Tiêu chuẩn đánh giá nhân sự được thiết lập dựa trên mục tiêu của tổ chức và bản mô tả công việc của người lao động. Xuất phát từ mục tiêu của tổ chức, người ta thiết lập các nội dung đánh giá, các tiêu chuẩn để định hướng hành vi của người lao động đến việc đạt được các mục tiêu đó. Xuất phát từ bản mô tả công việc, người ta thiết lập các nội dung, tiêu chuẩn để đánh giá kết quả thực hiện các công việc cụ thể của chức danh công việc mà người lao động đang đảm nhận.
Tiêu chuẩn đánh giá phải phản ánh được các kết quả và hành vi cần có để thực hiện thành công một công việc. Tiêu chuẩn đánh giá phải làm cho thấy những gì người lao động cần làm trong công việc và cần phải làm tốt đến mức nào. Đồng thời, các tiêu chuẩn phải phản ánh hợp lý các mức độ yêu cầu về số lượng và chất lượng thực hiện công việc, phù hợp với từng đặc điểm của từng công việc. Như vậy đo lường sự thực hiện công việc được hiểu là ấn định một con số hay một thứ hạng để phản ánh mức độ thực hiện công việc của người lao động theo các đặc trưng hoặc khía cạnh đã được xác
định trước của công việc. Đây là yếu tố trung tâm của đánh giá: thiết lập tiêu chí, tiêu chuẩn đánh giá chính là tạo một hệ thống đánh giá tính hiệu quả được duy trì và cải tiến liên tục hướng tới việc thực hiện các mục tiêu và nhiệm vụ đặt ra của tổ chức. Tiêu chuẩn đánh giá cũng là một cơ sở để quyết định phương pháp đánh giá, thiết kế phiếu đánh giá và đặc biệt ảnh hưởng tới việc tiến hành đánh giá. Các tiêu chuẩn , tiêu chí đánh giá cần được thảo luận với người lao động để hoàn thiện công việc của họ.
Đầu tiên chúng ta đi xác định những nội dung cơ bản cần đánh giá. Những nội dung này thông thường bao gồm các lĩnh vực, kỹ năng, kết quả cần đánh giá trong mối tương quan với việc thực hiện các mục tiêu của doanh nghiệp. Các nội dung đánh giá có 2 loại: các nội dung thuộc về tiêu chuẩn hành vi và các nội dung thuộc về tiêu chuẩn kết quả thực hiện công việc. Để xác định các nội dung cơ bản cần đánh giá và cần nghiên cứu kỹ bản mô tả công việc. Từ bản mô tả công việc sẽ xác định các nội dung thuộc về nội dung thực hiện nhiệm vụ của người lao động. Dựa vào mục tiêu đánh giá tổ chức có thể đưa ra một số nội dung đánh giá khác ảnh hưởng đến việc thúc đẩy tiến trình thực hiện thành công các mục tiêu của tổ chức. Mặt khác, việc thực hiện nhiệm vụ thuộc chức danh công việc đảm nhận vẫn là vấn đề quan trọng nhất đối với người lao động nên tỷ trọng cho phần đánh giá nhiệm vụ thường cao hơn các nội dung đánh giá khác. Mỗi nội dung đánh giá có thể bao gồm 1 hoặc nhiều tiêu chí đánh giá. Tiêu chí đánh giá được chia thành tiêu chí định tính và định lượng. Tiêu chuẩn đánh giá được xây dựng nhằm đo lường mức độ thực hiện công việc của người lao động. Căn cứ nội dung đánh giá, tiêu chí đánh giá được lựa chọn, người quản lý sẽ xác định mục tiêu, định lượng công việc nhân viên cần phải thực hiện để đạt được các mục tiêu đặt ra. Cần lưu ý, mục tiêu đề ra cần đạt được sự thống nhất giữa lãnh đạo và nhân viên thực hiện để tránh tình
trạng người lãnh đạo áp đặt công việc vượt quá khả năng thực hiện của nhân viên hoặc nhân viên đăng ký mức độ hoàn thành công việc dưới khả năng thực hiện của mình để làm việc nhàn nhã và dễ đạt thành tích. Căn cứ kết quả phân tích công việc và bản mô tả công việc, người lãnh đạo có thể xác định mức độ ưu tiên, mức độ quan trọng của từng công việc để quyết định tiêu chuẩn đánh giá phù hợp.