CHÍNH TRỊ XÃ HỘ
GIÁO DỤC –Y TẾ
57. VT. Bàn giao trang thiết bị y tế và xe cho các đơn vị tham gia thực hiện dự án// Ninh Thuận. -2007. -Số 1520. –Ngày 09 tháng 10. –Tr.2
Ban Quản lý Dự án “Nâng cao chất lượng và sử dụng dịch vụ chăm sóc sức khoẻ sinh sản” tỉnh chính thức làm lễ bàn giao 27 hạng mục trang thiết bi y tế… trị giá gần 3,2 tỷ đồng và 7 chiếc xe chuyên dùng trị giá gần 3 tỷ đồng cho một số đơn vị thuộc dự án.
58. Lê Thế Kỷ. Trường THPT Nguyễn Trãi: 2 năm liền dẫn đầu phong trào thi đua cấp tỉnh// Ninh Thuận. -2007. -Số 1520. – Ngày 09 tháng 10. –Tr.5
Để đạt thành tích cao trong hoạt động giáo dục, trường THPT Nguyễn Trãi luôn giữ vững đoàn kết nội bộ, tạo ra sức mạnh giúp nhà trường hoàn thành tốt nhiệm vụ dạy và học. Năm học 2006-2007 kết thúc, Trường THPT Nguyễn Trãi được UBND tỉnh tặng cờ Đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua cấp THPT ngành Giáo dục – Đào tạo của tỉnh. Đây là năm thứ hai liên tiếp nhà trường vinh dự được trao tặng danh hiệu này.
59. Thu Thuỷ. Phan Rang – Tháp Chàm: Cần phát triển mô hình học bán trú trong trường tiểu học// Ninh Thuận. -2007. -Số 1526. –Ngày 23 tháng 10. –Tr.5
Sau 5 năm học, thành phố Phan Rang – Tháp Chàm đã có hơn 1/3 số trường tiểu học thực hiện dạy ngày hai buổi. Để thuận tiện cho việc học tập của con em, rất nhiều phụ huynh muốn con được ở tại trường cả ngày. Tuy nhiên đến nay mô hình học bán trú mới được ngành Giáo dục – Đào tạo của thành phố thực hiện ở duy nhất một trường nên xuất hiện dịch vụ đưa đón học sinh mà “bảo mẫu” là các trường mầm non tư thực hoặc chính giáo viên.
60. Sơn Ngọc. Trung tâm KTTH-HNDN Phan Rang thu hút học sinh hướng nghiệp và đào tạo nghề cho lao động trẻ// Ninh Thuận. -2007. -Số 1524. –Ngày 18 tháng 10. –Tr.5
Trung tâm Kỹ thuật tổng hợp - Hướng nghiệp - Dạy nghề Phan Rang là đơn vị thực hiện nhiệm vụ giáo dục đa ngành nghề. Cán bộ quản lý và giáo viên trung tâm huy động mọi nguồn lực thu hút học sinh học tập hướng nghiệp nghề phổ thông và đào tạo nghề cho nguồn lực lao động trẻ ở địa phương và mở lớp dạy bổ túc THPT cho những học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục được học lên cao, có điều kiện lập thân lập nghiệp.
61. Đặng Hữu. Đẩy mạnh công tác phòng, chống dịch bệnh trong mùa mưa// Ninh Thuận. -2007. -Số 1533. –Ngày 08 tháng 11. –Tr.5
Từ đầu năm đến nay, tình hình dịch bệnh ở tỉnh ta nổi lên nhất là bệnh sốt xuất huyết. Cùng với sự chủ động của ngành Y tế, chính quyền các xã, phường cần tích cực vận động nhân dân giữ gìn và thường xuyên làm công tác vệ sinh môi trường, phát quang bụi rậm xung quanh nhà, công sở, trường học, súc rửa hoặc loại bỏ các vật dụng chứa nước để diệt muỗi, lăng quăng vật trung gian lây truyền bệnh; san lấp những tụ điểm phân, nước gây ô nhiễm môi trường… có như vậy mới phòng được bệnh, tránh những tổn hại cho sức khoẻ cộng đồng.
62. Nhật Lê. Chuyển biến trong công tác dân số ở Phước Chiến// Ninh Thuận. -2007. -Số 1535. –Ngày 13 tháng 11. –Tr.6
Phước Chiến là xã miền núi còn nhiều khó khăn của huyện Thuận Bắc. Dân số toàn xã có trên 3.350 người, chủ yếu là đồng bào dân tộc Raglai. Đến nay, công tác dân số ở xã Phước Chiến đã đạt được những kết quả đáng mừng. Số người áp dụng các biện pháp tránh thai tăng cao, số người thực hiện các gói dịch vụ như: Làm mẹ an toàn và phòng, chống viêm nhiễm đường sinh sản đều đạt và vượt so với chỉ tiêu kế hoạch đề ra.
63. Đặng Hữu. Bảo hiểm Xã hội Ninh Hải nhiều khó khăn trong phát hành thẻ bảo hiểm y tế đến đối tượng nhân dân// Ninh Thuận. -2007. -Số 1536. –Ngày 15 tháng 11 . –Tr.6
Việc phát hành BHYT đến với nhân dân ở huyện Ninh Hải gặp khó khăn một phần do sự chưa nhất quán của ngành chức năng trong việc hoạch định chính sách BHYT và trách nhiệm của các cấp chính quyền cơ sở.
64. Anh Tùng. Khi đồng vốn chính sách đến với sinh viên nghèo// Ninh Thuận. - 2007. -Số 1543. –Ngày 01 tháng 12. –Tr.5
Bắt đầu từ ngày 30/10/2007, Ngân hàng Chính sách Xã hội triển khai thực hiện Quyết định 157 của Thủ tướng Chính phủ cho sinh viên nghèo vay vốn học tập. Có thể xem đây là chiếc “phao” cứu cánh của sinh viên nghèo. Những ngày này, khi mà hàng
ngàn sinh viên ở tỉnh ta đang ngồi trên ghế giảng đường các trường cao đẳng, đại học trong và ngoài tỉnh, thì ngay tại quê nhà, phụ huynh của các em tất bật làm thủ tục vay vốn, với mong mỏi sớm có tiền gửi cho các em trang trải trong học tập.
65. N.H. Tổ chức lễ trao bằng tốt nghiệp cho 52 sinh viên// Ninh Thuận. -2007. -Số 1543. –Ngày 01 tháng 12. –Tr.5
Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh tổ chức lễ tổng kết và trao bằng tốt nghiệp Cao đẳng hệ vừa làm vừa học ngành Thư viện – Thông tin khoá học 2004-2007 cho 52 sinh viên.
66. Uyên Thu. Trường Tiểu học Tri Thuỷ điển hình trong phong trào thi đua “Hai tốt”// Ninh Thuận. -2007. -Số 1544. –Ngày 04 tháng 12. –Tr.5
Trường Tiểu học Tri Thuỷ, huyện Ninh Hải được công nhận danh hiệu trường tiên tiến cấp tỉnh. Đây chính là kết quả phấn đấu nhiều năm liền của tập thể thầy, cô giáo và học sinh trong phong trào thi đua dạy tốt - học tốt.
67. Hội Khuyến học tỉnh trao tặng 25 xe đạp cho học sinh nghèo huyện Ninh Sơn và Bác Ái// Ninh Thuận. -2007. -Số 1546. – Ngày 08 tháng 12. –Tr.1
Từ nguồn Quỹ của Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, Hội Khuyến học tỉnh tổ chức cấp phát 25 xe đạp cho học sinh của 2 huyện Ninh Sơn và Bác Ái.
68. Lê Khải Hoàn. Xây dựng xã hội học tập từ mỗi gia đình// Ninh Thuận. -2007. -Số 1547. –Ngày 11 tháng 12. –Tr.5
Chỉ trong vòng chưa đầy 4 năm phát động, tỉnh ta đã có 100% xã, phường, thị trấn triển khai cuộc vận động, thu hút hơn 38.102 gia đình đăng ký phấn đấu trở thành gia đình hiếu học, trong đó 26.946 gia đình được công nhân gia đình hiếu học và 134 dòng họ được công nhận dòng họ khuyến học.
Trên kệ sách thư viện
GIỚI THIỆU TÁC PHẨM:
NGHỀ DỆT CỔ TRUYỀN CỦA NGƯỜI CHĂM
gười Chăm là một dân tộc thiểu số trong khối cộng đồng dân tộc Việt Nam, có một kho tàng văn hoá đồ sộ và đặc sắc. Kho tàng ấy không những chỉ có những đền tháp lộng lẫy, nguy nga, đứng sừng sững trên những đồi cao suốt dọc dải đất miền Trung mà còn có một di sản nghệ thuật múa hát, lễ hội và nghề thủ công truyền thống độc đáo như nghề gốm và nghề dệt vải. Hiện nay, người Chăm ở Ninh Thuận vẫn còn bảo lưu nghề dệt cổ truyền có hàng ngàn năm lịch sử, gắn liền với thời kỳ hưng thịnh của nền kinh tế Chămpa một thời phát triển rực rỡ ở vùng Đông Nam Á.
Xin giới thiệu đến các bạn cuốn sách: “ Nghề dệt cổ truyền của người Chăm” của tác giả Sakaya, do nhà xuất bản Văn hoá Dân tộc phát hành năm 2003. Sách dày 236 trang, khổ sách 13x19cm.
Nội dung cuốn sách “Nghề dệt cổ
truyền của người Chăm” được trình bày thành ba phần chính như sau:
Phần thứ nhất: Làng dệt người Chăm Mỹ Nghiệp. Phần này giới thiệu tên gọi, địa danh; điều kiện tự nhiên – xã hội và lịch sử hình thành của làng dệt Mỹ Nghiệp.
Làng Mỹ Nghiệp cũng như bao làng Chăm khác có tên gọi chính thức trong giấy tờ hành chính bắt đầu từ thời Minh Mạng. Từ đó đến nay, làng Mỹ Nghiệp có nhiều biến đổi trong việc phân chia trực thuộc địa giới hành chính, có lúc thuộc phủ, đạo, huyện, thị trấn…
Từ thời Minh Mạng đến năm 1954 thì thôn Mỹ Nghiệp có lúc thuộc phủ Bình Thuận, phủ Ninh Thuận, đạo Phan Rang… Từ năm 1954 – 1975, thời Mỹ Nguỵ thì thôn Mỹ Nghiệp lại thuộc xã Phước Hải, quận An Phước, tỉnh Ninh Thuận. Sau khi thống nhất đất nước năm 1975 theo chủ trương của Đảng – Nhà nước vào năm 1976 hai tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận sáp nhập vào thành tỉnh Thuận Hải thì Mỹ Nghiệp vẫn giữ nguyên tên gọi hành chính là thôn Mỹ Nghiệp, xã Phước
Hải nhưng lại thuộc huyện An Sơn. Đến năm 1992 tỉnh Thuận Hải lại được chia tách thành hai tỉnh như cũ là Ninh Thuận và Bình Thuận. Từ đó đến năm 2002 địa danh hành chính thôn Mỹ Nghiệp được đổi thành “ Khu phố 11” thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận.
Điều kiện tự nhiên và xã hội của làng dệt Mỹ Nghiệp rất khó khăn trong việc phát triển nông nghiệp. Đất đai ở đây khô cằn, bạc màu, khí hậu khô nóng, không thuận lợi cho việc phát triển cây lúa nhưng rất thuận lợi cho việc trồng bông dệt vải. Hoạt động kinh tế của làng Chăm Mỹ Nghiệp chủ yếu làm nghề nông và nghề dệt vải. Quy trình dệt vải Chăm Mỹ Nghiệp bắt đầu từ khâu kéo sợi, quay tơ đến dệt vải đều do phụ nữ làm là chính. Nghề nông do đàn ông đảm nhiệm.
Hiện nay làng dệt Mỹ Nghiệp vẫn còn bảo lưu được những giá trị văn hoá, không chỉ giữ nguyên vẹn cấu trúc của một làng nghề, từ hình thái xã hội, quan hệ tộc người, tổ chức lao động sản xuất, hoạt động kinh tế, trao đổi sản phẩm cho đến tôn giáo, tín ngưỡng… đều mang đậm nét cơ chế của xã hội mẫu quyền gắn với nghề thủ công truyền thống xa xưa.Trong gia đình người Chăm, đàn bà đóng vai trò quan trọng, làm chủ thể gia đình và họ tộc. Làng Chăm Mỹ Nghiệp là một trong những làng Chăm theo Bàlamôn giáo. Người Chăm Mỹ Nghiệp có một hệ thống nghi lễ và tục thờ cúng phong phú, đa dạng.
Phần thứ hai: Nghề dệt người Chăm Mỹ Nghiệp. Phần này giới thiệu về nghề dệt
Chăm trong quá khứ lịch sử và hiện nay. Mô tả chi tiết về các loại khung dệt, qui trình dệt vải, từ trồng bông, kéo sợi, nhuộm màu, dệt vải, váy, áo cho đến bố cục, đường nét và màu sắc trong nghệ thuật trang trí hoa văn. Ngoài ra còn trình bày cách tổ chức sản xuất và những nghi lễ, kiêng kị trong nghề dệt vải Chăm.
Người Chăm có một nền thủ công truyền thống rất phong phú như nghề làm gạch, xây tháp, nghề đóng thuyền, đóng xe trâu, làm gốm và dệt vải…Tuy nhiên trong quá trình biến đổi lịch sử thì một số nghề thủ công của người Chăm đã thất truyền. Hiện nay chỉ còn lưu giữ được một số nghề tiêu biểu như nghề gốm và nghề dệt. Nghề dệt cổ truyền của người Chăm Mỹ Nghiệp là một trong những nghề thủ công truyền thống còn tồn tại đến ngày nay trong di sản văn hoá của người Chăm Ninh Thuận.
Làng dệt Mỹ Nghiệp là làng dệt truyền thống nổi tiếng từ lâu đời. Ở làng này, những kỹ năng, kỹ xảo của nghề dệt được trao truyền cho nhau “ mẹ truyền con nối” từ thế hệ này đến thế hệ khác. Hoa văn thổ cẩm Chăm chứa nhiều yếu tố nghệ thuật trong kho tàng văn hoá Chăm. Những nét cơ bản của hoa văn đám tang, trên gốm Chăm, trên những bệ thờ, đền tháp đều có những mô típ, đường nét tương đồng với hoa văn trên vải Chăm. Có thể nói thổ cẩm Chăm là nơi hội tụ những đường nét, gam màu, hình khối, cả về nghệ thuật dân gian và bác học trong kho tàng nghệ thuật Chăm muôn màu, muôn vẻ. Nghề dệt Chăm từ khung dệt, đến sản phẩm dệt, môtíp hoa văn và nghệ thuật trang trí, người Chăm mặc dù có phong cách riêng của mình nhưng vẫn mang nét chung của nghề dệt cổ truyền Đông Nam Á. Đặc trưng chung ấy chính là kết quả của một quá trình truyền bá, tiếp thu kiến thức nghề nghiệp, quá trình giao lưu, trao đổi kinh tế - văn hoá giữa người Chăm và các tộc người khác ở nước ta và Đông Nam Á.
Sản phẩm dệt không chỉ phục vụ cho đời sống phong tục người Chăm mà còn có cả cho các dân tộc khác như Eđê, Churu, Kơho,
Raglai…Ngày nay, sản phẩm dệt của người Chăm được du khách ưa chuộng trên thị trường du lịch ở các nước. Vì vậy, hiện nay nghề dệt đang trở thành nguồn lợi kinh tế quan trọng đối với người Chăm ở Mỹ Nghiệp, tỉnh Ninh Thuận.
Phần thứ ba: Nhận xét, so sánh, kiến nghị và giải pháp. Căn cứ trên những cứ liệu khoa học ở các phần nêu trên, phần này đưa ra nhận xét chung về nghề dệt cổ truyền của người Chăm Mỹ Nghiệp. Qua đó, còn so sánh nghề dệt Chăm với nghề dệt của một số dân tộc khác ở nước ta và khu vực Đông Nam Á. Cuốn sách còn đưa ra những giải pháp, kiến nghị cho nghề dệt người Chăm Mỹ Nghiệp trong cơ chế thị trường, cũng như trong sự nghiệp bảo tồn di sản văn hoá dân tộc ngày nay.
Mặc dù trải qua nhiều biến thiên của lịch sử, người Chăm vẫn còn bảo lưu được nghề dệt cổ truyền của riêng mình. Nghề dệt ấy mặc dù là tiêu biểu cho trình độ sản xuất cổ xưa nhưng đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Nghề dệt Chăm đã và đang góp phần đáng kể trong việc tăng trưởng kinh tế, nâng cao đời sống hàng ngày và làm phong phú thêm bản sắc văn hoá Chăm
Cuốn sách “Nghề dệt cổ truyền của người Chăm” giới thiệu đến các bạn một bức tranh chung nhất về làng nghề, một di sản văn hoá quý giá của người Chăm trong kho tàng văn hoá của đại gia đình các dân tộc Việt Nam phong phú, đa dạng và đặc sắc. Là một dạng văn hoá vật chất, một bộ phận cấu thành nền văn minh Chămpa, nghề dệt Chăm không chỉ là một nhu cầu thiết yếu để phục vụ cuộc sống như ăn, ở, mặc… mà nó còn gắn với nhu cầu thẩm mỹ, phong tục tập quán, tôn giáo, tín ngưỡng. Nghề dệt Chăm với sản phẩm đa dạng, còn tạo nên y phục Chăm, một y phục có sắc thái riêng góp phần quan trọng trong việc hình thành nên một bản sắc văn hoá Chăm mà không lẫn lộn được với dân tộc khác.
Nguyễn Thị Hoà