Đối với những xã nghèo có vị trí địa lý có khả năng nối lưới, Nhà nước hỗ trợ vốn đầu tư để xây dựng mới đường dây tải điện để nối điện lưới quốc gia theo cơ chế: Nhà nước đầu tư đường dây điện để nối điện cao thế, máy biến áp trung thế và công tơ tổng. Phần còn lại (từ sau công tơ tổng) huy động nhân dân cùng góp vốn xây dựng đường hạ thế và kéo điện vào từng nhà. Thực hiện quản lý việc phân phối và bán điện với từng hộ và trả tiền điện cho Nhà nước theo giá công tơ tổng. Có các hình thức tổ chức quản lý, phân phối và thu tiền phù hợp như: tổ chức Ban điện xã; hợp tác xã tiêu thụ điện; hợp tác xã tiêu thụ điện; đấu thầu một nhóm hộ đảm nhận, hoặc công ty điện lực trực tiếp bán điện tới hộ.
Đối với những xã không có khả năng nối lưới (khoảng 200 xã trong số xã nghèo hiện nay), Nhà nước hỗ trợ vốn hoặc cho vay tín dụng ưu đãi với lãi suất bằng không để nhân dân tự làm các công trình cấp điện tại chỗ như: thủy điện nhỏ; máy phát điện gia đình, liên gia đình sử dụng các loại hình năng lượng khác (năng lượng gió, mặt trời...).
Đối với các hộ gia đình thuộc diện đặc biệt khó khăn, Nhà nước sẽ hỗ trợ thêm một phần kinh phí để nối điện từ nguồn chung vào đến nhà và lắp đặt đường dây điện trong nhà.
Nhà nước hỗ trợ đào tạo, tập huấn cán bộ, nhân viên làm nhiệm vụ quản lý và vận hành và duy tu dưỡng hệ thống phân phối điện một cách có hiệu quả, trước mắt ưu tiên cho vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện phức tạp.
Chi phí tu dưỡng công trình điện được tính tiền sử dụng điện hàng năm. Những xã đặc biệt khó khăn Nhà nước hỗ trợ một phần sửa chữa lớn.