3.1.1. Quan điểm về phát triển bền vững nông nghiệp ở tỉnh Quảng Trị
Con người là trung tâm của sự phát triển bền vững nông nghiệp. Đáp ứng ngày càng cao hơn, đầy đủ hơn nhu cầu vật chất và tinh thần của mọi tầng lớp nhân dân, xây dựng quê hương giàu mạnh, xã hội công bằng dân chủ và văn minh là nguyên tắc quán triệt nhất quán trong mọi giai đoạn phát triển.
Phát triển nông nghiệp phải gắn liền với nông thôn mới. Phát triển bền vững nông nghiệp phải mang lại hiệu quả kinh tế trên cơ sở khai thác lợi thế so sánh của địa phương, tạo ra nhiều nông sản, có chất lượng. Phát triển nông nghiệp theo hướng chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn, tăng dần tỉ trọng giá trị sản xuất ngành chăn nuôi, giảm dần tỉ trọng giá trị sản xuất ngành trồng trọt. Khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư sản xuất, kinh doanh trên lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ ở nông thôn.Tạo điều kiện đẩy mạnh phát triển kinh tế hộ, kinh tế trang trại.
Bảo vệ và cải thiện chất lượng môi trường phải được coi là yếu tố không thể tách rời trong quá trình phát triển nông nghiệp. Tích cực chủ động phòng ngừa, ngăn chặn những tác động xấu với môi trường do hoạt động con người gây ra. Chủ động gắn kết và có chế tài bắt buộc lồng ghép yêu cầu bảo vệ môi trường trong quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội. Chủ động thực hiện phương án phòng, tránh thiên tai trong các cấp, các ngành và trong nhân dân theo phương châm “5 tại chỗ”.
Phát triển nông nghiệp phải đáp ứng một cách công bằng nhu cầu của thế hệ hiện tại và không gây trở ngại với cuộc sống thế hệ tương lai. Tạo lập điều kiện để mọi người, mọi cộng đồng trong xã hội có cơ hội bình đẳng để phát triển, được tiếp cận tới những nguồn lực chung và được phân phối công bằng những lợi ích cộng đồng, tạo ra những nền tảng vật chất, trí thức và văn hóa tốt đẹp cho những thế hệ sau, sử dụng tiết kiệm những tài nguyên không
thể tái tạo được giữ gìn và cải thiện môi trường sống, phát triển hệ thống sản xuất sạch và thân thiện với môi trường; xây dựng lối sống lành mạnh, hài hòa gần gũi và yêu quý thiên nhiên.
Phát triển bền vững nông nghiệp là sự nghiệp của cả hệ thống chính trị và mọi người dân. Phải phát huy tối đa sự tham gia của mọi người có liên quan trong việc lựa chọn các quyết định về phát triển kinh tế, xã hội và bảo vệ môi trường của địa phương. Bảo đảm nhân dân có khả năng tiếp cận thông tin và nâng cao vai trò của các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là phụ nữ, thanh niên trong việc đóng góp vào quá trình ra quyết định về các dự án đầu tư lớn, lâu dài.
3.1.2. Phương hướng phát triển bền vững nông nghiệp ở tỉnh Quảng Trị
Vấn đề phát triển nông nghiệp, nông thôn và nâng cao đời sống nông dân luôn chiếm vị trí quan trọng trong các chương trình nghị sự của Đảng và Nhà nước. Trải qua các kỳ đại hội Đảng, vấn đề nông nghiệp, nông thôn và nông dân ngày càng được Đảng ta nhận thức sâu sắc hơn, trên cơ sở đó đề ra những chủ trương, định hướng đúng đắn, phù hợp với tình hình, yêu cầu trong từng giai đoạn phát triển của đất nước. Điều này được thể hiện đặc biệt rõ nét kể từ khi thực hiện đường lối đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo.
Kinh tế nông, lâm, ngư nghiệp là ngành kinh tế quan trọng, có vai trò to lớn trong đảm bảo an ninh lương thực, xóa đói giảm nghèo, bảo vệ môi trường và giữ ổn định chính trị xã hội. Trong thời gian tới, ngành nông – lâm – thủy sản vẫn giữ vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo an ninh lương thực, xóa đói giảm nghèo, ổn định chính trị xã hội.
- Xây dựng nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa, chuyển đổi và sử dụng hiệu quả lao động nông thôn, tăng giá trị và hiệu quả sử dụng trên 1 ha đất nông nghiệp, đồng thời giữ gìn và bảo vệ môi trường, đảm bảo phát triển bền vững.
- Tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo định hướng hiệu quả và bền vững, phù hợp với mỗi vùng. Phát triển hài hòa giữa trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp, thủy sản và dịch vụ nông nghiệp, nông
thôn. Hình thành các vùng sản xuất tập trung cao sản, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, nguồn nguyên liệu cho công nghiệp chế biến và tăng sản lượng hàng hóa xuất khẩu.
- Thực hiện CNH, HĐH nền nông nghiệp và kinh tế nông thôn. Tăng cường ứng dụng khoa học, kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất và chế biến nông sản. Đầu tư hình thành và nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp áp dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học, công nghệ sạch. Xây dựng quan hệ sản xuất phù hợp trong khu vực nông nghiệp, nông thôn.
- Tăng cường đầu tư các kết cấu hạ tầng nông thôn như giao thông, điện, thủy lợi, trạm giống cây trồng, vật nuôi, thú y, bảo vệ thực vật … Gắn sản xuất nông nghiệp với công nghiệp chế biến. Mở rộng các loại hình dịch vụ, phát triển các ngành nghề, tạo thêm việc làm, tăng thu nhập, góp phần xóa đói giảm nghèo ở các vùng nông thôn.
- Chuyển dịch cơ cấu trong nội bộ ngành theo hướng tăng tỷ trọng các ngành chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản và các ngành nghề, dịch vụ nông thôn, tạo nên sự phát triển hài hòa, bổ trợ lẫn nhau giữa các ngành.
Phát triển toàn diện nông – lâm – ngư nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững, sản xuất hàng hóa có năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh cao; từng bước công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn. Xây dựng nông thôn mới có kết cấu hạ tầng hiện đại, phù hợp với bộ tiêu chú Quốc gia về nông thôn mới. Phấn đấu trong giai đoạn tới tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng nông, lâm, thủy sản đạt bình quân 3,5 – 4%/ năm.
Định hướng phát triển các ngành trong nông nghiệp:
Trong nông nghiệp: Chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp theo hướng giảm tỷ trọng trồng trọt, tăng tỷ trọng chăn nuôi và dịch vụ. Tập trung chuyển đổi cây trồng, mùa vụ, tăng hệ số gieo trồng, tăng hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp. Tăng cường đầu tư thâm canh, sử dụng giống mới, kỹ thuật công nghệ tiên tiến, đưa những cây trồng mới có giá trị kinh tế cao vào sản xuất. Tiếp tục khai thác đất chưa sử dụng ở những nơi còn tiềm năng để đưa vào sản xuất nông nghiệp. Chú trọng áp dụng công nghệ sinh học, công nghệ sạch vào sản
xuất nông nghiệp. Hình thành vùng sản xuất tập trung, tạo tiền đề cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp.
Trong lâm nghiệp: Tập trung bảo vệ và phát triển rừng để đảm bảo mục tiêu nâng độ che phủ rừng lên 50% vào năm 2020. Đẩy mạnh phát triển trồng rừng kinh tế, trồng rừng phòng hộ, rừng sinh thái. Khai thác gỗ và lâm sản hợp lý đảm bảo tái sinh rừng, tận dụng khai thác các lâm sản đặc sản đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu. Thực hiện xã hội hóa nghề rừng, đảm bảo đất rừng có chủ thực sự, gắn nghề rừng với việc tạo thu nhập, xóa đói giảm nghèo cho người dân.
Trong ngư nghiệp: phát triển thủy sản thành ngành kinh tế mạnh theo hướng sản xuất hàng hóa và ổn định vùng nguyên liệu cho công nghiệp chế biến; góp phần quan trọng chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn, tăng khả năng đóng góp cho nền kinh tế, giữ vững an ninh vùng biển, bảo vệ môi trường sinh thái biển. Tăng cường áp dụng khoa học công nghệ, tổ chức quản lý và SX – KD tiên tiến, tiếp cận với các thỏa thuận khu vực và quy định quốc tế, đảm bảo cho ngành thủy sản có thể hòa nhập được với xu thế phát triển chung của các nước, thâm nhập ổn định vào thị trường thế giới và hội nhập quốc tế. Phấn đầu sản lượng thủy sản năm 2020 đạt 38 nghìn tấn. Đến năm 2020 tỷ trọng thủy sản chiếm trên 30% tổng giá trị sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp.