Báo chí tỉnh Phú Thọ

Một phần của tài liệu Ths BCH báo chí địa phương khu vực miền núi phía bắc với vấn đề phát triển khoa học và công nghệ hiện nay (nghiên cứu 2 trường hợp phú thọ, tuyên quang năm 2016) (Trang 48 - 52)

Hiện nay, mạng lưới báo chí của tỉnh Phú Thọ đã phát triển toàn diện với 04 loại hình: Báo in (Báo Phú Thọ hàng ngày, Báo Phú Thọ cuối tuần, Tạp chí văn nghệ đất Tổ); báo nói, báo hình (Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh); báo điện tử (Báo Phú Thọ online). Ngoài ra còn 06 cơ quan đại diện, phóng viên báo chí Trung ương thường trú: Thông tấn xã Việt Nam, Báo Nhân dân; Báo Quân khu II; Tạp chí Thế giới Ảnh; Tạp chí Doanh nghiệp và Hội nhập; Báo Kinh doanh & Pháp luật. Các đơn vị cung cấp dịch vụ Truyền hình trả tiền: Công ty TTHH Một thành viên Truyền hình cáp Việt Nam, Dịch vụ truyền hình giao thức Internet trên mạng viễn thông (IPTV) MyTV-Viễn thông Phú Thọ; Dịch vụ truyền hình giao thức Internet trên mạng viễn thông (IPTV) NextTV-Viettel Phú Thọ; Dịch vụ truyền hình An Viên (Bưu điện tỉnh Phú Thọ). Bên cạnh các cơ quan báo chí, còn một số loại hình hoạt động mang tính chất báo chí khác, gồm: Báo Phú Thọ điện tử tỉnh Phú Thọ; các Đặc san, Bản tin của các sở, ban, ngành, tổ chức xã hội và một số địa phương trong tỉnh; 19 trang thông tin điện tử tổng hợp của các cơ quan hành chính, doanh nghiệp trên địa bàn; 13 đài truyền thanh - truyền hình cấp huyện và 277 đài truyền thanh ở các xã, phường, thị trấn. Về đội ngũ nhà báo, phóng viên: Toàn tỉnh hiện có gần 100 phóng viên, biên tập viên được cấp thẻ nhà báo, trên 220 hội viên Hội Nhà báo.

Trong những năm qua, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Tỉnh uỷ, UBND tỉnh, báo chí Phú Thọ luôn giữ vững tôn chỉ mục đích, bản lĩnh chính trị; tích cực đầu tư về cơ sở vật chất, nguồn nhân lực; từng bước đổi mới nội dung và hình thức thể hiện các sản phẩm báo chí, góp phần tuyên truyền, quảng bá hình ảnh quê hương, con người Phú Thọ trong thời kỳ công nghiệp hóa - hiện đại hóa, chuyển đổi cơ cấu kinh tế và hội nhập kinh tế quốc tế. Báo chí Phú Thọ đã làm tốt chức năng tư tưởng, văn hóa và nhiệm vụ chính trị tư tưởng của báo chí cách mạng, kịp thời biểu dương người tốt, việc tốt, những nhân tố

mới, những điển hình tiên tiến trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Là lực lượng xung kích đi đầu trong đấu tranh chống tiêu cực và xây dựng con người mới. Các sản phẩm báo chí đã thực sự trở thành món ăn tinh thần trong đời sống của nhân dân.

Cùng với sự phát triển của các loại hình báo chí, sự ra đời các phương tiện, thiết bị truyền thông hiện đại và những xu hướng mới trong hoạt động báo chí đòi hỏi các cơ quan báo chí không ngừng được đổi mới, kịp thời nắm bắt được xu hướng phát triển để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, tạo điều kiện, thúc đẩy sự phát triển báo chí của tỉnh trong thời kỳ mới.

2.1.1.1. Báo Phú Thọ

Ngày 22/4/1962, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Phú Thọ ra Nghị quyết số 02- NQ/TU, về việc chuyển từ tờ tin Phú Thọ thành Báo Phú Thọ, cơ quan Đảng Lao động Việt Nam của tỉnh Phú Thọ, tờ báo có 4 trang, khổ 27x40cm, được in 2 màu.

Tháng 2/1968, hai tỉnh Vĩnh Phúc và Phú Thọ hợp nhất thành tỉnh Vĩnh Phú, tờ báo được đổi tên thành báo Vĩnh Phú, với khổ báo 27x40cm, xuất bản

tuần 2 kỳ với số lượng 4.500 – 5.000 tờ/kỳ. Đến tháng 8/1994, tăng lên xuất bản 3 kỳ trong tuần vào các ngày thứ ba, thứ 5 và thứ 7.

Tháng 11/1997, thực hiện Nghị quyết của Quốc hội khóa IX, kỳ họp thứ 10 về chia tách tỉnh Vĩnh Phú thành tỉnh Phú Thọ và tỉnh Vĩnh Phúc sau gần 30 năm hợp nhất. Đến ngày 01/9/1998, báo Phú Thọ đã tăng từ 3 kỳ xuất bản lên 4 kỳ trong tuần vào các ngày thứ hai, thứ tư, thứ sáu và thứ bảy; in 2 màu các trang 1 và 4 báo hàng ngày. Năm 2003, báo Phú Thọ tăng thêm 1 kỳ xuất bản, đưa số kỳ xuất bản lên 5 kỳ và mở rộng khổ báo lên 42x62cm (khổ to như báo Nhân dân). Ngày 01/01/2005, báo Phú Thọ đã chính thức đăng tải báo mạng Điện tử Phú Thọ (www.baophutho.vn). Báo Phú Thọ online có sự phân trang, phân mục rõ ràng, ổn định, các nội dung thông tin được cập nhật hàng giờ.

Hiện nay, báo Phú Thọ có gần 60 cán bộ, phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên và nhân viên, trong đó có 43 người có trình độ đại học, trên đại học; 3 người trình độ cao đẳng, còn lại là trung học chuyên nghiệp và công nhân kỹ thuật. Báo Phú Thọ có lượng phát hành báo hàng ngày trên 7.000 tờ/kỳ; Báo cuối tuần 5.000 tờ/kỳ; báo điện tử Phú Thọ online được cập nhật thông tin hàng ngày.

2.1.1.2. Đài PT-TH Phú Thọ

Ngày 01/9/1975, Đài truyền thanh Vĩnh Phú chính thức phát sóng (sóng ngắn) thay thế công nghệ truyền thanh cổ điển bằng dây trước đây, mở ra hướng phát triển mới với diện phủ sóng rộng hơn, hiệu quả hơn. Đây là một mốc son đánh dấu sự chuyển đổi từ truyền thanh sang phát thanh. Đài truyền thanh Vĩnh Phú được đổi tên thành Đài tiếng nói Vĩnh Phú.

Ngày 7/9/1993, chương trình truyền hình Vĩnh Phú đầu tiên được phát sóng. Đến năm 1997, tỉnh Vĩnh Phú được chia tách thành hai tỉnh Vĩnh Phúc và Phú Thọ, lúc này, Đài tiếng nói Vĩnh Phú được đổi tên thành Đài PT-TH Phú Thọ từ đó đến nay. Ban đầu, đội ngũ cán bộ còn ít, thiết bị máy móc còn thô sơ, song

Đài PT-TH Phú Thọ đã phát triển nhanh chóng. Đến nay, với gần 100 cán bộ, viên chức, người lao động; trang thiết bị kỹ thuật từng bước được hiện đại; tập thể cán bộ, phóng viên, biên tập viên, phát thanh viên, kỹ thuật viên từng bước chuyên nghiệp hóa, làm chủ công nghệ truyền hình. Từ phát sóng 3 buổi trong tuần, hiện nay đã phát sóng các ngày trong tuần với thời lượng gần 20 giờ mỗi ngày.

Ngày 29/3/2014, Đài PT-TH Phú Thọ chính thức phát sóng trên vệ tinh Vinasat-1, thông qua hệ thống truyền hình của VTC, vì vậy, thời lượng phát sóng đã tăng lên, chất lượng đường chuyền tốt, ổn định, hình ảnh rõ nét, âm thanh rõ ràng. Hiện nay, ngoài việc bám sát tuyên truyền dòng thời sự chủ lưu diễn ra trong ngày, Đài PT-TH Phú Thọ đã xây dựng 6 chuyên mục liên quan đến việc tuyên truyền phát triển kinh tế như: Tạp chí Kinh tế; Thuế Nhà nước; Muôn cách làm giàu; Khởi nghiệp; Khuyến nông Phú Thọ; Doanh nghiệp – Doanh nhân Đất Tổ và nhiều chuyên mục thuộc các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, khoa học, y tế...

Trước xu thế hội nhập, Đài PT-TH Phú Thọ đang từng bước tự chủ về kinh tế, thoát dần chế độ bao cấp. Trình độ, chuyên môn nghiệp vụ của cán bộ ngày càng được nâng lên. Chất lượng các chương trình phát sóng được nâng cao cả về nội dung và phương thức thể hiện. Chính vì lẽ đó, Đài PT-TH Phú Thọ là phương tiện truyền thông được công chúng của tỉnh đón xem nhiều nhất trong các cơ quan báo chí của Phú Thọ hiện nay.

2.1.1.3. Báo Phú Thọ điện tử tỉnh Phú Thọ

Báo Phú Thọ điện tử tỉnh Phú Thọ trực thuộc Sở Thông tin và Truyền thông Phú Thọ, chính thức đi vào hoạt động từ tháng 4/2007. Báo Phú Thọ điện tử tỉnh Phú Thọ luôn tập trung đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền phục vụ các nhiệm vụ chính trị; cung cấp các dịch vụ công trực tuyến; đảm bảo an toàn, an ninh thông tin, đáp ứng nhu cầu tìm kiếm, sử dụng thông tin và thực hiện các giao dịch công giữa tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp với các cơ quan nhà nước trong tỉnh; khẳng định vai trò kênh thông tin chính thống trong hệ thống thông tin của tỉnh.

Báo thực hiện tốt việc tuyên truyền phổ biến các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; bám sát tình hình thực hiện các nhiệm vụ chính trị, kinh tế - xã hội - văn hóa, an ninh - quốc phòng, các sự kiện nổi bật của đất nước, của tỉnh để tổ chức thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ thông tin, tuyên truyền phục vụ nhiệm vụ chính trị của tỉnh. Xây dựng các chuyên trang, chuyên mục cung cấp thông tin trên Báo Phú Thọ điện tử tỉnh để các cơ quan thông tin tuyên truyền từ tỉnh đến cơ sở, các tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng, đáp ứng tốt quyền và nhu cầu được thông tin của người dân, đồng thời góp phần định hướng dư luận.

Ngoài ra, Báo Phú Thọ điện tử tỉnh Phú Thọ còn tích hợp hệ thống một cửa điện tử cung cấp các dịch vụ hành chính công trực tuyến mức độ 2, 3 trên Báo Phú Thọ điện tử . Duy trì chuyên mục Hỏi đáp trực tuyến và tích hợp các ứng dụng, tiện ích phục vụ nhu cầu tìm hiểu, tra cứu thông tin về tỉnh của các tổ chức, doanh nghiệp, người dân, góp phần phục vụ cải cách hành chính, minh bạch thông tin, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Đây là trang thông tin điện tử có nội dung thông tin phong phú và thu hút rất nhiều độc giả.

Hoạt động của Ban Biên tập chặt chẽ, hiệu quả. Các phóng viên, biên tập viên đều có trình độ chuyên môn, năng lực, tâm huyết. Công tác phối hợp cung cấp thông tin, tuyên truyền trên Báo Phú Thọ điện tử với các ngành, địa phương có nhiều chuyển biến tích cực, ngày càng hiệu quả hơn. Mạng lưới cộng tác viên không ngừng được mở rộng, chất lượng hoạt động ngày càng nâng lên. Chuyên mục KH&CN chứa rất nhiều thông tin có tính thời sự và phản ánh tốt công tác quản lý khoa học và ứng dụng công nghệ trên địa bàn tỉnh Phú Thọ.

Một phần của tài liệu Ths BCH báo chí địa phương khu vực miền núi phía bắc với vấn đề phát triển khoa học và công nghệ hiện nay (nghiên cứu 2 trường hợp phú thọ, tuyên quang năm 2016) (Trang 48 - 52)

w