III. Đánh giá về kết quả đã đạt được hay chưa đạt được về an toàn xã hội ở cộng đồng nông thôn
1. Cán bộ xã (Trưởng Công an xã)
- Người trả lời phỏng vấn: Trần Cao Đường - Giới tính: Nam
- Tuổi: 32 * Nội dung:
Anh Trần Cao Đường hiện nay là Đại Úy CAND – giữ chức vụ Trưởng Công an của xã Giao Yến. Anh Đường hiện nay đã lập gia đình và có một cô con gái nhỏ năm nay đã được 3 tuổi.
Khi được hỏi về môi trường sống, anh Đường cho biết hiện nay môi trường sống tại địa bàn xã Giao Yến nhìn chung vẫn còn bị ô nhiễm. Địa bàn xã Giao Yến nằm trên trục đường Quốc Lộ 37B, là tuyến giao thông chính xuyên suốt nên lượt xe qua lại rất đông đúc từ đó gây ra sự ô nhiễm về không khí tại địa bàn. Đặc biệt là các hộ gia đình ở mặt đường chính phải chịu ảnh hưởng rất nhiều từ khói bụi và rất ồn ào. Về nguồn nước tại địa phương thì đầu năm 2021 tại địa bàn xã Giao Yến đã được lắp đặt hệ thống nước sạch từ nhà máy chảy về nên nguồn nước sinh hoạt của các hộ gia đình cũng khá là an toàn, không có gì đáng quan ngại. Nhưng về nguồn nước sông ngòi, ao hồ thì lại khá ô nhiễm. Anh Đường cho biết lý do sông ngòi, ao hồ bị ô nhiễm là chủ yếu do cơ số người dân ý thức chưa cao, nước thải sinh hoạt của các hộ gia đình chưa được quy hoạch đúng nơi quy định, chủ yếu là thải ra sống ngòi. Hơn nữa người dân khi đi làm đồng, phun thuốc sâu/thuốc trừ cỏ xong vẫn còn vứt những gói thuốc bừa bãi. Vì những việc đó mà nguồn nước bị ô nhiễm khá nặng nề. Khi được hỏi về các giải pháp để cải thiện môi trường sống, anh Đường cho biết địa phương đã có rất nhiều giải pháp nhằm khắc phục và cải thiện môi trường sống. Địa phương đã cho triển khai cách đay nhiều năm về việc thu dọn rác thường xuyên, thường cứ 1 tuần sẽ thu dọn rác 1 lần, mỗi khu vực có điểm tập trung rác hợp lý để tránh gây ô nhiễm tới môi trường sống. Ngoài ra còn đề ra các giải pháp như sẽ phạt những trường hợp vứt rác thải xuống sống ngòi, ao hồ, mỗi trường hợp vi phạm sẽ bị lập biên bản và phạt 500.000đ. Hơn nữa còn tổ chức, vấn động, treo băng rôn/khẩu hiệu nhằm tuyền truyền, vận động người dân có ý thức hơn để bảo vệ môi trường sống, từ đó sức khỏe của mỗi người dân đều được đảm bảo, môi trường cảnh quan tại địa phương cũng sẽ sạch đẹp hơn.
Về tình hình mưa bão/lũ lụt tại địa phương, anh Đường cho biết rằng tại địa phương khi xảy ra mưa bão/lũ lụt thì người dân cũng cảm thấy khá là an toàn. Bởi lẽ, địa phương xã Giao Yến là một xã thuộc vùng gần biển, mỗi khi có mùa bão đến địa phương phải gánh chịu những ảnh hưởng lớn từ cơn bão, từ xưa tới nay năm nào cũng như vậy nên người dân đã tự ý thức được việc phòng tránh bão sao cho hợp lý nhất. Nhà cửa của người dân cũng khá chắc chắn và kiên cố, chủ yếu là nhà bê tông cốt thép, cộng thêm việc người dân tự ý thức được việc phòng tránh bão nên việc bị ảnh hưởng bởi gió bão là ít xảy ra trừ khi là những con bão lớn thì những căn nhà cấp 4 mới bị ảnh hưởng nhiều. Anh Đường chia sẻ thêm, mỗi khi đến mùa bão, chính quyền địa phương vẫn luôn tuyên truyền, nhắc nhở người dân để đề phòng mưa bão. Còn việc lũ lut thì ở tại địa bàn gần như không có chuyện lũ lụt, nếu có chỉ là những hộ gia đình xây nhà ở vũng trũng, nhưng việc này cũng không ảnh hưởng quá nhiều tới người dân. Anh Đường nói rằng, để mà nói người dân cảm thấy không an toàn nhất khi mà mưa bão về thì chủ yếu là lo cây trồng bị ngập úng, cây lúa bị đổ, mất mùa.
Tại địa bàn xã Giao Yến người dân cảm thấy khá là an toàn về mặt thể chất và tinh thần, việc xảy ra các mâu thuẫn/xung đột trong xã hội là trường hợp ít khi gặp. Nếu có xung đột/mẫu thuẫn chủ yếu là xảy ra trong nội bộ gia đình, hoặc xảy ra việc tranh chấp đất đai giữa các người dân tại bàn. Anh Đường cho biết, Giao Yến là một trong những xã phát triển hàng đầu trong huyện Giao Thủy nên tư tưởng, nhận thức của người dân cũng khá tốt, người dân ý thức được hành động và lời nói của mình, người dân tự né tránh những cuộc mâu thuẫn không đáng có. Chính quyền địa phương cũng có những giải pháp nhằm đẩy lùi những mâu thuẫn/xung đột, chính quyền vận động người dân khi có sự việc xảy ra nên báo ngay cho cơ quan chức năng để có thể kịp thời có mặt và giải quyết. Và chính quyền địa phương vẫn đang làm rất tốt việc đó, luôn có mặt kịp thời và đúng lúc
nhằm xoa dịu sự việc và xử lý những trường hợp quá khích, vi phạm pháp luật. Khi xảy ra mâu thuẫn xung đột trong gia đình thì người dân chủ yếu là chọn cách tự hòa giải hoăc nhờ người thân quen hòa giải, trừ khi xảy ra các trường hợp bạo lực gia đình thì chính quyền mới can thiệp và xử lý. Còn việc mâu thuẫn/xung đột ngoài xã hội như gay gổ đánh nhau, tranh chấp đất đai thì thường người dân sẽ nhờ đến sự can thiệp của chính quyền, nhằm phân chia rõ ràng sự việc và xử lý những vi phạm.
Khi được hỏi về các trường hợp, hành vi lạm dụng/ngược đãi nhóm yếu thế như trẻ em, phụ nữ và người cao tuổi tại địa phương, anh Đường chia sẻ rằng những hành vi này là có xảy ra tuy nhiên thì không xuất hiện nhiều, chủ yếu là phụ nữ bị lạm dụng/ngược đãi, bị bạo lực trong gia đình. Địa phương có có những giải pháp kịp thời nhằm đẩy lùi những hành vi lệch chuẩn, xử lý những vi phạm, những trường hợp lạm dụng/ngược đãi hoặc bạo lực gia đình. Chính quyền địa phương cũng có những buổi tuyên truyền, vận động những nhóm yếu thế nên khai báo thành thật những hành vi lạm dụng/ngược đãi. Bên cạnh đó địa phương cũng có những chính sách nhằm ưu tiên cho trẻ em, phụ nữ và người cao tuổi.
Anh Đường xác nhận, tại địa bàn xã Giao Yến vẫn xảy ra tình trạng như ma túy, trộm cắp, nhưng về mại dâm thì tại địa bàn xã là không hề có. Tuy vẫn còn có sự xuất hiện của tệ nạn xã hội như ma túy, trộm cắp nhưng để mà nói thì tình trạng này xảy ra tại địa phương là ở mức thấp. Anh Đường chia sẻ rằng, lý do tệ nạn xã hội vẫn còn xảy ra là 1 bộ phận người dân chưa nhận thức được hậu quả, tác hại của tệ nạn xã hội, bị nhầm đường lạc lối. Địa phương cũng đã và đang có những giải pháp triệt để nhằm tiếp tục đẩy lùi tệ nạn xã hội tại địa phương như thực hiện công tác tuyên truyền và vận động người dân nâng cao ý thức, cơ quan chức năng thường xuyên rà soát, kiểm tra các hoạt động liên quan đến tệ nạn xã hội, tiến hành xử lý nghiêm với các hành vi liên quan đến tệ nạn xã hội, đồng thời vận động gia
đình và nhà trường cần có những phương pháp giáo dục tốt để cho con trẻ tránh xa tệ nạn xã hội.
Tại địa phương, tình trạng bị đánh cắp thông tin và chống phá chính quyền trên mạng là ít xảy ra, nếu có mất thông tin cá nhân thì chủ yếu là bị mất tài khoản mạng xã hội như Facebook, Zalo,… Lý do xảy ra các tình trạng này là do người dùng chưa thực sự bảo mật tốt thông tin, còn hay truy cập vào các đường link, trang web không đáng tin cậy nên gây ra việc bị đánh cắp thông tin, từ đó các đối tượng xấu sẽ lợi dụng tài khoản đó để đi vay mượn tiền từ người thân quen của chủ tài khoản đó, gây ra thiệt hại về kinh tế cho người dân. Về biện pháp phòng tránh thì địa phương cũng đã đưa ra những khuyến cáo, nhắc nhở và hướng dẫn người dân về việc bảo quản thông tin cá nhân một cách có hiệu quả và bảo mật cao, ngoài ra còn cảnh báo cho người dân nên cảnh giác với những tin nhắn vay mượn tiền. Chính quyền địa phương cũng đã xử lý một số đối tượng vi phạm nhằm răn đe và lấy lại cuộc sống an toàn cho người dân trên không gian mạng.
Về mặt đánh giá về sự hiệu quả của các biện pháp phòng chống về các khía cạnh an toàn xã hội tại địa bàn xã Giao Yến anh Đường chia sẻ rằng, địa phương đã và đang triển khai rất nhiều biện pháp nhằm đẩy các vấn đề tiêu cực ảnh hưởng tới người dân, lấy lại đời sống an toàn cho người dân. Qua các giải pháp triển khai cũng đã mang lại rất nhiều hiệu quả tuy nhiên vẫn có những thiếu sót trong quá trình triển khai. Chính quyền địa phương xã Giao Yến quyết tâm khắc phục những thiết sót đó nhằm đem lại một cuộc sống an toàn cho người dân tại địa phương.