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn của công tác xây dựng Đảng hiện nay.

TCCSĐ dù được thành lập ở loại hình đơn vị cơ sở nào, thì đều có vai trò là hạt nhân chính trị, là “sợi dây liên hệ giữa Đảng với quần chúng”. TCCSĐ trực tiếp tiến hành các hoạt động xây dựng Đảng vững mạnh về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ; bảo đảm đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đi vào cuộc sống và được thực hiện có hiệu quả. Hiện nay, hầu hết các TCCSĐ đã xây dựng quy chế, chương trình làm việc của cấp ủy; tuy nhiên, một số cấp ủy không triển khai thực hiện nghiêm túc trong thực tiễn; thay vào đó là sự chỉ đạo theo thói quen và làm việc theo kinh nghiệm, dẫn đến có những vi phạm đáng tiếc đã xảy ra. Vì vậy, các TCCSĐ cần rà soát, hoàn thiện và tổ chức thực hiện nghiêm túc quy chế, chương trình làm việc của cấp ủy.

Đại hội XIII của Đảng đã chỉ rõ: “Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của một số TCCSĐ còn thấp, nhất là việc tổ chức thực hiện nghị quyết và khả năng phát hiện, đề ra chủ trương, biện pháp lãnh đạo giải quyết các vấn đề phát sinh ở cơ sở”. Do vậy, xây dựng TCCSĐ phải hướng vào nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của TCCSĐ, nhất là ở xã, phường, thị trấn. Việc tập trung củng cố, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của TCCSĐ phải gắn với thực hiện đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp hoạt động theo hướng vừa mở rộng dân chủ, vừa tăng cường kỷ cương, kỷ luật; khắc phục tính hình thức, đơn điệu trong sinh hoạt, bảo đảm tính lãnh đạo, tính giáo dục, tính chiến đấu của TCCSĐ. Từ đó, tạo chuyển biến về chất lượng hoạt động của các loại hình TCCSĐ, bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện của Đảng

trên mọi lĩnh vực để xây dựng và phát triển đất nước nhanh và bền vững. Muốn vậy, cấp ủy các cấp trước hết cần đổi mới cách ra nghị quyết theo hướng ngắn gọn, rõ ràng, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ làm, dễ triển khai thành chương trình hành động cụ thể. Khắc phục hiện tượng “khê đọng”, hoặc “bội thực” nghị quyết; không quán triệt, vận dụng sáng tạo, mà chỉ “mô phỏng” nghị quyết của cấp ủy cấp trên. Tăng cường công tác kiểm tra của cấp ủy cấp trên đối với cấp ủy cấp dưới, nhất là kiểm tra việc thực hiện quy chế, chương trình làm việc để kịp thời phát hiện, uốn nắn những lỏng lẻo trong thực hiện những văn bản này. Đồng thời, các cấp ủy cần chỉ đạo xây dựng các đề án, chương trình, kế hoạch, giải pháp cụ thể để tập trung xây dựng TCCSĐ trong sạch, vững mạnh, củng cố các tổ chức yếu kém.

Một phần của tài liệu Ths XDDCQNN chất lượng tổ chức cơ sở đảng cấp xã của đảng bộ huyện dương minh châu, tỉnh tây ninh hiện nay (Trang 28 - 33)

w