2. Yếu tố ảnh hưởng đến chất lượng hiệu quả công tác truyềnthông chính sách
2.4. Quy định về chế độ,chính sách
Trong thời gian qua, hiệu quả tuyên truyền chưa cao còn do những bất cập nội tại trong bản thân các chế độ, chính sách về BHXH, BHYT chưa thực sự hấp dẫn đối với người tham gia.
Hạn chế lớn nhất của Luật BHXH hiện hành là không thể mở rộng được phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, không đa dạng hóa các loại hình. Ngày 23/5/2018,Nghị quyết số 28-NQ/TW của Hội nghị lần thứ bẩy Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về cải cách chính sách BHXH được ban hành nhằm từng bước khắc phục tình trạng đó. Tuy nhiên, để khắc phục tình trạng này đòi hỏi phải có lộ trình. Nguyên nhân khiến NLĐ không “Mặn mà” tham gia đóng BHXH, nhất là đối tượng không bắt buộc là do thiếu công bằng trong thụ hưởng chế độ BHXH. Chẳng hạn: Cán bộ CCVC được tính lương hưu dựa trên 5 năm cuối cùng; còn công nhân thì lại lấy tổng lương của quá trình làm việc chia trung bình để tính lương hưu. Một phần nguyên nhân nữa là do tâm lý NLĐ không muốn đóng BHXH mà muốn lấy ngay tiền đóng BHXH và BHYT cho cơ quan, xí nghiệp để bù vào mức lương thấp; tích lũy dần rồi gửi tiết kiệm. Ngoài ra, quy định hiện hành của Luật BHXH còn nhiều “Kẽ hở” khiến NLĐ chưa thực sự được đảm bảo quyền lợi: Luật BHXH và các văn bản dưới Luật không có quy định về thu BHXH, BHYT, BHTN đối với hình thức khoán. Do đó, nhiều doanh nghiệp đã dùng chiêu ký hợp đồng khoán và cách quãng thời gian.
Chính sách BHXH tự nguyện chưa hấp dẫn, cụ thể, người tham gia BHXH tự nguyện chỉ được hưởng 02 chế độ là hưu trí, tử tuất, không được hưởng chế độ thai sản, ốm đau, tai nạn lao động-bệnh nghề nghiệp, trong khi tỉ lệ mức đóng BHXH tự nguyện còn khá cao (22%). Mặt khác, quy định mức hỗ trợ đối tượng này trên cơ sở mức thu nhập chuẩn nghèo nông thôn chưa gắn với thực tế mức chuẩn nghèo ở mỗi địa phương cũng khiến chính sách kém hấp dẫn đối với người dân.
Bên cạnh đó, những thay đổi trong chính sách BHXH như tăng thêm 5 năm đóng BHXH để hưởng mức lương hưu tối đa; dự định nâng tuổi nghỉ hưu; điều kiện hưởng BHXH 1 lần quá dễ dàng cũng góp phần gia tăng lượng người hưởng BHXH 1 lần.
Để đạt được mục tiêu mà Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương, khóa XII về cải cách chính sách BHXH đề ra là phấn đấu đến năm 2021, 2025, 2030, lần lượt đạt khoảng 35%, 45%, 60% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH là hết sức khó khăn và thách thức, đòi hỏi phải có một lộ trình thực hiện mở rộng đối tượng với chỉ tiêu theo từng năm và đồng thời phải thực hiện sửa đổi, bổ sung nhiều chế độ BHXH cả bắt buộc và tự nguyện để chính sách thu hút, hấp dẫn với NLĐ ở cả khu vực có quan hệ lao động và không có quan hệ lao động.
Đối với Luật BHYT, Nghị định 146/2018/NĐ-CP có hiệu lực kể từ ngày 01/12/2018, thay thế Nghị định số 105/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số Điều của Luật. Tuy nhiên đến nay vẫn chưa có Thông tư hướng dẫn; Quy định không thực hiện điều trị nội trú tại các Phòng khám đa khoa khu vực đối với các tỉnh miền núi, có xã thuộc vùng sâu vùng xa gây khó khăn cho người bệnh; Chế độ, quyền lợi, văn bản thay đổi liên tục khiến đối tượng tham gia BHYT không nắm bắt kịp thời được quyền lợi của mình khi đi KCB, cụ thể việc gia tăng và thay đổi giá viện phí trong 03 năm liên tục theo Thông tư số 37/2015/TTLT-BYT-BTC, Thông tư: 15/2018/TT-BYT; Thông tư 39/2018/TT-BYT.Đó là những lý do làm giảm đi tính hấp dẫn của BHYT đối với người đã tham gia BHYT và những người chưa tham gia BHYT.